Ha-Duong Tuong – 2022-05-15 00:01:29
**Giáo dục Đại học Việt Nam bước vào những năm 2020**
Xin giới thiệu với các bạn một bài tổng quan về GD ĐH VN những năm 2020 của Huỳnh Như Phương, đã in trong cuốn sách *Việt Nam Hôm nay và Ngày mai*, Trần Văn Thọ và Nguyễn Xuân Xanh chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng và Đại học Hoa Sen phát hành, tháng 4 năm 2021 và tạp chí Thời đại mới đã được phép đăng lại trong số 40, tháng 6.2021 và đưa lên mạng tại địa chỉ [http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai40/202140_HNPhuong.pdf](http://www.tapchithoidai.org/ThoiDai40/202140_HNPhuong.pdf?fbclid=IwAR3mN_80zjQracgSdNfXtA34aOKPp1l5vKWX9RkAv1VLY4DDjfJ86-qZCpE).
**Tóm tắt **của tác giả bài viết cho biết:
Bài viết phác họa những nét chính của ba thập niên đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong một bức tranh đa dạng với nhiều màu sắc mâu thuẫn, gắn liền với những quan điểm về giáo dục đang tranh chấp trong hoạt động của nhà trường hiện nay. Bước vào những năm 2020, giáo dục đại học Việt Nam kế thừa một di sản phức tạp từ nền giáo dục truyền thống cộng với những thành tựu bước đầu của thời kỳ Đổi mới. Thực tế đó nói lên những giới hạn và thử thách của sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học mà một cái nhìn tỉnh táo mới có thể tìm ra những giải pháp phù hợp đáp ứng được ước vọng của xã hội. Đòi hỏi của cuộc sống với những tác động ngoại tại và nội tại phần nào dẫn đến sự chuyển biến của giáo dục đại học, được nhận diện qua việc tái cấu trúc, tự chủ về học thuật, nhân sự và tài chính nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Theo tôi, bài này nêu được nhiều vấn đề cơ bản của ĐHVN trong tình hình hiện nay, mà nếu giải quyết tốt thì cũng góp phần lớn vào việc giải quyết vđ Liêm chính KH. Không đi xa vào những vấn đề triết lý GD, được phác hoạ trong phần 1/ nói về “Một di sản đầy mâu thuẫn”, tôi nghĩ các ý kiến của tác giả trong phần 2/ “Ước vọng và thực tế” rất đáng được một diễn đàn như LCKH quan tâm. Tôi chỉ đơn cử nhận xét này (mà tôi chia sẻ): “*muốn đổi mới giáo dục đại học thì phải có một cơ chế giáo dục đại học tự chủ và những con người có năng lực tiến hành đổi mới. giáo dục đại học hiện nay chỉ mới thể hiện tinh thần tự chủ ở một vài lãnh vực: tuyển dụng nhân sự, tài chính…; còn nhiều lĩnh vực chưa thể nói là tự chủ: quan điểm học thuật, phương thức tuyển sinh, mở ngành học, chương trình học, giao lưu quốc tế..*. “, chẳng phải là “tự chủ đại học” chủ yếu được nhấn mạnh trong khía cạnh tài chính đã trở thành cái cớ để che đậy những hành động mua bán bài báo của TĐT và DT đó sao ? Bên cạnh đó là sự “lãng quên” tự chủ về học thuật, quá thích hợp với những người nắm quyền chi phối cả hệ thống giáo dục…
Trong tình hình đó, tác giả đã đề ra **ba khâu hoạt động cần tập trung đổi mới và làm tốt**, tôi chỉ xin trích dẫn dài dòng khâu đầu tiên, liên quan chặt chẽ đến các chủ đề LCKH:
*Đổi mới việc tuyển chọn và bổ nhiệm nhân sự vào hệ thống giáo dục đại học, bao gồm cả những người giảng dạy lẫn những người làm công tác quản trị đại học. Hội đồng tuyển chọn phải là những nhà giáo, nhà khoa học lâu năm, có trình độ và công tâm để tuyển được những cán bộ giỏi nhất cho đại học. Một trường đại học mà những người quản trị bất tài và không có tâm huyết thì rất khó để có được một đội ngũ nhà giáo tài năng và yêu nghề thật sự. Nước mình nghèo, những người có tài về một lĩnh vực chuyên môn thường không nhiều, nhưng các trường đại học chưa liên kết chặt chẽ để sử dụng tài năng của nhau, chưa chiêu mộ tài năng ở các viện nghiên cứu và ngoài xã hội, thì đó là một lãng phí lớn. Cần có một cơ chế phối hợp để tạo điều kiện cho những nhà khoa học giỏi, có khả năng sư phạm đem kiến thức và kinh nghiệm truyền thụ cho sinh viên.
Khi những người không xứng đáng đã chiếm được chỗ ngồi trong đại học, thì đến một lúc nào đó họ sẽ tuyển chọn những người khác theo hình ảnh và kích thước của họ. Theo chúng tôi, đây là nguy cơ lớn nhất của giáo dục đại học hiện nay. Nó không những ngăn cản việc xây dựng một đội ngũ nhà giáo có năng lực và uy tín mà còn làm suy giảm nhiệt huyết của họ, gieo trong họ tâm lý thực dụng và thờ ơ với sự nghiệp giáo dục. Nếu đại học có sứ mệnh dẫn dắt đời sống tinh thần của xã hội, thì người làm việc ở đại học phải là người tiên phong về trí tuệ chứ không phải chạy theo những định hướng nhất thời, thiên về vụ lợi và thỏa mãn những yêu cầu ngắn hạn. Điều cần thiết hiện nay là một định hướng cởi mở, dân chủ, tự do học thuật để tạo điều kiện cho những tìm tòi và những tiếng nói đa dạng trong khoa học. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới hy vọng 10 năm, 20 năm nữa xuất hiện một lớp học giả mới thay thế lớp học giả đã về hưu, những người trung thực, tài năng, tin vào phát kiến và lập trường khoa học của mình mà không có thái độ học phiệt, xa cách với thế hệ trẻ. Hình ảnh đó được tô đậm qua tiếng nói của các nhà giáo trên tư cách những trí thức phản biện xã hội mà thiếu họ, nhà trường đại học chưa đạt đến phẩm chất văn hóa và trí tuệ cần thiết.*
Tôi mong rằng những nội dung này được nhiều người quan tâm, mở ra những cuộc thảo luận hứng thú thay vì chỉ bàn về các vấn nạn vi phạm sự liêm chính, khiến cho một vài người đã lên tiếng rằng trang này nặng về “đấu tố” cá nhân. Tuy đây là một cáo buộc theo tôi là không công bằng, bỏ qua rất nhiều bài bàn về những vấn đề có tính khái quát về liêm chính khoa học, như thế nào là vi phạm LCKH, làm sao nhận biết những tạp chí dỏm…, nhưng tôi vẫn muốn đọc nhiều hơn ý kiến của các bạn trên diễn đàn về những vấn đề cơ bản trong công cuộc xây dựng một nền đại học – nghiên cứu lành mạnh và hữu hiệu cho đất nước.
Xin đọc toàn bài trên đường link đã dẫn, hoặc theo đường link này:
https://drive.google.com/file/d/1Tx8AsSWoz-E9g3dr2eAs8oY0fDV3gH0O/view
Shared link: https://drive.google.com/file/d/1Tx8AsSWoz-E9g3dr2eAs8oY0fDV3gH0O/view
Statistics:
Likes: 141, Shares: 33, Comments: 18
Like Reactions: 126, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 12, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0