Anonymous participant – 2022-06-15 02:16:05
NHỮNG TÌNH THẾ LƯỠNG NAN VỀ ĐẠO ĐỨC TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Các nhà nghiên cứu ngày càng đối mặt với nhiều thách thức về mặt đạo đức trong mọi giai đoạn của quá trình nghiên cứu, cả trong thiết kế nghiên cứu lẫn thực hiện nghiên cứu và trình bày kết quả.
Nhìn nghiên cứu như một quá trình thì những tình thế lưỡng nan này có thể chia thành vài nhóm (1) Việc thu thập, quản lý, chia sẻ và sở hữu data; (2) Việc công bố kết quả và trách nhiệm của những người tham gia nghiên cứu với tư cách tác giả (liên quan tới những chuyện như tác giả quà, tác giả ma, v.v.); (3) Việc bình duyệt và đặc quyền tiếp cận thông tin; (4) Hợp tác và cạnh tranh.
Từ góc nhìn khác, chú trọng bản thân hoạt động nghiên cứu nhiều hơn, thì một số tài liệu hiện nay cho rằng có mấy tình thế lưỡng nan phổ biến và nổi bật hơn cả là: (1) Tính ẩn danh; (2) Tính bảo mật; (3) Sự chấp thuận tham gia của đối tương nghiên cứu với điều kiện được thông tin đầy đủ; (4) Những tác động, hay thậm chí khả năng gây tác hại của nhà nghiên cứu hoặc của nghiên cứu đối với người tham gia với tư cách là đối tượng nghiên cứu.
Một vấn đề khác quan trọng hơn nhiều và còn ít được đề câp đầy đủ, là mâu thuẫn lợi ích. Nổi bật nhất trong thời gian gần đây là vấn đề tài trợ và thương mại hóa. Có thể nói vắn tắt (tất nhiên theo phong cách tu từ thôi) là: “97% scientists agree with whoever is funding them, and the other 3% are banned from social media” :-)). Thực tình mà nói thì không phải chỉ bị cấm trên các MXH thôi đâu, mà với những nghiên cứu có kết quả “ngược dòng”, trái với ý muốn của giới thống trị, tác giả của nó cũng rất khó sống ở chính cơ quan nghiên cứu của mình. Nhưng đó là vấn đề quá lớn cần được đề cập riêng.
Loạt bài này đề cập đến từng chủ đề trong số các tình thế lưỡng nan đã nêu trên, chọn cách phân loại ở phần trên. Tất nhiên hai cách phân loại này có thể kết hợp với nhau. Bài này nói về vài ví dụ trong những tình thế lưỡng nan trong việc thu thập, quản lý, chia sẻ và sở hữu data. Tính ẩn danh chẳng hạn, là một khía cạnh của việc thu thập dữ liệu.
Phần lớn đối tượng nghiên cứu được ẩn danh, vì đó là điều cần thiết để bảo vệ sự riêng tư của họ, nhất là những nghiên cứu liên quan tới tâm lý và y khoa, những đề tài đặc biệt nhạy cảm với những nhóm dễ bị tổn thương, cho dù danh tính của họ đã được mã hóa. Việc ẩn danh tạo điều kiện cho khả năng lên tiếng của những đối tượng có trải nghiệm khác thường, “ngược dòng” (trong khoa học chính trị chẳng hạn).
Tuy vậy, trong một số trường hợp, việc ẩn danh lại có thể xói mòn chất lượng của nghiên cứu, bởi vì nó loại trừ hay làm giảm bớt sự chấp nhận những kinh nghiệm như thế. Nó có thể củng cố một thái độ coi một số khẳng định nào đó là những chân lý không thể đảo ngược, trong lúc coi nhẹ những tiếng nói khác, đặc biệt là tiếng nói của những nhóm yếu thế trong XH.
Câu hỏi đặt ra về tính ẩn danh, gắn liền với tính bảo mật, là tính nghiêm ngặt của việc nghiên cứu đòi hỏi thu thập dữ liệu với sự chính xác, chi tiết, và việc đó không khỏi khiến đối tượng nghiên cứu thành ra rất dễ bị nhận diện và do đó có thể bị tổn thương.
Ví dụ thế này nhé. Bạn nghiên cứu về những tác hại đối với nạn nhân của hiếp dâm, hay bạo lực gia đình. Bạn cần những câu chuyện thực, nhân vật thực. Tất nhiên họ tên những người liên quan đã được mã hóa. Nhưng bạn sẽ khó phân tích hay tìm tòi được cái gì có giá trị nếu không đi sâu để có thể nắm bắt và trình bày được những khía cạnh tinh tế và nhạy cảm. Đến mức độ nào thì tính nghiêm ngặt của nghiên cứu phải chịu hy sinh và lùi bước để bảo toàn tính bảo mật của đối tượng nghiên cứu? Hay ngược lại, liệu ta có thể hy sinh sự riêng tư và nhạy cảm cũng như những hậu quả khả dĩ với người tham gia nghiên cứu, để phục vụ cho nghiên cứu khoa học, vốn nhân danh sự thật và nhằm mục tiêu phục vụ một cộng đồng rộng lớn?
Một vấn đề khác với tính ẩn danh, là ẩn danh tác giả để bảo đảm sự an toàn cho những người nghiên cứu về các vấn đề gây tranh cãi. Chủ đề này có liên quan tới vấn đề mâu thuẫn lợi ích đã đề cập ở trên, đã được viết khá chi tiết và thảo luận rất có chất lượng ở đây:
https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/485800676000103
Bản thân việc có cho phép tác giả ẩn danh hay không đã là một chủ đề gây tranh cãi, vì nó chứa những lập luận rõ ràng là lưỡng nan. Nó có thể bảo vệ tự do và an toàn của người nghiên cứu, do đó khích lệ tinh thần sáng tạo và những nghiên cứu đột phá, nhưng tất nhiên nó cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của nhà nghiên cứu và tính liêm chính của việc thực hiện nghiên cứu.
Đây là những câu hỏi thường diễn ra trong thực tiễn nghiên cứu ở các nước phát triển hơn là ở Việt Nam, vì nhiều lý do. Nhưng với đà hội nhập hiện tại, sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ đối diện những câu hỏi đại loại như thế.
Không biết các bạn làm nghề nghiên cứu ở Việt Nam có đương đầu với những tình thế lưỡng nan như vậy không? Mong các bạn chia sẻ câu chuyện và kinh nghiệm của mình.
Statistics:
Likes: 31, Shares: 2, Comments: 1
Like Reactions: 26, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 5, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0