Duong Tu – 2021-08-21 11:10:43
Lần trước tôi có kể chuyện chú mèo Chester trở thành đồng tác giả một bài báo được trích dẫn nhiều, đăng trên tạp chí danh tiếng Physical Review Letters (PRL) chỉ vì chủ của chú là Hetherington lười sửa lại đại từ nhân xưng trong bản thảo: https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/463893778190793
Lần này, xin kể thêm chuyện một nhà khoa học đoạt giải Nobel cũng bất đắc dĩ trở thành đồng tác giả một công trình rất quan trọng, công bố trên tạp chí chị em của PRL là Physical Review, chỉ vì có bạn thân là người hài hước và thích chơi chữ.
*
Năm 1946, nhà vật lý George Gamow tại Đại học George Washington đề xuất giả thuyết rằng do thuyết tương đối rộng dự đoán sự giãn nở cực nhanh của vũ trụ sau vụ nổ Big Bang, tất cả các phản ứng hạt nhân tạo ra các nguyên tố hóa học cũng phải xảy ra trong vòng vài giây trong vụ nổ này.
Để tính toán lượng các nguyên tố hình thành trong Big Bang, Gamow đã nhờ đến Ralph Alpher, lúc đó là nghiên cứu sinh tại Đại học Johns Hopkins hỗ trợ. Hai tác giả đề xuất rằng vũ trụ khởi đầu dưới dạng một bể khí neutron bị nén cực mạnh và lực nén giảm đi khi vũ trụ giãn nở khiến các neutron tự do phân rã thành proton và electron (phân rã beta). Hạt proton vừa hình thành kết hợp với neutron sẽ tạo ra nguyên tử deuterium. Các hạt nhân nặng hơn tiếp tục ra đời khi neutron bị bắt giữ liên tiếp theo từng bước như vậy.
Từ giả thuyết này, Alpher tính được tỷ lệ giữa số lượng hạt nhân heli và hydro tại cuối pha tổng hợp hạt nhân trong Big Bang. Kết quả tính toán này hoàn toàn phù hợp với dữ liệu thực nghiệm của các nhà thiên văn học. Nói cách khác, thuyết Big Bang có thể giúp giải thích tỷ lệ giữa hạt nhân heli và hydro mà chúng ta ghi nhận được trong vũ trụ. Do hai nguyên tố này chiếm tới hơn 99% số nguyên tử toàn vũ trụ, phát hiện này được xem là một thành tựu lớn lúc bấy giờ.
Phấn khích trước kết quả này, Gamow và Alpherdự định công bố một bức thư mang tên “Nguồn gốc các nguyên tố hóa học” (“***The origin of chemical elements***”) trên tạp chí Physical Review: https://journals.aps.org/pr/pdf/10.1103/PhysRev.73.803. Tuy nhiên, Gamow cảm thấy không công bằng cho bảng chữ cái khi một bài báo chỉ được ký tên bởi Alpher và Gamow. Do đó, Gamow đã thêm tên người bạn của ông là nhà vật lý nổi tiếng Hans Bethe tại Đại học Cornell vào bản thảo.
Tuy không đóng góp gì cho công trình mà chỉ tham gia thảo luận sau khi bài báo được công bố, Bethe đã không phản đối khi tên ông được đưa vào danh sách tác giả công trình. Kể từ đó, công trình với ba tác giả xuất hiện theo thứ tự Alpher, Bethe và Gamow được nhắc đến với tên gọi “***αβγ paper***” hay “’***alphabetical article***” như một ví dụ kinh điển về sự hóm hỉnh của các nhà khoa học: https://en.wikipedia.org/wiki/Alpher%E2%80%93Bethe%E2%80%93Gamow_paper
Lý thuyết bắt giữ neutron liên tiếp để tạo thành hạt nhân mới được trình bày trong bài báo αβγ sau này đã được chứng minh là chỉ đúng cho các nguyên tố nhẹ như hydro và heli, còn hầu hết các nguyên tố nặng hơn trong vũ trụ đều được sinh ra từ quá trình tổng hợp hạt nhân ở các ngôi sao (stellar nucleosynthesis) thông qua phản ứng nhiệt hạch cho ra đời các siêu tân tinh (supernova).
Mặc dù chỉ đứng tên gift author trong công trình αβγ do thú vui chơi chữ của người bạn Gamow, Bethe lại là người có đóng góp rất quan trọng cho lý thuyết stellar nucleosynthesis để rồi được trao giải Nobel Vật lý năm 1967 một phần vì những đóng góp này: https://www.nobelprize.org/prizes/physics/1967/summary.
Statistics:
Likes: 138, Shares: 15, Comments: 0
Like Reactions: 121, Haha Reactions: 4, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 12, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0