Hong Xuan Do – 2020-09-18 13:51:16
Chuyện báo – Phần cuối
Đằng sau những bài báo
#chuyenseries
Đi học làm nghiên cứu, thầy hỏi bạn “muốn làm nghề gì trong tương lai?” Rồi thầy khuyên “bắt đầu viết báo sớm” khi nghe bạn trả lời là muốn đi theo con đường nghiên cứu hàn lâm.
Đi làm postdoc, bạn cũng hỏi tiền bối (mentor) xem nên tập trung vào việc gì để phát triển sự nghiệp. Tiền bối cười và hô to khẩu hiệu “Publish! Publish! Publish!”
Hai người dẫn đường, một niềm tin. Họ tin vào luật chơi “Publish or Perish” để có thể tồn tại và leo lên các nấc thang tiếp theo trong thế giới hàn lâm. Cả hai cũng đều dành cho bạn một lời khuyên: danh sách ấn bản cần phù hợp với “thị trường mục tiêu”. Muốn phấn đấu trên con đường Giáo sư của các trường/viện nghiên cứu hàng đầu? Một, hai bài báo trong các tạp chí hàng đầu của ngành hẹp, hoặc đa ngành (Nature, Science thì tuyệt!!!) là một cú huých tốt trong giai đoạn khởi nghiệp.
Bạn được khuyên cần quan tâm đến số lượng, và ra bài đều đặn, nhưng phải có sự phân phối bài hợp lý ở các tạp chí có “thứ hạng” khác nhau cho phù hợp với thị trường. Bạn được học rằng bài được đăng ở báo có thứ hạng nào phụ thuộc nhiều vào chất lượng ý tưởng, tính thời sự và độ trau chuốt của bản thảo. Bởi thế, khi đặt nặng chất thì sẽ phải giảm về lượng; và ngược lại. Bạn còn được nhắc phải cân đối giữa số lượng bài làm tác giả chính và tác giả phụ để tránh cả đời phải “đóng vai phụ”.
Càng ở lâu trong nghề, bạn càng hiểu việc sở hữu một “đội hình hợp lý” cho danh sách các bài báo quan trọng như thế nào đối với những người mới ra nghề (và muốn đánh sâu vào con đường học thuật). Vì bạn chẳng có gì khác để đặt lên bàn đàm phán ngoài những bài báo. “Bên B” thường rất bận rộn (và ngày càng bận), nên chỉ đủ thời gian liếc xem bạn xuất bản ở tạp chí nào, làm việc với ai, và vai trò của bạn trong những ấn bản đó là gì (ngành của bạn chỉ có 2 vai trò: đứng tên đầu tiên, và không đứng tên đầu tiên). Với cách này, chỉ cần 2 phút, bên B sẽ biết nên đặt bạn vào đâu trong “bảng xếp hạng” của họ. Tất nhiên, xây dựng portfolio như thế nào là lựa chọn cá nhân, vì chẳng ai sống thay cuộc đời của bạn…
Những ai được “sinh ra và lớn lên” trong bối cảnh “Publish or Perish” sẽ phần nào thấu hiểu áp lực các nghiên cứu viên “trẻ” – những người đang lần mò tìm hiểu luật chơi – tự tạo ra.
Nghề nào cũng vậy, muốn có nhiều lựa chọn để phát triển sự nghiệp thì phải có thành tựu. Mà thành tựu của những người mới vào nghề nghiên cứu đa phần chỉ có thể là báo; vì chưa đủ tầm (hoặc tuổi) để có dự án hay sinh viên riêng của mình. Nhiều đề tài còn chẳng tạo ra được tác động hữu hình gì đến cuộc sống; đặc thù này tạo ra hiệu ứng tâm lý không dễ chịu chút nào.
Đó là sự nghi vấn năng lực bản thân. Nghi vấn này đến từ những ngày dài không tạo ra sản phẩm. Nhiều ngành về kỹ thuật, tiêu chuẩn để ra trường cho Nghiên cứu sinh là ba bài báo trong bốn năm. Hai năm đầu (có khi là ba năm) không xuất bản là rất bình thường, nhưng sẽ khiến bạn cảm giác như mình chẳng đóng góp gì vào sự phát triển của xã hội. Thời gian kém năng suất càng kéo dài, số ngày bạn thức dậy, ngơ ngác nhìn vào gương tự hỏi “Tôi là ai? Đây là đâu? Tôi đang làm gì ở đây vậy?” sẽ xuất hiện càng thường xuyên hơn.
Trong áp lực đó, một giải pháp là lựa chọn con đường số lượng bù chất lượng – nếu được cho phép. Tất nhiên, sự lựa chọn này (có thể) sẽ dẫn đến hệ quả là sự bỏ qua một số thị trường tiềm năng trong tương lai. Một giải pháp khác là chuyển hướng, ra làm tư vấn, làm industry, làm thợ dạy… để thoát khỏi vòng xoáy “Publish or Perish”. Bạn thấy nhiều người đã chọn những con đường như thế – và hình như họ rất hạnh phúc. Nên chăng bạn cũng rẽ ngang để đỡ áp lực, về nhà bớt làu bàu với chồng/vợ, và sống hạnh phúc hơn?
Nhưng bạn lại sợ! Sợ luật chơi ở thế giới kia cũng lạ lẫm. Bạn có làm quen được không? Lại mâu thuẫn… Rồi bạn lại đi tiếp trên con đường cũ.
Bạn nể phục những con người có khả năng đeo bám những đề tài khó; có khi cả 3-5 năm không có xuất bản – để rồi “KaBoom!”, một tuyệt tác ra đời. Và theo sau đó là những thành công tất yếu của một quá trình dài tích lũy về lượng. Tinh thần phải vững vàng đến mức độ nào, niềm say mê nghiên cứu phải đến mức độ nào mới có thể làm được như vậy trong guồng quay Publish or Perish? Chuyện đó càng đáng nể trong bối cảnh thông tin bùng nổ, mạng xã hội lên ngôi. Lúc nào bạn cũng có thể bị mù mắt vì những con người xuất sắc (thực sự) đang xuất bản báo như máy in; hoặc những người xa lạ đang từng ngày tạo ra giá trị cho xã hội trong những lĩnh vực khác.
Đâu đó bạn cũng nghe nói về những scandal. Không rùm beng trên mặt báo, nhưng những người làm trong ngành đều biết. Bạn nghe kể về cái hậu của những trường hợp bị blacklist, và cảm nhận được họ đã đánh mất những thị trường lớn đến như thế nào. Mỗi một câu chuyện lại làm bạn toát mô hôi, và tự dặn bản thân cẩn trọng hơn một chút. Thế giới này nhỏ lắm chứ không lớn như bạn từng tưởng.
Câu chuyện của những bài báo càng phức tạp hơn ở những thị trường mà luật chơi chưa chặt chẽ, rõ ràng. Bạn lẩm bẩm “Cần chơi luật gì đây? Cầu lông – hay là bóng bầu dục?”
Phía sau mỗi bài báo, là một con người – với đủ các yếu tố phức tạp của xã hội hiện đại như bao con người bình thường khác. Khát vọng, ước mơ, hiện thực phũ phàng, tuyệt vọng, áp lực, trách nhiệm…
Chuyện gì đang diễn ra với họ? Tôi không biết. Bạn biết không?
Ann Arbor,
18/09/2020
Statistics:
Likes: 61, Shares: 10, Comments: 0
Like Reactions: 50, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 6, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0