Duong Tu – 2021-10-09 05:30:58
**CĂN BỆNH NOBEL**
Đa số nhà khoa học đoạt giải Nobel, ngoài tài năng chuyên môn, là những người có hiểu biết xã hội và biết rõ đâu là giới hạn nhận thức của bản thân. Tuy nhiên, một số khôi nguyên Nobel lại có những suy nghĩ, ý tưởng rất kì quặc, bất thường và thiếu lý trí, nhất là khi họ phát biểu về những chủ đề ngoài chuyên môn.
Tuy chưa có nghiên cứu đầy đủ chỉ ra rằng tỷ lệ nhà khoa học đoạt giải Nobel có xu hướng theo đuổi những suy nghĩ phản khoa học cao hơn so với các nhà nghiên cứu không đoạt giải Nobel, hiện tượng này được đặt tên là Căn bệnh Nobel (Nobel disease hay Nobelitis, với tiếp vĩ ngữ -itis mang nghĩa căn bệnh).
Hãy thử điểm qua một vài khôi nguyên Nobel mắc căn bệnh kỳ lạ này để thấy có những người rất thông minh nhưng lại dễ dàng mắc bẫy tư duy hoặc bị hào quang của giải thưởng và sự tung hô của đám đông che mờ lý trí, không còn đủ tỉnh táo để biết được giới hạn nhận thức của mình.
Những người theo thuyết âm mưu thường xuyên sử dụng các khôi nguyên mắc căn bệnh Nobel để tuyên truyền cho những ý tưởng và hành vi giả khoa học.
**1. Linus Pauling**
Là người duy nhất cho đến nay được trao hai giải Nobel trọn vẹn, không chia sẻ với ai khác, đó là Nobel Hóa học năm 1954 cho nghiên cứu về bản chất của liên kết hóa học và Nobel Hòa bình năm 1962 cho nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân, Pauling từng chia sẻ rằng bí quyết thành công của ông là làm sao có thật nhiều ý tưởng rồi bỏ đi những ý tưởng tồi.
Tuy nhiên, không phải lúc nào Pauling cũng thực hiện đúng bí quyết của mình. Năm 1941, ông được chẩn đoán mắc bệnh Bright, gây ra tình trạng viêm thận mạn tính. Theo lời khuyên của bác sĩ, Pauling áp dụng chế độ ăn giảm muối, ít đạm cùng với bổ sung vitamin. Khi bệnh tình may mắn thuyên giảm, Pauling tin rằng đó là nhờ bổ sung vitamin.
Chưa dừng lại ở đó, ông còn cho rằng sử dụng liều cao vitamin C tới 1000 mg mỗi ngày (trong khi liều khuyến cáo thông thường chỉ là 60 mg/ngày) có thể làm giảm tỷ lệ mắc cảm lạnh khoảng 45%. Bản thân Pauling dùng vitamin C với liều cao hơn, tới 12.000 mg hàng ngày, và tăng lên tận 40.000 mg những khi bị cảm lạnh. Khôi nguyên hai giải Nobel này còn quả quyết rằng vitamin C có thể chữa được cả ung thư lẫn bệnh tâm thần phân liệt.
Nhiều nghiên cứu có đối chứng giả dược cho thấy tất cả những quan điểm này của Pauling đều không có cơ sở. Năm 1991, Pauling bị phát hiện mắc ung thư tiền liệt tuyến và trực tràng. Ông phải trải qua hai lần phẫu thuật nhưng từ chối các biện pháp điều trị ung thư tiêu chuẩn mà kiên quyết dùng vitamin C liều cao. Chỉ 3 năm sau, Pauling qua đời.
**2. William Shockley**
Là tác giả của bóng bán dẫn (transistor), một trong những phát minh quan trọng nhất thế kỷ 20, Shockley chia sẻ Nobel Vật lý năm 1956 cùng với John Bardeen và Walter Brattain. Sau khi giành giải thưởng, mối quan tâm của Shockley chuyển sang lĩnh vực di truyền. Ông phát biểu, mà không kèm theo bằng chứng khoa học nào, rằng sự khác biệt về trí thông minh giữa người da đen và người da trắng phần lớn hoặc hoàn toàn do di truyền.
Shockley còn đưa ra ý tưởng về “tiến hóa ngược”, cho rằng người da đen sinh sản nhanh hơn người da trắng, khiến cho trí thông minh của quần thể da đen giảm dần. Từ đó, ông đề xuất giải pháp hỗ trợ tài chính để những người kém thông minh do di truyền đi triệt sản. Shockley còn hiến tinh trùng cho một tổ chức có mục đích theo đuổi chương trình ưu sinh (eugenics program).
**3. James Watson**
Được trao giải Nobel Y sinh năm 1962 cùng với Francis Crick cho khám phá về cấu trúc ADN, cũng giống như William Shockley, Watson cho rằng người da đen kém thông minh hơn người da trắng là do di truyền.
Ông cũng phát biểu rằng người béo phì ít tham vọng hơn người không bị béo phì, hay tiếp xúc với ánh nắng ở khu vực xích đạo làm tăng ham muốn tình dục, và người da màu có lượng melanin trong da nhiều hơn nên ham muốn tình dục mạnh hơn người da trắng.
**4. Brian Josephson**
Brian Josephson được trao giải Nobel Vật lý năm 1973 cho công trình nghiên cứu về hiện tượng siêu dẫn được thực hiện khi ông còn là nghiên cứu sinh tại Đại học Cambridge. Đầu những năm 1970, Josephson bắt đầu Dự án Thống nhất Ý thức – Vật chất (Mind–Matter Unification Project) để nghiên cứu mối quan hệ giữa cơ học lượng tử và nhận thức, giữa khoa học và chủ nghĩa thần bí Phương Đông. Trong tài liệu kỷ niệm 100 năm giải Nobel, Josephson nói rằng ông đang chăm chú nghiên cứu về telepathy, một dạng tri giác đặc biệt liên quan đến khả năng đọc được ý nghĩ của người khác.
Josephson còn là người đề xướng giả thuyết rằng các phản ứng hạt nhân có thể xảy ra ở nhiệt độ thường, cũng như ủng hộ ý tưởng thần bí về “trí nhớ của nước”, cho rằng nước có “trí nhớ” về các đặc tính hóa học của những chất mà nó hòa tan.
**5. Nikolaas Tinbergen**
Năm 1973, Nikolaas Tinbergen chia sẻ giải Nobel Y sinh cùng với Karl von Frisch và Konrad Lorenz cho những khám phá liên quan đến đặc điểm tổ chức và hành vi xã hội ở động vật. Những năm 1970, Tinbergen chuyển mối quan tâm sang các rối loạn tâm lý ở trẻ nhỏ và áp dụng những kỹ thuật nghiên cứu về hành vi của động vật cho trẻ tự kỷ.
Tinbergen cho rằng tự kỷ xuất phát từ khuyến tật về mối liên kết giữa đứa trẻ và người mẹ, từ đó khuyến cáo “holding therapy” để sửa chữa khuyết tật này, cụ thể là cha mẹ cần ôm ấp con nhiều và tương tác bằng mắt với chúng. Trong diễn từ nhận giải Nobel, Tinbergen nói rằng liệu pháp này có hiệu quả điều trị tự kỷ cực kỳ nhanh chóng.
**6. Kary Mullis**
Là cha đẻ của phản ứng chuỗi polymerase, tức Polymerase Chain Reaction hay PCR – kỹ thuật khuếch đại và nhân bản ADN vô cùng quan trọng mà chúng ta nghe nhắc đến thường xuyên kể từ khi dịch Covid xuất hiện, Mullis chia sẻ giải Nobel Hóa học năm 1993 cùng với Michael Smith. Tuy nhiên, khôi nguyên Nobel này lại phản đối sự thật rằng HIV là nguyên nhân gây ra bệnh AIDS, dù chính phương pháp PCR mà ông phát minh là công cụ phát hiện vật liệu di truyền của HIV ở người mắc AIDS.
Mullis cũng không tin vào tác động của con người đối với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, ông còn là một tín đồ của thuật chiêm tinh.
**7. Louis J. Ignarro **
Năm 1998, Ignarro chia sẻ giải Nobel Y sinh cùng với Robert Furchgott và Ferid Murad cho những khám phá liên quan đến vai trò của khí nitơ oxid (NO) trong hệ tim mạch. Chỉ vài năm sau khi được trao giải thưởng này, Ignarro trở thành thành viên lãnh đạo của Herbalife và quảng bá cho sản phẩm của tập đoàn này là Niteworks, loại thực phẩm chức năng được cho là kích thích cơ thể sản xuất NO.
Năm 2004, Ignarro và cộng sự công bố một bài báo trên Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) khẳng định lợi ích của Niteworks trên chuột. Khi được hỏi về nghiên cứu trên người, Ignarro nói rằng “Cái gì tốt cho chuột cũng sẽ tốt cho người”. Trong bài báo trên PNAS, Ignarro không công khai thông tin về vai trò của ông ở Hebalife. Khi bị phát hiện, PNAS phải đưa ra một bản đính chính về xung đột lợi ích của Ignarro.
Tính đến năm 2012, Ignarro đã nhận ít nhất 15 triệu đô la từ Herbalife. Chưa có bằng chứng độc lập nào cho thấy hiệu quả của Niteworks trên người.
**8. Luc Montagnie**
Là người khám phá ra HIV, Montagnie được trao giải Nobel Y sinh 2008 cho phát hiện này. Chỉ 1 năm sau ngày nhận giải, Montagnie công bố một bài báo trên *Interdisciplinary Sciences: Computational Life Sciences*, tạp chí do chính ông thành lập và làm biên tập, cho rằng ADN của các chủng vi khuẩn và virus gây bệnh có thể phát ra sóng điện từ.
Cùng với Brian Josephson, Montagnie cũng cho rằng nước có trí nhớ. Montagnie còn phát biểu rằng hầu hết các bệnh thần kinh như Alzheimer, Parkinson lẫn tự kỷ và đa xơ cứng đều do các sóng điện từ phát ra bởi ADN của vi khuẩn hoặc virus trong dung dịch nước. Ông tin rằng các sản phẩm từ vi sinh vật đường tiêu hóa đã xâm nhập vào huyết tương và gây tổn thương não, từ đó sinh ra các bệnh thần kinh.
Chưa hết, Montagnie còn sử dụng lý thuyết trường lượng tử để quảng bá ý tưởng “dịch chuyển tức thời ADN”, cụ thể là ADN có thể dịch chuyển giữa các ống nghiệm và nhân lên trong các dung dịch để cách xa nhau. Ông còn cho rằng vắc xin gây ra tự kỷ, và có thể điều trị các bệnh như AIDS hay tự kỷ bằng các biện pháp như điều chỉnh chế độ ăn, dùng vi sinh vật hay kháng sinh.
**References**
1. Nobelists Gone Wild: Case Studies in the Domain Specificity of Critical Thinking: https://www.google.com/books/edition/Critical_Thinking_in_Psychology/VG_CDwAAQBAJ?hl=en&gbpv=0
2. The Nobel Disease: When Intelligence Fails to Protect against Irrationality: https://skepticalinquirer.org/2020/05/the-nobel-disease-when-intelligence-fails-to-protect-against-irrationality
Shared link: https://www.google.com/books/edition/Critical_Thinking_in_Psychology/VG_CDwAAQBAJ?hl=en&gbpv=0
Statistics:
Likes: 193, Shares: 27, Comments: 50
Like Reactions: 179, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 6, Love Reactions: 7, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0