Tuan-Minh Nguyen – 2021-08-12 01:54:55
CHUYỆN CÔ THƠ Ở TRƯỜNG DUY TÂN (nội dung bài viết đang cập nhật: 14/08)
Hiện đã có một post của Alméry Jacqueline (nick ẩn danh) bên dưới về sự việc sa thải cô Trần Thị Thơ của trường Duy Tân vì “có những phát ngôn phiến diện về công tác phòng chống dịch Covid-19” (theo ông Võ Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng DTU [1], xem thêm [2] về lịch sử sa thải nhân viên tùy tiện của lãnh đạo trường này). Mình không tìm thấy nhiều thông tin về hồ sơ học thuật của cô Thơ trên mạng trừ một số bài báo trong nước và qua bài báo Thanh Niên ở bên dưới, có thể nói cô Thơ là một giảng viên uy tín và cũng là người của cộng đồng học thuật.
Cô Thơ dạy môn Văn hóa Anh/Mỹ ở trường Duy Tân. Biết “nhục” là chuyện chính đáng của mỗi người trước nỗi đau của đồng loại trước những sai lầm và tiêu cực trong xã hội – đó chính là văn hóa, là cái mà cô giáo muốn dạy cho sinh viên của mình. Mặc khác cho dù mỗi người có quan điểm khác nhau, nhưng cần phải tôn trọng ý kiến, tôn trọng sự khác biệt và lắng nghe nhau – đó chính là môi trường học thuật lý tưởng. Vậy nên hãy thôi ngụy biện là chuyện cô trao đổi với sinh viên không liên quan đến cái cô giảng dạy.
Trong buổi tranh luận ngoài lề tiết học (xem clip và ghi chú thêm ở [3]) của cô giáo và một cậu sinh viên [cậu này khởi xướng] nổi lên hai vấn đề về văn hóa trao đổi học thuật và tự do phát biểu ý kiến: một là cô nói dừng cuộc tranh luận thì có đúng không, và hai là ý kiến cá nhân của cô giáo hay cậu sinh viên có đáng tôn trọng. Vấn đề thứ nhất, cô dừng trao đổi là đúng vì hai người bất đồng quan điểm gay gắt, mất thời gian và ảnh hưởng đến lớp [có thể trao đổi tiếp khi nào đó rảnh rỗi], như vậy là hợp lý. Vấn đề thứ hai quan điểm của cô hay trò về cách chống dịch của nhà nước, về nền văn hóa phương Tây cũng đáng được tôn trọng, nhưng sau cuộc nói chuyện của cô, trò đã không tôn trọng ý kiến của cô, thể hiện bằng cách đăng clip quay lén lên mạng tố cáo cô, và nhà trường cũng không tôn trọng ý kiến cá nhân, bằng cách sa thải cô giáo [với phát ngôn phiến diện về công tác phòng dịch Covid].
Theo cá nhân mình chuyện cô Thơ cực kì liên quan đến “Liêm Chính Khoa Học”. Sự việc sinh viên tố cáo giảng viên, và nhà trường đơn phương sa thải người lao động vì quan điểm (ôn hòa và lịch sự trong trao đổi với học sinh) của họ về vấn đề xã hội là rất nghiêm trọng. Không có phản biện, không có tự do phát biểu ý kiến thì làm gì có tự do học thuật hay liêm chính khoa học!
Chuyện chặn họng giới trí thức xảy ra ngay ở cấp độ lớp học, do chính sinh viên mình dạy tố quả thì quả là một vấn đề đạo đức nhức nhối. Trò tố cáo thầy ở tình huống thế này trái ngược với truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc. Bạn cứ cảm tưởng sinh viên của mình sẽ sẵn sàng tố cáo quy chụp quan điểm của bạn, đấu tố bạn như vậy thì môi trường sư phạm, môi trường học thuật sẽ biến dạng như thế nào? Bỏ qua sai lầm về sư phạm [đáng ra cô nên sớm kết thúc cuộc nói chuyện với một sinh viên dùng từ ngữ ngạo mạn mớm lời cô như thế] mà cô Thơ mà mỗi người đều dễ mắc phải thì hành vi lệch lạc của sinh viên đó là đáng chê trách và hành vi sa thải nhân viên của lãnh đạo nhà trường cho dù chịu áp lực từ bên nào cũng không thể chấp nhận được và rất đáng lên án.
Đứng ra lên tiếng bảo vệ một người trong cộng đồng học thuật là việc nên làm của group Liêm Chính Khoa Học, thế nhưng qua post của bạn Alméry Jacqueline mình chỉ thấy đa số các nick ẩn danh vào comment, thậm chí chăm chăm vào bới lỗi của cô giáo. Dường như những người khác cố tình tránh né, không dám đụng chạm? Xin thưa là đây không phải chuyện chính trị. Biết “xấu hổ”, biết “nhục nhã” trước những sai lầm, trước những tiêu cực là nhu cầu chính đáng của một con người lương thiện, của những người tự nhận là dân học thuật. Sau chuyện này cô Thơ có thể tìm một nơi tốt hơn, xứng đáng với cô hơn để làm việc, nhưng danh dự của cô (hiện cô đang bị đả kích trên báo chí chính thống), cũng như những trí thức nói chung (biết đâu một ngày đẹp trời sẽ đến lượt bạn) thì ai bảo vệ???
@DTUers: Bài viết này không xúc phạm tập thể sinh viên giảng viên DTU, mà chỉ nhằm phản đối với cách xử lý vụ việc của lãnh đạo trường này (hoặc/và các cá nhân đứng đằng sau tác động).
@ Duong Tu: mong một lời từ ban điều hành của nhóm [admin Duong Tu đã ủng hộ quan điểm trong bài viết này với tư cách cá nhân].
#inconvenient_truth, #je_suis_Tran_Thi_Tho
———————————————–
Ghi chú:
[1] Theo ông Võ Thanh Hải, phó Hiệu trường trường Duy Tân thì cô Thơ bị sa thải vì “PHÁT NGÔN PHIẾN DIỆN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG DỊCH Covid-19”
https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/sa-thai-giang-vien-dai-hoc-phat-ngon-phien-dien-ve-cong-tac-phong-chong-dich-764363.html
Link bài post bài của bạn Alméry Jacqueline
https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/permalink/540218110558359/
[2] Lãnh đạo trường Duy Tân dường như có nhiều vấn đề trong quá khứ về sa thải nhân viên trái luật và áp dụng luật lao động tùy tiện
https://laodong.vn/cong-doan/nguoi-lao-dong-to-dai-hoc-duy-tan-cham-dut-hop-dong-trai-quy-dinh-842313.ldo
https://laodong.vn/cong-doan/dai-hoc-duy-tan-va-nhung-buc-xuc-cua-nguoi-lao-dong-841028.ldo?fbclid=IwAR1DkvhH5tzpawDKmm4Dyh5MFOip0mzPjXhiJ_1m7y0kbhmCrvVdbc33X6w
[3] Xem clip lớp học cô Thơ qua Zoom [link ở dưới] thì theo mình bạn sinh viên đã cài cô trả lời những câu hỏi bên lề. Không có sự sính Tây chê bai văn hóa Việt hay phân biệt chủng tộc gì trong câu trả lời của cô giáo, mà là bạn sinh viên mớm lời [giọng điệu khá ngạo mạn] để quay clip lại.
[phụ đề của bạn Minh Tran]
SV: Ý là nếu cô nói như vậy là cô sinh ra ở Việt Nam nhưng mà cô không thích châu Á?
Cô: Những cái người mà phải để cho đồng bào của cô phải đi xe máy chạy một ngàn rưỡi cây số về, cô có sự lựa chọn gì không, cô cảm thấy nhục nhã về điều đó được không?
SV: À… là… cô cũng…. kiểu là không thích người Việt Nam luôn đúng không ạ?
Cô: Cô không thích cái gì mà nó hành hạ lẫn nhau.
SV: À ra là vậy. Thế châu Âu không hành hạ lẫn nhau hả cô?
Cô: Cô tin là với nền văn hóa của họ …thì em đã học tới bữa nay rồi sẽ thấy được sự tốt đẹp của những nền an sinh xã hội đó đúng không?
SV: À, Tất cả những gì cô thấy thì nó chỉ là một bề nổi cô có biết không cô?
Cô: Không… (bị ngắt lời)
SV: Em không có tự nhận là thế này thế kia nhưng ít ra là với cái sự quan hệ của em em cũng đã được (nói xen nhau lời với cô giáo)
Cô: Chúng ta không tranh luận nữa, đây là một thể năm mươi người…. (bị ngắt lời)
SV: Em cũng đã được đi học xa, em cũng đã kết bạn với rất nhiều nước trên thế giới và em cũng đã (bị ngắt lời)…
Cô: Đúng rồi, cô cám ơn em
SV: đã gặp rất nhiều trường hợp nhưng trong trường hợp của cô em cảm thấy bị xúc phạm nặng nề.
Cô: Em cảm thấy xúc phạm nặng nề cũng không sao.
SV: Về thứ nhất là người Châu Á
Cô: Cô cũng không hề đả động gì đến lòng tự hào dân tộc của em đúng không?
SV: thì cô nói chung là người châu Á da vàng mũi tẹt các thứ rồi cô kêu là Tây thì nó sang hơn, thì mỗi nước có một cái sang riêng.
Cô: Cô hỏi em nè, từ đầu mùa dịch tới giờ chính phủ có hỗ trợ cho em được cái gì chưa.
SV: Không em không
Cô: Cô hỏi đơn giản thôi. Chính phủ đã hỗ trợ cho em được cái gì chưa.
SV: Em không nằm trong diện được hỗ trợ
Cô: Đã được tiếp cận vaccine chưa
SV: Chính phủ đang tập trung cho Sài Gòn.
Cô: Cô không hỏi chuyện chính phủ tập trung. Cô hỏi em nè, bây giờ chuyện dịch là chuyện trên toàn thế giới. Có dân nước nào chạy một ngàn năm trăm cây số về quê.
SV: Nếu mà cô nói như vậy thì cảm thấy là cô không… không có sống được ở đây thì cô nên dừng việc dạy ở trường Duy Tân. Cô nên dừng việc dạy ở trường Duy Tân tại việc cái việc nó, em cảm thấy là rất nhiều người kể cả người châu Á nói chung và kể cả học sinh Việt Nam và con người Việt Nam nói riêng
Cô: Đúng, tôi cảm thấy nhục nhã khi thấy đồng bào của cô chạy xe máy một ngàn rưỡi cây số về quê. Cô cảm thấy rất nhục nhã về điều đó. Tại sao cũng là người mà khi mà dịch đến những quốc gia khác trên thế giới người ta được hỗ trợ rất nhiều kể cả cái việc tiếp cận vaccine. Còn chúng ta thì như thế nào. Đồng bào của chúng ta… Em lên chỗ đèo Hải Vân coi kìa, đó là một sự nhục nhã. Đó mới thật sự là nhục nhã. Khi em lên đèo Hải Vân em thấy những người chạy xe máy tả tơi mà họ phải đi về. Tại sao họ phải chịu cảnh đó, cô thấy điều đó là cực kì nhục nhã đối với chúng ta. Chúng ta [nên] cảm thấy cực kì nhục nhã với điều đó. Tại sao đến bây giờ…
SV: Nhưng mà đối vấn đề chung mà cô đang nói về vụ dịch
Cô: Mà người dân thành phố Hồ Chí Minh bị ép phải tiêm sinopharm, em có cảm thấy nhục nhã về điều đó không?
SV: … Từ cái lúc mà khai sinh cho đến bây giờ mà cái việc là châu Á, và châu Âu, cô đang phân biệt chủng tộc.
Cô: Em nên về xem lại mọi thứ còn hôm nay cô không tranh luận với em về điều này nữa. Chúng ta không đồng quan điểm. Sự nhục nhã của em và sự nhục nhã của cô là hoàn toàn khác nhau.
SV: Em không nhục nhã về điều gì, chỉ có cô nói cô nhục nhã thôi chứ còn không có ai thấy nhục nhã ở đây hết.
Sinh viên khác xen vào: Là cô nói về các lãnh đạo người Việt Nam chứ cô không nói về quan điểm
Cô: Cô đã nói về trình độ văn hóa, trình độ văn minh
SV: Ý cô nói người Việt Nam ngu dốt hay sao. Cô nên nhớ là có rất nhiều…
Cô: Đó là cái cô thấy, em xem lại thái độ của em đi
SV: Tại vì em cảm thấy bức xúc
Statistics:
Likes: 436, Shares: 26, Comments: 543
Like Reactions: 391, Haha Reactions: 4, Wow Reactions: 3, Love Reactions: 31, Sad Reactions: 2, Angry Reactions: 1