Nam Phan – 2020-09-06 01:36:35
Xin chào tất cả anh chị em, tôi nhận lời tham gia vào nhóm này vì nghĩ rằng sự có mặt của mình sẽ mang lại một chút năng lượng tích cực, hay ít nhất thì cũng làm bớt đi một chút năng lượng tiêu cực khi mọi người thảo luận về chuyện khoa học và những vấn đề liên quan. Có một số vấn đề tôi muốn trao đổi:
1. Đây không phải là nơi đấu tố nhau. Vì vậy, xin đừng post lên đây CV của các nhà khoa học của chúng ta và nói vài câu bâng quơ để những người khác vào tấn công cá nhân. Nếu thật sự cần thiết, thì kèm theo CV ai đó phải có số liệu phân tích một cách khoa học. Tuy nhiên, lưu ý là chuyện này rất tế nhị, có nhiều khi chúng ta chưa hiểu rõ vấn đề, nên cần hết sức thận trọng để không ảnh hưởng đến người được đề cập. Tôi cũng rất xin lỗi là mấy ngày qua tôi đã xóa các bài viết hay comment kiểu này, nhưng tôi nghĩ điều đó là cần thiết.
2. Về chuyện “mua-bán” bài báo, tôi cũng đã viết 1 bài khá dài rồi (bài báo dạng 4). Chuyện “mua-bán” đó không đúng theo chuẩn mực quốc tế, nhưng với các nhà khoa học trẻ thì chuyện đó có ý nghĩa, ngoài chuyện có thêm thu nhập cho gia đình. Giai đoạn khoảng 1-3 năm sau khi hoàn tất PhD hay postdoc trở về nước khá quan trọng, và ảnh hưởng đến cả con đường khoa học. Nếu không có điều kiện nghiên cứu, người ta rẽ sang hướng khác, bỏ nghiên cứu chừng 3 năm, sau này có điều kiện trở lại nghiên cứu thì cũng chỉ lây lất chứ không bao giờ trở lại đỉnh cao. Chúng ta đã có quá nhiều TS giỏi, về nước, và chấm dứt sự nghiệp khoa học một cách đáng tiếc. Vì vậy, nhờ chuyện “mua-bán” này, mà nhiều TS trẻ vẫn có thể có điều kiện để nghiên cứu, duy trì tay nghề. Bỏ tiền để có 100 bài báo thì dễ, chứ để có 1 TS làm nghiên cứu tốt thì khó vô cùng. Vì vậy, xin hãy nhìn thoáng hơn với các TS trẻ của chúng ta trong vấn đề này, đúng hay sai cũng thật sự khó phân định trong hoàn cảnh này. Hy vọng đến 1 ngày, các chính sách của thượng tầng có thay đổi, tình hình sẽ cải thiện.
3. Tôi rất mong muốn thay vì chỉ trích chuyện “mua-bán”, mọi người hãy bàn về các giải pháp mà trên thượng tầng cần làm để hạn chế tình trạng này. Chuyện ai đó tính đưa các quy định quy chế nghiêm ngặt để ràng buộc các nhà khoa học như báo chí đưa tin, thật ra cũng chỉ làm khổ thêm các nhà khoa học thôi chứ chẳng giải quyết được chuyện gì.
4. Thật ra chuyện liêm chính khoa học và những thứ liên quan khá rộng, chứ không chỉ có mỗi cái chuyện “mua-bán” kia. Hy vọng mọi người có thể tạo chủ đề thảo luận và tham gia thảo luận những chuyện có ý nghĩa như:
+ Chuyện 2 thái cực của các tạp chí OA cũng đang được bàn bạc đâu đó.
+ Chuyện các đề tài nhà nước (trừ Nafosted), từ xét duyệt đến nghiệm thu và những câu chuyện hậu trường, cho đến những đóng góp thật sự của các đề tài này.
+ Chuyện đào tạo TS cũng như các chuẩn mực luận án TS ở các khối ngành khác nhau.
+ Chuyện đạo văn, không phải là chỉ trích ai đó, mà là để các bạn trẻ biết các kỹ thuật phòng tránh đạo văn không cố ý chẳng hạn.
+ Chuyện dạy các vấn đề về đạo đức khoa học trong các trường đại học.
+ Chuyện các giải thưởng NCKH của học sinh cấp 3, trong đó có những đề tài mà NCS nhìn còn choáng.
+ Chuyện các chuẩn GS/PGS cũng như chuyện xét duyệt, bổ nhiệm.
+ Chuyện nhà nhà tham gia kiểm định, rồi có người (kể cả người làm kiểm định) làm mình choáng vì cứ khăng khăng đạt chuẩn ABET của US thì chất lượng đào tạo và nghiên cứu sẽ như US!
+ Chuyện xếp hạng đại học, cần phải nói cho nhiều người biết rằng khoảng cách từ 50 đến 100 nó khác 1 trời 1 vực với từ 700 đến 750, dù 2 khoảng cách đều là 50.
+ Chuyện các chỉ số để đánh giá năng lực của các nhà khoa học.
+ Chuyện các chiêu trò để 1 tạp chí tăng IF…
Tạm thời mình nghĩ ra vậy, có thể hợp lý, có thể chưa, mong mọi người bổ sung thêm, mỗi người một ý đóng góp để chuyện thảo luận ở đây thêm phong phú đa dạng.
Chúng ta ai cũng có công việc riêng. Tham gia ở đây là tự nguyện, ai thích chủ đề A mà không thích chủ đề B cũng hết sức bình thường. Ai không tham gia thảo luận cũng hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu đã tham gia, xin hãy nói về sự việc chứ đừng nói về con người, đừng tấn công cá nhân. Những gì chúng ta viết ra, trong 1 phút nóng giận nào đó, ít nhiều cũng sẽ thể hiện tính cách của chúng ta và có thể làm ảnh hưởng đến người khác, đặc biệt là những người vô tội. Mà nói cho cùng, chúng ta làm bất cứ chuyện gì, dù lớn dù nhỏ, thì cũng cần phải vui!
Cám ơn mọi người đã đọc.
Statistics:
Likes: 524, Shares: 7, Comments: 186
Like Reactions: 415, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 96, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0