Duong Tu – 2020-10-21 11:54:34
**Trung Quốc chống gian lận học thuật như thế nào?**
Những sáng kiến mang tính cải cách của Trung Quốc nhằm chống gian lận học thuật gồm:
* xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia những trường hợp có hành vi sai trái trong nghiên cứu
* lập danh sách đen các tạp chí kém chất lượng
* giao cho một cơ quan chính phủ chuyên trách theo dõi, giám sát và xử lý các hành vi gian lận
*
Bài gốc trên Nature News, tháng 6/2018: https://www.nature.com/articles/d41586-018-05359-8
Bản dịch của báo Khoa học và Phát triển, tôi sửa lại một số chỗ cho đúng với bản gốc: https://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/trung-quoc-chong-gian-lan-hoc-thuat/20180615103645726p1c160.htm
***
Ngày 30/5, các cơ quan quyền lực nhất của quốc gia này – Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội đồng Nhà nước – đã đưa ra một loạt cải cách nhằm tăng cường liêm chính trong nghiên cứu. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc (MOST) sẽ chịu trách nhiệm quản lý việc điều tra và phán quyết các trường hợp có hành vi sai trái trong nghiên cứu khoa học – vai trò trước đó do nhiều cơ quan riêng rẽ đảm nhiệm.
Đây là lần đầu tiên các trường hợp gian lận học thuật sẽ được ghi vào cơ sở dữ liệu quốc gia đang được MOST xây dựng. Những người nằm trong danh sách này có thể sẽ không được nhận tài trợ từ các quỹ nghiên cứu trong tương lai, mất vị trí nghiên cứu, cũng như ít có khả năng tìm được việc ngoài môi trường hàn lâm.
Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc sẽ giám sát vấn đề tương tự đối với các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội.
**Lập danh sách đen**
MOST sẽ thiết lập một danh sách đen các tạp chí khoa học kém chất lượng bao gồm cả trong nước và quốc tế. Các nhà khoa học công bố kết quả nghiên cứu trên những tạp chí này sẽ bị cảnh báo còn những bài báo như vậy sẽ không được xem xét khi đề bạt, bổ nhiệm và tài trợ.
“*Việc tuyên bố rõ ràng rằng những bài báo xuất bản trên các tạp chí kém chất lượng sẽ không được tính vào thành tích nghiên cứu đã gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ*”, Paul Taylor, người đứng đầu chương trình liêm chính khoa học của Đại học RMIT ở Melbourne, nói. Nhưng việc xác định các tạp chí «đen» không dễ dàng gì.
Thời điểm bắt đầu cải cách chưa được công bố nhưng dự kiến sẽ đến sớm. Nhiều nhà khoa học, chuyên gia chính sách tại Trung Quốc và nước ngoài tin rằng, chính sách mới sẽ có tác động rất mạnh.
Hành vi sai trái trong khoa học là một vấn đề lớn ở Trung Quốc với nhiều trường hợp đạo văn, sử dụng dữ liệu gian lận, khai báo sai hồ sơ cá nhân và bình duyệt giả mạo. Thí dụ một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng là tạp chí Tumor Biology đã gỡ bỏ 107 bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc năm 2017 do giả mạo bình duyệt.
**Thực hiện chính sách mới**
Xue Lan, nhà nghiên cứu chính sách khoa học và đổi mới tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, cho biết, chính sách trước đây của Trung Quốc chỉ dựa trên nguyên tắc chung, chẳng hạn như nâng cao đạo đức nghiên cứu, nên rất khó thực hiện. Những cải cách mới thực tế hơn nhiều. “*Chính phủ thiết lập một hệ thống đòi hỏi trách nhiệm giải trình chi tiết ở mức độ chưa từng thấy trước đây*”, Xue nói.
Là một phần của cuộc cải cách, MOST sẽ làm việc với các cơ quan như Viện hàn lâm Khoa học Trung Quốc để xây dựng các tiêu chuẩn xác định hành vi sai trái; những biện pháp theo dõi và điều tra khi có cáo buộc; các quy tắc để quyết định hình phạt theo từng loại hành vi sai trái. Theo chính sách mới, công việc và tiền tài trợ cho những người gian lận có thể bị thu hồi. Mặc dù các trường đại học hiện nay có những quyền hạn này, một số nhà khoa học nói rằng chúng hiếm khi được áp dụng.
“*Hệ thống trách nhiệm giải trình trọn đời sẽ khiến mọi người e ngại trong việc thực hiện các hành vi gian lận trong khoa học. Nó sẽ giúp tạo ra môi trường học thuật trong sạch*”, Yu Hailiang, kỹ sư cơ khí tại Đại học Central South ở Changsha, cho biết.
Tang Li, nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại Đại học Fudan, Thượng Hải, là một trong số những người ủng hộ cuộc cải cách. Tuy nhiên, Li lo ngại nếu hình phạt quá khắc nghiệt, nó có thể gặp phản ứng từ các nhà khoa học. Li cũng cảnh báo rằng, MOST cần phải bảo vệ người tố cáo cũng như những nhà nghiên cứu bị cáo buộc sai bởi các nhà khoa học có thể công khai đấu tố nhau trên mạng. Taylor cho biết mối bận tâm của Li là hoàn toàn có cơ sở. Trung Quốc cần đảm bảo quá trình điều tra để đưa tên các nhà nghiên cứu vào cơ sở dữ liệu “có hành vi sai trái trong học thuật” phải thật công bằng và nghiêm ngặt.
Quy định mới cũng nêu rõ rằng các tổ chức, đơn vị nghiên cứu sẽ bị thu hồi tiền tài trợ nếu bao che cho các nhà nghiên cứu có hành vi sai trái nghiêm trọng. Nicholas Steneck – nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan ở Ann Arbor (Mỹ) – nói rằng đây có thể là một mô hình để các quốc gia khác noi theo.
**Đánh giá cả số lượng lẫn chất lượng **
Chính sách mới cũng bao gồm kế hoạch thay đổi toàn bộ cách đánh giá năng lực của nhà khoa học và quy trình tài trợ nghiên cứu. Hệ thống hiện tại quá chú trọng vào số lượng bài báo mà một nhà khoa học công bố, đặc biệt là các bài báo đăng trên tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao. Nhưng một số nhà khoa học lưu ý rằng điều này sẽ khuyến khích việc nghiên cứu đốt cháy giai đoạn và gian lận. Quy định mới kêu gọi các trường đại học thay vào đó cần xem xét cả số lượng lẫn chất lượng bài báo cũng như tập trung vào mức độ đổi mới sáng tạo và ảnh hưởng lẫn toàn bộ hồ sơ xuất bản của nhà nghiên cứu.
Nỗ lực thay đổi văn hóa khoa học ở Trung Quốc sẽ là chìa khóa để giảm thiểu các hành vi sai trái. “*Theo thời gian, các quy định mới sẽ đi vào tiềm thức của mỗi nhà khoa học, giúp họ chống lại những thói hư tật xấu trong nghiên cứu một cách có ý thức*”, Yu nói.
*
Image credit: https://www.nature.com/articles/d41586-019-03613-1
Shared link: https://www.nature.com/articles/d41586-019-03613-1
Statistics:
Likes: 77, Shares: 11, Comments: 11
Like Reactions: 74, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 3, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0