Phuong Nguyen – 2020-09-16 23:47:49
Mô hình “mua bán” trong tương quan với mô hình “Lão làng vs. người nghiên cứu mới vào nghề”:
Qua trao đổi với bác Anh Ngoc Nguyen và vài người khác trên diễn đàn (tiếc là trao đổi của chúng tôi nằm trong một nhánh còm đã bị xoá cùng còm chính), tôi nhận thấy ở Việt Nam người làm nghiên cứu mới vào nghề vẫn bị hạn chế cơ hội tiếp cận funding cho nghiên cứu, và có thể bị lợi dụng bởi các “lão làng” trong khoa học. Vì chưa có đủ kinh nghiệm, uy tín họ buộc phải làm thuê cho các lão làng với mức lương rẻ mạt, và có thể là người làm chính nhưng lại không được đứng tên tác giả đầu trong bài báo, tức bị lợi dụng.
Hiện tượng này thực ra là kết quả của sự mô phỏng “méo mó” mô hình PI thuê các PhD, postdoc ở các nước phát triển. Lão làng hay PI là những người bằng uy tín, kinh nghiệm, kéo được dự án nghiên cứu về, rồi thuê PhD, postdoc làm. Công của PI rất lớn, vì họ phải viết ra hướng nghiên cứu thuyết phục được các tổ chức tài trợ tiền cho nghiên cứu khoa học. Những người làm chính là PhD, postdoc được PI hướng dẫn. PI tốt sẽ tạo mọi điều kiện cho họ làm việc hiệu quả nhất. Khi viết báo thì PI đứng tên cuối làm corresponding author, người làm chính sẽ là first author. Postdoc cũng có thể tự kiếm được dự án riêng (số này không nhiều) rồi tự phát triển hướng nghiên cứu của mình trong khi vẫn được PI hỗ trợ, vẫn được sử dụng phòng lab của PI. PI hỗ trợ họ không phải vì tính của PI tốt, mà vì giúp đỡ người mới vào nghề là một nghĩa vụ của PI, nếu làm tốt được đánh giá cao sự nghiệp trước mắt của bản thân PI sẽ tốt hơn, ngoài ra còn góp phần mở rộng mạng lưới hợp tác phát triển về sau.
Cách làm của mô hình này ở VN như mô tả phía trên là chèn ép và lợi dụng người mới vào nghề. Bản thân tôi cũng từng có cơ hội quan sát vài hiện tượng tương tự hơn chục năm trước. Có thầy nộp một đề cương đề tài mỗi hai năm một lần, mỗi lần chỉ thay đổi năm thôi còn nội dung giữ nguyên không thay đổi, chính xác đến từng con chữ. Thầy vẫn kéo được tiền dự án về (thế mới tài !?) và thuê mấy bạn sinh viên năm cuối sắp ra trường và mới ra trường với lương 800 nghìn/tháng (lương người giúp việc nhà lúc đó khoảng 2 – 2.5 triệu/tháng). Có bạn chia sẻ là giờ đỡ hơn rồi, người có trình độ tiến sỹ thì còn có cơ hội hơn, mà một trong những cơ hội đó là từ cái mô hình “mua bán” bài của các trường tư mà chúng ta đang kịch liệt phê phán đây.
Cái mô hình “lão làng vs. người mới vào nghề” kia cũng cần phải được mổ sẻ, phân tích và mở ra những cách thức minh bạch hoá nó, làm cho nó trở nên công bằng và thực sự hữu ích cho sự phát triển khoa học của nước nhà, chứ không thể là công cụ để người đi trước chiếm dụng thành quả, sức lao động của người đi sau. Nhưng đây là một đề tài lớn, lại không dễ chỉ ra bằng chứng, và người nghiên cứu mới vào nghề ở thế yếu hơn hẳn, “con kiến kiện củ khoai”. Tôi cũng chưa nhìn ra được cách thức khả dĩ nào có thể tác động đến nó, ngoài chuyện yêu cầu thêm vào đánh giá các Giáo Sư, PI cái nghĩa vụ (được tính điểm) phải tạo điều kiện phát triển nghề cho người đi sau, và nhà nước, các bộ ngành cần mở ra cơ hội tiếp cận funding dành riêng cho người nghiên cứu mới vào nghề.
Giờ ta quay trở lại với mô hình “mua bán” bài. Nhắc đến mô hình “lão làng vs. người mới vào nghề” để chỉ ra rằng nếu tương lai khoa học nước nhà lại bị chuyển từ tay “mafia lão làng” sang tay “siêu nhân” thì vận mệnh của nền khoa học Việt Nam sẽ còn tối hơn cả cái “tiền đồ của chị Dậu”. Chưa chắc người làm khoa học thực chất sẽ dễ sống hơn đâu.
Cái dở của mô hình “mua bán bài” hiện nay là chất lượng bài hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức tự thân người nghiên cứu, và vì nó dựa trên một loại hợp đồng “thưởng công bố” rất lỏng lẻo, nó khuyến khích sự ra đời và lớn mạnh của lực lượng siêu nhân. Với siêu nhân nước ngoài thì mua bán xong rồi thì chỉ phí tiền thôi chứ siêu nhân trong nước mới là hệ luỵ lâu dài. Nhiều khi trong một siêu nhân lại có vài phân thực chất, vài phân “giang hồ”, rõ ràng gây đảo lộn giá trị, không biết đâu mà lần. Người nghiên cứu hướng vào chất lượng chắc chắn sẽ thua “siêu nhân” trong mọi cuộc đua đề tài, chức vị, …. Cá nhân tôi thấy những người bán bài mà vẫn giữ được ý thức về việc làm nghiên cứu thật, chất lượng cũng đáng nể không kém mấy bạn không chấp nhận tham gia “tổ bán báo xa mẹ” (chữ dùng của TS Bảo Huy). Bởi vì cái “tinh thần khoa học” của họ được thử thách trong hoàn cảnh nghiệt ngã, người không có ý thức sẽ bị hùa theo mấy siêu nhân làm khoa học dỏm kia ngay. Chính ở cái điểm này mà tôi chưa bao giờ phê phán họ.
Nhưng chúng ta phải sòng phẳng mà nhìn nhận rằng cái mô hình mua bán bài hiện nay là không thể chấp nhận được. Nó cần phải được chuyển thành mô hình tài trợ nghiên cứu thực sự, với những cơ chế minh bạch, với thoả thuận bằng văn bản về quyền lợi, trách nhiệm, phân bổ thời gian,… để : i) tạo điều kiện cho người nghiên cứu làm thêm đúng luật, bảo vệ họ khỏi những rủi ro tiềm tàng liên quan đến luật sở hữu trí tuệ, conflict of interest, đạo đức nghiên cứu… ; ii) hướng vào chất lượng, vào ý thức giải quyết vấn đề, vào khám phá các quy luật tự nhiên và xã hội, chứ không phải chỉ để sản xuất ra bài báo. (Một điều vô cùng phi lý với tôi là các dự án hỗ trợ nghiên cứu khoa học hiện nay, kể cả của Nafosted đều có yêu cầu cam kết trước về số bài báo, ra không đủ lại còn phải đền tiền. Tôi hiểu cái logic của gaming, ai cũng muốn tăng các chỉ số, nhưng những đòi hỏi như thế sẽ cản trở người nghiên cứu tập trung vào “vấn đề nghiên cứu”, và dễ bị vướng vào các hành vi vi phạm liêm chính như làm “tròn” số liệu để bài đủ hấp dẫn cho xuất bản, đáp ứng chỉ tiêu. Nhưng thôi, đây là cái dilemma của cả nền khoa học nhân loại, không riêng gì ở VN, những trường ĐH nghiên cứu tốt ở các nước phát triển ý thức về điều này tốt hơn, vì họ đã có vị thế nên mới có thể theo đuổi cao sang.)
Vậy nên, tôi viết post này kêu gọi các quý bạn/anh/chị/cô/thầy hãy bàn vào “gốc rễ” của vấn đề, mổ xẻ hệ luỵ của các mô hình, chính sách, và quan trọng hơn hết là tìm xem có cách nào giúp tác động đến cơ quan quản lý để người nghiên cứu thực thụ có thể ngẩng cao đầu làm thêm một cách đàng hoàng mà không phải lo bị phán xét. Quy luật thị trường, có cầu thì có cung. Nếu “cầu” vẫn ở đó mà quý vị cứ đi mắng mấy người “cung” không đạo đức, tiếp tay cho cầu này nọ thì không giải quyết được vấn đề. Có chăng thì chỉ làm cho những người còn giữ được cái ý thức làm khoa học thật thêm nản thôi, chứ tác động thế nào được đến cái đám siêu nhân mặt sắt trơ lỳ bán bài thành nghề kia, phỏng ạ.
Statistics:
Likes: 61, Shares: 4, Comments: 51
Like Reactions: 53, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 6, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0