Duong Tu – 2021-02-14 04:27:40
**NHÀ KHOA HỌC CẦU HÔN**
Ngoài những cách thông thường, nhà khoa học đôi khi còn tỏ tình và cầu hôn qua chính các công trình nghiên cứu của mình.
Người tiên phong trong xu hướng này có lẽ là Caleb Brown, nhà khảo cổ học tại Bảo tàng Cổ sinh vật học Hoàng gia Tyrrell, Canada. Trong bài báo “A New Horned Dinosaur Reveals Convergent Evolution in Cranial Ornamentation in Ceratopsidae” đăng trên tạp chí Current Biology vào tháng 6/2015, Caleb Brown và đồng nghiệp công bố phát hiện về hóa thạch một loài khủng long có sừng mới, đặt tên là *Regaliceratops peterhewsi*: https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0960982215004923.
Do đây là bài báo đầu tiên mô tả về loài khủng long này, Caleb Brown biết rằng công trình của mình sẽ được trích dẫn và nhắc đến nhiều trong tương lai. Nhân cơ hội này, Caleb Brown đã cầu hôn bạn gái Lorna O’Brien, đồng nghiệp làm việc cùng bảo tàng, trong phần Acknowledgements do anh muốn lời cầu hôn trở thành bất tử như chính công trình nghiên cứu của anh và những hóa thạch mà anh tiếp xúc hàng ngày.
Caleb Brown đã rất may mắn và hạnh phúc khi câu trả lời của bạn gái anh là “Yes”: https://www.sciencemag.org/news/2015/06/hellboy-dino-was-close-relative-triceratops
*
Sau thành công của Caleb Brown, năm nào cũng có nhà khoa học thử vận may theo cách tương tự.
Tháng 5/2016, David Tamayo, nhà sinh vật học biển tại Universidad del Pais Vasco, Tây Ban Nha quyết định từ bỏ công việc nghiên cứu để chuyển sang làm giáo viên phổ thông. Trong bài báo khoa học cuối cùng của sự nghiệp nghiên cứu công bố trên tạp chí Marine Biology, David Tamayo đã tranh thủ cầu hôn bạn gái mình là nhà khoa học thần kinh Carolina Muguruza: https://link.springer.com/article/10.1007%2Fs00227-016-2905-z. Giống như Caleb Brown, David Tamayo cũng thật may mắn khi Carolina nhận lời. Hai người kết hôn một năm sau đó.
Tháng 8/2017, ý tưởng cầu hôn qua bài báo khoa học lan sang tới Trung Quốc. Trong công trình về cơ chế hình thành tinh thể nano đăng trên tạp chí Nanoscale, Keqiang Chen, tác giả đầu của bài báo đã âm thầm ngỏ lời cầu hôn bạn gái Qiaohui Zhong, người làm việc cùng lab tại Đại học Công nghệ Vũ Hán, cũng là tác giả thứ ba: https://pubs.rsc.org/en/content/articlelanding/2017/NR/C7NR03576D. Cách tỏ tình tuy không còn độc đáo nhưng vẫn mới mẻ này lại một lần nữa thành công khi hai người tổ chức đám cưới vào tháng 6/2018.
Tháng 4/2018, cũng ở Trung Quốc, nghiên cứu sinh Rui Long tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hoa Trung đã giấu lời cầu hôn của mình vào những chiếc tủ lạnh trong bài báo đăng trên tạp chí Physica A: Statistical Mechanics and its Applications: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378437117313614. Rui Long trở thành người Trung Quốc tiếp theo tỏ tình thành công qua bài báo khoa học khi bạn gái anh Panpan Mao nhận lời.
Các nhà khoa học Trung Quốc tiếp tục sao chép mô hình cầu hôn chưa từng thất bại này. Tháng 9/2019, Nan Meng, tác giả đầu của bài báo trên tạp chí Magnetic Resonance Imaging cầu hôn Jing Sun, đồng tác giả của công trình giống như cách mà Keqiang Chen đã làm hai năm trước đó trên tạp chí Nanoscale: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0730725X19300669.
Không chỉ những bài báo mà ngay cả các cuốn sách chuyên ngành cũng có thể trở thành phương tiện cầu hôn của nhà khoa học. Cũng trong năm 2019, Chang Li, nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông đã cầu hôn bạn gái là Shuang ngay ở trang đề tặng cuốn sách “Stochastic Geometry Analysis of Multi-Antenna Wireless Networks”: https://link.springer.com/book/10.1007/978-981-13-5880-7.
Phong trào này vẫn chưa dừng lại mà tiếp tục lan sang một quốc gia châu Á khác. Tháng 10/2020, Marwin Obmerga, nghiên cứu sinh tại Đại học Santo Tomas, Philippines ngỏ lời cầu hôn bạn gái là Krisha Deveza trong bài báo đăng trên tạp chí mới ra đời Asian Journal on Perspectives in Education: https://www.feu.edu.ph/index.php/institutes/institute-of-education/asian-journal-on-perspectives-in-education/ajpe-volume-1-issue-1/the-impact-of-design-thinking-and-grit-on-filipino-millennial-academic-supervisors-transformational-leadership-attributes-a-structural-equation-model.
Rất có thể vì sự lặp lại theo cách thiếu sáng tạo cùng một kiểu tỏ tình suốt hơn 5 năm qua, việc cầu hôn trong các bài báo sẽ bị những chuyên gia bình duyệt khó tính xem là đạo ý tưởng và từ chối công bố trong thời gian tới. Các cô gái có lẽ cũng sẽ không dễ dãi nhận lời những chàng trai nhàm chán và đơn điệu, chỉ biết sao chép nữa.
***
Một câu hỏi thú vị là hôn nhân của các cặp đôi vừa kể trên, sau những lời cầu hôn độc đáo hoặc khác lạ, có bền vững không và sẽ kéo dài bao lâu. Có một cách dự đoán tương đối đơn giản, đó là dựa vào số tiền mà họ đã bỏ ra để mua nhẫn đính hôn và tổ chức đám cưới.
Trái với nhầm tưởng rằng càng đầu tư nhiều tiền của cho đám cưới thì hôn nhân càng bền vững, một nghiên cứu công bố tháng 3/2015 trên tạp chí Economic Inquiry dựa trên khảo sát 3000 cặp vợ chồng cho thấy kết quả hết sức bất ngờ: độ dài của các cuộc hôn nhân tỷ lệ nghịch với chi phí mua nhẫn đính hôn và tổ chức hôn lễ.
Cụ thể, những người đàn ông bỏ ra tới 2.000 đến 4.000 đô la Mỹ để mua nhẫn đính hôn có nguy cơ ly dị cao gấp 1,3 lần so với khi mua nhẫn đính hôn trị giá thấp hơn, từ 500 đến 2.000 Mỹ kim.
Bên cạnh đó, ở đàn ông, đáng ngạc nhiên là chi dưới 1000 đô la để tổ chức hôn lễ làm giảm một nửa nguy cơ ly hôn, trong khi ở phụ nữ, đầu tư từ 20.000 đô la trở lên không những chẳng mang lại ích lợi gì cho cuộc sống vợ chồng mà còn làm tăng nguy cơ ly dị tới 1,6 lần so với bỏ ra 5.000 đến 10.000 Mỹ kim cho đám cưới: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1111/ecin.12206
Hy vọng các nhà khoa học sẽ không chỉ thông minh và sáng tạo trong tình yêu mà còn biết mua sắm và tiêu dùng thông thái, dựa trên bằng chứng khoa học 😃
Happy Valentine’s Day!
Statistics:
Likes: 292, Shares: 71, Comments: 31
Like Reactions: 177, Haha Reactions: 77, Wow Reactions: 2, Love Reactions: 34, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0