Duong Tu – 2021-03-27 12:52:36
**CUỘC CHIẾN CHỐNG CÁC XƯỞNG SẢN XUẤT BÀI BÁO DỎM**
Xin giới thiệu bài viết mới trên Nature về cuộc chiến chống lại vấn nạn bài báo dỏm đến từ các xưởng sản xuất bài (paper mill): https://www.nature.com/articles/d41586-021-00733-5
Tháng 1 năm ngoái, Elisabeth Bik và một số thám tử đã công bố danh sách gần 500 bài báo có khả năng được tạo ra từ cùng một paper mill: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/397193191527519
Đến tháng 3/2020, nhóm thám tử này đã liệt kê trên 1300 bài bị nghi vấn là được sản xuất bởi các nhà máy đẻ bài dỏm: https://media.nature.com/original/magazine-assets/d41586-021-00733-5/18994812
Cho đến nay, khoảng 26% số bài nghi vấn đã bị các tạp chí gỡ bỏ hoặc ra thông báo thể hiện quan ngại (expression of concern).
Thống kê của Nature cho thấy chỉ trong vòng hơn một năm qua, các tạp chí đã phát hiện và rút ít nhất 370 bài báo có thể liên quan đến các paper mill, điển hình là:
– Tháng 1/2021, tạp chí RSC Advances của Hiệp hội Hóa học Hoàng gia Anh (RSC) đưa thông cáo cho biết đã rút 68 bài, hai tạp chí khác cũng của RSC mỗi tạp chí rút 1 bài, 15 bài khác đang được điều tra. Tất cả bài báo bị rút đều của các tác giả ghi địa chỉ là các bệnh viện Trung Quốc: https://www.rsc.org/news-events/articles/2021/jan/paper-mill-response
– Tạp chí Artificial Cells, Nanomedicine, and Biotechnology đang điều tra gần 100 bài báo bị cáo buộc là được tạo ra từ các paper mill.
– Nhà xuất bản Wiley cho biết đã tiến hành điều tra 73 bài báo bị nhóm của Elisabeth Bik đặt nghi vấn: 55 bài đã hoặc sẽ bị rút, 7 bài bị yêu cầu phải sửa chữa.
– Journal of Cellular Biochemistry cho biết năm ngoái, tạp chí này đã điều tra và rút 23 trong số 137 bài bị cáo buộc là sửa chữa hình ảnh.
– Tạp chí Naunyn-Schmiedeberg’s Archives of Pharmacology đang tiến hành rút 10 bài và ước tính khoảng 5% bản thảo nộp cho tạp chí này đến từ các paper mill.
– Tạp chí European Review for Medical and Pharmacological Sciences đã rút 186 bài kể từ tháng 1/2020, hầu hết do nhóm của Elisabeth Bik đặt nghi vấn.
Nature cũng thống kê có thêm 197 bài báo khác của các tác giả lấy địa chỉ là các bệnh viện tại Trung Quốc bị gỡ bỏ kể từ đầu năm ngoái. Những bài báo này không nằm trong danh sách nghi vấn do nhóm của Elisabeth Bik đưa ra. Một số bài bị đặt nghi vấn sửa chữa hình ảnh trên PubPeer.
Nhưng đây nhiều khả năng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Người đứng đầu các dịch vụ xuất bản của Elsevier cho biết vấn nạn gian lận học thuật một cách có tổ chức không mới và không chỉ đến từ Trung Quốc. Họ đã thấy nhiều bằng chứng gian lận từ một số nước khác như Iran và Nga. Elsevier nói rằng hàng năm, các tạp chí của nhà xuất bản này đã phát hiện và ngăn chặn hàng ngàn bài báo từ các paper mill, nhưng một số bài vẫn được đăng trót lọt.
**Trung Quốc**
Trung Quốc từ lâu đã được biết tới bởi vấn nạn các công ty dịch vụ bán bài báo cho các nhà nghiên cứu.
Từ năm 2010, một nhóm nghiên cứu tại nước này đã cảnh báo về những trang web chuyên cung cấp dịch vụ viết bài thuê hoặc dịch vụ lũng đoạn quá trình bình duyệt.
Hồi 2013, Science đã công bố điều tra về vấn nạn mua bán bài báo ở Trung Quốc với mức giá dao động từ 1.600 đến 26.300 Mỹ kim mỗi bài: https://science.sciencemag.org/content/342/6162/1035
Năm 2017, tạp chí Tumor Biology đã rút một loạt 107 bài báo của các tác giả Trung Quốc với lý do giả mạo quá trình bình duyệt: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/423524055561099
Các bác sĩ Trung Quốc là khách hàng đầy tiềm năng của các paper mill do họ cần công bố bài báo để thăng tiến nhưng lại quá bận rộn với việc khám chữa bệnh đến nỗi không còn thời gian để nghiên cứu.
Tháng 8 năm ngoái, cơ quan y tế thành phố Bắc Kinh đưa ra quy định một bác sĩ muốn được đề bạt làm bác sĩ phó (deputy chief physician) phải đứng tên đầu ít nhất hai bài báo quốc tế; bác sĩ trưởng (chief physician) phải là tác giả của ít nhất ba bài như vậy. Những chức danh này ảnh hưởng đến mức lương và quyền hạn của bác sĩ cũng như những loại phẫu thuật mà họ được phép thực hiện.
Bộ Khoa học và Công nghệ lẫn Bộ Giáo dục Trung Quốc hồi tháng 2 năm ngoái đã đưa ra các biện pháp hạn chế việc khuyến khích xuất bản những bài báo dỏm. Hai bộ này yêu cầu các cơ sở nghiên cứu, bao gồm cả các bệnh viện, không được đề bạt hoặc tuyển dụng nhân sự chỉ dựa vào số bài báo cũng như cấm thưởng tiền cho công bố: https://www.nature.com/articles/d41586-020-00574-8
Đến tháng 8, Trung Quốc công bố tiếp một loạt biện pháp xử lý các hành vi sai trái trong nghiên cứu, bao gồm nhiều nỗ lực hạn chế các công ty viết thuê và các xưởng sản xuất bài từ dữ liệu ngụy tạo: https://www.nature.com/articles/d41586-020-02445-8
**Dấu hiệu nghi vấn**
Những bài báo có nguồn gốc từ paper mill do các tác giả khác nhau với địa chỉ không giống nhau đứng tên nhưng lại có chung một số đặc điểm như: kết quả Western blot (một kỹ thuật phát hiện protein bằng điện di) có nền giống hệt nhau và đường viền mượt mà một cách đáng ngờ, tiêu đề các bài báo dường như là những biến thể của cùng một chủ đề, các biểu đồ cột thể hiện kết quả của những thí nghiệm khác nhau có bố cục giống nhau, những đồ thị đếm tế bào theo dòng chảy giống hệt nhau, trình tự nucleotide sai sót… Những bài báo này có vẻ như được tạo ra từ chung một khuôn mẫu, chỉ thay đổi một chút câu chữ để làm chúng trông có vẻ khác nhau.
Một số chi tiết kĩ thuật khác có thể gây nghi vấn như tác giả dùng địa chỉ email không gắn với nhà nghiên cứu thực, các địa chỉ email phi học thuật, các bản thảo nộp từ cùng một máy tính, tác giả không có khả năng cung cấp dữ liệu thô khi được yêu cầu, tiếng Anh kém…
Có những paper mill thận trọng hơn, không để mắc những lỗi này và đã qua mặt được các tạp chí để xuất bản trót lọt nhiều bài báo dỏm. Các biên tập viên tại diễn đàn của Ủy ban Đạo đức Xuất bản (COPE) cho biết họ đã từng thấy những paper mill trong nhiều lĩnh vực khác như khoa học máy tính, kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn. Quy mô của vấn nạn này có thể lên tới hàng ngàn hoặc chục ngàn xưởng sản xuất bài báo dỏm.
**Giải pháp?**
Một trong những giải pháp để đối phó với các paper mill là yêu cầu tác giả nộp dữ liệu thô đối với những bản thảo có dấu hiệu nghi vấn. Tuy nhiên, ngay cả dữ liệu thô cũng có thể bị làm giả. Có những paper mill khi bị điều tra đã nhanh chóng rút bài hoặc gửi dữ liệu thô ở định dạng không để đọc được.
Một số tạp chí đã bắt đầu tuyển người chuyên phân tích và phát hiện các dấu hiệu nghi vấn trong các bản thảo. Năm ngoái, nhà xuất bản Wiley đã tuyển dụng và đào tạo 11 người để phát hiện các hình ảnh bị chỉnh sửa trên 24 tạp chí và dự định sẽ mở rộng cho nhiều tạp chí hơn.
Elsevier lại cố gắng tự động hóa quá trình này bằng phần mềm phát hiện hình ảnh trùng lặp. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần một cơ sở dữ liệu khổng lồ về hình ảnh được các nhà xuất bản chia sẻ và phần mềm phải có đủ khả năng xử lý khối dữ liệu này.
Nhưng đây có thể là cuộc chạy đua xuống đáy khi một nghiên cứu mới đây cho thấy trí tuệ nhân tạo nay đã có khả năng tạo ra những hình ảnh giả mạo không thể phân biệt được với kết quả thật: https://www.biorxiv.org/content/10.1101/2020.11.24.395319v2
Statistics:
Likes: 152, Shares: 29, Comments: 6
Like Reactions: 141, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 6, Love Reactions: 4, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0