Duong Tu – 2020-09-29 00:17:18
**ĐỌC KẾT QUẢ KIỂM TRA ĐẠO VĂN**
Ngày hôm qua, trên trang Facebook cá nhân “lam hồng nguyễn” của người được cho là thượng tá, nhà báo Nguyễn Hồng Lam – phóng viên, phó trưởng cơ quan đại diện của Cục truyền thông công an nhân dân, phụ trách hai tờ báo Văn nghệ Công an và An ninh Thế giới ở phía Nam ([https://youtu.be/y8F_Bl2Ovtk](https://youtu.be/y8F_Bl2Ovtk)) có đăng một tài liệu là “Kết quả kiểm tra chống sao chép” luận án tiến sĩ “Nghiên cứu tác động của tổ hợp chân vịt – bánh lái đến điều khiển hướng đi tàu thủy trên tuyến luồng Hải Phòng” của ông Bùi Văn Cường khi ông này làm nghiên cứu sinh tại Đại học Hàng hải: [https://www.facebook.com/NguoiCuaGiangHo04/posts/10214468439224819](https://www.facebook.com/NguoiCuaGiangHo04/posts/10214468439224819)
Xin lưu ý rằng:
i) Tôi dùng mấy chữ “người được cho là” ở đoạn trên vì trang Facebook “lam hồng nguyễn” không có tick xanh, chưa được Facebook xác thực nên về mặt pháp lý, tôi không thể khẳng định nhà báo Nguyễn Hồng Lam thực sự là chủ sở hữu trang đó.
ii) Tôi không rõ nguồn tài liệu “Kết quả kiểm tra chống sao chép” từ đâu mà chỉ dẫn lại theo trang Facebook “lam hồng nguyễn”, do đó, tôi không chịu trách nhiệm về tính xác thực của tài liệu này.
Ở bài này, tôi chỉ lấy tài liệu đó làm minh họa để thảo luận về cách đọc kết quả kiểm tra đạo văn của Turnitin.
*
Khi kiểm tra đạo văn bằng Turnitin, phần mềm sẽ cho ra kết quả là Originality Report bao gồm hai nội dung chính sau đây:
1. Similarity Index: cho biết bao nhiêu phần trăm câu chữ trong tài liệu được kiểm tra trùng lặp với câu chữ trong các nguồn khác nhau trên Internet, sách báo khoa học hay các luận văn, bài tập có sẵn trong cơ sở dữ liệu của Turnitin.
Những câu chữ này được tô màu khác nhau theo mức độ trùng lặp, thông thường là các màu xanh lam, xanh lá cây, vàng, da cam, đỏ lần lượt tương ứng với mức độ trùng lặp 0%, tới 24%, 25-49%, 50-74%, 75-100%.
2. Danh sách những tài liệu nguồn có chứa câu chữ giống với câu chữ trong tài liệu cần kiểm tra được sắp xếp theo tỷ lệ trùng lặp giảm dần. Khi kiểm tra trực tiếp trên website của Turnitin, chỉ cần nhấp chuột vào từng tài liệu, Turnitin sẽ chuyển tiếp đến nơi chứa tài liệu nguồn.
Một ví dụ về Originality Report là bản phân tích của Turnitin đối với tóm tắt luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Phan Thị Kim gắn với một bài viết của tôi cách đây 4 năm trước:
Originality Report: [https://www.dropbox.com/s/idgxlr7rl4oobdf/TTLATS%20-%20Phan%20Thi%20Kim.pdf?dl=0](https://www.dropbox.com/s/idgxlr7rl4oobdf/TTLATS%20-%20Phan%20Thi%20Kim.pdf?dl=0)
Bài phân tích liên quan: [https://www.facebook.com/tucurie/posts/10154065477733757](https://www.facebook.com/tucurie/posts/10154065477733757)
***
Vậy, chúng ta có thể nhận xét gì về tài liệu “Kết quả kiểm tra chống sao chép” luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Bùi Văn Cường?
Đầu tiên, về tỷ lệ sao chép 12%. Con số này cho biết 12% số câu chữ trong luận án của tác giả trùng lặp với câu chữ trong các nguồn tài liệu khác. Nó chưa phải chỉ số kết luận rằng 12% nội dung luận án của ông Cường đạo văn mà mới chỉ là gợi ý giúp người kiểm tra đạo văn đánh giá kỹ hơn trước khi đưa ra kết luận.
Thật vậy, nếu 12% số câu chữ này thuộc danh mục tài liệu tham khảo, hoặc là được tính dồn từ những cụm vài ba từ trùng lặp một cách ngẫu nhiên, hay là các nội dung được trích dẫn nguyên văn trong ngoặc kép và có dẫn nguồn, thì ông Cường không phạm lỗi đạo văn. Trong trường hợp này, ngay cả Similarity Index lên tới 30% cũng không thể kết luận ông Cường đạo văn.
Nếu 12% số câu chữ này là các nội dung chính trong luận án, đặc biệt là ở phần kết quả nghiên cứu, không phải phần trích dẫn nguyên văn trong ngoặc kép, người kiểm tra đạo văn cần đọc tài liệu nguồn theo gợi ý của Turnitin rồi so sánh xem có đúng là ông Cường sao chép các nội dung này từ tài liệu nguồn vào luận án của ông ấy hay không. Nếu quả là như vậy thì ông Cường phạm lỗi đạo văn, bất kể tỷ lệ sao chép chỉ là 1% hay thậm chí thấp hơn.
Những điều này đều đã được nói rõ trong các hướng dẫn đánh giá Originality Report của Turnitin, chẳng hạn:
[https://help.turnitin.com/feedback-studio/turnitin-website/instructor/the-similarity-report/interpreting-the-similarity-report.htm](https://help.turnitin.com/feedback-studio/turnitin-website/instructor/the-similarity-report/interpreting-the-similarity-report.htm): “The similarity score simply highlights of any problem areas in a student’s paper; you can then use this as an investigative tool, in order to determine if the match is or is not acceptable.”
[https://guides.highpoint.edu/c.php?g=756453&p=5423257](https://guides.highpoint.edu/c.php?g=756453&p=5423257): “Regardless of the similarity index, you will need to analyze the report to determine whether the student plagiarized.”
[https://services.anu.edu.au/files/user-guide/orginality-report.pdf](https://services.anu.edu.au/files/user-guide/orginality-report.pdf): “a ’similarity index’ produced by Turnitin must be interpreted on a case by case basis, and it is important to remember that a high ‘similarity index’ may not be an indication that there is any inappropriate content in an assignment.”
*
Theo tìm hiểu của tôi, Đại học Hàng hải quy định rằng khi kiểm tra đạo văn bằng Turnitin, “các luận văn có kết quả tỷ lệ kiểm tra sao chép và tỷ lệ trích dẫn nhỏ hơn hoặc bằng 30% là đạt yêu cầu” (xem trang 4 tài liệu này trên website của Đại học Hàng hải: [http://sdh.vimaru.edu.vn/sites/sdh.vimaru.edu.vn/files/chuan-Huong_dan_su_dung_Turnitin_va_Quy_dinh_ty_le_trong_kiem_tra_sao_chep-update.pdf](http://sdh.vimaru.edu.vn/sites/sdh.vimaru.edu.vn/files/chuan-Huong_dan_su_dung_Turnitin_va_Quy_dinh_ty_le_trong_kiem_tra_sao_chep-update.pdf))
Tôi không rõ Đại học Hàng hải có tiến hành đánh giá kỹ hơn nghi vấn đạo văn theo gợi ý của Turnitin không, hay chỉ đơn thuần dựa trên Similarity Index và lấy giới hạn 30% để kết luận một luận văn, luận án là đạt hay không đạt yêu cầu.
Trong trường hợp Đại học Hàng hải chỉ dựa vào Similarity Index để kết luận, tôi cho rằng đó là một cách đánh giá thô sơ, tùy tiện và không có sơ sở khoa học. Như đã nói ở trên, nếu trích dẫn nguyên văn trong ngoặc kép có dẫn nguồn thì tỷ lệ 30% hay cao hơn vẫn không bị xem là đạo văn, trong khi nếu thực sự là sao chép từ tài liệu khác thì dù tỷ lệ 1% vẫn bị xem là đạo văn.
Một ví dụ khác về chuyện dùng Similarity Index để đánh giá một tài liệu có đạo văn hay không là quy định của Học viện Ngân hàng. Theo quy định này (xem trang 4), các tài liệu có tỷ lệ đạo văn dưới 20-25% sẽ mặc nhiên được chấp nhận – một quy định mà theo tôi là hết sức thô sơ, tùy tiện và không có cơ sở khoa học: http://hvnh.edu.vn/pdt/vi/qcdt-quy-dinh-cua-hvnh/quy-dinh-liem-chinh-hoc-thuat-cua-hoc-vien-ngan-hang-143.html
Trong bài viết trước đây của tôi đặt ra nghi vấn về bản tóm tắt luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Phan Thị Kim, mặc dù Similarity Index lên tới 57% nhưng tôi không thể kết luận ngay 57% nội dung bản tóm tắt luận án tiến sĩ này là đạo văn. Tôi đã phải đọc từng tài liệu nguồn theo gợi ý của Turnitin và so sánh rồi từ đó mới đặt ra nghi vấn chứ cũng chưa kết luận gì.
Có người thắc mắc tại sao trong tài liệu “Kết quả kiểm tra chống sao chép” luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Bùi Văn Cường, tỷ lệ sao chép 12% không bằng tổng tỷ lệ theo các nguồn Internet (6%) và nguồn luận văn/đề tài (9%). Câu trả lời tương đối đơn giản: một số câu chữ trong luận án của ông Cường có thể trùng lặp với cả câu chữ theo nguồn Internet lẫn nguồn luận văn/đề tài. Trong Originality Report đối với tóm tắt luận án của nghiên cứu sinh Phan Thị Kim cũng vậy: Similarity Index là 57% bao gồm 57% từ nguồn Internet, 2% từ nguồn publications và 8% từ student papers.
Xin nhắc lại rằng, những phân tích vừa rồi dựa trên giả định rằng tài liệu “Kết quả kiểm tra chống sao chép” là xác thực, do Đại học Hàng hải ban hành. Tôi không chịu trách nhiệm về tính xác thực của tài liệu này, được đăng tải trên trang Facebook “lam hồng nguyễn”.
*
Các bác có thêm tài liệu hay bằng chứng nào khác về nghi vấn đạo văn trong luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Bùi Văn Cường, xin vui lòng chia sẻ.
Shared link: https://www.dropbox.com/s/idgxlr7rl4oobdf/TTLATS%20-%20Phan%20Thi%20Kim.pdf?dl=0
Statistics:
Likes: 157, Shares: 38, Comments: 81
Like Reactions: 143, Haha Reactions: 9, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 4, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0