Anonymous participant – 2025-03-01 23:08:01
Về vấn đề tranh cãi liên quan đến các nghiên cứu về tế bào gốc của PGS.TS. Phạm Văn Phúc và PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng, mình có một số thông tin và nhận xét muốn chia sẻ với mọi người như sau:
+ Thông tin tra cứu từ espacenet và Cục Sở hữu trí tuệ VN:
1. PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng bắt đầu đăng ký sáng chế từ năm 2004 và trên cơ sở dữ liệu của espacenet đang thể hiện ông có 7 bằng/đơn đăng ký sáng chế. Bằng sáng chế đầu tiên vào năm 2004 của PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng là “ISOLATION OF STEM/PROGENITOR CELLS FROM AMNIOTIC MEMBRANE OF UMBILICAL CORD” (xem hình 1-2). Trong đó có các yêu cầu bảo hộ độc lập sau: (i) phương pháp phân lập tế bào gốc/tế bào tiền thân trung mô từ màng ối của dây rốn; (ii) Tế bào gốc/tế bào tiền thân trung mô được phân lập từ màng ối của dây rốn; (iii) Ngân hàng tế bào chứa tế bào gốc/tế bào tiền thân trung mô; (iv) Chế phẩm dược phẩm chứa tế bào gốc/tế bào tiền thân trung mô; (v) Sử dụng tế bào gốc/tế bào tiền thân trung mô để sản xuất chế phẩm dược phẩm điều trị rối loạn (rối loạn mô, bệnh tân sinh/ung thư, suy giảm nội tiết nội tạng, bệnh da, trong đó bệnh da là lão hóa sớm hoặc vết thương); (vi) Sử dụng tế bào gốc/tế bào tiền thân trung mô để sản xuất phân tử sinh học; (vii) Sử dụng tế bào gốc/tế bào tiền thân trung mô làm lớp nuôi cấy hỗ trợ trong việc nuôi cấy tế bào động vật có vú (xem hình 3-4). Các yêu cầu bảo hộ này đều rất khái quát, không mô tả bất kỳ chi tiết về điều kiện thực hiện hoặc hóa chất sử dụng là gì.
2. PGS.TS. Phạm Văn Phúc bắt đầu đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích (GPHI) từ năm 2014 và trên cơ sở dữ liệu của Cục SHTT VN có tất cả 15 bằng/đơn đăng ký sáng chế/GPHI. Phần lớn trong đó đã bị từ chối cấp bằng (10 đơn), 4 bằng GPHI đã được cấp và chưa có đơn đăng ký sáng chế nào thành công (xem hình 5-6). Bằng GPHI có nội dung liên quan đến tế bào gốc “Quy trình sản xuất tế bào gốc trung mô kháng stress do enzym từ dây rốn hoặc mô mỡ” được đăng ký năm 2016, chỉ có 01 yêu cầu bảo hộ độc lập với quy trình được mô tả rất chi tiết điều kiện/hóa chất thực hiện các bước (xem hình 7).
3. Theo báo vnexpress, giải pháp kỹ thuật của PGS.TS. Phạm Văn Phúc là (i) quy trình phân lập tế bào gốc từ dây rốn người gồm phân lập, tăng sinh, tăng tính điều biến và bảo quản; và (ii) sản phẩm Modulatist “định hướng” điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc “định hướng ứng dụng” này là vì theo các nghiên cứu trước đó (không biết là của ai) cho thấy sản phẩm chứa tế bào gốc từ dây rốn người (nhập ngoại) có tác dụng tốt với bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính.
+ Nhận xét cá nhân:
1. Báo vnexpress đưa thông tin rất dễ nhầm lẫn dù có ghi “Thuốc Modulatist vẫn chưa được thử nghiệm điều trị trên người”. Theo mình hiểu, nếu chưa thử nghiệm điều trị trên người thì không thể gọi là “thuốc”.
2. Quy trình phân lập tế bào gốc từ dây rốn người của PGS.TS. Phạm Văn Phúc không thể đăng ký sáng chế hoặc áp dụng ở bất kỳ quốc gia nào, kể cả Việt Nam, vì 04 bước cơ bản phân lập, tăng sinh, tăng tính điều biến và bảo quản đã được mô tả trong bằng sáng chế của PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng. Có thể thấy yêu cầu bảo hộ trong bằng sáng chế gốc quá rộng, cụ thể là yêu cầu bảo hộ số 1 bao gồm các bước: (a) tách màng ối; (b) nuôi cấy mô màng ối để tăng sinh trong điều kiện không biệt hóa; và (c) phân lập tế bào gốc/tế bào tiền thân trung mô. Điều này có nghĩa là nếu quy trình phân lập tế bào gốc từ dây rốn người của PGS.TS. Phạm Văn Phúc có bao gồm ĐẦY ĐỦ các bước này, dù sau đó có thêm các bước khác để tăng hiệu quả của quá trình thì vẫn không đáp ứng tiêu chuẩn cấp bằng sáng chế, ví dụ như việc bảo quản không cần cấp đông như mô tả…
3. Thuốc Modulatist (tạm gọi) không thể lưu hành ở các quốc gia đang bảo hộ cho sáng chế của PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng vì trong sáng chế cũng đã có yêu cầu bảo hộ cho các chế phẩm dược phẩm chứa tế bào gốc/tế bào tiền thân trung mô từ màng ối của dây rốn.
4. Ở Việt Nam không bảo hộ phương pháp chữa bệnh, nghĩa là cho dù mình có phát hiện sản phẩm A (đang lưu hành trên thị trường dùng để chữa bệnh X) có thể chữa bệnh Y thì cũng không thể đăng ký sáng chế để bảo hộ ứng dụng mới này. Do đó, nếu các nghiên cứu đầu tiên ứng dụng thuốc có thành phần tế bào gốc từ dây rốn trong việc chữa bệnh phổi mãn tính là của nhóm PGS.TS. Phạm Văn Phúc thì nghiên cứu này cũng không được pháp luật Việt Nam bảo hộ.
5. Một số quốc gia có thể bảo hộ phương pháp chữa bệnh, tuy nhiên, sáng chế của PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng đã có yêu cầu bảo hộ việc sử dụng tế bào gốc/tế bào tiền thân trung mô để sản xuất chế phẩm dược phẩm điều trị rối loạn (rối loạn mô, bệnh tân sinh/ung thư, suy giảm nội tiết nội tạng, bệnh da, trong đó bệnh da là lão hóa sớm hoặc vết thương) nên việc ứng dụng thuốc Modulatist để chữa bệnh phổi mãn tính (một loại rối loạn mô) sẽ vi phạm.
6. PGS.TS. Phạm Văn Phúc có thể đăng ký bảo hộ cho quy trình/sản phẩm liên quan bằng cách chi tiết hóa các bước thực hiện để loại bỏ tính mới của sáng chế của PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng như đã từng làm. Tuy nhiên, do thiếu tính sáng tạo nên các đơn này cũng sẽ chỉ được bảo hộ ở dạng GPHI. Và để có thể ứng dụng ở các nơi mà PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng đã đăng ký bảo hộ thì PGS.TS. Phạm Văn Phúc vẫn phải được chủ sở hữu của sáng chế gốc “cho phép”.
Tóm lại, mình thấy không dễ để “đứng trên vai người khổng lồ”. Dù sẽ đi chậm hơn nhiều chút nhưng đứng trên “mặt đất” vẫn dễ chịu hơn 😊
P/S: 1. Cách viết yêu cầu bảo hộ trong sáng chế của PGS.TS.BS Phan Toàn Thắng rất hay và chuyên nghiệp, hầu như chặn hết các khả năng vi phạm “tiềm năng” dù chắc chắn ở thời điểm đó người ta chỉ mới thực nghiệm được mỗi việc phân lập tế bào gốc/tế bào tiền thân trung mô từ màng ối của dây rốn.
2. Mình dùng ChatGPT để dịch bằng sáng chế của BS Thắng vì không có chuyên môn trong lĩnh vực này.
Shared link: http://PGS.TS.BS/
Statistics:
Likes: 135, Shares: 21, Comments: 32
Like Reactions: 122, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 2, Love Reactions: 10, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0