Duong Tu – 2021-03-10 09:22:46
**HAI GHI CHÚ LIÊN QUAN ĐẾN SAI SÓT KHOA HỌC**
**1. Wikipedia**
Tất cả các báo đưa tin về sai sót của nhóm GS Nam Phan đều bắt đầu bằng thông tin Wikipedia “đăng tải bài viết”. Đây chỉ là một nửa sự thật. Trên thực tế, Wikipedia không “đăng tải bài viết” nào như thế cả.
Thật vậy, thông tin này chỉ có thể được hiểu đúng khi đi kèm với hai dữ kiện sau đây liên quan đến cơ chế hoạt động của Wikipedia:
– Wikipedia là nơi bất kỳ ai cũng có quyền sửa chữa, thay đổi, thêm bớt bất kỳ nội dung gì vào bất kỳ bài viết nào. Người khác thấy những nội dung đó không đúng có thể sửa lại theo ý họ.
– Những thông tin sai sự thật, vu khống, bôi nhọ khi đã được thêm vào một bài viết trên Wikipedia có thể bị xóa bỏ khỏi phiên bản hiện hành nhưng vẫn luôn được lưu thành các phiên bản cũ trong lịch sử sửa đổi.
Những ai không hiểu rõ cách thức hoạt động của Wikipedia, nhất là nhiều độc giả báo phổ thông, có thể nhầm tưởng rằng (i) Wikipedia là khuôn vàng thước ngọc, thông tin gì cũng đúng và (ii) phiên bản nào của một bài viết trên trang này cũng có giá trị.
“Bài viết” mà các báo nhắc đến thực chất chỉ là một phiên bản cũ của trang Wikipedia về GS Nam Phan mà thôi. Tất cả nội dung tố cáo trong phiên bản này đều không được chấp nhận và đã bị quản trị viên của Wikipedia loại bỏ hoàn toàn khỏi phiên bản hiện hành.
Việc các báo không nói rõ những chi tiết tuy nhỏ nhưng quan trọng này có thể khiến nhiều độc giả hiểu sai bối cảnh và thực chất câu chuyện liên quan đến việc Wikipedia “đăng tải bài viết” về GS Nam Phan. Xin nhắc lại, Wikipedia hoàn toàn không “đăng tải bài viết” nào cả; chính tài khoản ảo Phanthanhsonbac đã tạo ra “bài viết” mà các báo đang nhắc đến – thứ mà bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng tạo ra.
**2. Nguồn gốc sai sót**
GS Nam Phan giải thích một trong những nguyên nhân dẫn đến sai sót là do trong nhóm nghiên cứu của ông ”có người thì vô tư nghĩ rằng sau khi tinh chế bằng sắc ký cột xong, kiểm tra bằng GC-MS, thấy giống nhau rồi, nhưng do tiếc tiền nên chỉ chạy NMR một lần, mà không ý thức được rằng làm như vậy là sai”.
Xin nhấn mạnh hai chữ “VÔ TƯ”. Đằng sau sự “vô tư” này, theo thôi, là thực trạng sinh viên, học viên và nhiều người làm nghiên cứu ở Việt Nam không được đào tạo bài bản về liêm chính khoa học và đạo đức trong nghiên cứu.
Ở đa số trường đại học nước ngoài, các môn học về liêm chính khoa học và đạo đức nghiên cứu là nội dung đào tạo bắt buộc giúp sinh viên, học viên và người làm nghiên cứu hạn chế mắc lỗi đạo văn, ngụy tạo và bóp méo số liệu, hiểu được những vấn đề từ cơ bản như trích dẫn sao cho đúng, ai được đứng tên bài báo, bình duyệt bài báo ra sao, thế nào là xung đột lợi ích, lưu trữ và quản lý dữ liệu như thế nào, nguyên tắc hướng dẫn khoa học chuyên nghiệp, những hành vi nào bị xem là sai trái trong nghiên cứu, cách truyền thông kết quả nghiên cứu đến công chúng… đến những chủ đề chuyên biệt như các quy tắc đạo đức khi tiến hành nghiên cứu trên người hay động vật, sự riêng tư và bảo mật trong nghiên cứu khoa học xã hội, nghiên cứu trên các đối tượng đặc biệt như tù nhân hay trẻ em…
Trong khi đó, tại Việt Nam, chuyện đào tạo về liêm chính khoa học và đạo đức nghiên cứu là một vùng trống mênh mông. Với những người được học hành bài bản tại các nước có nền giáo dục tiên tiến, những nội dung tôi vừa liệt kê trên đây có thể rất quen thuộc. Tuy nhiên, với đa số sinh viên, học viên và người làm nghiên cứu trong nước, đây vẫn còn là những chủ đề tương đối mới mẻ và xa lạ. Hệ quả của tình trạng này là nhiều người “VÔ TƯ” làm sai, vi phạm liêm chính và đạo đức nghiên cứu mà không hề biết hoặc không ý thức đầy đủ được những hậu quả nghiêm trọng mà nó có thể gây ra.
Giải pháp hiệu quả và bền vững nhất để giải quyết tình trạng này, nghe đã bắt đầu nhàm, là các cơ quan quản lý, các trường đại học của Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ việc đào tạo về liêm chính học thuật và đạo đức nghiên cứu, đòi hỏi người học phải hoàn thành các nội dung này trước khi bắt tay vào nghiên cứu.
Tôi đã nhiều lần giới thiệu các khóa tự đào tạo về liêm chính và đạo đức trong nghiên cứu khoa học, gồm cả những khóa chất lượng cao và hoàn toàn miễn phí như dưới đây:
– CITI: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/337138900866282
– Epigeum: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/338032267443612
https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/340129123900593
– Khóa MOOC của Pháp: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/339347137312125
Hi vọng những khóa học như thế này sẽ được phổ biến rộng rãi và trở nên quen thuộc với những người làm nghiên cứu tại Việt Nam để chúng ta ngày càng ít đi những trường hợp “vô tư” làm sai rất đáng tiếc.
Shared link: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/337138900866282
Statistics:
Likes: 199, Shares: 39, Comments: 17
Like Reactions: 182, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 16, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0