Ngo Viet Trung – 2021-07-12 22:56:16
TIẾN SĨ VIỆT NAM: THẬT HAY RỞM?
Bản mới gần như hoàn toàn, viết đơn giản cho mọi đối tượng. Do tính nghiêm trọng của vấn đề rất mong mọi người đọc lại và share!
Khi nghe tin Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu “ngành giáo dục phải học thật, thi thật, nhân tài thật”, tôi nghĩ ngay thế này thì khó cho Bộ GDĐT rồi. Việc đầu tiên tôi nghĩ đến là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, lòng tin của tôi vào quyết tâm “làm thật” của Bộ GDĐT hoàn toàn sụp đổ khi họ công bố Quy chế đào tạo tiến sĩ trước kỳ thi. Nhiều đồng nghiệp của tôi đều có cùng tâm trạng.
Theo quan niệm của thế giới, tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất đòi hỏi người có học vị tiến sĩ phải có những kết quả nghiên cứu mới được trình bày trong luận án (xem wikipedia). Họ sẽ là lực lượng chủ chốt trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Khi xem xét đào tạo tiến sĩ ở bất kỳ một đại học nào tại các nước đang phát triển như Việt Nam, người ta thường chỉ hỏi một câu là luận án cần bao nhiêu công bố quốc tế thì được bảo vệ vì công bố quốc tế chính là sự đánh giá khách quan nhất đối với chất lượng luận án khi trình độ khoa học của nước đó chưa cao, chưa tự đánh giá được chất lượng nghiên cứu. Vì vậy các nước đang phát triển thường quy định luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế trong những tạp chí quốc tế có sự đảm bảo về chất lượng.
Trên thế giới có hai danh mục ISI và Scopus lựa chọn các tạp chí khoa học theo chất lượng của các công bố. Do tiêu chuẩn xét chọn cao nên đăng bài ISI khó hơn đăng bài Scopus rất nhiều. Hội đồng giáo sư nhà nước cũng dùng hai danh mục này để xét chọn chức danh. Ví dụ như phó giáo sư hay giáo sư cần có ít nhất 3 hay 5 bài báo trong 2 danh mục này. Quỹ khoa học quốc gia Nafosted cũng quy định các đề tài nghiên cứu phải công bố ít nhất 2 bài ISI trong vòng 2 năm.
Quy chế đào tạo tiến sĩ cũ (ban hành năm 2017) quy định luận án tiến sĩ phải công bố 2 bài báo trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc 2 bài báo ở nước ngoài. So với tiêu chuẩn chức danh thì quy định này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên nó vẫn còn kém các nước Đông Nam Á. Ví dụ như ĐH Malaya (Malaysia) yêu cầu luận án các ngành khoa học tự nhiên phải có 2 bài ISI, các ngành khoa học xã hội có 1 bài ISI hay ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) yêu cầu luận án phải có 1 bài ISI.
Quy chế đào tạo tiến sĩ mới huỷ bỏ hoàn toàn yêu cầu công bố quốc tế của Quy chế cũ. Thậm chí, luận án chỉ cần có 3 công bố trên các tạp chí trong nước loại trung bình là được bảo vệ. Phần lớn các tạp chí trong nước loại trung bình được xuất bản bởi các trường đại học, quy trình duyệt bài lỏng lẻo, thậm chí còn tuỳ tiện. Tôi đã từng thấy có tác giả có đến 5 bài đăng trong cùng một số báo. Chả có mấy người đọc các tạp chí loại này. Qua đó có thể thấy chất lượng các tạp chí này thấp như thế nào. Nguy hiểm hơn, nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn có thể dễ dàng tác động vào quá trình xét duyệt đăng bài, tạo kẽ hở cho việc ra đời các “tiến sĩ rởm”.
Nhìn sang các nước quanh ta thì Quy chế mới ban hành thực sự là một nỗi hổ thẹn quốc gia. Đáng nhẽ ra, Bộ GDĐH cần nâng tiêu chuẩn công bố quốc tế của Quy chế cũ lên để có thể đuổi kịp trình độ đào tạo tiến sĩ của Thái Lan thì họ lại hạ thấp tiêu chuẩn cho phép chỉ cần công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình. Điều này rất nguy hiểm vì các tiến sĩ là lực lượng giảng dạy chủ chốt trong các đại học. Với quy chế mới có thể khẳng định giáo dục đại học ở Việt Nam sẽ còn tụt hậu hơn nữa so với các nước Đông Nam Á.
Trước 2017, chúng ta đã từng xôn xao về các lò tiến sĩ rởm, những nơi có thể đào tạo hàng trăm tiến sĩ mà hầu như không có công bố quốc tế nào. Chúng ta cũng bức bối vì có quá nhiều tiến sĩ ở các cơ quan công quyền mà không biết họ có thật sự nghiên cứu để có bằng hay không. Quy chế cũ đã giúp dẹp bỏ những vấn nạn này chính bởi vì tiêu chuẩn công bố quốc tế mà nghiên cứu sinh khó lòng “chạy” được. Vậy thì tại sao Bộ GDĐT lại thay thế Quy chế cũ bằng một quy chế không khác gì thời kỳ nhiều tiêu cực trước 2017?
Quy chế cũ không phải là không có những khiếm khuyết:
– Một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khó có nghiên cứu sinh vì khó có công bố quốc tế.
– Không thể yêu cầu công bố quốc tế một cách chung chung vì có nhiều tạp chí không đảm bảo chất lượng mà nghiên cứu sinh có thể bỏ tiền ra để đăng bài.
Có những “nhóm lợi ích” đã dùng những khiếm khuyết này nhằm loại bỏ tiêu chuẩn công bố quốc tế của Quy chế cũ. Họ nói rằng khoa học xã hội nhân văn (KHXHNV) ở Việt Nam khó có công bố quốc tế hay không cần công bố quốc tế vì những đặc thù văn hóa, xã hội, chính trị và hệ tư tưởng. Để thấy lý lẽ này sai hãy nhìn sang Trung Quốc là nước giống chúng ta về mọi mặt. Trong bảng xếp hạng các đại học thế giới năm 2021 của tổ chức Times Higher Education (chủ yếu dựa theo thành tích công bố quốc tế) thì ĐH Bắc Kinh đứng thứ 17 trong khoa học xã hội và thứ 28 trong khoa học nhân văn. Qua đây có thể thấy sức ỳ của KHXHNV ở Việt Nam không muốn hội nhập quốc tế. Trong lúc các tác giả Trung Quốc dùng mọi cách để khẳng định yêu sách lãnh thổ của họ trong các công bố học thuật thì Việt Nam lại bỏ mặc mặt trận này. Vì vậy, Bộ GDĐT vẫn nên giữ yêu cầu công bố quốc tế trong KHXHNV, nhưng có thể ở mức thấp hơn. Đối với một số ngành chưa thể có công bố quốc tế thì Bộ GDĐT có thể chấp nhận luận án không có công bố quốc tế.
Cũng có người nói Quy chế mới sẽ xoá bỏ nạn thuê viết bài báo quốc tế hay bỏ tiền ra để đăng bài trong các tạp chí rởm ở nước ngoài. Ai đưa ra ý kiến này thật ngây ngô! Chắc họ nghĩ rằng thuê viết bài báo trong nước rẻ hơn hay là viết bài đăng trong nước quá dễ. Để khắc phục những tiêu cực này, Bộ GDĐT chỉ cần yêu cầu công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín không thể dùng tiền để được đăng. Khó có ai dám nhận viết thuê để đăng trong những tạp chí có uy tín này vì chỉ những bản thảo có giá trị khoa học thực sự mới được nhận đăng.
Ý kiến ngây thơ nhất nói rằng nên để “sàn” công bố thấp để các cơ sở đào tạo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo tiến sĩ. Cơ sở đào tạo nghiêm chỉnh chắc chắn không cần đến cái sàn của Bộ. Còn những cơ sở lấy sàn thấp thì sao? Xã hội có đủ sức biết tiến sĩ nào thật, tiến sĩ nào rởm không. Ở các nước phát triển, người ta luôn đòi hỏi các tiến sĩ đi xin việc nộp danh sách công bố quốc tế hay các chứng chỉ phát minh sáng chế. Nếu đào tạo tiến sĩ không đòi hỏi những thứ này, thì lấy cái gì để đánh giá trình độ tiến sĩ. Thế mới có chuyện có những người lấy bằng tiến sĩ chỉ sau vài lần “đi chơi nước ngoài” tại những cơ sở đào tạo rởm mà vẫn được cơ quan của họ tin dùng, thậm chí lên chức sau khi có bằng tiến sĩ mang mác nước ngoài.
Chắc Bộ GDĐT muốn tăng số lượng tiến sĩ được đào tạo lên bất kể chất lượng đào tạo thế nào nên mới hạ tiêu chuẩn công bố xuống thấp như thời kỳ có nhiều tiêu cực trước năm 2017. Với tiêu chuẩn đầu ra thấp như vậy, Quy chế mới cấp giấy thông hành cho việc đào tạo tiến sĩ không đảm bảo chất lượng trong toàn bộ xã hội. Tôi có cảm giác như thể các cơ sở đào tạo sẽ có quyền “tự chủ” làm xấu mà không phải “chịu trách nhiệm”!
Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có “tiến sĩ thật”. Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật v.v. không thể ngăn cản được việc cho ra lò các “tiến sĩ rởm”. Chỉ cần vài năm đào tạo tiến sĩ theo Quy chế mới thì xã hội sẽ lại dậy sóng khi nhìn đâu cũng thấy tiến sĩ, thật giả lẫn lộn. Vì vậy tôi đề nghi Bộ GDĐT sửa lại Quy chế đào tạo tiến sĩ mới theo tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật” để đem lại niềm tin của xã hội đối với phát biểu của thủ tướng.
Statistics:
Likes: 406, Shares: 49, Comments: 123
Like Reactions: 389, Haha Reactions: 2, Wow Reactions: 3, Love Reactions: 10, Sad Reactions: 2, Angry Reactions: 0