Minh Dang Doan – 2020-10-11 11:37:01
DIỄN BIẾN TIẾP THEO CHUYỆN LIÊM CHÍNH TRONG CÔNG BỐ KHOA HỌC
Hôm nay trên báo Thanh Niên có dẫn tin về kết quả xét công nhận GS/PGS ở các hội đồng ngành:
https://thanhnien.vn/giao-duc/xet-gs-pgs-nam-2020-nhieu-ho-so-ung-vien-khong-duoc-thong-qua-lien-quan-bai-bao-khoa-hoc-1289990.html
Kết quả đó được công bố giữa tuần này trên trang web:
http://hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/danh-sach-ung-vien-duoc-hdgs-nganh-lien-nganh-de-nghi-xet-cong-nhan-dat-tieu-chuan-chuc-danh-gs-pgs-nam-2020_577/
Có thể đối chiếu những người đạt và không đạt qua vòng hội đồng ngành, khi xem danh sách những người được hội đồng cơ sở đưa lên (có 4 phần ở 4 links):
http://hdgsnn.gov.vn/tin-tuc/danh-sach-ung-vien-duoc-hdgscs-de-nghi-xet-cong-nhan-dat-tieu-chuan-chuc-danh-gs-pgs-nam-2020_542
Trong bài ở báo Thanh Niên có phần nói về lý do một số ứng viên không được thông qua liên quan đến chủ đề liêm chính khoa học mà diễn đàn này quan tâm nhiều:
“Nhiều ứng viên bị loại do không lý giải được vì sao đăng bài địa chỉ khác cơ quan mình
Đặc biệt, năm nay các hội đồng ngành đều phải thực hiện các yêu cầu của Hội đồng GS Nhà nước là phải xem xét rõ một số vấn đề trong hồ sơ ứng viên như ứng viên công bố nhiều bài báo khoa học tên cùng một tạp chí trong thời gian ngắn… ứng viên công bố bài báo trên các tạp chí được khuyến cáo về chất lượng. Đặc biệt, Hội đồng GS Nhà nước đã yêu cầu các hội đồng ngành phải làm rõ khi ứng viên có bài báo quốc tế mà địa chỉ khác nơi ứng viên làm việc.
…”
Theo đó, có thể thấy sau khi Hội đồng giáo sư nhà nước gửi công văn ngày 15/9/2020 về những vấn đề cần xét trong các hội đồng ngành, trong đó có điểm mới liên quan đến việc có thể thiếu liêm chính trong công bố quốc tế (đăng bài dưới tên đơn vị khác, quá nhiều bài trong thời gian ngắn…) thì các hội đồng ngành đã xét điểm này và qua đó một số người không giải trình thỏa đáng đã bị loại.
Việc bổ sung tiêu chí xét duyệt này, có lẽ là HĐGSNN đã chuẩn bị từ trước, cũng có thể chuỗi bài trên báo chí về hiện tượng “mua bán” bài báo khoa học và các “đầu nậu” đẻ báo đã thúc đẩy phản ứng nhanh chóng của HĐGSNN. Điều đó cho thấy các phản biện trong cộng đồng học thuật được lắng nghe, việc xét duyệt hồ sơ GS/PGS có sàng lọc về tính liêm chính của các ứng viên thì sẽ gây hiệu ứng ngăn chặn với những kiểu làm khoa học thiếu đàng hoàng (ít ra đối với những người có đặt mục tiêu lên PGS/GS).
Việc áp dụng tiêu chí này ở mức độ nào là phụ thuộc từng lĩnh vực, tôi thấy cách làm ở hội đồng ngành Vật lý là phù hợp (trích bài báo TN):
“Có nhiều ứng viên có bài báo mà trên đó ghi địa chỉ duy nhất không phải nơi mình làm việc, nhưng hội đồng xem xét không thông qua 4 trường hợp được xem là nghiêm trọng nhất.”
Những người lỡ “bán” một vài bài thì có thể bỏ qua, khi họ đã nhận ra điều đó không tốt, cách giải quyết này rất đáng hoan nghênh. Còn với những trường hợp đã nhúng chàm quá nặng, hy vọng họ cũng chỉ bị loại lần này mà không bị đưa vào black list, nếu trong thời gian tới họ sửa cách làm nghiên cứu cho xứng đáng với vai trò của GS/PGS trong việc dẫn dắt thế hệ sau.
Trong bài nêu trường hợp của anh Nguyễn Thời Trung ở ĐH TĐT, thì hẳn anh ấy không có chuyện bán bài đi đâu (chỉ ghi tên trường mình), mà có lẽ hội đồng ngành Cơ học đánh giá vấn đề ở chỗ anh Trung publish tăng đột biến trong thời gian ngắn. Tuy vậy mấy năm nay anh Trung là hình mẫu làm nghiên cứu thành tích cao và chắc là trường TĐT cũng đầu tư rất nhiều cho anh Trung, ở vai trò một trưởng nhóm nghiên cứu lớn (và có uy tín quốc tế trong chuyên môn của mình) thì khả năng anh Trung và nhóm của mình publish rất nhiều bài cũng không bất thường lắm. Việc anh Trung không được đến phỏng vấn để giải trình trực tiếp với hội đồng, có lẽ cũng đáng tiếc (tôi không quen biết gì anh Trung, chỉ cảm thấy nếu hội đồng ngành dành thời gian nghe anh ấy giải trình trực tiếp thì có lẽ đầy đủ thông tin hơn).
Statistics:
Likes: 106, Shares: 4, Comments: 11
Like Reactions: 92, Haha Reactions: 8, Wow Reactions: 4, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0