Duong Tu – 2021-09-29 01:48:37
**MICROPUBLICATION**
Lâu nay chúng ta vẫn quen với các bài báo khoa học được công bố dưới dạng tường thuật lại những gì đã thực hiện theo cấu trúc IMRaD (Introduction, Methods, Results, and Discussion). Nhưng không phải nghiên cứu nào cũng phù hợp để công bố theo hình thức này, chẳng hạn khi kết quả không như dự kiến, không phù hợp với những dữ liệu của các nhóm khác đã công bố (negative results), hoặc khi lượng dữ liệu (từ dự án nhỏ như đề tài của sinh viên đại học) không đủ cho một bài báo hoàn chỉnh, hay thí nghiệm chỉ nhằm kiểm tra khả năng tái lặp của một kết quả đã công bố. Ngoài ra, bài báo truyền thống còn mang những nhược điểm như việc tiến hành thí nghiệm, viết lách và bình duyệt kéo dài, có thể tới nhiều năm, gây chậm trễ quá trình chia sẻ và lan tỏa những tri thức và phát hiện mới.
Xuất phát từ thực tế này, vài năm gần đây, một số người đã đề xuất mô hình công bố những thí nghiệm lặp lại của các nhóm khác hay negative results hoặc những kết quả ngắn gọn, các phát hiện mới có thể chỉ từ một thí nghiệm mà thôi. Hình thức này được gọi là *micropublication* hay *single figure publication*.
Một thí dụ tiêu biểu của hình thức xuất bản này là ***microPublication Biology***, tạp chí ra đời năm 2016 theo sáng kiến của California Technology Institute (Caltech) với sự tài trợ của Viện Y học Quốc gia Mỹ (National Institutes of Health – NIH): https://www.micropublication.org/about/editorial-policies/publishing-information.
Các bài báo công bố trên *microPublication Biology* thường chỉ có độ dài một vài trang, chứa một hình hoặc bảng biểu, là kết quả của một hay một vài thí nghiệm. Tuy nhiên, tất cả các bài báo này đều phải trải qua quá trình bình duyệt nghiêm túc với ban biên tập bao gồm nhiều nhà khoa học từ các trường đại học uy tín: https://www.micropublication.org/about/editorial-policies/editorial-board-and-staff. Do nội dung bài ngắn gọn nên việc bình duyệt diễn ra nhanh chóng. Đồng thời, tạp chí miễn phí cho cả tác giả lẫn độc giả, trong khi với hình thức công bố truyền thống, một trong hai hoặc cả hai đối tượng này phải trả tiền.
*microPublication Biology* nằm trong danh mục Directory of Open Access Journals (DOAJ) với các bài báo đều có mã số DOI và được đánh chỉ mục bởi PubMed lẫn Google Scholar – những chỉ dấu phân biệt nó với các tạp chí săn mồi.
Tuy bài báo của *microPublication Biology* không được trích dẫn nhiều, một số báo cáo trên tạp chí này có số lượt trích dẫn không tệ, thí dụ công trình “*Two new functions in the WormBase Enrichment Suite*” của nhóm tác giả từ Caltech mới công bố tháng 3/2018 đã được trích dẫn 26 lần: https://scholar.google.com/scholar?cites=8286845259756798165&as_sdt=800005&sciodt=0,15&hl=en
Đây là danh sách tất cả các tập của *microPublication Biology* đã xuất bản từ 2016: https://www.micropublication.org/archives.
Các bác nghĩ sao về micropublication? Liệu đó có phải một dạng salami slicing – tức chia nhỏ một công trình thành nhiều bài báo để chạy theo số lượng? Hay đây là hình thức xuất bản khoa học mới của tương lai? Các nhà nghiên cứu sẽ xem nó là cách thức nhanh chóng và tiện lợi hơn để cập nhật các kết quả mới, hay chỉ là một trào lưu nhất thời sẽ sớm bị đào thải?
Đó là những câu hỏi có thể sẽ được đặt ra và thảo luận trong webinar “***Micropublications: publishing science results piece by piece***” do Open Research London tổ chức vào lúc ***9 giờ tối nay giờ Việt Nam*** với một trong các diễn giả là Paul Sternberg, giáo sư về sinh học tại Caltech, đồng thời là Tổng biên tập tạp chí *microPublication Biology*: https://wormlab.caltech.edu/labmembers.
Thông tin chi tiết về webinar và đăng ký tham dự: https://www.eventbrite.co.uk/e/micropublications-publishing-science-results-piece-by-piece-tickets-169602659119
Statistics:
Likes: 239, Shares: 27, Comments: 20
Like Reactions: 215, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 23, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0