Anonymous participant – 2025-01-29 01:30:41
Hé lộ một trong những cách thức “sản xuất” bài báo nhanh chóng:
Một bài báo xuất bản năm 2018 có sự tham gia của GS. Nguyễn Xuân Hùng và các cộng sự có nhiều vấn đề bao gồm cả phần ghi địa chỉ tác giả lẫn nội dung bài viết (https://doi.org/10.1016/j.camwa.2018.06.008). Trong phần tác giả, ông này ghi địa chỉ liên hệ là Đại học Hutech và Đại học Sejong. Tác giả liên hệ M. Abdel Wahab thì ghi địa chỉ liên hệ của mình ở hai nơi là Đại học Ghent và Đại học Tôn Đức Thắng. Như vậy hai ông này đang thực sự làm việc cho nơi nào?
Điều đáng nói là phần nội dung lý thuyết của bài báo có nhiều chỗ trùng lặp với hai bài công bố trước đó. Trong bài thứ nhất ông Hùng cũng là đồng tác giả (tạm gọi là bài A (http://dx.doi.org/10.1016/j.cma.2017.07.035)). Trong bài A ông Hùng lại ghi địa chỉ liên hệ là Đại học Hutech và Đại học Y khoa Trung Quốc (Taiwan). Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy một năm ông Hùng đã thay đổi địa chỉ liên hệ thứ 2 trong mỗi bài. Phần lý thuyết 2.1 về Navier–Stokes equation được tóm tắt từ nội dung của sách “Finite elements and fast iterative solvers: with applications in incompressible fluid dynamics” chương 7, trang 313-329. Phần này có trích dẫn và diễn giải lại các mô tả trong cách tiếp cận nên không có vấn đề gì. Phần lý thuyết 2.2 đoạn đầu (Eqs. (20-27) chép từ một bài báo thứ 2 (tạm gọi là bài B (http://dx.doi.org/10.1016/j.amc.2014.01.052)). Ở đây chỉ có hình minh họa được trích dẫn còn phần công thức thì không được trích dẫn. Khi sao chép và tóm tắt lý thuyết trong bài B có một số lỗi như xuất hiện ký hiệu chưa được giải thích và định nghĩa (prescribed force vector ts). Phần cuối Eq. (27) bị lỗi khi cố gắng sửa các ký hiệu, nhầm tích phân biên thành tích phân miền. Các phương trình/ công thức từ Eq. (28) đến Eq. (35) sao chép từ phần Eqs. (1-9) trong bài A. Phần lý thuyết 3 sao chép từ phần 2.2, 2.3, 2.5, và 3 trong bài A. Một số câu và đoạn văn sao chép toàn bộ từ bài A nhưng lại trích dẫn đến một bài báo khác. Đặc biệt ở phần này, các công thức dùng trong bài báo A cho mô hình nhiều vật liệu được sao chép lại mà không chỉnh sửa gì mặc dù bài toán đang khảo sát là đơn vật liệu (phần solid) (V_i, rho_i, E_i, w_ij là các ký hiệu trong mô hình nhiều vật liệu). Phương trình FEM trong Eq. (38) bị copy sai (K=df thay vì Kd=f). Ký hiệu của hàm mục tiêu c trong Eq. (38) được diễn giải lại nhưng dùng sai thuật ngữ (parameter).
Ý nghĩa vật lý và tính đúng đắn của bài toán được khảo sát cũng là một dấu hỏi vì dường như có một lực vô hình nào đó giữ phần pha lỏng để không bị tràn vào các phần rỗng của kết cấu sau khi tối ưu hóa. Trong phần Acknowledgments ghi nghiên cứu này nằm trong dự án chống xói mòn và lũ lụt ở Việt Nam. Vậy tính khả thi của các thiết kế này như thế nào khi áp dụng trong điều kiện thực tế? Các sai sót trong những công trình phòng hộ này sẽ gây hậu quả rất lớn khi có sự cố.
Tôi nghĩ có khả năng là nhóm này đã cùng nhau chia sẻ mã nguồn cho nhau để viết báo và công bố nhanh nên họ không cần quan tâm hoặc không chú trọng phần lý thuyết để có phương pháp tiếp cận phù hợp. Ngoài ra quá trình bình duyệt và biên tập cũng chắc chắn có vấn đề. Các bạn có nhận xét gì về phương pháp làm nghiên cứu kiểu này?
Nguồn tham khảo: https://pubpeer.com/publications/9E3FABD5243EB717ADA677AAF448B1
Shared link: https://doi.org/10.1016/j.camwa.2018.06.008
Statistics:
Likes: 175, Shares: 28, Comments: 21
Like Reactions: 143, Haha Reactions: 6, Wow Reactions: 22, Love Reactions: 2, Sad Reactions: 2, Angry Reactions: 0