Duong Tu – 2021-12-31 23:51:31
1. Trên bảng tin đặt tại lối ra vào khoa của tôi ở Đại học Purdue, phần lớn không gian được dành để giới thiệu các nội dung liên quan đến liêm chính khoa học và đạo đức nghiên cứu (xem các ảnh dưới), mặc dù bất kì ai tham gia vào quá trình nghiên cứu khoa học – từ giáo sư, nghiên cứu viên đến sinh viên các cấp học – đều đã phải hoàn thành một khóa đào tạo về tiến hành nghiên cứu có trách nhiệm (Responsible Conduct of Research – RCR) trong vòng 30 ngày đầu tiên làm việc tại trường. Ngoài ra, mỗi năm, tất cả mọi người đều phải tham dự ít nhất một buổi thảo luận về RCR: https://www.purdue.edu/research/regulatory-affairs/responsible-conduct.php
Trước đây, khi làm nghiên cứu sinh tại Bỉ, khóa học đầu tiên tôi phải tham gia không phải về kĩ năng tra cứu tài liệu, phương pháp nghiên cứu hay viết bài báo mà là về liêm chính khoa học. Đây cũng là yêu cầu bắt buộc trong chương trình đào tạo ở nhiều trường đại học châu Âu.
2. Nhiều nước với nền khoa học tiên tiến tại Âu Mỹ, hay Canada, Nhật Bản, Trung Quốc… đều có văn phòng đặc trách về liêm chính nghiên cứu (Office of Research Integrity) ở phạm vi quốc gia. Úc và New Zealand là hai nước phát triển chưa thành lập văn phòng này ở cấp độ quốc gia mà mới chỉ có ở cấp độ từng cơ sở nghiên cứu.
Tuy nhiên, vài ngày trước, nhiều nhà khoa học hàng đầu của Úc đã lên tiếng kêu gọi chính phủ nước này thành lập bộ phận chuyên trách về liêm chính nghiên cứu để giám sát quá trình điều tra những cáo buộc gian lận học thuật tại các cơ sở nghiên cứu nhận tài trợ từ ngân sách với tuyên bố rằng thời đại tự điều chỉnh đã qua rồi (the age of self-regulation is over).
Sự cấp thiết của một cơ quan giám sát quốc gia về liêm chính khoa học tại Úc bắt nguồn từ hàng loạt cáo buộc về gian lận trong các bài báo của các nhà nghiên cứu, trong đó có những nhà nghiên cứu nổi tiếng tại nhiều trường đại học của nước này như Đại học Sydney, New South Wales, Macquarie: https://www.smh.com.au/national/suspected-fraud-cases-prompt-calls-for-research-integrity-watchdog-20211214-p59hhh.html
3. Gian lận khoa học đã trở nên phổ biến đến mức Richard Smith, cựu biên tập viên tạp chí BMJ danh tiếng của Hiệp hội Y khoa Anh Quốc đã đưa ra một đề nghị gây sốc hồi tháng 7/2021, đó là: đã đến lúc xem các nghiên cứu y khoa đều gian lận cho đến khi có bằng chứng ngược lại: https://blogs.bmj.com/bmj/2021/07/05/time-to-assume-that-health-research-is-fraudulent-until-proved-otherwise
Vài tuần trước, giải thưởng John Maddox 2021 vừa được trao cho Elisabeth Bik, chuyên gia nổi tiếng thế giới về liêm chính khoa học với nhiều phát hiện về những công xưởng sản xuất bài báo dỏm cũng như các hành vi nghiên cứu sai trái như nhân bản, sửa chữa hình ảnh, ngụy tạo dữ liệu trong hàng ngàn bài báo: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/611783133401856.
4. Tại Việt Nam, nhiều trường hợp gian lận học thuật, vi phạm liêm chính và đạo đức nghiên cứu đã được nhắc đến khá nhiều trên cả báo chí lẫn trong nhóm Liêm Chính Khoa Học thời gian gần đây. Hồi tháng 6/2021, chúng tôi đã phân tích loạt 7 bài báo của các nhà nghiên cứu nước ngoài ghi địa chỉ Việt Nam bị nhiều tạp chí rút bỏ do gian lận tác giả: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/503129214267249.
Gần đây hơn, một nhóm tác giả khác từ Việt Nam lại vừa bị thu hồi 3 bài báo, lần này với lý do gian lận kết quả và đạo văn: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/617943232785846. Cả 3 bài báo này đều nhận tài trợ từ quỹ Nafosted.
5. Trong khi các nước có nền khoa học tiên tiến với chương trình đào tạo nghiêm túc và bài bản về tiến hành nghiên cứu có trách nhiệm vẫn còn phải đối mặt với vấn nạn gian lận khoa học nghiêm trọng, quá trình đào tạo cũng như thể chế hóa liêm chính khoa học và đạo đức nghiên cứu ở Việt Nam vẫn diễn ra khá chậm.
Đến nay, rất hiếm cơ sở nghiên cứu trong nước đưa việc đào tạo về liêm chính và đạo đức trở thành nội dung bắt buộc ở các bậc học. Chưa một cơ quan quản lý hay tài trợ nào ban hành quy định về liêm chính nghiên cứu. Một cơ quan chuyên trách về liêm chính khoa học ở phạm vi quốc gia tại Việt Nam vẫn còn là mong muốn viển vông vào thời điểm này.
Trong bối cảnh đó, rất cảm ơn các bác đã quan tâm và dành thời gian cho nhóm Liêm Chính Khoa Học. Mong các bác tiếp tục ủng hộ để duy trì thảo luận thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết, cùng giúp nhau có thêm kiến thức và kinh nghiệm, tránh các lỗi vi phạm liêm chính khoa học và đạo đức nghiên cứu, đẩy lùi gian lận, kiên trì xây dựng cộng đồng khoa học Việt Nam trong sạch và minh bạch hơn.
Chúc các bác cùng gia đình năm mới 2022 mọi điều tốt lành với ngày càng nhiều cảm hứng, khám phá và đóng góp giá trị cho khoa học./.
Shared link: https://www.purdue.edu/research/regulatory-affairs/responsible-conduct.php
Statistics:
Likes: 382, Shares: 35, Comments: 7
Like Reactions: 332, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 48, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0