Minh Dang Doan – 2021-11-14 13:36:42
# **Có nhiều hơn một nhóm tác giả “bán” bài Nafosted**
Ở phần trước (https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/599343867979116), chúng tôi đã nêu trường hợp của hai nhà vật lý mang bài báo ở đề tài Nafosted đi đứng tên cơ quan khác (không phải cơ quan chủ trì đề tài). Một số người có chất vấn rằng nếu việc đó được cơ quan của họ đồng ý thì vẫn được chứ sao. Chúng tôi không rõ liệu có cơ quan nào ở Việt Nam chấp nhận rằng mình ký hợp đồng với Nafosted để chủ trì đề tài nghiên cứu và chịu các trách nhiệm trong việc quản lý đề tài mà có văn bản cho phép nhà nghiên cứu của mình đứng tên đơn vị khác. Nếu có cơ quan nào như thế thật, thì cơ quan đó hoặc ai biết rõ thông tin xin bổ sung ở đây để chúng tôi biết thêm.
Cảm nhận hiện thời của chúng tôi là hiếm có đơn vị nào đồng ý việc ấy bằng văn bản, nhưng vì lý do nào đó mà việc như thế vẫn xảy ra (có thể là nhà nghiên cứu làm mà cơ quan không biết, hoặc có sự đồng ý bằng miệng của nhà quản lý nào đó trong đơn vị, hoặc cơ quan biết mà bỏ qua,…). Đáng tiếc là chuyện như vậy diễn ra cũng đã vài năm qua, và liên quan đến một số nhà khoa học có năng suất cao ở Việt Nam, nên chúng tôi thấy cần đưa vấn đề ra thảo luận.
Cũng xin nói thêm là ở tình huống “bán” bài thông thường, mà giới khoa học Việt Nam và báo chí đã bàn luận khoảng 1 năm nay, một là chuyện đó nằm ở vùng xám, hai là có thể có những yếu tố tác động rối rắm (ví dụ như mối liên quan đến việc xếp hạng đại học, thu nhập của người làm nghiên cứu) nên một số người không hiểu về những vấn đề phức tạp hơn như conflict of interest, trách nhiệm của của cơ quan mà người đó đứng tên (affiliation) đối với bài báo. Nhưng với bài báo do Nafosted tài trợ thì rõ ràng hơn: cơ quan chủ quản đứng ra ký hợp đồng và chịu trách nhiệm về luật pháp, tài chính, đạo đức cho nghiên cứu nhưng tác giả đăng bài ghi địa chỉ nơi khác thì việc hiểu được đó là hành vi sai trái dễ dàng hơn nhiều.
Trong thời gian hạn chế, chúng tôi chưa thể thống kê được có bao nhiêu trường hợp đề tài Nafosted có tình trạng không liêm chính về địa chỉ cơ quan trên bài báo. Tuy nhiên chuyện này không phải là cá biệt, không phải chỉ ở một ngành, chúng tôi tạm thời chỉ tìm kiếm trong phạm vi những người có chỉ số trích dẫn cao trong năm 2020 nhưng không đứng tên của cơ quan chính thức mà TS. Lê Văn Út đã gián tiếp chỉ ra trong bài trên báo Dân Trí và xin cảnh báo về một số nhà nghiên cứu nữa.
# Những nhà toán học “dư” bài
TS. Dương Việt Thông, một nhà toán học ở Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, được ghi nhận trong danh sách trích dẫn cao 2020 là đứng tên trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ông có đề tài được Nafosted tài trợ:
Mã số: 101.01-2019.320
Tên đề tài: Một số phương pháp chiếu hiệu quả giải bài toán bất đẳng thức biến phân với kỹ thuật quán tính
Cơ quan chủ trì: Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Chủ nhiệm đề tài: TS Dương Việt Thông
Thời gian thực hiện: 2020 – 2022
Đề tài này làm ra được các bài báo sau (thống kê có thể không đầy đủ):
TS. Thông đứng tên Đại học Tôn Đức Thắng:
https://doi.org/10.1007/s11590-020-01599-8
https://doi.org/10.1007/s11075-020-00977-8
https://doi.org/10.1007/s11081-020-09501-2
https://doi.org/10.1007/s11075-020-00901-0
https://doi.org/10.1007/s11590-019-01511-z
https://doi.org/10.1007/s10440-019-00297-7
https://doi.org/10.1007/s11081-020-09490-2
TS. Thông đứng tên Đại học Duy Tân:
https://doi.org/10.1007/s40314-020-1136-6
Một số nhà toán học khác, cũng có chỉ số trích dẫn cao, có nhiều bài báo và cũng từng đứng tên một số cơ quan khác nhau trong các bài báo, chúng tôi đang chờ xác minh thêm. Cũng có phản hồi của một số đồng nghiệp là gần đây khi cộng đồng phản ứng về tình trạng “bán” bài báo, họ nhận ra vấn đề và không muốn tiếp tục việc đó nữa. Nếu bản thân các nhà nghiên cứu nhìn nhận rõ ràng hơn về chuyện liêm chính và tự tránh vi phạm thì chúng tôi nghĩ là giải pháp tốt đẹp nhất, và mong họ vẫn có điều kiện phát triển sự nghiệp nghiên cứu.
Vì những người làm chủ nhiệm đề tài Nafosted thường có năng lực tốt trong nghiên cứu, nên họ có thể có nhiều công bố tốt, vượt quá kỳ vọng (có thể là có định mức hàng năm) của cơ quan chính thức nơi họ công tác. Chúng tôi muốn đặt câu hỏi: nếu ai đó làm việc năng suất cao, có dư công trình nghiên cứu rồi, thì họ để một phần công trình của mình mang đi đứng tên cơ quan khác là có lý không?
# “Mèo nào cũng là mèo”
Trong các thảo luận ở bài trước, có người nêu tình huống là có bài báo của GS. Hoàng Ngọc Long khi ông đứng tên cơ quan khác thì có một đồng tác giả (là học trò của ông) đứng tên cơ quan của ông (có lẽ hai người cùng cơ quan, cùng làm một đề tài được Nafosted tài trợ), như vậy thì cơ quan của ông cũng đâu có mất phần trong bài báo, vậy thì bài báo đó có vấn đề gì đâu? Xin đưa góp ý này lên đây như một luận điểm phản biện để mọi người cùng trao đổi.
Có một trường hợp khá tương tự nhưng thú vị hơn, là đồng tác giả đứng tên cơ quan chủ trì đề tài Nafosted không phải là học trò/cấp dưới của chủ nhiệm đề tài Nafosted, mà lại là lãnh đạo của chính cơ quan đó. Chuyện đó xảy ra ở đề tài sau:
Mã số: 502.01-2019.05
Tên đề tài: Vai trò của bảo hiểm xã hội trong cải thiện đầu ra của thị trường lao động và tăng cường quan hệ lao động công nghiệp
Cơ quan chủ trì: Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội
Chủ nhiệm đề tài: TS. Nguyễn Kiều Dung
Thời gian thực hiện: 2019 – 2021
Chúng tôi tra cứu dữ liệu ở Scopus thì tìm được 2 bài báo của đề tài này:
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/ijsw.12449?af=R (First published: 27 August 2020)
Tiêu đề: Social insurance reform and absenteeism in Vietnam
Các tác giả: Kieu-Dung Nguyen, Van-AnhThi Tran, Duc-Thanh Nguyen
https://onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/app5.328 (First published: 22 July 2021)
Tiêu đề: Labour law reform and labour market outcomes in Vietnam
Các tác giả: Kieu-Dung Nguyen, Duc-Thanh Nguyen, Duy-Dat Nguyen, Van-Anh Thi Tran
Trong cả 2 bài báo này, TS. Nguyễn Kiều Dung đều đứng tên Đại học Duy Tân, TS. Nguyễn Đức Thành là viện trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội (VEPR) cùng có mặt trong bài báo. Tức là giả sử TS. Dung có “bán” bài, thì việc này được lãnh đạo cơ quan đồng tình, coi như là dù sao cũng hợp pháp, cơ quan cũng không phản đối. Còn giả sử như TS. Dung sau khi nhận đề tài đã chuyển công tác sang ĐH Duy Tân và vẫn để đề tài cho cơ quan cũ quản lý, thì chắc không có vi phạm liêm chính.
Dẫn đề tài này ra đây, chúng tôi không có ý phê bình VEPR (nếu có cán bộ của VEPR cho thông tin cụ thể hơn về trường hợp đề tài này để làm rõ thì xin cảm ơn), mà muốn đặt vấn đề để thảo luận tiếp, là nếu như có lãnh đạo cơ quan nào đó khuyến khích nhân sự của mình đứng tên đơn vị khác (và cơ quan của mình vẫn có người cùng đứng tên trong bài báo) thì nên nhìn nhận sự việc đó như thế nào?
Shared link: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/ijsw.12449?af=R
Statistics:
Likes: 149, Shares: 16, Comments: 82
Like Reactions: 129, Haha Reactions: 5, Wow Reactions: 15, Love Reactions: 0, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0