Dao Phong – 2021-08-20 10:20:48
Hệ thống xếp hạng, đánh giá, cho điểm các tạp chí và hội thảo khoa học của Ba Lan (do Bộ Giáo dục và Khoa học của Ba Lan thực hiện).
1. Hệ thống xếp hạng này đã có từ rất lâu ở Ba Lan (mình không biết chính xác thời gian nên không nói cụ thể), được cập nhập 1-2 năm một lần và đã qua rất nhiều lần “cải tiến, cải lùi” 😁. Phải nói là hệ thống xếp hạng này không thể làm hài lòng tất cả các nhà nghiên cứu, giảng viên tại Ba Lan được, nhưng nó vẫn chính thức được sử dụng cho các đơn vị của Viện Hàn lâm Khoa học Ba Lan, các trường ĐH, viện nghiên cứu tại Ba Lan.
2. Tính đến phiên bản công bố ngày 9/2/2021 thì Ba Lan xếp hạng gần 32 ngàn tạp chí và gần 2000 hội nghị theo các mức 5, 20, 40, 70, 100, 140, và 200 points.
3. Các trường ĐH, viện nghiên cứu,… thường sử dụng đồng thời hệ thống xếp hạng này cùng với bảng xếp hạng của Scopus khi xét hồ sơ phong GS, PGS, cấp bằng TSKH, TS, thưởng công bố KH, chi trả lệ phí APC cho truy cập mở (cả fully OA and hybrid OA), etc. Ví dụ trường AGH chỗ mình quy định chỉ trả phí APC cho bài báo Q1 (Scopus) và đồng thời được ít nhất 140 points (theo bảng xếp hạng nói trên).
4. Link để tải bản PDF:
https://www.gov.pl/attachment/7839ea33-4b51-4bfa-b642-fa347f315fda
5. Website để check online (tiếng Anh):
https://mostwiedzy.pl/en/magazine/catalog
6. Theo ý kiến của mình thì nói chung là các tạp chí được 140 và 200 points là tốt để gửi bài, 100 điểm thì tạm được, còn lại thì không nên gửi bài. Tuy nhiên nếu bài của mình bị rejected nhiều và tự nhận thấy kết quả cũng xoàng thì cũng phải tự hạ yêu cầu xuống 70 và 40 points 😆
Chú ý:
– Các bức ảnh dưới đây là ví dụ mình kiểm tra tạp chí Energies (MDPI).
– Khi bạn search mà có nhiều kết quả tên tạp chí gần giống nhau thì cần kiểm tra số ISSN để chọn đúng tạp chí.
– Nếu ở mục thông tin “CiteScore” mà bạn không thấy có kết quả cho những năm gần đây, e.g. 2019, 2020, thì nghĩa là tạp chí đó đã bị loại khỏi Scopus năm đó.
Mình hy vọng thông tin này hữu ích cho các bạn! Khi các bạn chuẩn bị gửi bài cho một tạp chí mà không biết là tạp chí đấy có đủ tin cậy hay không? có phải là tạp chí rởm hay không? thì hệ thống xếp hạng này có thể cho các bạn thêm căn cứ để quyết định. Ít nhất thì bảng xếp hạng này đã được các nhà khoa học Ba Lan kiểm định nên có thể tin cậy được 😊
Mình update thêm một số ý:
– Cũng giống như cái Quy chế đào tạo TS mới bạn hành của Bộ GD đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều ở Việt Nam, cái bảng xếp hạng này cũng vậy, cũng gây ra tranh luận dữ dội ở Ba Lan 😀 Rất nhiều người than phiền là các tạp chí họ yêu thích, hay đăng bài ở đó được điểm quá thấp. Thực tế là khó có cái gì có thể làm hài lòng tất cả mọi người.
– Theo mình hiểu thì Ba Lan xây dựng bảng xếp hạng này để tất cả các nhà nghiên cứu của họ có thể tìm được tạp chí phù hợp với chất lượng của bài báo của họ. Số lượng tạp chí trong bảng xếp hạng hiện nay có lẽ là đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Vì vậy nó bao gồm các tạp chí từ rất kém (5 điểm) đến rất tốt (200 điểm). Quyền lựa chọn tạp chí là của tác giả. Nếu chọn tạp chí chất lượng thấp (20 điểm) thì cần phải có 10 bài mới bằng được người có 1 bài 200 điểm 😉
– Theo mình biết thì Ba Lan có tiêu chí riêng để đánh giá, cho điểm các tạp chí chứ không chỉ đơn thuần sử dụng IF hay CiteScore nên có thể sẽ không thể khớp với Scopus, WOS, Scimago. Họ có công thức để tính dựa trên nhiều thông số, mỗi thông số có gán trọng số riêng (weight) trong khoảng 0-1. Nếu khớp y trang thì có bảng xếp hạng của riêng quốc gia không còn ý nghĩa gì nữa. Vì thế sẽ có nhiều trường hợp tạp chí có CiteScore hay IF cao hơn nhưng lại nhận được điểm thấp hơn các tạp chí có CiteScore hay IF thấp hơn.
– Theo mình quan sát thì các tạp chí có truyền thống lâu đời hay các mega journals thường nhận được điểm rất cao (140/200) kể cả khi có IF không cao lắm. Ví dụ Measurement (Elsevier) và Journal of Sound and Vibration (Elsevier) có IF < 4 nhưng vẫn nhận được 200 điểm vì đây là hai tạp chí rất nổi tiếng trong ngành.
* Cập nhập thêm một số ý kiến cá nhân:
Mình nghĩ bảng xếp hạng này cũng giống như cái hệ quy chiếu Q1…Q4 ở chỗ: Hai tạp chí cùng được xếp hạng Q2 hay 140 điểm những chất lượng và uy tín có thể khác nhau tương đối lớn. Lý do là tạp chí nằm ở cận trên hay cận dưới của Q2 hay 140 điểm. Cận trên là gần với Q1 hay 200 điểm, cận dưới là gần với Q3 hay 100 điểm. Lấy ví dụ một tạp chí "A" xếp hạng Q2 mà có nhiều lĩnh vực đạt mức 70-75%, tức là rất sát với Q1, thì việc được lên hạng Q1 chỉ là một sớm một chiều. Trong khi đó tạp chí "B" mà các lĩnh vực của nó nằm trong mức 50-55% thì gọi là Q2 "non" 😆 Chất lượng và uy tín của hai tạp chí "A và "B" này dù cùng là Q2 nhưng chắc chắn là khác nhau nhiều. Điều này cũng tương tự với tạp chí 140 điểm, chẳng hạn như trong trường hợp này là Energies (MDPI). Mình nghĩ là tạp chí này được 140 điểm là hơi cao. Vậy có thể đoán là nó được 140 điểm "non", hay nói một cách khác là tiệm cận rất sát với mức 100 điểm. Một ví dụ khác là tạp chí Renewable Energy (Elsevier). Đây là một mega journal có uy tín trong ngành nhưng tiếc là cũng chỉ được 140 điểm. Tuy nhiên chắc đây là dạng 140 điểm "cứng" và hy vọng là tạp chí này sẽ sớm được thăng hạng.
Shared link: https://www.gov.pl/attachment/7839ea33-4b51-4bfa-b642-fa347f315fda
Statistics:
Likes: 149, Shares: 32, Comments: 20
Like Reactions: 144, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 5, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0