Phuong Nguyen – 2021-08-10 05:19:29
Tổng hợp nội dung cuộc tranh luận “**TRỊ LIỆU TẾ BÀO GỐC – KỲ VỌNG VÀ RẮC RỐI**”
Tối ngày 8/8/2021, cuộc tranh luận với chủ đề “Trị liệu tế bào gốc – Kỳ vọng và rắc rối” đã diễn ra trên kênh YouTube và Facebook của bác sỹ Huynh Wynn Tran, và được truyền lại trên trang Liêm chính Khoa học. Cuộc tranh luận này diễn ra trong bối cảnh các thủ thuật y tế sử dụng tế bào gốc đã và đang được một số bệnh viện ở Việt Nam thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, nhưng họ đã song song cung cấp dịch vụ trị liệu thương mại, thu tiền của bệnh nhân.
Tham dự cuộc tranh luận có Phó giáo sư, bác sỹ Phan Toàn Thắng từ Đại học Quốc gia Singapore, người đã nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc từ năm 1995 tới nay tại Anh, Mỹ và Singapore. Người thứ hai là Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Nguyên Quý từ Đại học Kyoto, người đã xây dựng website yhoccongdong.com để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề y tế, sức khỏe. Thành viên thứ ba của cuộc tranh luận là Tiến sỹ Nguyễn Khánh Hòa, hiện đang làm nghiên cứu tại Đại học Toronto, người từng làm chuyên viên nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen VinMec. Dẫn chương trình là Tiến sỹ, bác sỹ Wynn Trần, từ California, Hoa Kỳ.
Cuộc tranh luận xoay quanh các chủ đề chính gồm: triển vọng và thách thức của trị liệu tế bào gốc, truyền thông thổi phồng về hiệu quả của trị liệu tế bào gốc, quản lý nhà nước lỏng lẻo, y đức và những điều bệnh nhân và gia đình cần lưu ý khi tham gia thử nghiệm lâm sàng và trị liệu. Dưới đây, chúng tôi (Ban tổ chức cùng các diễn giả) tổng kết lại những vấn đề đã được thảo luận.
## **Triển vọng và thách thức**
**Bác sỹ Wynn Trần:** Để mở đầu, xin mời bác sỹ Thắng chia sẻ về triển vọng và thách thức của các trị liệu tế bào gốc?
**Bác sỹ Phan Toàn Thắng:** Hiện nay trên thế giới một số trị liệu từ tế bào gốc tạo máu và da đã được Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ FDA phê duyệt. Trong 20 năm qua, toàn thế giới loay hoay để phát triển các liệu pháp tế bào gốc đi theo hướng đúng nhưng ứng dụng chưa được nhiều vì vướng rất nhiều vấn đề như y đức, vấn đề về sản xuất hàng loạt, chất lượng sản xuất QA, QC, kiểm soát nguồn tế bào gốc. Các liệu pháp tế bào gốc từ phôi hay tủy xương có chi phí rất cao, chất lượng sản phẩm khó đảm bảo đồng nhất. FDA đã khá lúng túng trong giai đoạn đầu, gần đây họ đã đưa ra hướng quản lý tế bào gốc như sản phẩm dược, toàn bộ quy trình chiết tách, nuôi cấy tế bào gốc được quản lý như quy trình dược GMP.
Để làm các liệu pháp tế bào gốc phải hiểu các nguyên lý căn bản tế bào gốc hoạt động như thế nào, bệnh nhân có thiếu hụt tế bào gốc không, nếu thiếu hụt thì là loại tế bào nào, không thể dùng tế bào gốc để tiêm lung tung được. Một ví dụ là bệnh nhân ở Miami mấy năm trước, người ta lấy tế bào gốc mô mỡ để tiêm vào võng mạc của bệnh nhân và bệnh nhân mù luôn. Bản chất là nếu lấy tế bào gốc trung mô để tiêm vào tế bào thần kinh thì gây ngộ độc chứ không phải tái tạo. Tế bào thần kinh rất đặc trưng, nên người ta phải biệt hóa, phải chứng minh an toàn, chức năng, trước khi cấy ghép.
## **Truyền thông thổi phồng về tế bào gốc
**
**Bác sỹ Wynn Trần:** Với kinh nghiệm làm y tế cộng đồng và theo dõi phát triển công nghệ tế bào gốc trong những năm qua, xin bác sỹ Quý cho biết tại sao bệnh nhân và gia đình vẫn chọn những trị liệu chưa có bằng chứng khoa học?
**Bác sỹ Phạm Nguyên Quý:** Tôi quan ngại về những cách thức quảng bá thổi phồng trong thời gian qua. Người ta tìm tới tế bào gốc vì mong muốn chữa các bệnh nan y như Parkinson, tổn thương tủy sống, nhược cơ và ngay cả ung thư. Một số người muốn chống lão hóa, làm đẹp, hay tăng cường khả năng tình dục. Có cầu thì ắt có cung. Các bệnh viện, phòng khám quảng cáo các trị liệu tế bào gốc với các mỹ từ rất hấp dẫn như hiệu quả tuyệt vời, chữa lành ngay, công nghệ tiên tiến, tuyệt đối không tác dụng phụ. Bệnh nhân và người nhà khi đang tuyệt vọng trước tình trạng sức khỏe có thể tin ngay.
Cộng vào đó là tâm lý tin những câu chuyện lan truyền trên mạng, nghe có người kể điều trị có hiệu quả là bệnh nhân và người nhà cũng muốn thử luôn, không cần biết là bằng chứng khoa học có mạnh hay không. Đó cũng là vấn đề văn hóa, nhận thức, khi người dân không đủ thông tin để nhận định các câu chuyện y khoa. Hơn nữa, quản lý nhà nước ở Việt Nam còn lỏng lẻo, những quảng cáo thổi phồng không bị cấm, bị phạt, mà cơ quan chức năng vẫn làm ngơ với những câu chuyện y khoa thổi phồng lan truyền trên mạng.
Quảng cáo tế bào gốc ở Nhật trước đây khá thoải mái. Nhưng sau sự kiện một bệnh nhân Hàn Quốc sang Nhật truyền tế bào gốc và bị đột tử thì Nhật siết chặt hơn. Các bệnh viện và phòng mạch làm tế bào gốc phải công bố rõ liệu pháp này còn mới, chưa chứng minh được hiệu quả, tác dụng phụ như thế nào. Một nghiên cứu khảo sát 30 website tại Nhật năm 2016 cho thấy 60% các đơn vị thổi phồng, mượn danh người nổi tiếng để quảng cáo, phóng đại về tác dụng của tế bào gốc, hầu như không có trích dẫn khoa học gì. Hoặc có những trang sử dụng thành quả khoa học một cách bóp méo, đơn giản hóa hoặc cố tình hiểu sai để thu hút bệnh nhân. Bác sỹ Quý nhấn mạnh, khi bệnh nhân tìm hiểu các trị liệu ở Nhật thì nên biết trị liệu đó là do một bệnh viện hoặc đại học lớn thực hiện, hay chỉ là một phòng mạch nhỏ của cá nhân một bác sỹ. Nếu trị liệu thực hiện ở bệnh viện và đại học lớn thì họ sẽ phải tuân thủ những tiêu chuẩn y đức và kiểm soát chất lượng cao, ngược lại các phòng mạch nhỏ mức độ tuân thủ y đức và kiểm soát chất lượng sẽ hạn chế.
## **Y đức trong thử nghiệm lâm sàng và trị liệu
**
**Bác sỹ Wynn Trần:** Một trị liệu trước khi được đưa vào ứng dụng thì cần qua thử nghiệm lâm sàng, vấn đề quan trọng trong thử nghiệm lâm sàng là y đức. Mời các bác sỹ chia sẻ quy định, quan sát ở các nước?
**Bác sỹ Phan Toàn Thắng:** Theo tôi Singapore là nước quản lý chặt nhất về y đức trong các nước châu Á. Bác sỹ có bằng hành nghề ở Singapore mà gửi bệnh nhân sang Thái Lan tiêm tế bào gốc nếu bị cơ quan chức năng phát hiện cũng bị rút bằng hành nghề. Tuy nhiên, có một vấn đề là quyền được thử [right to try]. Bản thân tôi trải nghiệm trường hợp một cháu bé bị bỏng nặng và một cháu bé sinh non, gia đình yêu cầu điều trị bằng tế bào gốc cuống rốn, khi đó cần một hội đồng gồm các nhà chuyên môn, đại diện luật sư của gia đình, luật sư của bệnh viện và cả các nhân viên công tác xã hội cùng xem xét các lựa chọn và quyết định sử dụng liệu pháp nào ít xâm lấn nhất, có chi phí hợp lý nhất đối với bệnh nhân. Những trường hợp này được quyết định và quản lý rất chặt chẽ theo từng ca. Bệnh nhân có quyền được thử nghiệm, kể cả những người ung thư giai đoạn cuối, nhưng không thể dùng một vài ca để thổi phồng một liệu pháp là tuyệt diệu, thần tiên để kiếm tiền từ bệnh nhân.
Cách đây 10 năm, một bệnh nhân từ Việt Nam đã nhờ tôi tư vấn. Chị bị tiểu đường và được một phòng mạch ở New York mời gói trị liệu tế bào gốc. Tôi cho rằng việc điều trị này không thể thực hiện ở Mỹ, nên đã cất công tìm hiểu. Thực tế là hồ sơ tất cả bác sỹ của phòng mạch đó đều là những người từ các đại học lớn của Mỹ, nhưng họ không được phép điều trị tế bào gốc chữa tiểu đường ở Mỹ nên sẽ gửi bệnh nhân sang một quốc gia Nam Mỹ. Nếu việc này bị phát hiện thì Mỹ xử lý rất nặng. Ngay tại Singapore, ở bộ môn của tôi trước đây cũng có một bác sỹ đã gửi bệnh nhân suy tim sang Thái Lan cấy tế bào gốc, khi bị phát hiện anh bác sỹ đó đã bị xử lý nặng và phải nghỉ việc.
**Bác sỹ Nguyễn Khánh Hòa:** Tôi đã từng làm việc ở bệnh viện VinMec. Các đề xuất thử nghiệm lâm sàng ở VinMec phải được các hội đồng chuyên môn và y đức cơ sở thông qua, rồi gửi lên Hội đồng Đạo đức quốc gia và Hội đồng Chuyên môn của Bộ Y tế, được phê duyệt thì mới tiến hành. Hồ sơ và thỏa thuận tham gia nghiên cứu (consent form) phải được Hội đồng Đạo đức Quốc gia thông qua.
Việt Nam chỉ có lớp đào tạo về y đức đầu tiên năm 2005, như vậy tới nay Việt Nam mới tiếp cận với kiến thức về y đức quốc tế trong 16 năm, và kiến thức từ các khóa đào tạo vẫn chỉ mang tính tổng quan chứ chưa cụ thể, chuyên sâu. Những người chấp pháp về y đức không được đào tạo, chủ yếu là dựa vào kinh nghiệm và tự học, tự phổ cập từ các cơ hội tiếp cận quốc tế. Hiện nay tôi đang theo học một khóa học 2 năm về y đức tại Canada và nội dung rất mênh mông. Tuyên bố Helsinki nói rằng bác sỹ được phép chỉ định điều trị [những thủ thuật phi tiêu chuẩn] cho những trường hợp nan y, không có phương án điều trị nào đáp ứng được nữa, nhưng tuyên bố Helsinki không nói rõ bác sỹ được chỉ định bao nhiêu người. Các quy định ở Việt Nam cũng chưa rõ ràng.
**Bác sỹ Phan Toàn Thắng:** Về trị liệu tế bào gốc cho trẻ tự kỷ, tôi đã từng trao đổi với bác sỹ Liêm ở bệnh viện VinMec về cơ chế điều trị bằng tế bào gốc cho trẻ tự kỷ. Lý giải của bác sỹ Liêm là trẻ tự kỷ có những vấn đề viêm, nhưng tôi đặt câu hỏi ngược lại tại sao viêm lại phải dùng tế bào gốc? Nếu tự kỷ là do rối loạn miễn dịch giữa mẹ và con, tạo ra viêm thì tại sao không dùng các thuốc chống viêm rẻ hơn rất nhiều, sao lại phải dùng một phương pháp xâm lấn rất nặng và hiệu quả không rõ ràng như chọc hút tủy xương và tiêm qua ống sống của trẻ em. Chọc hút tủy xương rất đau, trẻ em không cộng tác thì bác sỹ phải gây mê, rồi đến lúc tiêm qua ống sống cũng có thể cần một lần gây mê nữa, rất tổn hại sức khỏe cho bệnh nhi, do đó tôi không khuyến cáo áp dụng liệu pháp này. Tự kỷ không phải là một vấn đề sức khỏe đứng ở ranh giới sống chết, có nhiều trị liệu đã được chứng minh có bằng chứng khoa học, phi xâm lấn trên thế giới. Trong trường hợp bệnh nhân nhất định muốn thử trị liệu tế bào gốc thì cần thành lập một hội đồng về y khoa và pháp lý để tư vấn cho bệnh nhân, theo từng ca, minh bạch các vấn đề chi phí cho bệnh nhân, chứ không thể mislead [lừa dối]. Bệnh nhân Việt Nam khá là dễ tính nhưng ở quốc gia khác thì bệnh nhân có thể kiện bệnh viện.
**Bác sỹ Wynn Trần:** Nếu khi nghe những quảng bá về tế bào gốc bệnh nhân và gia đình thấy quá hay, nên bán nhà, bán ruộng đi để theo thì các bác sỹ nên tư vấn cho họ thế nào?
**Bác sỹ Nguyễn Khánh Hòa:** Ở VinMec, khi bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng thì họ sẽ được giải thích rõ phương pháp điều trị vẫn đang là thử nghiệm, không chắc có điều trị được không, nếu bệnh nhân thông suốt thì mới thử nghiệm. Cái khó ở Việt Nam là hiểu biết của bệnh nhân. Khi bệnh nhân đã tin tưởng rằng tế bào gốc là tuyệt vời thì có giải thích về tác dụng phụ thế nào thì người ta cũng cứ quyết tâm xin được điều trị, người ta không cần biết tác dụng phụ như thế nào, có hại ra sao. Người ta không nghe giải thích đâu, cứ ký chấp nhận hết các thỏa thuận thử nghiệm, điều trị thôi. Có rất nhiều trường hợp bệnh viện phải giải thích đi giải thích lại thì gia đình bệnh nhân mới thông hiểu, và có những người bệnh viện phải từ chối điều trị. Dù người ta quá nghèo, nhưng đến bệnh viện vẫn “trăm sự nhờ các bác sỹ”.
## **Trị liệu còn đang thử nghiệm lâm sàng có được thu phí và thương mại hóa?
**
**Bác sỹ Wynn Trần:** Ở Mỹ chắc chắn một trị liệu còn đang thử nghiệm lâm sàng thì tuyệt đối không được phép thu phí của bệnh nhân và thương mại hóa. Ở Mỹ, luật sư đông hơn bác sỹ, và bác sỹ nói gì, làm gì, dù ở đâu đi nữa cũng phải có trách nhiệm, để tránh bị bệnh nhân thưa kiện.
**Bác sỹ Phan Toàn Thắng:** Đúng vậy, trên toàn thế giới và khối G7 khi thử nghiệm lâm sàng thì bên thử nghiệm phải chi trả chi phí, không thể nào thu phí của bệnh nhân, vì điều đó rất bậy và phản y đức. Các thử nghiệm lâm sàng thường được các công ty dược tài trợ, hoặc có các quỹ tài trợ.
**Bác sỹ Phạm Nguyên Quý:** Tôi có một góc nhìn khác. Tất nhiên, những thử nghiệm lâm sàng ở pha đầu tiên cần phải miễn phí cho bệnh nhân. Nhưng có những thử nghiệm lâm sàng mà hãng dược không muốn tài trợ. Giả sử có những trị liệu cho bệnh nhân ung thư truyền thuốc 2 tuần/lần, nhưng đó là gánh nặng tài chính quá lớn với bệnh nhân, bác sỹ muốn thử nghiệm truyền 3 tuần/lần xem tác dụng thuốc có duy trì được không, nếu các bên đồng ý và thỏa mãn được các tiêu chí chặt chẽ thì bác sỹ có thể tiến hành các thử nghiệm như vậy. Trường hợp lý tưởng là bệnh nhân được tài trợ hoàn toàn, hoặc họ có thể sử dụng bảo hiểm y tế, chỉ phải chi trả 30% cho chi phí thuốc. Hay có những loại bệnh hiếm, bệnh nhân chờ 10 năm không có thử nghiệm lâm sàng hay phương pháp điều trị gì, họ có thể tự đề nghị với bệnh viện thử nghiệm một phương pháp nào đó cho họ. Trong trường hợp đó thì ở Nhật sẽ phải thông qua một hội đồng y đức chặt chẽ, nhưng vẫn có thể thu một phần tiền của bệnh nhân để cân bằng nhu cầu của cả bệnh nhân và khoa học.
**Bác sỹ Nguyễn Khánh Hòa:** Tôi có quan điểm trái ngược với bác sỹ Thắng. Tuyên bố Helsinki không có dòng nào về thu phí khi thử nghiệm lâm sàng, nghĩa là người ta không cấm, nhưng cũng không khuyến khích. Người ta bỏ ngỏ vấn đề này, miễn là bệnh viện minh bạch, không gây hại, cân nhắc rủi ro và gánh nặng cho bệnh nhân. Người ta không nói các thử nghiệm lâm sàng phải tài trợ cho bệnh nhân hoàn toàn. Ở Việt Nam nhà nước không cấp tiền cho thử nghiệm lâm sàng trong khi một thử nghiệm lâm sàng có thể có chi phí hàng triệu đô.
**Bác sỹ Phan Toàn Thắng:** Tôi phản đối, không thể căn cứ vào việc không có tiền mà thu phí của bệnh nhân để thử nghiệm lâm sàng. Nếu không có tiền thì tốt nhất bệnh viện nên theo các điều trị và thuốc đã quy chuẩn của thế giới. Không thể nào thu phí bệnh nhân cho một thử nghiệm chưa chứng minh được an toàn và hiệu quả.
**Bác sỹ Nguyễn Khánh Hòa:** Tôi cho rằng bác sỹ Thắng nói thế là từ góc độ các nước giàu. Nhưng tại Việt Nam, một thử nghiệm lâm sàng cho 5 bệnh nhân chỉ được nhà nước cấp 500 triệu đồng là tối đa. Nếu với 500 triệu mà không thu phí của bệnh nhân hay không bóc lột công sức của nhân viên y tế thì chẳng thấm vào đâu so với yêu cầu của một thử nghiệm lâm sàng. Rất khó áp dụng các tiêu chuẩn y đức của phương Tây cho Việt Nam.
**Bác sỹ Wynn Trần:** Tôi hiểu góc độ của bác sỹ Thắng và bác sỹ Hòa, tôi hiểu hoàn cảnh của Việt nam nhưng cho rằng lý do vì thiếu tiền mà thu phí của bệnh nhân là không thuyết phục.
## **Giao lưu với khán giả**
Tới phần giao lưu với khán giả, một khán giả đặt câu hỏi: Bệnh nhân ở VN rất khốn khổ vì phải đem sức khỏe tính mạng ra cho bác sỹ, công ty dược thử nghiệm thuốc vừa phải mất tiền mà không chắc có cơ hội khỏi bệnh. Nếu thuốc thử thành công, công ty dược và bác sỹ được hưởng lợi, nếu thuốc thất bại thì người bệnh thiệt hại, bác sỹ và công ty dược có đền bù thiệt hại cho bệnh nhân không? Vậy xin hỏi các bác sỹ điều đó có đạo đức không?
Bác sỹ Phan Toàn Thắng một lần nữa khẳng định việc thu tiền của bệnh nhân khi trị liệu còn đang thử nghiệm lâm sàng là sai. Bệnh nhân hoàn toàn có thể kiện bệnh viện và bác sỹ.
Với câu hỏi ngoài bệnh ung thư máu, triển vọng tế bào gốc cho các bệnh khác như bệnh hiếm, đột biến gene như loạn dưỡng cơ thế nào, bác sỹ Thắng cho biết thực chất loạn dưỡng cơ là một bệnh về gene, nếu dùng tế bào gốc thì chỉ cung cấp một đường truyền để tác động và gene chứ bản thân tế bào gốc không giúp khắc phục được vấn đề. Tương tự, cả bác sỹ Thắng và bác sỹ Wynn đều khẳng định triển vọng của các liệu pháp tế bào gốc chữa trị các bệnh về da và làm đẹp.
Một khán giả khác đặt câu hỏi: một thử nghiệm lâm sàng chưa chứng minh được mức độ an toàn, hiệu quả thì có được thương mại hóa, thu phí rộng rãi của bệnh nhân hay không? Một mặt hàng chưa biết chất lượng như thế nào mà thu phí của bệnh nhân có đúng về đạo đức kinh doanh, đạo đức hay không? Bác sỹ Hòa khẳng định các quy định của Bộ Y tế cho biết khi một thử nghiệm lâm sàng chưa kết luận được an toàn, hiệu quả thì KHÔNG ĐƯỢC BÁN DỊCH VỤ. Bác sỹ Thắng cũng đồng tình, và liên hệ với Nanocovax, vì đây là vaccine vẫn đang thử nghiệm lâm sàng nên không được bán cho người dân, nếu sử dụng để tiêm thì chỉ có thể tiêm miễn phí.
Trả lời cho câu hỏi trị liệu tế bào gốc có tỷ lệ thành công với ung thư máu thế nào, bác sỹ Quý cho biết ung thư máu có nhiều loại, tùy vào tính chất ung thư của người bệnh mà bác sỹ sẽ chỉ định sử dụng liệu pháp tế bào gốc. Mức độ thành công phụ thuộc vào tính chất căn bệnh ung thư của bệnh nhân và thời điểm, giai đoạn mà họ tới điều trị, tỷ lệ thành công có thể dao động từ 40% tới 60%.
Khi giải đáp câu hỏi về trị liệu tế bào gốc cho bệnh bại não, bác sỹ Hòa cho biết VinMec đang thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng pha 1 là đánh giá về an toàn và bước đầu đã cho thấy kết quả khả quan. Tuy nhiên, bác sỹ Quý nhận định khi còn đang thử nghiệm lâm sàng pha 1 thì chưa thể khẳng định liệu pháp có khả quan hay không. Tình trạng còn đang thử nghiệm lâm sàng đã thu phí và thương mại hóa trị liệu rất phổ biến ở các bệnh viện Việt Nam. Điều này là do Bộ Y tế quản lý lỏng lẻo.
Bác sỹ Thắng cho rằng các bệnh viện Việt Nam ít công bố quốc tế nên khó có thể biết các trị liệu tế bào gốc đang thực hiện ở Việt Nam đã nghiên cứu thế nào, ở giai đoạn nào, theo phác đồ nào. Bác sỹ Hòa chia sẻ ở Việt Nam nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tế bào gốc trăm hoa đua nở, nhưng các bệnh viện không thích công bố vì không thích bị tọc mạch. Tuy nhiên, bác sỹ Quý cho rằng thử nghiệm lâm sàng mà vứt vào sọt rác, không công bố thì bác sỹ và bệnh viện có lỗi với bệnh nhân, với nhân loại và là một sự vi phạm y đức. Bình luận về vấn đề này, bác sỹ Wynn cho rằng bệnh viện nên công bố các thử nghiệm lâm sàng để các nhà chuyên môn và cộng đồng cùng được học hỏi, trao đổi, cùng rút kinh nghiệm.
Kết thúc buổi tranh luận trực tuyến, bác sỹ Wynn, bác sỹ Quý và bác sỹ Thắng cùng nhấn mạnh dù là với bệnh nhân bại não hay tự kỷ thì gia đình nên tập trung vào các trị liệu đã có bằng chứng khoa học như can thiệp hành vi, trị liệu vận động, phục hồi chức năng, là các trị liệu phi xâm lấn, ít tác dụng phụ, chứ không nên đổ hết tiền bạc và kỳ vọng vào trị liệu tế bào gốc. Nếu bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng thì phải biết rõ các nguy cơ vì trị liệu chưa chứng minh được an toàn, hiệu quả. Khi bệnh viện đang nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thì họ không được phép thương mại hóa, bán dịch vụ chữa bệnh thu viện phí của bệnh nhân.
Ngoài các câu hỏi đã được giải đáp trong buổi tranh luận, còn nhiều câu hỏi của khán giả vẫn chưa được giải đáp. Chúng tôi sẽ tổng hợp các câu hỏi này và chuyển đến các bác sỹ.
Shared link: https://bacsinoitru.vn/content/hoa-ky-fda-canh-bao-ve-cac-tuyen-bo-lien-quan-toi-te-bao-goc-1878.html
Statistics:
Likes: 153, Shares: 40, Comments: 108
Like Reactions: 138, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 13, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0