Trần Quang Đại – 2022-05-15 02:32:53
LIÊM CHÍNH KHOA HỌC: PGS NGUYỄN NGỌC HÀ VÌ SAO NỔI CÁU?
* PGS Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng khoa Hóa học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là người đang được cộng đồng khoa học, báo chí quan tâm. Ông là người hướng dẫn dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” cho 2 học sinh Đỗ Minh Quân, Nguyễn Thiên Lương – THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam.
-Đề tài nói trên có phần giống với luận văn thạc sĩ “Tổng hợp và đánh giá hoạt tính quang của vật liệu xúc tác trên cơ sở g-C3N4” do học viên cao học Đoàn Duy Hùng thực hiện và bảo vệ tại Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2018.
-Theo báo Thanh niên ngày 13/5/2022, thì “PGS Hà là chủ nhiệm một đề tài được Quỹ NAFOSTED tài trợ với chủ đề tương tự”.
-Báo Tuổi trẻ ngày 01/04/2022 viết: “Điều đáng nói là g-C3N4 không phải là chất có sẵn. Trong luận văn thạc sĩ, từ nguyên liệu ban đầu là melamin (C3H6N6), tác giả phải nung ở 500ºC trong 3 giờ dưới dòng N2 khô, thu được chất nền là graphitic cacbon nitride g-C3N4.
Cấu trúc của g-C3N4 và Cu2O/g-C3N4 được nghiên cứu bằng phương pháp phân tích phổ nhiễu xạ tia X (XRD), phương pháp phân tích phổ hồng ngoại (IR), đặc trưng cho tính chất quang được khảo sát bằng máy UV-VIS pha rắn, xác định bề mặt riêng và phân bố lỗ bằng phương pháp BET…” ([https://tuoitre.vn/de-tai-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-pho-thong-be-the-nhu-luan-van-thac-si-20220401161426743.htm](https://tuoitre.vn/de-tai-thi-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-pho-thong-be-the-nhu-luan-van-thac-si-20220401161426743.htm))
-Thành viên A.J trên Diễn đàn LIÊM CHÍNH KHOA HỌC bình luận: “Theo tờ khai mẫu 1C, PGS Nguyễn Ngọc Hà chứng nhận 2 HS là những người đưa ra ý tưởng dự án, tự tính toán, lập trình, tự tổng hợp vật liệu xúc tác, tự tiến hành thí nghiệm đánh giá hoạt tính xúc tác của vật liệu, tự phân tích và xử lý số liệu, tự xây dựng các đồ thị và bảng biểu. Để thực hiện dự án này, HS phải thông thạo machine learning, computational chemistry và rất nhiều kỹ thuật phân tích hiện đại như XPS, EDX, AFM, TEM, SEM, XRD, FTIR, BET, PL, UV-Vis DRS, LC-MS, HPLC…
Thời gian thực hiện dự án chỉ 1 năm, nhưng dự án có hàm lượng khoa học không thua kém luận án tiến sĩ hóa học ở các trường đại học tốt trên thế giới và cao hơn nhiều so với 5 công trình đã xuất bản của các nghiên cứu sinh và học viên cao học tham gia đề tài 05/2018/TN (là đề tài do NAFOSTED tài trợ mà PGS Hà làm chủ nhiệm)”. Đây là thông tin từ báo Thanh niên ngày 13/5/2022.
PSG SAO VỘI NỔI CÁU?
-Tóm lại có quá nhiều nghi ngờ về việc 2 học sinh phổ thông là tác giả đích thực của Dự án “khủng”, có tính chuyên môn hẹp và chuyên sâu nói trên. Học sinh trường chuyên có giỏi mấy cũng đang học phổ thông full thời gian, vật vã với hơn chục môn học dàn trải, lý thuyết, rồi còn học thêm, học lò, học luyện thi đội tuyển các kiểu…vô cùng vất vả. Vì vậy, báo chí đã tìm đến chất vấn PGS Hà. Tuy nhiên ông phản ứng có vẻ không được hòa nhã cho lắm.
-Báo Thanh niên ngày 13/05/2022 thông tin: “PGS Nguyễn Ngọc Hà khẳng định những suy diễn cho rằng các thầy làm hộ HS trong dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt” của đoàn Sở GD-ĐT Hà Nội là không có căn cứ, thậm chí có tính chất vu khống.
“Các em làm được những gì, tôi giúp các em những gì, tôi đã khai rõ trong bản khai mẫu 1C mà ISEF yêu cầu”, PGS Hà nói. ([https://thanhnien.vn/nha-khoa-hoc-choang-truoc-du-an-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-post1457757.html](https://thanhnien.vn/nha-khoa-hoc-choang-truoc-du-an-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-post1457757.html))
PGS HÀ CÓ DÁM TỔ CHỨC HỌP BÁO?
-Đây là vấn đề thuộc về liêm chính khoa học, đạo đức của nhà giáo, học sinh, thậm chí là danh dự quốc gia (vì dự án đã được đưa đi thi quốc tế), nên không thể ông PGS Hà nói qua loa vài câu là xong.
-Dư luận cần ông giải thích một cách rõ ràng, đầy đủ về các vấn đề sau đây:
+Vì sao ông nhận hướng dẫn 2 học sinh phổ thông nói trên thực hiện Dự án “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt”? Do ai giới thiệu, do ông tự tìm đến học sinh hay học sinh tìm đến ông?
+Tiêu chuẩn của nghiên cứu viên, người thực hiện các đề tài, dự án về nghiên cứu khoa học là gì? Trước khi nhận hướng dẫn, ông có kiểm tra năng lực, lý lịch khoa học của 2 học sinh nói trên, kết quả thế nào? Ông có chất vấn học sinh phổ thông sao lại có ý tưởng nghiên cứu chuyên sâu về một lĩnh vực vô cùng hẹp và hóc búa?
+Lịch sử nghiên cứu của vấn đề “Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt”? Đây là vấn đề hòan toàn mới do 2 học sinh nghĩ ra, thì ông có tìm hiểu vì sao các em lại nghĩ ra? Còn đây là vấn đề đã có lịch sử nghiên cứu, thì 2 học sinh đã kế thừa, phát triển vấn đề như thế nào?
-Ông khẳng định trong tờ khai 1C là 2 HS là những người đưa ra ý tưởng dự án, tự tính toán, lập trình, tự tổng hợp vật liệu xúc tác, tự tiến hành thí nghiệm đánh giá hoạt tính xúc tác của vật liệu, tự phân tích và xử lý số liệu, tự xây dựng các đồ thị và bảng biểu? Vậy ông có thể mời 2 học sinh chứng minh các năng lực, kĩ năng nói trên trước các nhà báo và các nhà khoa học?
-Đồng thời, tại buổi họp báo, đề nghị PGS Hà mời 2 tác giả là 2 học sinh nói trên cùng tham dự, để trả lời thêm một số câu hỏi của giới chuyên môn.
-Đây là việc hết sức bình thường, cũng là dịp để thông tin, giải thích, tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu trường chuyên Hà Nội – Amsterdam, trường ĐH Sư phạm Hà Nội danh giá, thể hiện những phẩm chất, năng lực khoa học xuất chúng và siêu việt của học sinh phổ thông, tương lai đất nước.
-Nếu PGS Hà từ chối tổ chức họp báo, nhiều người sẽ cho rằng ông sợ dư luận và có những vấn đề không minh bạch.
KIẾN NGHỊ ĐỐI VỚI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC:
-Giảng viên ĐH thuộc biên chế trường ĐH, họ không có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh phổ thông thực hiện các dự án thi KHKT. Việc này pháp luật không cấm nhưng theo quy định giảng viên phải báo cáo với lãnh đạo trường ĐH và được sự đồng ý trước khi thực hiện. Trường cần kiểm soát chặt chẽ việc này vì dư luận đang nghi ngờ có nhiều khuất tất. Nếu giảng viên làm thành công thì nhà trường cũng chẳng được gì nhưng nếu “có vấn đề” thì ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nhà trường, thậm chí rắc rối với pháp luật, mất giảng viên như chơi.
-Đề nghị các trường ĐH yêu cầu giảng viên báo cáo với hội đồng khoa học nhà trường về việc hướng dẫn học sinh phổ thông thi khoa học kỹ thuật về các vấn đề: Đề tài, đối tượng, thời gian, phương pháp, kết quả hướng dẫn.
+Yêu cầu công khai đề tài hướng dẫn: đề tài mới hay đề tài phát triển, tính cấp thiết, ý nghĩa, kết quả (dự kiến). Vai trò, nhiệm vụ của giảng viên (người hướng dẫn) và học sinh (người thực hiện-chủ trì).
+Kiểm tra khả năng, trình độ của đối tượng hướng dẫn (học sinh): Lí lịch khoa học, kỹ năng nghiên cứu, xử lý thông tin, kế hoạch nghiên cứu, kết quả nghiên cứu (dự kiến). Học sinh phải chứng minh đủ điều kiện về năng lực, tài chính, thời gian… để thực hiện đề tài, dự án.
+Yêu cầu thu thập và lưu giữ nhật ký nghiên cứu, hướng dẫn khoa học để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo (nếu có) hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu.
+Làm rõ vai trò, trách nhiệm, sự hỗ trợ của nhà trường đối với quá trình thực hiện dự án. Có hợp đồng cụ thể với trường phổ thông về việc trả thù lao cho giảng viên, chi phí sử dụng trang thiết bị thí nghiệm…của trường ĐH và các chi phí khác.
-P/s: Cái gì cũng phải rõ ràng, khoa học càng phải minh bạch, công khai, sòng phẳng. Hi vọng với những giải pháp quản lý nói trên, các nhà khoa học chân chính và các học sinh xuất chúng –thiên tài sẽ càng hoành tráng, thuận lợi, ngẩng cao đầu với dư luận.
Còn những kẻ gian tà, mập mờ lợi dụng cuộc thi để kiếm danh lợi thì sẽ phải tự động rút lui.
Shared link: https://thanhnien.vn/nha-khoa-hoc-choang-truoc-du-an-khoa-hoc-ky-thuat-cua-hoc-sinh-post1457757.html
Statistics:
Likes: 837, Shares: 162, Comments: 146
Like Reactions: 659, Haha Reactions: 130, Wow Reactions: 18, Love Reactions: 16, Sad Reactions: 11, Angry Reactions: 2