Ngo Viet Trung – 2021-07-19 04:44:50
QUY CHẾ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ XOAY CHIỀU NHƯ THẾ NÀO
(Tiền hậu bất nhất)
Tôi vừa được một người bạn gửi cho xem công văn Bộ GDĐT gửi một số cơ sở đào tạo về việc góp ý cho dự thảo Quy chế đào tạo tiến sĩ 2021. Trong đó có ghi rõ mục tiêu “nhằm nâng cao chất lượng đào tạo trình độ tiến sĩ …. phù hợp với tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và hội nhập quốc tế theo Nghị quyết 29/NQ-TW”. Tôi nhấn mạnh đây là yêu cầu của Trung ương Đảng. Bản dự thảo được treo trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GDĐT, nhưng không có ai góp ý. Điều gây ngạc nhiên nhất với tôi là những điểm chính của dự thảo giống như Quy chế cũ ban hành năm 2017.
Nếu ai đã từng xem bản dự thảo này sẽ ngã ngửa khi Bộ GDĐT ban hành quy chế mới. Nó thay đổi hoàn toàn ở những điểm quan trọng nhất liên quan đến chất lượng đầu ra. Sau đây là hai điểm chính, đã được lược giản cho dễ hiểu (trong ngoặc là của dự thảo):
– Luận án chỉ cần có 3 công bố trong nước loại trung bình (1 công bố trong tạp chí quốc tế có uy tín và 1 công bố trong nước).
– Người hướng dẫn có 6 công bố trong nước loại trung bình (2 công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín).
Cả nước ta có khoảng 250 tạp chí thuộc loại trung bình, nhưng chỉ có 9 tạp chí lọt vào danh sách các tạp chí quốc tế có uy tín. Qua đó có thể thấy chất lượng các tạp chí trong nước thua xa các tạp chí quốc tế có uy tín. Do các tạp chí này được chọn lọc theo các tiêu chí khách quan nên các đại học ở các nước kém phát triển về khoa học đều yêu cầu luận án tiến sĩ phải có 1-2 công bố trong các tạp chí này. Phần lớn các tạp chí trong nước có ban biên tập yếu kém, quản lý lỏng lẻo nên không có gì đảm bảo khách quan về chất lượng. Ví dụ như các Tổng biên tập và Phó tổng biên tập gần đây của Tạp chí Ngôn ngữ, tạp chí hàng đầu ngành Ngôn ngữ học, nổi tiếng về đạo văn.
Sự việc sau đây cho thấy rõ các tạp chí trong nước dễ đăng như thế nào. Năm 2017 Thanh tra Bộ GDĐT đã kết luận Học viện KHXH đào tạo hàng trăm tiến sĩ mỗi năm với chất lượng không đảm bảo, gần như mỗi ngày một tiến sĩ. Tất cả số tiến sĩ “rởm” này đều thoả mãn Quy chế năm 2009 yêu cầu luận án có 2 công bố trong nước loại tốt, khó hơn chuẩn đầu ra của Quy chế mới!
Những thay đổi trên cho thấy mục tiêu của Quy chế mới là “hạ thấp chất lượng trình độ tiến sĩ” và từ bỏ “hội nhập quốc tế”, đi ngược lại tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TƯ và cũng đi ngược lại yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật” của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Không ai biết vì sao và khi nào Bộ GDĐT lại thay đổi quan điểm 180 độ như vậy! Liệu đây có phải là áp lực của những lò đào tạo tiến sĩ trước đây đào tạo hàng trăm tiến sĩ mỗi năm nay chỉ còn tuyển được vài chục nghiên cứu sinh?
Vừa qua, thứ trưởng Bộ GDĐT, người ký Quy chế đào tạo tiến sĩ mới, trong một bài phỏng vấn đăng trên báo Tiền Phong, giải thích là do Quy chế cũ “thắt chặt đào tạo tiến sĩ” và “bối cảnh đã thay đổi” nên Quy chế mới chỉ “đưa ra yêu cầu tối thiểu cho tất cả các cơ sở giáo dục đại học và các ngành” theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Bộ quên mất rằng làm như vậy sẽ hợp pháp hoá việc đào tạo tiến sĩ chất lượng thấp, không theo các chuẩn mực quốc tế, đi ngược lại mục tiêu do chính mình đặt ra ban đầu. Bộ cũng chưa tiến hành tổng kết toàn diện về Quy chế 2017 để rút ra những kết luận cần thiết cho việc xây dựng Quy chế mới.
Qua sự việc trên có thể thấy quá trình soạn thảo Quy chế mới hết sức tuỳ tiện. Một khi đã thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận thì Bộ phải tổ chức lại việc lấy ý kiến theo đúng quy trình. Không thể có chuyện hỏi về ô tô, nhưng lại làm xe đạp. Rất tiếc rằng, Bộ đã không thực hiện bước này để thấy được những hậu quả khôn lường của việc hạ thấp chất lượng đầu ra.
Với Quy chế mới ban hành, có người đã ví rằng Bộ GDĐT đã cho nổ một quả bom (đào tạo tiến sĩ rởm) trong giáo dục đại học ở Việt Nam bằng phương pháp du kích (không ai ngờ đến).
Shared link: https://moet.gov.vn/van-ban/vbdt/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=1520
Statistics:
Likes: 206, Shares: 16, Comments: 57
Like Reactions: 188, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 3, Love Reactions: 12, Sad Reactions: 2, Angry Reactions: 0