Barry Nguyen – 2022-05-05 11:21:46
Tôi viết bài đăng này không vì mục đích đấu tố hoặc hạ bệ một đứa sinh viên (hay nói chính xác hơn là một đồng nghiệp nghiên cứu chung với nhóm của tôi), vì thế, tôi cũng không nêu đích danh cậu sinh viên này ở đây. Tôi cũng hy vọng cậu ta sẽ đọc được bài đăng này ở đâu đó, rút kinh nghiệm cho bản thân và đừng làm việc tương tự trong tương lai. Đồng thời qua sự việc này, tôi nghĩ ít nhiều sẽ giúp đỡ được mọi người rút kinh nghiệm trong việc quản lý xung đột lợi ích giữa các thành viên trong nhóm nghiên cứu của mình trong tương lai.
“Vào giữa năm 2018, tôi có bắt đầu làm một đề tài nghiên cứu sau thời gian dài thu thập đầy đủ dữ liệu. Qua nhiều lần thay đổi thành viên thì nhóm còn lại 03 thành viên cốt lõi. Trong một nhóm nghiên cứu, chắc chắn không phải thành viên nào cũng có thể đảm nhận hết tất cả các công việc. Do đó, mỗi thành viên sẽ đảm nhận một vai trò khác nhau, nhưng những công việc chính bao gồm thiết kế thuật toán, xây dựng mô hình và chạy thử nghiệm, phân tích kết quả và viết bài báo đều do tôi thực hiện.
Đến năm 2021, công việc nghiên cứu này đi đến giai đoạn cuối. Nhóm có ý định xây dựng một ứng dụng chạy trên nền tảng web, nhưng vì không một thành viên nào trong nhóm biết viết web, nên tôi đã gọi một cậu sinh viên đã tốt nghiệp cùng vào làm (mục đích ban đầu của cậu ta là mong muốn có một bài báo nghiên cứu để bổ sung vào hồ sơ xin học bổng thạc sĩ). Nhiệm vụ chính của cậu ta sẽ tổng hợp lại code của các thành viên, sau đó tạo API và xây dựng ứng dụng web.
Mặc dù đây là dự án nghiên cứu cá nhân, nhưng trong quá trình làm, cậu ta có than khó khăn về tài chính. Để cậu ta có thể chuyên tâm làm nghiên cứu, tôi cũng đã lấy tiền túi ra hỗ trợ cậu ấy 02 lần: một lần là 600,000đ và lần hai là 10,800,000đ. Sau giai đoạn phản biện xong, tôi và các thành viên khác đã góp tiền lại để đăng bài báo, cũng như vận hành server (ngoại trừ cậu ta thì tôi không yêu cầu góp). Trong thời gian chờ bài báo công bố, mối quan hệ tất cả thành viên vẫn tốt. Tôi vẫn tìm kiếm và xin học bổng thạc sĩ cho cậu ta từ một trường đại học trong nước. Cũng tiếp tục để cậu ấy cùng làm nghiên cứu tiếp theo.
Và gần đây, có một đơn vị đã liên lạc tôi để ngỏ lời hợp tác tích hợp nghiên cứu đó vào sản phẩm của họ. Và xung đột lợi ích đã phát sinh từ đây. Tôi đã gọi tất cả thành viên họp và quyết định vụ việc này. Sau một vài lần gặp gỡ, trao đổi với đại diện của đơn vị kia thì họ có yêu cầu sửa lại một vài chứng năng của nghiên cứu cho phù hợp với mục tiêu của họ, nhằm mục đích chuẩn bị cho buổi demo với ban lãnh đạo đơn vị. Tôi có yêu cầu cậu sinh viên đó chia sẻ code đầy đủ để tôi và các thành viên khác phụ chỉnh sửa. Ban đầu thì cậu ta đồng ý chia sẻ, nhưng khoảng 20 phút sau, cậu ta phản hồi lại “không đồng ý chia sẻ” mà thay vào đó các thành viên khác muốn chỉnh sửa gì thì cứ sửa và đưa cậu ta tổng hợp vào. Ngoài ra, trong quá trình chỉnh sửa, cậu ta đều sửa code trực tiếp theo yêu cầu của đại diện đơn vị đó mà không hề có bất kỳ trao đổi gì với nhóm.
Sau nhiều lần giải thích và yêu cầu chia sẻ code cho tất cả thành viên khác, nhưng cậu ta vẫn khư khư không đồng ý và có ý định muốn giữ làm của riêng. Cho nên tôi đã thảo luận với các thành viên khác và yêu cầu cậu ta hoàn trả lại toàn bộ chi phí mà tôi đã hỗ trợ trong quá trình nghiên cứu. Đồng thời thông báo chấm dứt mọi hoạt động nghiên cứu đang hợp tác với cậu ta đến các thành viên khác và không yêu cầu cậu ta chia sẻ code của nghiên cứu đó nữa.
Thông qua vụ việc này, tôi nghĩ đây sẽ là một bài học kinh nghiệm rất đáng giá cho bản thân tôi và các thành viên khác trong việc quản lý xung đột lợi ích trong quá trình nghiên cứu. Trước khi tiến hành bất kỳ một nghiên cứu nào, chúng ta nên thảo luận và đặt ra các tiêu chí chung để hoạt động nghiên cứu của nhóm diễn ra một cách tốt đẹp nhất có thể. Tốt nhất chúng ta nên soạn thảo ra các điều khoản về việc chia sẻ, sở hữu dữ liệu, code và các tài nguyên khác giữa các thành viên với nhau và bắt buộc mọi người phải ký cam kết đó (nếu dự án nghiên cứu đó là cá nhân). Đối với dự án nghiên cứu do tổ chức hoặc trường đại học tài trợ thì cũng cần có một bản cam kết do tổ chức hoặc trường đại học quy định.
Bên dưới là một số nguồn tham khảo về giải quyết xung đột lợi ích giữa các thành viên trong nhóm mà tôi sưu tầm được, xin chia sẻ thêm để mọi người cùng tham khảo.
**********
1. Richard B. P., John A. C., and Parsons, C. (2014, Jul 09). Co-authors gone bad – how to avoid publishing conflicts. Elsevier. https://www.elsevier.com/connect/co-authors-gone-bad-how-to-avoid-publishing-conflicts
1. Albert, T., Wager, E. (2013). How to handle authorship disputes: a guide for new researchers. https://publicationethics.org/files/2003pdf12_0.pdf
1. Does someone who has collected part of the data for my study merit co-authorship?. (2018). Editage Insights. https://www.editage.com/insights/does-someone-who-has-collected-part-of-the-data-for-my-study-merit-co-authorship
1. Grove, J. (2020, Jan 30). What can be done to resolve academic authorship disputes?. https://www.timeshighereducation.com/features/what-can-be-done-resolve-academic-authorship-disputes
Shared link: https://publicationethics.org/files/2003pdf12_0.pdf
Statistics:
Likes: 215, Shares: 15, Comments: 7
Like Reactions: 192, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 2, Love Reactions: 2, Sad Reactions: 19, Angry Reactions: 0