Ha-Duong Tuong – 2022-07-14 00:38:58
**GS Hoàng Tuỵ với giáo dục**.
Cách đây đúng ba năm, ngày 14/7/2019, GS Hoàng Tuỵ đã lìa trần, từ bỏ cuộc sống phù vân (1) để về bên thế giới người hiền.
Ông là một nhà toán học lỗi lạc được thế giới công nhận, đồng thời là một nhà văn hoá đích thực (chữ của nhà văn Nguyên Ngọc), một sĩ phu của thời đại luôn luôn nặng lòng với đất nước. Đương thời, GS Hoàng Tuỵ viết khá nhiều về Giáo dục, đăng trên hầu hết các báo chí có uy tín trong và ngoài nước: Tia Sáng, Thời báo kinh tế Sài Gòn, Thời đại mới, Vietnamnet v.v. Trong tập **Kỷ yếu “Sĩ phu thời nay**”, Hà Nội 2007, do nxb Tri Thức xuất bản để mừng thượng thọ ông lên 80 tuôi, những người chủ biên đã đăng một bài dài 44 trang chỉ gồm những trích dẫn các ý kiến đã công bố của ông về giáo dục.
Để tưởng nhớ ông nhân ngày giỗ lần thứ ba này, tôi muốn giới thiệu với trang Liêm chính Khoa học một bài viết quan trọng mà ông là đồng tác giả với nhiều trí thức trong và ngoài nước – trong đó có GS Ngô Việt Trung đã nhiều lần có bài trên trang này. Đó là **Kiến nghị của Hội thảo “Chấn hưng, cải cách và hiện đại hoá giáo dục”** do GS Hoàng Tuỵ đề xướng năm 2004, kết quả của “5 xêmina diễn ra trong ba tháng 3-4-5/2004” nhưng thực ra là “*xuất phát từ sự suy nghĩ và trăn trở trong nhiều năm*” của những người tham gia Hội thảo, và được trao cho “Trung ương Đảng và Chính phủ” ngày 5/7 cùng năm. Bản Kiến nghị đã được đăng trên một blog riêng nay đã đóng cửa nhưng đã được vài trang mạng đăng lại (2).
Gần 20 năm qua, rất tiếc là nhận định đầu tiên của Kiến nghị (trong phần **I. Thực trạng của Giáo dục**) vẫn chưa được cải tiến một cách cơ bản : “Đạo đức bị xói mòn, thói **gian dối, thiếu trung thực **đang tác động nặng nề đến mọi mặt của đời sống xã hội.”. Tám năm sau, trong một bài trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ mang nhan đề “[Giả dối: khuyết tật của nền giáo dục](https://tuoitre.vn/gia-doi-khuyet-tat-cua-nen-giao-duc-515169.htm#ad-image-0)” (10/10/2012), ông kể ra những hiện tượng vẫn đầy dẫy trên báo chí: “Kể tên những thứ giả dối trong giáo dục thì rất nhiều. Thầy giáo đổi tình, đổi tiền lấy điểm, tiếp tay cho việc chạy trường, chạy lớp, chạy bằng giả, chạy chức vụ, học hàm, học vị. Học sinh, sinh viên học hành đối phó, gian lận, đạo luận án, đạo nghiên cứu khoa học…”. Có vẻ như thời gian không tác động nhiều lắm vào việc xoá bớt đi những hiện tượng đó?
Tôi không trích ở đây 10 điểm của phần **II. Con đường ra: cải cách, hiện đại hoá giáo dục**,** **bàn về nội dung và phương hướng của nhiệm vụ hiện đại hoá giáo dục (3), mà nhảy thẳng sang nửa sau của phần **III. Mấy vấn đề cấp bách** dành cho giáo dục đại học, lĩnh vực trực tiếp liên quan tới LCKH. Nửa này có 7 điểm, sau đây là các điểm 2. , 3., 4. và 7. (tôi lược bớt một vài câu để giữ lại các ý chính, những chỗ in đậm là theo nguyên bản)
“**2**. **Chấn chỉnh việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ**. Bằng thạc sĩ và tiến sĩ phải theo chuẩn mực quốc tế, không thể tuỳ tiện, đào tạo cẩu thả, chạy theo số lượng, mà phải lấy chất lượng, trình độ, làm tiêu chí hàng đầu. (…) Vì vậy cần chỉnh đốn từ gốc, rà soát lại để hạn chế chặt chẽ số đơn vị, ngành được phép đào tạo, đơn vị nào, **ngành nào còn yếu thì cương quyết dừng lại việc đào tạo trong nước**để gửi ra đào tạo ở nước ngoài và chuẩn bị thêm điều kiện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, lập lại trật tư, kỷ cương, **chống gian dối và cẩu thả trong việc đào tạo và cấp bằng**. Đồng thời những cơ sở đại học nào được phép đào tạo **cần có đủ quyền chủ động **từ việc tuyển nghiên cứu sinh, lựa chọn chương trình, cử người hướng dẫn cho đến tổ chức phản biện, bảo vệ và cấp bằng, để có thể tự chịu trách nhiệm hoàn toàn trước xã hội về chất lượng đào tạo.
**3.** **Chấn chỉnh công tác chức danh GS, PGS. **Đây là một trong những khâu then chốt để bảo đảm chất lượng cho đại học, nhưng trong một thời gian dài cho đến hiện nay, ở nước ta đã thực hiện khá tuỳ tiện và còn quá nhiều bất cập. (…). Do đó để mở đường hiện đại hoá đại học, cần sớm chấn chỉnh công tác chức danh GS, PGS, trước hết **cải tổ “Hội đồng chức danh GS” thành một hội đồng**không trực tiếp công nhận các chức danh mà **chỉ xét duyệt hàng năm, định kỳ, để công nhận những người đủ tư cách ứng cử vào các chức danh GS, PGS**ở các đại học và viện nghiên cứu. Hàng năm các đại học và viện nghiên cứu công bố nhu cầu tuyển GS, PGS [với sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền] để cho bất cứ ai đã được công nhận “đủ tư cách” đều có thể dự tuyển. Còn việc xét tuyển được **trả lại cho các hội đồng tuyển chọn của từng đại học và viện nghiên cứu**, hội đồng này gồm một số chuyên gia thuộc biên chế đơn vị đó và có thể thêm một số chuyên gia ở ngoài. Quyết định của Hội đồng được trình lên cấp trên có thẩm quyền thông qua trước khi thực hiện.
**4.** **Cải thiện chính sách sử dụng giảng viên đại học**. Tình trạng phổ biến hiện nay ở các đại học là giảng viên **dạy quá nhiều giờ** (…), do đó, ngay ở các đại học lớn, cũng **rất ít nghiên cứu khoa học**, và nhiều người đã lâu không có thói quen cập nhật kiên thức, nâng cao trình độ nhưng lại sản xuất đều đều cử nhân, thạc sĩ, thậm chí cả tiến sĩ. (…) Nếu kể cả những người thực tế có năng lực nhưng chưa được công nhận GS, PGS do cách tuyển chọn chưa hợp lý, đội ngũ giảng viên đại học vẫn **rất yếu về trình độ và số lượng, mà tuổi tác lại khá cao,**đó là tình trạng không thể chấp nhận được, **cần có biện pháp cải thiện nhanh**, nếu không sẽ di hại qua nhiều thế hệ.
**7. Tăng đầu tư cho đại học, đi đôi với chấn chỉnh việc sử dụng đầu tư. **Cần cải cách chế độ lương và phụ cấp, bảo đảm cho giảng viên đại học một mức thu nhập phù hợp với năng suất và trình độ từng người để họ có thể dồn tâm lực vào nhiệm vụ chính trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học mà không phải lo toan, xoay xở cho đời sống quá nhiều, tạo mọi điều kiên cho họ có thể cập nhật tri thức theo kịp khoa học công nghệ thế giới và khu vực. Tăng học phí hợp lý phải đi đôi với tăng tích cực chất lượng đào tạo, đồng thời có chính sách học bổng rõ ràng, thiết thực, để giúp đỡ có hiệu quả người nghèo và những người trong diện cần nâng đỡ.”
Với hầu hết các “kiến nghị” liên quan đến chính sách của nhà nước hay chính phủ, 18 năm là một thời gian dài, nhiều chuyện đã thay đổi (tình thế hay bản thân những chính sách mục tiêu của kiến nghị), nhưng đối với người viết, nhiều ý tưởng chính trong Kiến nghị này về những cải cách cần thiết để lành mạnh hoá nền giáo dục Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị.
Đó là lý do của bài viết ngắn này, nhân dịp tưởng nhớ tới ông.
**Chú thích**.
(1) Nhà báo Ngân Hà thuật lại, khi ba người bạn thân thiết, nhà văn Nguyên Ngọc, GS Phạm Duy Hiển và GS Chu Hảo đến thăm ông ở bệnh viện ngày 7/6/2019, trong [30 phút gặp gỡ](https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10156789208942144&id=657482143) mà nhà văn Nguyên Ngọc có thâu băng, ông đã nhắc câu “Công danh sự nghiệp chỉ là phù vân” đến 5 lần.
(2) Như trang này (nhưng lại thiếu danh sách những người ký) và [trang này](http://vietsciences.free.fr/vongtaylon/hoangtuy/bankiennghi.htm) (có danh sách, nhưng thừa 1, thiếu 2 người!). Bản đầy đủ có trong Kỷ yếu “Sĩ phu thời nay”, sách đã đã dẫn.
(3) Chỉ lấy một ví dụ, điểm 10. nói về quản lý giáo dục. Trích: ” Quản lý giáo dục cũng tức là quản lý các hoạt động làm nền tảng phát triển trí tuệ, phát triển năng lực sáng tạo của xã hội, cho nên liên quan khăng khít với quản lý các hoạt động khoa học, công nghệ. **Tiến tới chấm dứt tình trạng ngăn cách giữa các đại học và các cơ sở nghiên cứu khoa học, công nghệ.**” Tình cờ mà hôm qua, GS Trần Xuân Hoài (FBker Gia Ninh Trần) vừa đưa lại một [tút](https://www.facebook.com/gianinh.tran.3/posts/pfbid0TPzjLJoSe3TQ6sexvYeWrn8VKW22jLteHnvaBSqZNs5J7dRghLZyLAHuF9SvBoYql) có cùng quan điểm này:
“- Đưa tất cả những nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu cho tương lai, đóng góp cho nhân loại về các trường Đại học ( tức là đưa tiền đầu tư về đó), vừa dạy vừa nghiên cứu.
– Dẹp bỏ hai viện hàn lâm”.
Người viết bài này hoàn toàn chia sẻ ý tưởng đó.
Liên kết tới Kiến nghị : https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/kien_nghi-chan_hung_cai_cach_hien_dai_hoa_giao_duc-2.html
Shared link: https://www.chungta.com/nd/tu-lieu-tra-cuu/kien_nghi-chan_hung_cai_cach_hien_dai_hoa_giao_duc-2.html
Statistics:
Likes: 182, Shares: 29, Comments: 13
Like Reactions: 160, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 16, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0