Alméry Jacqueline – 2025-01-10 23:42:27
**Công bố khoa học đối mặt với cuộc khủng hoảng về độ tin cậy**
Chất lượng và độ tin cậy của công bố khoa học ngày càng bị xem xét kỹ lưỡng. Những phát hiện từ các nghiên cứu của giáo sư Maria Ángeles Oviedo-García, thuộc Khoa Kinh doanh và Tiếp thị tại Đại học Seville, Tây Ban Nha, nêu bật mối quan ngại ngày càng tăng về tính liêm chính của các nghiên cứu đã công bố. Phân tích trên tạp chí Science và trang Retraction Watch cho thấy những mối quan ngại tương tự về liêm chính nghiên cứu.
**Trí tuệ nhân tạo (AI) làm gia tăng các bài báo chất lượng thấp**
Theo một báo cáo trên Science, nhiều tạp chí đang tràn ngập các bài báo chất lượng thấp, thuộc loại thư gửi ban biên tập và bình luận, do AI tạo ra. Tiến sĩ Daniel Prevedello, tổng biên tập tạp chí Neurosurgical Review, đã thông báo rằng tạp chí sẽ tạm thời ngừng nhận các bài loại này do chất lượng kém.
Neurosurgical Review không phải tạp chí duy nhất gặp phải tình trạng tràn ngập bài báo chất lượng thấp. Trên tạp chí Oral Oncology Reports (nhà xuất bản Elsevier), loại bài bình luận chiếm tới 70% nội dung, trong khi ở International Journal of Surgery Open (NXB Wolters Kluwer), chúng chiếm gần một nửa. Trên tạp chí Neurosurgical Review, thư, bình luận và bài xã luận chiếm tới 58% nội dung từ tháng 1 đến tháng 10 năm 2024 so với chỉ 9% trong năm trước.
Xu hướng này có lợi cho các tác giả vì cho phép họ thổi phồng số danh sách công bố của mình bằng các bài được sản xuất nhanh chóng mà không phải trải qua quá trình bình duyệt. Các nhà xuất bản cũng có thể hưởng lợi, vì nhiều nhà xuất bản thu phí đăng bài bình luận. Ngoài ra, các trường đại học và viện nghiên cứu thấy loại nội dung này hữu ích vì nhiều công bố hơn có thể nâng cao xếp hạng của họ.
**Mối quan ngại về bình duyệt**
Hành vi đáng lo ngại được GS Oviedo-García mô tả trong nghiên cứu trên tạp chí Scientometrics làm dấy lên thêm nghi ngờ. Một phân tích về 263 báo cáo bình duyệt từ 37 tạp chí cho thấy người phản biện thường sử dụng các cụm từ giống hệt nhau hoặc rất giống nhau trong báo cáo của họ, bất kể nội dung bài báo. Trong một trường hợp, người phản biện đã sử dụng cùng một cách diễn đạt trong 52 báo cáo bình duyệt. Điều này cho thấy một số người phản biện chỉ đọc lướt qua các nghiên cứu mà họ được phân công đánh giá. Những hành vi như vậy có thể dẫn đến các báo cáo bình duyệt vô giá trị và gây nguy hiểm cho tính liêm chính của tài liệu khoa học. “Một số nhà khoa học khác có thể sẽ dựa trên các báo cáo giả mạo này để tiến hành các nghiên cứu trong tương lai của họ – điều này thật đáng sợ, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe và y học”, Oviedo-García tuyên bố.
Bà nghi ngờ rằng những người phản biện có thể đã dựa vào các mẫu để nhân bản báo cáo bình duyệt của họ một cách nhanh chóng. Điều này cho phép họ liệt kê số lượng lớn báo cáo bình duyệt vào hồ sơ khoa học của mình để có được các lợi thế nghề nghiệp tiềm năng. Một số người phản biệt thậm chí còn được cho là “yêu cầu” tác giả của các nghiên cứu mà họ đánh giá phải trích dẫn công trình khoa học của riêng họ.
**AI làm phức tạp hơn quá trình phản biện**
Quá trình nghiên cứu và xuất bản ngày càng trở nên thách thức hơn trong những năm gần đây, và nhiều tạp chí chính thống lẫn săn mồi cho phép bất kỳ ai cũng có thể xuất bản với một khoản phí. Tiến sĩ Roger W. Byard từ Đại học Adelaide, Úc, đã giải thích xu hướng này trên tạp chí Forensic Science, Medicine and Pathology. AI ngày càng được sử dụng để tạo ra các bài viết. Tại các hội thảo quốc tế, các chuyên gia đã nhấn mạnh rằng AI có thể hoàn thành các bài báo chỉ trong vài tuần và luận án trong vòng chưa đầy một năm. Theo một tác giả trên tạp chí Critical Care, AI đang xâm nhập vào quá trình bình duyệt.
Hơn nữa, quy trình bình duyệt có thể bị bỏ qua bằng cách công bố các phát hiện nghiên cứu trên các nền tảng trực tuyến (ví dụ: các máy chủ lưu trữ tiền ấn phẩm). Một vấn đề khác là một số bài báo có hàng trăm tác giả, khiến nhiều người có thể thổi phồng danh sách công bố của họ bằng cách đứng tên trong những bài này, ngay cả khi đóng góp của họ cho công trình là mơ hồ hoặc không đáng kể.
Trong một bài viết cho Laborjournal, tiến sĩ Ulrich Dirnagl, Charité — Universitätsmedizin Berlin, Đức, đã nhấn mạnh rằng các bài báo khoa học đã trở nên phức tạp đến mức hai hoặc ba chuyên gia thường không thể đánh giá kỹ lưỡng mọi thứ được trình bày. Quy trình đánh giá tốn nhiều thời gian và có thể mất vài ngày đối với người phản biện. Hiện tại, rất ít người có thời gian, đặc biệt khi đây là một hoạt động không được trả lương và ẩn danh. Dirnagl tuyên bố, “Việc tự sửa lỗi của khoa học không còn hiệu quả như tuyên bố nữa”.
Câu tục ngữ Nga cổ “Tin tưởng nhưng phải kiểm chứng” vẫn là một lời khuyên vượt thời gian và có thể vẫn còn phù hợp trong nhiều năm tới.
Shared link: https://www.medscape.com/viewarticle/scientific-publications-face-credibility-crisis-2025a10000fb
Statistics:
Likes: 55, Shares: 13, Comments: 3
Like Reactions: 44, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 2, Love Reactions: 0, Sad Reactions: 8, Angry Reactions: 0