Minh Dang Doan – 2020-10-30 08:42:47
Hôm nay các hội đồng giáo sư ngành Y, Dược thông báo “kết quả rà soát” đối với những trường hợp bị phản ánh không xứng đáng mà vẫn lọt qua sàng lọc của hai hội đồng này, mà có vẻ nội dung chính họ muốn thông báo là chuyện đã thảo luận với GS Nguyễn Ngọc Châu ngày hôm qua 29/10. Thông báo được báo Vietnamnet dẫn lại trong bài dưới đây:
https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/cong-bo-ket-qua-ra-soat-ung-vien-giao-su-pho-giao-su-nganh-y-duoc-684961.html
Nhiều báo cũng cùng đưa tin:
Tiền Phong: [https://www.tienphong.vn/giao-duc/hang-loat-ung-vien-gs-pgs-bi-to-cao-hoi-dong-nganh-duoc-y-bao-cao-the-nao-1742818.tpo](https://www.tienphong.vn/giao-duc/hang-loat-ung-vien-gs-pgs-bi-to-cao-hoi-dong-nganh-duoc-y-bao-cao-the-nao-1742818.tpo)
Dân Trí: https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/cong-bo-ket-qua-vu-to-gian-lan-o-hoi-dong-giao-su-nganh-y-duoc-20201030110450050.htm
Nhân Dân: [https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/ket-qua-ra-soat-ho-so-ung-vien-gs-pgs-cua-hoi-dong-giao-su-nganh-y-duoc-622567/](https://nhandan.com.vn/tin-tuc-giao-duc/ket-qua-ra-soat-ho-so-ung-vien-gs-pgs-cua-hoi-dong-giao-su-nganh-y-duoc-622567/)
Thanh Niên: [https://thanhnien.vn/giao-duc/da-co-ket-qua-ra-soat-cac-ung-vien-gs-pgs-y-duoc-bi-to-cao-1298578.html](https://thanhnien.vn/giao-duc/da-co-ket-qua-ra-soat-cac-ung-vien-gs-pgs-y-duoc-bi-to-cao-1298578.html?fbclid=IwAR0G7kUuwY0m5TPLuF4-mCzmw-lHAEbY8JN5s4Rpk1ZngaiMIET8UZuXtNs)
Tôi diễn dịch chuỗi sự việc này như sau:
* Sau khi các hội đồng GS ngành công bố danh sách đề nghị công nhận GS/PGS, cộng đồng khoa học đã có những đơn thư kiến nghị/tố cáo về chất lượng công bố khoa học của một số ứng viên (chiếm số lượng lớn ứng viên lọt qua cửa xét duyệt của hai hội đồng ngành Y, Dược).
* GS Nguyễn Ngọc Châu có nhận được hồ sơ tố cáo, ông bỏ công kiểm tra một số hồ sơ, rồi đề nghị hội đồng GSNN và các hội đồng ngành rà soát lại. GS Châu cũng có forward một số chứng cứ tố cáo cho các hội đồng khi ông không kịp tự kiểm tra.
* Hội đồng hai ngành Y, Dược xem xét lại, rồi mời GS Châu đến họp bàn, mà mục đích chính của hội đồng chắc là để “đồng thuận” với GS Châu về cách thức đếm số bài báo cho đạt chuẩn. Rồi từ việc thống nhất với GS Châu về cách đếm số bài như vậy, dò ra thì phần lớn các trường hợp ứng viên bị tố cáo đều lại được xét “đạt chuẩn”.
Mắt xích còn thiếu: cứ cho là GS Nguyễn Ngọc Châu không phản đối thêm về chuyện xét các ứng viên hai ngành Y, Dược, thì GS Châu cũng không phải đại diện cho cộng đồng khoa học có quan tâm về vụ tố cáo này. Là một thành viên ở cộng đồng này, tôi khẳng định cách làm việc của hai hội đồng ngành Y, Dược như thông báo trên báo chí này là KHÔNG CÓ TÍNH THUYẾT PHỤC đối với việc giải quyết các vướng mắc này.
Thật vậy, mới chỉ trong có mấy ngày nhận hồ sơ tố cáo, làm sao các hội đồng này có đủ thời gian để đánh giá lại cẩn thận về CHẤT LƯỢNG của công bố khoa học của các ứng viên. Theo cách họ vội vàng thông báo “kết quả xét lại” ngày 29/10 cho báo chí thì chỉ là dựa trên việc đếm bài báo nào có ở trong danh sách nào hay không, thuần là về SỐ LƯỢNG.
Tôi buộc phải đặt câu hỏi: Bộ GD&ĐT bổ nhiệm những giáo sư “đầu ngành” vào các hội đồng xét tiêu chuẩn GS/PGS để làm gì, khi công việc quan trọng nhất để họ làm chỉ là đếm bài?! Một mặt, việc này làm rẻ rúng giá trị của các vị GS đầu ngành khi họ chỉ làm những việc mà sinh viên đại học biết tiếng Anh làm là đủ, lãng phí công sức và sự theo dõi của cộng đồng. Mặt khác, việc này tạo ra hiện tượng “chùm gửi danh tiếng” khi tên tuổi các vị GS trong các hội đồng bị dính vào làm bình phong cho các vị ứng viên trình độ khoa học kém mà biết làm chiêu trò kiếm được số bài báo “đủ chuẩn” để được duyệt. Quan trọng hơn, nếu không đủ sức thẩm định LẠI các bài báo, chất vấn các ứng viên để đánh giá chất lượng làm khoa học của họ, thì chứng tỏ sự thiếu năng lực của các vị GS đầu ngành trong các hội đồng.
Đến đây, tôi kêu gọi những người làm khoa học nghiêm túc lên tiếng về cách làm việc, chất lượng xét duyệt GS/PGS, một là để thể hiện cộng đồng còn có những lương tâm không chấp nhận cách làm việc hời hợt như hai hội đồng GS ngành Y, Dược vừa thể hiện, hai là để tạo sức ép nâng chất lượng xét duyệt trong lần sau (hoặc bỏ hẳn việc mời các vị GS đầu ngành mà chỉ cần chuyên viên của Bộ GD&ĐT làm công tác đo đếm, nếu Bộ GD&ĐT chấp nhận kiểu tiêu chuẩn dựa vào số lượng).
Xin hoan nghênh báo chí và công luận cũng đã lên tiếng về sự ảnh hưởng của chất lượng các vị trong các hội đồng ngành đến kết quả xét duyệt và đến sự nghiệp khoa học giáo dục của đất nước trong dài hạn:
* Bài hôm qua ở báo Thanh Niên có đoạn nói về việc “Cần thay đổi cơ chế chọn thành viên cho các hội đồng”:
[https://thanhnien.vn/giao-duc/xet-giao-su-pho-giao-su-vi-sao-lot-luoi-nhieu-ung-vien-khong-dat-yeu-cau-1297827.html](https://thanhnien.vn/giao-duc/xet-giao-su-pho-giao-su-vi-sao-lot-luoi-nhieu-ung-vien-khong-dat-yeu-cau-1297827.html)
Trích:
> Cần thay đổi cơ chế chọn thành viên hội đồng
Theo nhiều nhà khoa học, nếu vẫn duy trì mô hình xét GS/PGS như hiện nay (thông qua HĐGSNN), muốn việc xét có chất lượng thì trước hết phải có HĐ có chất lượng mà trong đó thành tích khoa học của các thành viên HĐ là yếu tố cần. Bởi nếu không thực sự có kinh nghiệm công bố quốc tế, các thành viên HĐ chỉ có thể xét theo kiểu đếm số bài, rồi thấy bài ở tạp chí vội đánh giá cao mà không biết thực tế trong thị trường xuất bản quốc tế hiện nay. Cho nên cái cần thay đổi là cơ chế xét duyệt GS/PGS, cơ chế chọn thành viên HĐ.
Theo GS Phạm Đức Chính, thành viên HĐGS ngành cơ học, tiêu chuẩn chức danh GS/PGS hiện nay tuy nhấn mạnh hướng tới chuẩn mực quốc tế, nhưng chưa đặt ra các tiêu chí đánh giá cụ thể các bài báo quốc tế. Do đó, việc đánh giá hồ sơ ƯV phụ thuộc vào các HĐ chuyên môn. Trước các hiện tượng mua bán bài báo khoa học tràn lan khiến dư luận lo ngại về hướng đi tiếp theo của nền khoa học Việt Nam, việc Chính phủ và HĐGSNN đã chỉ đạo nghiêm túc xem xét các trường hợp, cá nhân cụ thể có các biểu hiện mua bán bài báo và không trung thực, thiếu đạo đức và liêm chính trong khoa học, là động thái rất tích cực.
“Cộng đồng đang dõi theo các quyết định của HĐGSNN cho đợt xét năm nay, và các quyết định cụ thể sẽ là một cảnh báo cần thiết cho cộng đồng khoa học Việt Nam trên con đường hội nhập quốc tế với không ít khó khăn trước mắt. Nếu như Quỹ Nafosted là bước đi đầu dẫn khoa học Việt Nam tiến vào hội nhập quốc tế, thì HĐGSNN đang đi tiên phong chấn chỉnh đạo đức và liêm chính khoa học trong tiến trình hội nhập phức tạp này”, GS Chính nói.
— hết trích.
* Báo Lao Động hôm nay có đoạn nói về một điểm “Cần liêm chính trong học thuật” mà có vẻ hội đồng hai ngành Y, Dược không xét đến:
[https://laodong.vn/xa-hoi/3756-ung-vien-gs-pgs-nganh-y-duoc-bi-to-gian-doi-850029.ldo](https://laodong.vn/xa-hoi/3756-ung-vien-gs-pgs-nganh-y-duoc-bi-to-gian-doi-850029.ldo)
Trích:
> “Liêm chính học thuật” là sự trung thực, ngay thẳng, trách nhiệm trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, học tập ở các cơ sở học thuật, đặc biệt là các trường đại học.
> “Liêm chính học thuật” cũng được coi là yêu cầu bắt buộc với các nhà khoa học. Vì thế, khi hàng loạt ứng viên GS, PGS – các nhà khoa học – bị tố có hành vi gian dối trong học thuật đã nhận được sự quan tâm của giới khoa học và dư luận. Nhất là việc gian dối được thực hiện để đủ điều kiện xét công nhận chức danh GS, PGS.
— hết trích.
* Nhận xét của chị Phuong Nguyen ở diễn đàn Liêm Chính Khoa Học về cái vòng luẩn quẩn chất lượng hội đồng thấp làm cho những kẻ lọt lưới có điều kiện leo cao và lại tác động không tốt đến tương lai:
https://facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/367425824504256/
> “Thực ra đây là vấn đề con gà và quả trứng. Do năng lực khoa học kém dẫn đến khả năng đánh giá kém, dẫn đến để lọt ứng viên kém, tạo cơ hội cho những người kém leo cao, trèo sâu không chỉ vào hội đồng GS, mà còn vào các vị trí dẫn dắt/lãnh đạo NCKH ở các trường/viện. Cứ thế thành cái vòng luẩn quẩn. Cả cộng đồng cần nhận thức được vấn đề nhưng cũng cần có thông cảm vì trong cái yếu, cái sai của cá nhân có cái yếu của cả cộng đồng. Hơn nữa, quan sát trên diễn đàn tôi thực sự thấy nguyên do lớn nhất dẫn đến các sai trái liên quan đến LCKH là do không được dạy dỗ/dẫn dắt đúng đắn.”
Shared link: https://thanhnien.vn/giao-duc/xet-giao-su-pho-giao-su-vi-sao-lot-luoi-nhieu-ung-vien-khong-dat-yeu-cau-1297827.html
Statistics:
Likes: 63, Shares: 9, Comments: 8
Like Reactions: 52, Haha Reactions: 6, Wow Reactions: 3, Love Reactions: 2, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0