Minh Dang Doan – 2020-10-30 10:08:57
**Vinh danh năng lực tổ chức xuất bản: TS. Võ Quang Trung – Từ con mồi thành thợ săn**
Nhân anh Ngô Đức Thế Ryan vinh danh TS. Dumitru Beleanu ([https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/366827537897418/](https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/366827537897418/)), tôi xin nêu trường hợp một ngôi sao xuất bản của Việt Nam mới nổi lên gần đây để chúng ta tham khảo.
Tóm tắt lý lịch khoa học của TS. Võ Quang Trung: năm 2011 tốt nghiệp đại học ngành Dược, 2013 lấy thêm bằng đại học ngành Luật, có thời gian học lấy bằng MBA (ghi trong thông tin editor của tạp chí SRP nêu sau đây, không ghi trong hồ sơ xét PGS), và tháng 6/2016 lấy bằng PhD về Dược tại Đại học Mahidol (Thái Lan), chuyên ngành Xã hội học, Kinh tế và Quản lý Dược. Năm 2019, ông nộp hồ sơ xét PGS ngành Dược nhưng không đạt. Năm nay ông nộp lại hồ sơ.
Hồ sơ xét PGS năm 2020 của ứng viên Võ Quang Trung: [http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2020/BDK%2021%20HD%20nganh%202020/HD%20Duoc%20hoc/Vo%20Quang%20Trung.pdf](http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2020/BDK%2021%20HD%20nganh%202020/HD%20Duoc%20hoc/Vo%20Quang%20Trung.pdf)
**Sớm thành danh trên con đường khoa học**
* Ngay sau khi nhận bằng PhD, ông Trung đã là thành viên ban biên tập tạp chí **Systematic Reviews in Pharmacy** (SRP) của Ấn Độ (tạp chí được xếp ở nhóm Q2 của Scopus và có tỷ lệ được trích dẫn thấp). Tuy nhiên tạp chí này “chơi xấu”, không còn liệt kê tên ông trong danh sách ban biên tập hiện thời lẫn trước đây ([http://www.sysrevpharm.org//index.php?sec=eboard](http://www.sysrevpharm.org/index.php?sec=eboard)). Dù bị xóa tên khỏi ban biên tập tạp chí đó đến nỗi không còn dấu vết, trên mạng vẫn còn lưu bằng chứng ông tham gia ban biên tập tạp chí ít nhất đến tháng 7/2020: [https://repository.unej.ac.id/bitstream/handle/123456789/100742/F.%20Kep_Jurnal_Rondhianto_DEVELOPMENT%20FAMILY%20CAREGIVER%20EMPOWERMENT.pdf](https://repository.unej.ac.id/bitstream/handle/123456789/100742/F.%20Kep_Jurnal_Rondhianto_DEVELOPMENT%20FAMILY%20CAREGIVER%20EMPOWERMENT.pdf)
Lưu ý rằng tin tức tố cáo ông Trung đứng ra làm đầu mối “bán” quyền đăng bài trên tạp chí này xuất hiện rộng rãi từ đầu tháng 9/2020.
* Trong thời gian còn làm biên tập tạp chí đó, ông Trung cũng đã có công thúc đẩy, mở đường cho nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam đăng bài báo ở tạp chí này, xin xem ví dụ ở phần sau về các bài báo của GS. Lê Quan Nghiệm (đương kim chủ tịch Hội đồng giáo sư Ngành Dược) và PGS. Nguyễn Đức Tuấn (ƯV GS năm 2020) trong tạp chí nêu trên.
**⅔ sự nghiệp trên 3 số tạp chí**
Chúng ta biết rằng với không ít tạp chí open access vì lợi nhuận, NXB thường có chiêu mời guest editors mở các số “đặc biệt” (special issues), để những biên-tập-viên-khách này giúp mời người đăng bài ở tạp chí đó và đóng tiền cho NXB. Để tăng sức hút nhằm mời được guest editors, các NXB thường ưu ái miễn hoặc giảm lệ phí đăng bài cho guest editors trong số phụ bản mà mình phụ trách. Chiến thuật này đặc biệt phổ biến với các tạp chí dạng săn mồi, các tạp chí còn chưa có uy tín.
Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, các tạp chí săn mồi đã bị dạy cho một bài học: **TS. Võ Quang Trung tổ chức các số đặc biệt mà ông ấy là đồng tác giả của tuyệt đại đa số bài báo, chỉ để lại 1 bài của tác giả khác cho NXB thu tiền**. Chiến thuật này đã được áp dụng hiệu quả ở ít nhất ba tạp chí, giúp các nhà nghiên cứu về y, dược ở Việt Nam có đầu ra cho các bài báo xoàng mà chả tốn bao nhiêu tiền cho các nhà xuất bản, cụ thể 3 số báo đặc biệt đó:
* Tạp chí Journal of the Pakistan Medical Association (JPMA), số đặc biệt trong vol. 69, no.6, tháng 6 năm 2019 ([https://www.jpma.org.pk/supplement-details/15](https://www.jpma.org.pk/supplement-details/15)): có 18 bài, guest editor là VQT tham gia đồng tác giả 17 bài, trong đó 15 bài VQT là corresponding author (còn lại 1 bài cũng của cáctác giả VN).
* Tạp chí Asian Journal of Pharmaceutics (AJP), số đặc biệt trong vol. 12, no. 1, năm 2018 ([https://www.asiapharmaceutics.info/index.php/ajp/issue/view/84](https://www.asiapharmaceutics.info/index.php/ajp/issue/view/84)): tổng cộng 13 bài, guest editor VQT có 12 bài, trong đó 9 bài VQT là corresponding author (bài còn lại cũng của các tác giả VN).
Cũng trong năm 2018, tạp chí Asian Journal of Pharmaceutics đã bị loại khỏi danh mục Scopus với lý do “quan ngại về quy trình xuất bản” (hàng 74: [https://www.elsevier.com/__data/assets/excel_doc/0005/877523/Discontinued-sources-from-Scopus.xlsx](https://www.elsevier.com/__data/assets/excel_doc/0005/877523/Discontinued-sources-from-Scopus.xlsx)), tuy nhiên trên website của tạp chí này vẫn để thông tin tạp chí nằm trong danh mục Scopus: [https://www.asiapharmaceutics.info/index.php/ajp/pages/view/about_us](https://www.asiapharmaceutics.info/index.php/ajp/pages/view/about_us)
* Tạp chí Journal of Clinical and Diagnostic Research (JCDR), số bổ sung trong vol. 12, no. 6, tháng 6 năm 2018 ([https://www.jcdr.net/Supp180601.asp](https://www.jcdr.net/Supp180601.asp)), trong toàn bộ 18 bài thì VQT là corresponding author của 16 bài và đồng tác giả 1 bài nữa (bài còn lại cũng của một nhóm tác giả VN).
Lưu ý: tạp chí này cho biết họ có rất nhiều người xem, vào thời điểm viết tóm tắt này chúng tôi thấy họ ghi số người đang online là “Users Online : 155354”. Từ 2013 tạp chí này đã đăng hơn 1000 bài, và tăng liên tục, năm 2018 đăng hơn 5000 bài. Có lẽ vì đăng bài quá ồ ạt trong năm 2018 nên ngay sau đó, tạp chí này đã bị loại khỏi danh mục Scopus với lý do có sự gia tăng bất thường về số lượng bài công bố (hàng 368: [https://www.elsevier.com/__data/assets/excel_doc/0005/877523/Discontinued-sources-from-Scopus.xlsx](https://www.elsevier.com/__data/assets/excel_doc/0005/877523/Discontinued-sources-from-Scopus.xlsx)).
* Riêng trong 3 số đặc biệt kể trên, TS. Võ Quang Trung đã có 46 bài báo, quá dư tiêu chí bài báo quốc tế cho chức danh PGS, thậm chí là cả chức danh GS. Có lẽ vì thành tích xuất bản quá nổi bật và xuất sắc mà trong hồ sơ xét PGS năm 2020, VQT chỉ khai số bài báo (49 bài) bằng hơn một nửa số bài đã khai (85 bài) trong hồ sơ xét PGS năm 2019 ([http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2019/bandangkyungvien/5.vo-quang-trung.12-03-1987.15628947559381.pdf](http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2019/bandangkyungvien/5.vo-quang-trung.12-03-1987.15628947559381.pdf)).
* Chính nhờ cách làm các số đặc biệt này mà số bài báo của ông Trung tăng vọt 11 lần, từ 3 bài năm 2017 lên 33 bài năm 2018: [https://www.scopus.com/authid/detail.uri?origin=resultslist&authorId=57190815914](https://www.scopus.com/authid/detail.uri?origin=resultslist&authorId=57190815914). Số bài của VQT trong 3 số đặc biệt này chiếm hơn ⅔ tổng số bài báo trong toàn bộ sự nghiệp của ông. Tuy có số tạp chí ông Trung một mình đăng 17/18 bài, trong hồ sơ xét PGS năm nay, VQT chỉ khai khiêm tốn vài bài trên mỗi số tạp chí này.
* Vì là đồng tác giả trong số đặc biệt mà mình phụ trách, ông còn tiết kiệm được rất nhiều tiền lệ phí xuất bản, nếu NXB không miễn phí toàn bộ thì chắc cũng chỉ thu cùng lắm 50% lệ phí đối với bài của guest editor, ước tính mỗi bài ông giúp tiết kiệm 1000 USD thì đã giữ lại cho đất nước cả tỷ đồng, lợi ích kinh tế đến ngay từ khi xuất bản.
* Ba tạp chí nêu trên đều ở nhóm xếp hạng thấp, Q3/4 của Scimago với số bài tăng đột biến vài năm gần đây, có dấu hiệu là những tạp chí săn mồi, hai tạp chí đã bị loại khỏi danh mục Scopus. Nhưng với chiến thuật khôn khéo, TS. Võ Quang Trung từ vai trò là con mồi (năm ngoái ông còn lên Facebook hỏi về tạp chí đăng bài trong 2-3 tuần và chi phí đăng bài) đã chuyển thành tay thợ săn, để các NXB nước ngoài đập đầu vào gối mà khóc thét.
**Những đồng tác giả tên tuổi**
Nhờ tham gia ban biên tập và mở những số đặc biệt “toàn Việt Nam”, TS. Võ Quang Trung cùng cộng sự đã hỗ trợ cho nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam xuất bản ở tạp chí quốc tế, để có thành tích cho xứng đáng được công nhận là GS/PGS. Đơn cử một số người có liên quan đến đợt xét công nhận GS/PGS năm 2020 đã hưởng lợi từ các tạp chí mà ông Trung có ảnh hưởng:
* **PGS.TS. Nguyễn Đức Tuấn**, ứng viên GS ngành Dược năm 2020, hồ sơ ứng viên của ông trong 5 năm trở lại đây có 8 bài báo quốc tế, trong đó 6 bài là ở tạp chí **Systematic Reviews in Pharmacy** (trong thời gian ông Võ Quang Trung tham gia ban biên tập), 1 bài ở tạp chí Q3 có tên Catalysts của NXB MDPI: [http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2020/BDK%2021%20HD%20nganh%202020/HD%20Duoc%20hoc/nguyen-duc-tuan.pdf](http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2020/BDK%2021%20HD%20nganh%202020/HD%20Duoc%20hoc/nguyen-duc-tuan.pdf)
* Ngoài ra, PGS. Tuấn còn kê khai 1 bài đáng lẽ xịn nhất là ở **Bulletin of the World Health Organization**, tuy nhiên bài này (chủ yếu do các nhà khoa học ở Viện Pasteur thực hiện) chỉ được đăng online trên trang web của WHO vì lý do khẩn cấp chống dịch Covid vào tháng 4/2020 ([http://doi.org/10.2471/BLT.20.259630](http://doi.org/10.2471/BLT.20.259630)), chứ đến nay nó không được đăng như một bài được peer-reviewed ở tạp chí có uy tín “**Bulletin of the World Health Organization**”. Thành ra PGS. Nguyễn Đức Tuấn vơ bài chưa qua bình duyệt để tính điểm như báo khoa học là không đúng, coi như sự nghiệp đăng báo quốc tế để tính điểm GS của ông Tuấn dựa hẳn vào 6 bài ở tạp chí **Systematic Reviews in Pharmacy** chỗ TS. Võ Quang Trung từng làm biên tập.
* **GS.TS. Lê Quan Nghiệm**, là chủ tịch đương nhiệm của hội đồng GS ngành Dược, nơi đang xét hồ sơ cho các ứng viên Võ Quang Trung và Nguyễn Đức Tuấn đợt này. Ông được tham gia là đồng tác giả với TS. Võ Quang Trung trong 2 bài đăng trong số tạp chí đặc biệt đã đề cập của **Journal of the Pakistan Medical Association**, 3 bài ở số đặc biệt trên tạp chí** Journal of Clinical and Diagnostic Research (đã bị loại khỏi Scopus năm 2018)**, chủ đề của các bài này là về Quản lý – kinh tế dược theo lĩnh vực của ông Trung, chứ không phải chuyên ngành công nghệ dược phẩm và bào chế thuốc của ông Nghiệm: [http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2020/LLKH%20Thanh%20vien%20cac%20HD%20nganh%202020/5-HD%20Duoc%20hoc%20LLKH%202020/5-HD%20Duoc-GS%20LQ%20Nghiem_0001.pdf](http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2020/LLKH%20Thanh%20vien%20cac%20HD%20nganh%202020/5-HD%20Duoc%20hoc%20LLKH%202020/5-HD%20Duoc-GS%20LQ%20Nghiem_0001.pdf)
Ngoài các bài đồng tác giả với TS. Võ Quang Trung, các bài báo quốc tế khác của GS. Lê Quan Nghiệm là đứng tên cùng PGS. Nguyễn Đức Tuấn hoặc TS. Nguyễn Đăng Thoại (với 5 bài trên tạp chí **Systematic Reviews in Pharmacy**), tất cả đều không thuộc chuyên ngành Công nghệ dược phẩm và bào chế thuốc của ông Nghiệm.
Nếu bỏ đi những bài được đứng tên cùng 3 ứng viên GS/PGS này, sự nghiệp của ông Nghiệm chỉ còn lại đúng 01 bài báo quốc tế mà ông là tác giả chính trên tạp chí Eurasian Journal of Analytical Chemistry. Tuy nhiên, bài này cũng thuộc chuyên ngành Quản lý – kinh tế dược chứ không thuộc chuyên ngành Công nghệ dược phẩm và bào chế thuốc. Ngoài ra, tạp chí Eurasian Journal of Analytical Chemistry đã bị loại khỏi danh mục tạp chí Scopus từ 2019 do nghi vấn về xuất bản (dòng 158: [https://www.elsevier.com/__data/assets/excel_doc/0005/877523/Discontinued-sources-from-Scopus.xlsx](https://www.elsevier.com/__data/assets/excel_doc/0005/877523/Discontinued-sources-from-Scopus.xlsx))
Ông Nghiệm có thành tích công bố quốc tế nghèo nàn, không có bài báo quốc tế nào đứng tên tác giả chính thuộc đúng chuyên ngành Công nghệ dược phẩm và Bào chế thuốc, lại kèm theo xung đột lợi ích rõ ràng vẫn làm chủ tịch hội đồng xét hồ sơ của chính các ứng viên bị tố cáo mà ông là đồng tác giả như vậy. Để không vi phạm liêm chính học thuật, ông cần có trách nhiệm giải trình trước nghi vấn ông có thể đồng lõa, bao che cho các ứng viên này.
* **TS. Nguyễn Đăng Thoại**, ứng viên PGS ngành Dược năm 2020. Ông cũng thuộc thế hệ nhà khoa học đang chín, năng động như TS. Võ Quang Trung. Chuyên môn của ông Thoại là Công nghệ dược phẩm và bào chế thuốc, nhưng ông lại có 2 bài báo thuộc lĩnh vực Quản lý và kinh tế dược đăng trên số đặc biệt của **Journal of the Pakistan Medical Association** cùng với ông Võ Quang Trung, có 8 bài đăng ở tạp chí **Systematic Reviews in Pharmacy**, cùng một số bài đăng ở tạp chí Journal of Critical Reviews của Ấn Độ – tạp chí chưa bao giờ lọt vào danh mục Scopus/ISI. Tuy nhiên ông không may đã bị loại ở vòng xét công nhận của hội đồng GS ngành Dược: [http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2020/BDK%2021%20HD%20nganh%202020/HD%20Duoc%20hoc/nguyen-dang-thoai.pdf](http://hdgsnn.gov.vn/files/anhbaiviet/files/2020/BDK%2021%20HD%20nganh%202020/HD%20Duoc%20hoc/nguyen-dang-thoai.pdf)
Hồ sơ về thành tích khoa học của các ứng viên GS/PGS ngành Dược, Y năm nay vẫn còn nhiều điểm chưa khai phá. Tuy nhiên xét tính chất nổi trội của TS. Võ Quang Trung, chúng tôi thấy cần phải vinh danh tài năng trẻ này. Chúng tôi chờ kết luận rà soát của các hội đồng GS hai ngành Y và Dược và phản hồi của các hội đồng, để chuẩn bị kể tiếp những câu chuyện khác.
Statistics:
Likes: 171, Shares: 34, Comments: 71
Like Reactions: 115, Haha Reactions: 36, Wow Reactions: 13, Love Reactions: 4, Sad Reactions: 2, Angry Reactions: 1