Lê Ngọc Khả Nhi – 2022-01-10 18:26:56
Bàn về vai trò của Y văn Việt ngữ
Hiện nay, hoạt động trong giới Y khoa hàn lâm nước ta có thể chia thành 2 hướng, một nhắm đến công bố bằng Anh ngữ trên những tờ báo với đẳng cấp khác nhau, phần còn lại, bằng tiếng Việt trên những tờ báo quốc nội.
Quan điểm khá phổ biến hiện nay là đề cao giá trị của công bố quốc tế – mà những lợi ích ai cũng có thể dễ dàng hiểu được. Hệ quả tất yếu là vai trò và giá trị của Y văn quốc nội vốn đã yếu, lại ngày càng tầm thường hơn. Thậm chí, một số trường Đại Học có chủ trương tạo ra tờ báo khoa học bằng Anh ngữ.
Tuy nhiên, Nhi có một quan điểm rất khác và sẽ trình bày dưới đây. Đó là: Thay vì triệt tiêu hoàn toàn Y văn bản ngữ và tập trung vào công bố khoa học bằng Anh ngữ, chúng ta cần đầu tư xứng đáng và nghiêm túc hơn vào hoạt động của những tạp chí Y học trong nước.
Trên thực tế, hầu như không có sự phân biệt giữa 2 loại bài báo Anh ngữ hay Việt ngữ khi đánh giá năng suất khoa học của ứng viên Giáo sư và Phó Giáo Sư, khi xét tốt nghiệp cho Nghiên cứu sinh.
Mặt khác, thời gian gần đây đã xuất hiện một số tạp chí Y khoa Việt ngữ có phẩm chất khá tốt cả về hình thức và nội dung; tiệm cận với chuẩn thế giới, quy trình bình duyệt nghiêm túc. Thí dụ, tạp chí Phụ Sản (VJOG) có phẩm chất tốt hơn rất nhiều so với mặt bằng chung trong nước.
Theo Nhi, công bố quốc tế bằng Anh ngữ là một xu thế phát triển tất yếu, tuy nhiên nền móng của nền khoa học hàn lâm của một quốc gia không phải nằm tại những tờ báo nước ngoài, mà chính là tại những tạp chí khoa học quốc nội. Và nền tảng này đang bị bỏ hoang phế từ hàng chục năm qua. Thay vì đầu tư công sức để tạo ra 1 số lượng khiêm tốn công bố quốc tế (đây là cuộc chơi không công bằng, và tiềm ẩn rất nhiều cạm bẫy, tệ nạn mà thời gian qua ta đã nghe); ta cần phải tái thiết lại nền móng cho thật vững chắc, thông qua việc đầu tư nghiêm túc hơn cho nội dung những tạp chí trong nước, bằng tiếng Việt.
Trên thực tế, viết văn bản khoa học bằng tiếng Anh rất dễ dàng, và có thể luyện tập. Diễn đạt khoa học bằng Tiếng Việt mới là khó, khó hơn rất nhiều, và không hề được giảng dạy cho nghiên cứu sinh.
Tất cả những nhà khoa học người Việt thực sự giỏi trong ngành Y mà Nhi từng biết đều có khả năng diễn đạt tư duy và y tưởng rât tốt bằng tiếng Việt, ngay cả khi họ rời quê hương nhiều năm, sống và làm việc ở nước ngoài, thậm chí phải học tiếng Việt như 1 ngoại ngữ ! Tư duy khoa học bằng tiếng mẹ đẻ là tự nhiên, có thể giao tiếp giữa đồng nghiệp và có thể truyền thụ cho thế hệ sau.
Tiếng Việt đang thiếu hẳn hệ thống ngôn ngữ khoa học. Gần như không có một quy chuẩn nào về thuật ngữ nghiên cứu khoa học hàn lâm. Không có những công thức diễn đạt chuẩn để có thể dạy và học. Chỉ một bộ phận là Thống kê y học thôi, đã thấy hệ thống thuật ngữ và danh pháp vẫn còn hỗn loạn, thiếu sót. Thậm chí người ta không có từ vựng để viết, không biết diễn đạt ý tưởng như thế nào.
Những thứ này không thể xây dựng và kế thừa cho thế hệ sau bằng Anh ngữ, mà phải dùng tiếng Việt.
Một khuynh hướng nguy hiểm hơn, khi nhiều tác giả cố tình hạ thấp phẩm chất của bài báo tiếng Việt, chủ động cắt nhỏ đề tài lớn ra nhiều bài báo tủn mủn và đăng trên báo trong nước, làm việc cẩu thả một cách có chủ đích cốt chỉ để tăng số lượng, xem nhẹ nội dung, hành vi này không thể chấp nhận được; khi cũng chính những nhóm nghiên cứu đó đủ khả năng công bố những bài báo rất tốt trên báo nước ngoài.
Nhi có một số đề nghị như sau:
Giảng viên cần khuyến khích sinh viên và nghiên cứu sinh công bố bằng tiếng Việt một cách nghiêm túc; dùng những tạp chí trong nước như một cách luyện tập kỹ năng nghiên cứu và truyền thông khoa học, trước khi bắt tay vào công bố quốc tế bằng Anh ngữ.
Ban biên tập các tạp chí cần lập ra những quy chuẩn về hình thức và nội dung, tài liệu hướng dẫn cho tác giả theo hướng chuẩn hóa về thuật ngữ và cách trình bày bảng, hình, nội dung các tiểu mục trong bài báo, cách thức trình bày kế hoạch phân tích, báo cáo kết quả thống kê, sử dụng chính xác thuật ngữ thống kê; chú giải bảng và hình; …
Ban biên tập cần đảm bảo việc bình duyệt nghiêm túc hơn; với biên tập viên có trình độ cao; có mặt những chuyên gia người Việt ở nước ngoài, bắt buộc phải có chuyên viên Thống kê; Trong khi bình duyệt, cần kiên quyết loại bỏ những bài báo không đạt về phẩm chất, nhất là khi có dấu hiệu lạm dụng để công bố hàng loạt bài trên cùng 1 số báo, bài báo với mục tiêu nhỏ, kết quả ít ỏi và phân mảnh, không tương xứng với quy mô của dữ liệu và dự án.
Statistics:
Likes: 135, Shares: 10, Comments: 16
Like Reactions: 113, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 21, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0