Duong Tu – 2021-09-05 01:58:46
**Tại sao điểm trích dẫn của Duy Tân (100.0) và Tôn Đức Thắng (99.3) lại cao hơn cả Harvard (99.2), Oxford (98.0), Caltech (97.8 ) lẫn Cambridge (96.2)?**
Muốn trả lời câu hỏi này, ta cần biết điểm trích dẫn trong bảng xếp hạng World University Rankings 2022 của Times Higher Education (THE) được tính như thế nào.
Theo giải thích về phương pháp xếp hạng của THE (trang 10 tài liệu này https://www.timeshighereducation.com/sites/default/files/breaking_news_files/the_2022_world_university_rankings_methodology_31082021_final.pdf), điểm trích dẫn được tính như sau:
“*Citations (research influence) *
*Our research influence indicator looks at universities’ role in spreading new knowledge and ideas. We examine research influence by capturing the average number of times a university’s published work is cited by scholars globally. We look at the academic journals indexed by Elsevier’s Scopus database and all indexed publications between 2016 and 2020. Citations to these publications made in the six years from 2016 to 2021 are also collected. The data is normalised by Elsevier to reflect variations in citation volume between different subject areas. This means that institutions with high levels of research activity in subjects with traditionally high citation counts do not gain an unfair advantage. We have blended equal measures of a **country-adjusted and non-country-adjusted raw measure of citations scores**.*”
Tạm dịch:
“*Trích dẫn (ảnh hưởng của nghiên cứu)*
*Chỉ số ảnh hưởng của nghiên cứu xem xét vai trò của các trường đại học trong việc truyền bá tri thức và những ý tưởng mới. Chúng tôi đánh giá ảnh hưởng của nghiên cứu bằng cách ghi nhận số lần trung bình các công trình đã xuất bản của một trường đại học được các học giả trên toàn cầu trích dẫn. Chúng tôi xem xét các tạp chí học thuật được đánh chỉ mục bởi cơ sở dữ liệu Scopus của Elsevier và tất cả những công trình đã được đánh chỉ mục từ năm 2016 đến 2020. Các trích dẫn tới những công trình này được ghi nhận trong vòng 6 năm từ 2016 đến 2021 cũng được thu thập. Dữ liệu được Elsevier chuẩn hóa để phản ánh sự khác biệt về xu hướng trích dẫn giữa các lĩnh vực khác nhau. Điều này có nghĩa là các trường đại học hoạt động mạnh trong những lĩnh vực nghiên cứu có truyền thống nhận được số lượt trích dẫn cao sẽ không giành được lợi thế không công bằng. Chúng tôi đã kết hợp với tỷ trọng bằng nhau hai thước đo thô của **điểm số trích dẫn được hiệu chỉnh theo quốc gia và hiệu chỉnh không theo quốc gia***.”
Toàn bộ phần giải thích liên quan đến điểm số trích dẫn của THE chỉ có vậy nên chúng ta không biết chính xác dữ liệu trích dẫn đã được THE hiệu chỉnh như thế nào.
Tuy nhiên, có thể suy đoán rằng điểm số trích dẫn bao gồm hai phần: phần hiệu chỉnh không theo quốc gia và phần hiệu chỉnh theo quốc gia, mỗi phần chiếm tối đa 50 điểm.
Đối với phần điểm số hiệu chỉnh không theo quốc gia, nhiều khả năng cả Duy Tân và Tôn Đức Thắng nằm trong nhóm trường có số lượt trích dẫn cao nên đều đạt điểm tối đa giống như Harvard, Oxford, Caltech, Cambridge.
Với phần điểm số hiệu chỉnh theo quốc gia, mặc dù số lượt trích dẫn tuyệt đối của hai trường trong nước thấp hơn các trường đại học hàng đầu của Anh và Mỹ, nhưng khi hiệu chỉnh theo quốc gia, do Duy Tân và Tôn Đức Thắng có lượt trích dẫn cao nhất trong số các trường ở Việt Nam nên được chấm lần lượt 50 và 49.3 điểm. Trong khi đó, tại Mỹ, Harvard và Caltech được chấm tương ứng 49.2 và 47.8 điểm; còn tại Anh, Oxford và Cambridge được cho lần lượt 48 và 46.2 điểm.
Ta cũng nhận thấy rằng trong số 11 trường, bao gồm Duy Tân, đạt điểm số tuyệt đối 100 về trích dẫn, không có bất kỳ trường nào thuộc nhóm 200 trường tốt nhất. Tuyệt đại đa số các trường này xếp hạng từ 301 đến 500, và đều không phải ở các quốc gia có nền giáo dục và khoa học tiên tiến như Ghana, Việt Nam, Palestine, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê-út, Sri Lanka: https://www.timeshighereducation.com/world-university-rankings/2022/world-ranking#!/page/0/length/25/sort_by/scores_citations/sort_order/asc/cols/scores. Đây chính là hệ quả của việc hiệu chỉnh điểm số trích dẫn theo quốc gia.
***
Phần giải thích trên đây – hi vọng có thể làm sáng tỏ phần nào điểm số trích dẫn của các trường trong World University Rankings 2022 – không làm thay đổi sự thật rằng các chỉ số về nghiên cứu và trích dẫn được trình bày trong bảng xếp hạng này không thể hiện đúng năng lực thực sự của Duy Tân và Tôn Đức Thắng.
Thật vậy, đã có những phân tích chỉ rõ rằng
1. Hai trường này mua rất nhiều bài báo khoa học từ các đầu nậu để tạo thành tích ảo:
– Xem bài viết ***Giặc ngoại xâm khoa học*** trong nhóm LCKH: https://www.facebook.com/324416925471813, hoặc
– Bài “***Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Các trường đại học Việt Nam có thể đang bị ‘ăn thịt’***” trên báo Thanh Niên: https://thanhnien.vn/giao-duc/thanh-tich-ao-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-cac-truong-dai-hoc-viet-nam-co-the-dang-bi-an-thit-1273694.html
2. Phần nghiên cứu thực chất của Duy Tân và Tôn Đức Thắng, hay còn gọi là nội lực, tương đối thấp. Một ước tính trên báo Thanh Niên cho thấy nội lực của Tôn Đức Thắng chỉ đạt gần 11%: https://thanhnien.vn/giao-duc/thu-thuat-khai-man-nhiem-so-de-thang-hang-dai-hoc-hien-tuong-cac-truong-viet-nam-1291462.html.
Khi ước tính nội lực của Tôn Đức Thắng theo những cách khác nhau, con số rộng rãi nhất mà tôi từng được biết đến chưa bao giờ vượt quá 26%.
3. Chạy theo thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng và lâu dài mà nhiều nhà khoa học đã nêu ra trên báo chí lẫn các diễn đàn: https://www.facebook.com/555686099011560
4. Trong số những hậu quả tai hại của việc mua bán bài báo vô tội vạ, hệ lụy rõ ràng đầu tiên là một loạt bài báo của hai trường này vừa bị nhiều tạp chí rút bỏ, không phải vì chất lượng chuyên môn, mà do gian lận học thuật: https://www.facebook.com/503129214267249
***
Đây không phải lần đầu tiên, và chắc chắn cũng không phải lần cuối cùng nổ ra những tranh cãi, lùm xùm xung quanh thành tích nghiên cứu của Duy Tân và Tôn Đức Thắng. Tuy nhiên, bất chấp rất nhiều nghi vấn mà cộng đồng khoa học và dư luận xã hội đặt ra bấy lâu nay, lãnh đạo hai trường này chưa bao giờ thực hiện trách nhiệm giải trình.
Sự thiếu minh bạch và thoái thác giải trình của lãnh đạo Duy Tân và Tôn Đức Thắng hoàn toàn đi ngược lại tinh thần và chủ trương tự chủ đại học, bởi lẽ tự chủ đại học phải luôn gắn liền với trách nhiệm giải trình – có như thế đại học mới giành được niềm tin của công chúng (public trust) để thực hiện sứ mệnh của nó, cũng như để đại học không biến thành chiếc hộp đen cho vài cá nhân thao túng, muốn làm gì thì làm.
Việc giải trình của lãnh đạo Duy Tân và Tôn Đức Thắng không chỉ là cách tốt nhất để hai trường này tự bảo vệ uy tín trước cộng đồng khoa học và xã hội, mà đó trước hết là trách nhiệm đối với chính sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu và nhân viên của trường.
Cuối cùng, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các cơ quan hữu trách trong câu chuyện ***tự chủ hoang dã*** này ở đâu?
Statistics:
Likes: 452, Shares: 79, Comments: 42
Like Reactions: 406, Haha Reactions: 6, Wow Reactions: 4, Love Reactions: 34, Sad Reactions: 2, Angry Reactions: 0