Minh Dang Doan – 2021-07-24 07:36:23
VỀ VIỆC LẬP DANH MỤC TẠP CHÍ KHOA HỌC CÓ CHẤT LƯỢNG Ở MỖI NGÀNH
Nhân thảo luận về quy chế đào tạo tiến sĩ 2021 mà Bộ GD&ĐT vừa ban hành, có những ý kiến như của anh Long Tran-Thanh đề nghị rằng các cơ quan quản lý hoặc tài trợ nghiên cứu nên làm khảo sát ý kiến của giới chuyên gia để làm bảng danh sách các tạp chí được coi là tốt. Lý do: trong các bảng danh mục đã có truyền thống như ISI/Scopus vẫn có sạn, không nên tin tưởng hoàn toàn vào chúng mà còn phải sàng lọc thêm.
Tôi tìm lại thông tin về những tạp chí có vấn đề trong vụ xét GS/PGS 2020 để so sánh với cập nhật của bảng danh mục Scopus, nhằm cho thấy một ví dụ là các danh mục đó vẫn còn khiếm khuyết và họ cần cập nhật thường xuyên.
Tháng 11/2020, chúng tôi làm điều tra về các tạp chí săn mồi được dùng làm nơi cho nhiều ứng viên hai ngành Y, Dược đăng bài để tính điểm bài báo quốc tế cho đợt xét GS/PGS năm 2020. Có một bảng tóm lược các tạp chí đó có trong những danh mục ISI/Scopus hay không, tại thời điểm đó.
https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/372236800689825/
Như bảng thống kê tháng 11/2020, có 5 tạp chí trong đó vẫn được xếp hạng của Scopus, thì vào tháng 2/2021 có 2 tạp chí bị loại khỏi Scopus:
Systematic Review of Pharmacy
International Journal of Research in Pharmaceutical Sciences
(đợt tháng 2/2021 Scopus loại ra 18 tạp chí, gồm khá nhiều tạp chí về dược và y)
Nếu tìm theo tên các tạp chí từng bị loại khỏi Scopus ở trang web https://phdtalks.org/2021/04/scopus-discontinued-list.html thì ta còn thấy thêm một số tạp chí khác liên quan đến đợt xét GS/PGS 2020 và năm bị loại ra khỏi Scopus:
Asian Journal of Pharmaceutics 2018
Journal of Clinical and Diagnostic Research 2018
Journal of Critical Reviews 2020
Systematic Review of Pharmacy 2021
International Journal of Research in Pharmaceutical Sciences 2021
Trớ trêu là nhiều ứng viên GS/PGS của hai ngành Y, Dược năm 2020 đã nhờ vào những bài trên các tạp chí trên mới đủ số lượng bài báo quốc tế để đạt chuẩn. Đặc biệt là tạp chí Systematic Review of Pharmacy, mà chúng tôi đã phân tích mấy lần trong đợt phản biện đó (nó có nhiều vấn đề như: TS. Võ Quang Trung tham gia ban biên tập mà sau đó xóa tên để giấu mối quan hệ, đăng những bài có lỗi đạo văn, giả tạo số liệu nghiên cứu của những ứng viên cả ngành Dược lẫn ngành Y, sửa thông tin bài báo để ngày đăng báo sớm hơn cả ngày bắt đầu nhận bài…). Những người đã nhờ các bài báo trên những tạp chí ấy và được xét phong GS năm 2020 không biết là buồn vì ngay sau đợt xét phong thì tạp chí bị Scopus loại ra, hay là họ mừng vì đã kịp dùng bài ở đó để xét đạt chuẩn trước khi nó bị loại(?).
Dù sao, nhắc lại chuyện này để mọi người thấy một số vấn đề tồn tại trong việc làm nghiên cứu khoa học và xét học hàm, học vị ở Việt Nam:
1. Nhiều nhà nghiên cứu ở Việt Nam còn chưa xác định được tạp chí nào là địa chỉ có chất lượng đáng để đăng bài báo khoa học (do vậy những tạp chí họ chọn đăng bài để kiếm “điểm Scopus”, một thời gian sau bị loại khỏi danh mục Scopus, đáng ra nếu họ tỉnh táo thì cũng có thể thấy những dấu hiệu về tạp chí yếu kém từ trước).
1. Những người có vai trò lãnh đạo ở một số ngành khoa học tại Việt Nam cũng còn chưa có nhận thức đúng đắn về vấn đề chất lượng nghiên cứu, hoặc là họ cố tình khai thác những kẽ hở về công bố khoa học. Như trường hợp các ứng viên GS/PGS hai ngành Y Dược năm 2020, đáng ra họ đã là những nhà nghiên cứu đầu đàn, có người còn là hiệu trưởng trường ĐH Y Dược lúc đó, mà vẫn sa đà vào đăng bài yếu kém ở tạp chí săn mồi; còn những giáo sư trong các hội đồng ngành Y và ngành Dược – những người chắc là chốt chặn cuối cùng về chất lượng mà Bộ GD&ĐT có thể trông chờ ở mỗi ngành – cũng lờ đi những phản biện về các bài báo kém chất lượng và tạp chí khoa học tồi.
1. Các danh mục tạp chí khoa học quốc tế như của Clarivate Analytics hay Elsevier Science tuy được sàng lọc nhiều nhưng vẫn có nhiều sạn, và có độ trễ khi phản ứng với các thủ thuật của những tạp chí săn mồi. Do vậy nên có sự sàng lọc của những chuyên gia để làm căn cứ tham khảo thêm về chất lượng các tạp chí.
Liên quan đến thảo luận hiện nay về đòi hỏi tiêu chuẩn tối thiểu về bài báo quốc tế đối với người hướng dẫn và người tốt nghiệp tiến sĩ ở Việt Nam, tôi tạm hiểu lý do một số nhà khoa học muốn dựa vào các danh mục ISI/Scopus là vì ít ra chúng là những tiêu chí có tính khách quan và đỡ tệ nhất nên tạm dựa vào. Tôi cũng tạm hiểu ý của bộ GD&ĐT là chuyển việc đánh giá cụ thể hơn về chất lượng nghiên cứu cho các chuyên gia ở từng nhóm ngành. Tuy cả hai hướng đều có lý, nhưng nên cẩn thận về cách thực hiện. Chẳng hạn nếu chuyển cho từng ngành xây dựng tiêu chí chất lượng, thì cần lập được danh mục các tạp chí có chất lượng ở những ngành đó để tham khảo. Việc lập danh mục các tạp chí có chất lượng không chỉ có ích cho Bộ GD&ĐT, Bộ KH&CN, mà còn cho cả những quỹ tài trợ như NAFOSTED, VINIF, cả những viện trường dùng làm tham khảo để định hướng cho lực lượng làm nghiên cứu của mình. Trong các tổ chức có liên quan nên có đơn vị nào đó đứng ra tổ chức việc lập danh mục sàng lọc tạp chí như thế.
Shared link: https://www.geneticsmr.com/special-session-first-international-medical-genetics-conference-vietnam
Statistics:
Likes: 108, Shares: 14, Comments: 4
Like Reactions: 102, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 5, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0