Nguyễn Yến Khanh – 2021-07-12 16:28:52
**Khoa học vị XUẤT BẢN hay khoa học vị NHÂN SINH?**
Tôi đã thốt lên OMGGGG khi đọc bài phỏng vấn Giáo sư Vũ Minh Giang trên VnExpress về quy chế đào tạo Tiến sỹ ở Việt Nam (1). Kêu trời là phản xạ tự nhiên, nhưng kêu xong tôi bèn chép miệng: ở nước mình cái gì cũng có thể xảy ra được, không nên ngạc nhiên về bất cứ điều gì.
Ngoài việc biện hộ rằng tạp chí khoa học quốc tế sẽ khó mà chấp nhận chủ nghĩa Marx Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo sư Vũ Minh Giang nói: “Những công bố bất lợi cho hình ảnh Việt Nam đang ngày càng gia tăng trên tạp chí nước ngoài như vấn đề ô nhiễm môi trường, các vấn nạn xã hội, hay tiêu cực trong kinh tế – xã hội. Những bài viết rất khách quan, số liệu và phân tích rất khoa học, nhưng chúng ta thử hình dung hình ảnh Việt Nam trong mắt thế giới sẽ như thế nào khi công bố khoa học quốc tế chỉ xoay quanh những chủ đề như vậy mà hầu như rất ít nói về điểm sáng, thành tựu về phát triển kinh tế, xã hội và ổn định chính trị ở Việt Nam.”
Nghiên cứu khoa học cũng phải đặt mục tiêu làm màu, tuyên giáo lên đầu vậy sao? Tôi nhớ đã từng đọc một bài trên báo Tia sáng phân tích 5 tử huyệt của nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, mà một trong số đó là những vấn đề quan trọng nhưng bị tránh né vì bị coi là “nhạy cảm chính trị” hoặc “bí mật quốc gia” (2).
Bản thân tôi cũng tìm được rất ít tư liệu về chính sách quản lý báo chí, truyền thông của các nhà nghiên cứu người Việt. Hay khi cần đọc rộng ra các chủ đề về chính sách giáo dục, y tế, kinh tế chính trị, luật pháp, nhiều nghiên cứu có giá trị về Việt Nam tôi tìm được chủ yếu là từ các tác giả nước ngoài.
Tôi đã từng chứng kiến một cuộc tranh luận trên Ivanet về việc nên hay không nên thảo luận chính trị trên một mạng lưới học thuật, nơi có hơn 20 ngàn thành viên người Việt, đang sống và làm việc khắp nơi trên thế giới. Ngay trong nội quy của Ivanet, điểm đầu tiên được nhắc tới là “Không post hay comment một cách cố tình kích động về các chủ đề chính trị Việt Nam. Ivanet không có mục tiêu chính trị do đó người post sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung về post hay comment của mình.”
Tại sao mạng lưới học thuật quốc tế người Việt lại phải phải loại bỏ mục tiêu chính trị? Thế nào là “cố tình kích động về các chủ đề chính trị Việt Nam”? Thực ra mục tiêu chính trị là gì? Nghiên cứu có nhằm hướng tới đề xuất chính sách không mà phải loại bỏ mục tiêu chính trị? Thực ra nhiều lĩnh vực nghiên cứu xã hội nhân văn cần phân tích chính trị để lý giải các vấn đề kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế nữa kia mà. Nghiên cứu xã hội nhân văn mà tránh né chính trị thì nghiên cứu cái gì vậy ta?
Chính trị là những thứ rất thiết thân với mỗi cá nhân, gia đình. Chính trị sờ sờ trong việc bắt trẻ con hô khẩu hiệu theo thứ học thuyết đã thất bại trên toàn thế giới và những trang lịch sử thiên lệch. Chính trị hiện diện trong những mớ rau đầy chất độc và miếng thịt đầy chất kích thích tăng trưởng chúng ta ăn hàng ngày, khi luật pháp không có chế tài đủ mạnh cho những tội ác huỷ diệt đồng loại. Chính trị có mặt trong việc chính quyền nhắm mắt với nhà máy ô nhiễm, gây hại sức khoẻ người dân. Chính trị thể hiện qua việc Bộ Y tế buông lỏng quản lý để cho VinMec ngang nhiên thu viện phí hàng trăm triệu đồng cho liệu pháp tế bào gốc, một thứ chưa có bằng chứng khoa học về tính an toàn và hiệu quả, chưa được phê duyệt trong Danh mục Kỹ thuật Dịch vụ Khám chữa bệnh. Chính trị thể hiện sức mạnh trong việc chính quyền chỉ đạo báo chí, hạn chế tự do ngôn luận chứ còn ở đâu nữa. Tất cả đều là những vấn đề bức thiết cần những nghiên cứu soi rọi từ các góc độ liên ngành giáo dục, kinh tế học, luật pháp, y tế, môi trường, văn hoá, truyền thông, xã hội học đấy thôi.
Nghiên cứu là để hiểu, thúc đẩy xã hội tiến lên, nên không thể né tránh đi tới các vấn đề chính sách, thể chế. Nghiên cứu các vấn đề xã hội nhân văn và ngay cả nghiên cứu khoa học cơ bản và công nghệ mà không hướng tới chỉ ra những vấn đề chính sách thì chẳng qua chỉ là chơi ú tim trong tháp ngà hay thầy bói xem voi. Nếu người nghiên cứu né tránh mục đích cuối cùng là đóng góp kiến thức và tác động tới đời sống thì phương pháp, lý luận, bằng chứng, dữ liệu cũng chỉ là thứ đồ chơi diêm dúa, làm màu. Vẫn biết rằng sức mỗi cá nhân có hạn, những đề xuất chính sách không phải lúc nào cũng tới được với những nhà hoạch định chính sách, nhưng nghiên cứu không thể tách rời chính trị.
Trong suốt 2/3 sự nghiệp, tôi đã làm ở các doanh nghiệp, đối mặt với những hiện thực ngồn ngộn của thị trường và cuộc sống hàng ngày, hàng giờ, nên tôi vẫn nghĩ nghiên cứu và khoa học phải xuất phát từ đời sống và trở lại phục vụ đời sống. Tôi vẫn luôn ám ảnh câu hỏi khoa học vị XUẤT BẢN hay khoa học vị NHÂN SINH?
(1) https://vnexpress.net/quy-che-dao-tao-tien-si-se-xoa-bo-nan-thue-viet-bai-bao-quoc-te-4307008.html?fbclid=IwAR3y50G0Hy5gZ2wSlA-_BAQ_dcJC18CqhTbvotYftPxSUBaV1TZuLdma0lE
(2) https://tiasang.com.vn/-khoa-hoc-cong-nghe/Lam-gi-de-phat-trien-tap-chi-KHXHNV-theo-chuan-muc-quoc-te-14090?fbclid=IwAR1_YyshObCvi-UNmugMb5EcwlRlmtIxBpQvAcisFRycNQONdwmi1Lkehfw
(3) https://www.facebook.com/groups/LiemChinhKhoaHoc/posts/516641656249338
Statistics:
Likes: 202, Shares: 23, Comments: 44
Like Reactions: 194, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 6, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0