Duong Tu – 2021-09-24 05:57:11
**TẠP CHÍ CƯỚP DANH – HIJACKED JOURNALS**
Nhân một số thảo luận gần đây trong nhóm Liêm Chính Khoa Học về hijacked journals, tôi tóm tắt vài điểm chính về loại hình tạp chí lừa đảo này để bác nào quan tâm tham khảo.
Danh sách thảo luận trong nhóm LCKH liên quan đến hijacked journals:
https://www.facebook.com/542267557020081
https://www.facebook.com/567606341152869
https://www.facebook.com/565158878064282
**1. Khái niệm**
Tại chí cướp danh (hijacked journals) là loại tạp chí sử dụng danh tính, mã ISSN và những thông tin khác của các tạp chí gốc nhằm đánh lừa và thu tiền đăng bài từ các nhà nghiên cứu.
Chính vì giả mạo và lợi dụng tên tuổi, danh tiếng của các tạp chí thật nên tạp chí cướp danh có thể lừa các tác giả thiếu kinh nghiệm một cách dễ dàng hơn so với các tạp chí săn mồi truyền thống: https://www.science.org/doi/full/10.1126/science.350.6263.903
Cách giả mạo của hijacked journals đôi khi tinh vi và gây nhầm lẫn đến mức những cơ sở dữ liệu như ISI hay Scopus cũng index bài của các tạp chí mạo danh này.
Tuy nguy hiểm như vậy và ngày càng trở nên phổ biến, mức độ chú ý và quan tâm của cộng đồng khoa học dành cho loại tạp chí lừa đảo này lại thấp hơn đáng kể so với các tạp chí săn mồi. Số lượng nghiên cứu về tạp chí cướp danh ít hơn rất nhiều so với nghiên cứu về tạp chí săn mồi. Tương tự, trong nhóm Liêm Chính Khoa Học, vấn nạn tạp chí săn mồi cũng được nhắc đến thường xuyên hơn hẳn tạp chí cướp danh.
**2. Nguồn gốc thuật ngữ **
Thuật ngữ “*hijacked journals*” được Mehrdad Jalalian – nhà nghiên cứu về đạo đức xuất bản người Iran và là tổng biên tập tạp chí Electronic Physician (http://www.ephysician.ir/index.php/26-about-electronic-physician/2-editorial-board) – giới thiệu vào đầu năm 2012. Một cách tình cờ, thuật ngữ này xuất hiện gần như cùng thời điểm với thuật ngữ “*predatory journals*” do Jeffrey Beall đề xuất: https://www.nature.com/articles/489179a
Theo Mehrdad Jalalian, khoảng 2011-2012, ông nhận được nhiều lời phàn nàn – qua thư hoặc qua những lần nói chuyện – về một số tạp chí có impact factor nhưng lại chấp nhận đăng tất cả các bản thảo thuộc mọi lĩnh vực nếu tác giả đồng ý trả phí vài trăm đô-la. Jalalian nhận thấy bất thường và tiến hành kiểm tra website của các tạp chí này, phân tích thư thông báo chấp nhận đăng bài cũng như định dạng và nội dung các bài báo. Từ đó, ông phát hiện một số tạp chí mạo danh các tạp chí thật khi liên lạc với các tạp chí thật để xác minh: https://www.researchinformation.info/feature/journal-hijackers-target-science-and-open-access
Vào thời điểm Jalalian lập danh sách tạp chí cướp danh đầu tiên hồi tháng 6/2014, danh sách này chỉ bao gồm 19 tạp chí. Đến nay, tạp chí cướp danh đã mọc lên như nấm với con số lên tới hàng trăm hay có thể hàng ngàn.
**3. Dấu hiệu nhận biết tạp chí cướp danh**
Để nhận diện tạp chí cướp danh, cần dựa vào nhiều dấu hiệu khác nhau. Dưới đây là một số dấu hiệu phổ biến:
* Địa chỉ trang web của các tạp chí mạo danh chỉ mới được tạo ra gần đây, nhiều nhất là vài năm trong khi tạp chí gốc đã hoạt động nhiều năm. Có thể kiểm tra lịch sử đăng ký của một trang web ở WHOIS: http://whois.domaintools.com
* Quốc gia nơi đăng ký trang web khác với nơi hoạt động của nhà xuất bản.
* Tên và địa chỉ liên lạc của cá nhân/tổ chức đăng ký tên miền không được công khai.
* Thiết kế và cấu trúc trang web trông cẩu thả và rẻ tiền.
* Các bài báo đã công bố không có mã số DOI, chất lượng bài rất thấp, nhiều lỗi chính tả và lỗi đánh máy, nhiều bài sao chép từ các tạp chí gốc để làm mồi.
* Thời gian bình duyệt rất ngắn hoặc chấp nhận đăng bài ngay mà tác giả không cần sửa chữa, bổ sung gì.
* Danh sách ban biên tập đáng ngờ: tạp chí cướp danh chỉ liệt kê tên mà không có địa chỉ làm việc và thông tin liên lạc của các thành viên ban biên tập, không thể xác minh danh tính của các thành viên này.
* Tạp chí cướp danh không nói rõ lĩnh vực hay chủ đề công bố mà đăng bài thuộc bất kỳ lĩnh vực nào để moi tiền tác giả.
* Hệ thống nộp bài sơ sài. Tạp chí cướp danh thường yêu cầu các tác giả gửi email trực tiếp cho “biên tập viên”: https://clarivate.com/blog/hijacked-journals-what-they-are-and-how-to-avoid-them
**4. Những tạp chí gốc nào là đối tượng hay bị cướp danh?**
Nhóm lừa đảo khoa học thường chọn cướp danh những tạp chí có một số đặc điểm dưới đây.
* Tạp chí gốc chỉ có bản in mà không phát hành bản điện tử và/hoặc chưa có website riêng, hay website của tạp chí gốc khó tìm thấy.
* Tạp chí không xuất bản bằng tiếng Anh của các nhà xuất bản nhỏ hay bị giả mạo hơn.
* Tạp chí gốc ngừng hoạt động, không công bố thêm bài báo mới. Tạp chí cướp danh tiếp tục đăng bài với tên, mã ISSN và thông tin của tạp chí gốc.
* Bọn lừa đảo tìm những trang web của tạp chí gốc sắp hết hạn, chờ cơ hội đăng ký và cướp các địa chỉ này. Khi tạp chí gốc quên gia hạn địa chỉ trang web hoặc chuyển qua địa chỉ mới, tạp chí mạo danh chớp thời cơ đăng ký địa chỉ website của tạp chí gốc đã hết hạn.
* Tạp chí gốc thường không có chỉ số ảnh hưởng cao bởi sẽ dễ bị nghi ngờ (hiếm tạp chí có impact factor cao lại chấp nhận công bố bảo thảo trong vòng vài ngày hay một hai tuần lễ). Chỉ cần có chỉ số ảnh hưởng thấp cũng đủ để thu hút các nhà nghiên cứu đang có nhu cầu đăng bài.
**5. Ai đứng sau các tạp chí cướp danh?**
* Đám tội phạm mạng, chuyên gia công nghệ thông tin có hiểu biết nhất định về ngành công nghiệp xuất bản khoa học.
* Các nhà nghiên cứu tha hóa, thậm chí có người là giáo sư đại học: một assistant professor ngành khoa học máy tính ở Saudi Arabia cùng với đồng bọn của hắn ta ở Pakistan đã tạo website của một loạt tạp chí cướp danh: http://www.dgt.uns.ac.rs/pannonica/papers/volume19_2_6.pdf
**6. Vai trò môi giới của đám mafia khoa học**
Một trong những lý do khiến các tạp chí cướp danh có đất sống và nhận được nhiều bản thảo từ các tác giả thiếu kinh nghiệm là nhờ sự tiếp tay của đám mafia khoa học.
Thật vậy, đám mafia khoa học chuyên bán dịch vụ xuất bản cho các tác giả cần đăng bài sẽ cấu kết với các tạp chí cướp danh để cùng lừa những nhà nghiên cứu kém hiểu biết. Cụ thể, đám mafia thỏa thuận với tạp chí giả mạo giảm giá đăng bài cho các bản thảo do chúng thu gom trong khi vẫn đòi các tác giả phải trả đúng số tiền mà tạp chí giả mạo đòi hỏi, từ đó bỏ túi phần chênh lệch.
Một số tay mafia còn trực tiếp tạo ra các tạp chí giả mạo để moi tiền các tác giả hai lần: vừa lấy phí dịch vụ “hỗ trợ” đăng bài, vừa thu tiền đăng bài trên các tạp chí rởm này.
**7. Thái độ táo tợn**
Không ít tạp chí cướp danh táo tợn đến mức đề nghị các danh mục ISI hay Scopus đặt đường dẫn đến trang web giả mạo của chúng, và có tạp chí đã thành công. Khi trò lừa đảo của các tạp chí này bị lộ, và đường dẫn đến website giả mạo của chúng bị gỡ bỏ, đại diện của hijacked journals còn kiện cáo và đòi ISI đặt lại đường dẫn: https://www.nature.com/articles/495421a.
Nhiều tạp chí gốc bị giả mạo thường nhận được thư của các nhà nghiên cứu là nạn nhân của trò lừa đảo hỏi về các bản thảo bài báo của họ, tại sao họ đã chuyển tiền mà không thấy bài báo được công bố. Có tác giả lại hỏi ISI tại sao bài báo của họ đã được chấp nhận công bố trên một tạp chí có tên trong danh mục này nhưng lại không được đánh chỉ mục trong cơ sở dữ liệu ISI.
**8. Danh sách tạp chí cướp danh**
Như một nỗ lực chống lại các trò gian lận và lừa đảo, một số trang web dưới đây đã lập danh mục các tạp chí cướp danh. Tuy nhiên, rõ ràng các danh sách này không đầy đủ và thường xuyên lạc hậu do các tạp chí cướp danh xuất hiện thêm hàng ngày, hàng giờ:
* https://predatoryjournals.com/hijacked
* https://beallslist.net/hijacked-journals
* https://ugccare.unipune.ac.in/Apps1/User/Web/CloneJournals
* https://ugccare.unipune.ac.in/Apps1/User/Web/CloneJournalsGroupII
**9. Làm thế nào để giải quyết vấn nạn tạp chí cướp danh?**
Muốn giải quyết vấn nạn này, cần sự phối hợp đồng bộ từ rất nhiều bên: các tạp chí gốc, các tổ chức đánh chỉ mục tạp chí, các cơ sở nghiên cứu và quan trọng nhất là bản thân mỗi nhà khoa học: https://onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/leap.1412
Để tự bảo vệ mình và bớt lệ thuộc vào hành động của các bên khác, mỗi nhà nghiên cứu cần tự trang bị kiến thức và kỹ năng cho mình để phân biệt thật giả, tránh mắc bẫy của bọn lừa đảo. Nếu chưa có đủ kinh nghiệm phân biệt thật giả và còn phân vân về tạp chí nào đó, hãy tham khảo ý kiến đồng nghiệp hoặc cộng đồng hay nhờ tư vấn, trợ giúp trên các diễn đàn như Liêm Chính Khoa Học.
**10. Vĩ thanh**
Mỗi nhà khoa học hiện nay dường như phải tiến hành hai loại nghiên cứu cùng lúc: nghiên cứu chuyên môn và nghiên cứu về công bố để tránh bị lừa đăng bài trên các tạp chí rởm.
Vấn nạn tạp chí cướp danh càng đặt ra nhiều câu hỏi về việc đánh giá chất lượng tạp chí và quan trọng hơn là chất lượng từng nghiên cứu. Giờ đây, không thể chỉ nhìn vào tên tạp chí, impact factor hay các chỉ số trắc lượng để đánh giá mà cần ý kiến định tính của các chuyên gia có kinh nghiệm thực sự bỏ thời gian đọc và thẩm định chất lượng của mỗi công trình khoa học.
Một số nhà nghiên cứu tha hóa và gian dối sẽ không bao giờ ngừng lợi dụng các tạp chí cướp danh nói riêng cũng như nhiều kẽ hở, những chiêu trò gian lận trong hệ thống xuất bản khoa học nói chung để đăng bài, tạo thành tích ảo nhằm thăng tiến trong sự nghiệp và kiếm chác từ sự thăng tiến đó mặc dù họ hoàn toàn ý thức được sự tồi tệ của các tạp chí rởm này khi mà các cơ sở nghiên cứu, chuyên gia bình duyệt, các hội đồng xét duyệt và cộng đồng học thuật lẫn công chúng chưa có đủ kinh nghiệm và hiểu biết về những trò lừa đảo khoa học ngày càng tinh vi.
Chính sự lũng đoạn và thao túng của những kẻ tha hóa và gian dối đó trong môi trường khoa học mới là sự thật còn đáng buồn hơn sự tồn tại của những kẽ hở và chiêu trò gian lận trong một hệ thống xuất bản chưa và sẽ không bao giờ hoàn hảo.
**Hình minh họa**: Tạp chí gốc Jökull Research Journal (bên trái) của Hiệp hội Nghiên cứu băng và Hiệp hội Khoa học Địa Lý Iceland tại địa chỉ https://jokulljournal.is, và tạp chí cướp danh Jökull Journal (bên phải) tại địa chỉ http://jokulljournal.com. Khi tìm kiếm Jokull hay Jokull Journal qua Google, trang web của tạp chí cướp danh còn xuất hiện trước cả website của tạp chí gốc.
Shared link: https://www.facebook.com/542267557020081
Statistics:
Likes: 202, Shares: 25, Comments: 45
Like Reactions: 193, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 3, Love Reactions: 6, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0