Anonymous participant – 2024-12-27 05:41:04
# **Thước đo khoa học: Xây dựng hệ thống chỉ mục ngoài phương Tây?**
“Một giả định phổ biến khác trong giới học thuật là các cơ sở dữ liệu mang tính thương mại về các tạp chí và các chỉ số trích dẫn là thước đo đáng tin cậy cho chất lượng học thuật. Nhiều tổ chức coi việc các tạp chí được đưa vào chỉ mục của các cơ sở dữ liệu như Web of Science, Scopus, hoặc các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác như một dấu hiệu mặc nhiên của tính chính danh. Quan điểm này hình dung các cơ sở dữ liệu này như những kho lưu trữ toàn diện về các công trình học thuật chất lượng, được tuyển chọn cẩn thận dựa trên các tiêu chí khách quan. Dựa trên quan niệm này, nhiều quốc gia ở Nam Bán cầu đã thực hiện chính sách yêu cầu các nhà nghiên cứu phải công bố trên các tạp chí được lập chỉ mục trong những cơ sở dữ liệu này để được bổ nhiệm vị trí hoặc thăng tiến. Đây là một phản ứng hoàn toàn hợp lý, bởi các chỉ số xuất bản này cũng là những tiêu chí được sử dụng để đánh giá thứ hạng của các trường đại học trên thế giới. Tuy nhiên, các cơ sở dữ liệu về các tạp chí và chỉ số trích dẫn chưa bao giờ hoàn toàn là các chỉ dấu đáng tin cậy về chất lượng.”
“Các cơ sở dữ liệu đầy tính thương mại này đã dẫn đến một nút thắt khó giải trong vòng lặp khép kín của thực hành trích dẫn (các tác giả trích dẫn những gì được “ưu ái” xuất hiện trong cơ sở dữ liệu – ND), các nhà xuất bản thương mại được ưu ái và các nhà nghiên cứu ngoài lề bị đánh giá thấp. Đồng thời, việc đánh đồng các bài báo trong các tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao có thể đáng tin cậy hơn so với những bài báo trong các ấn phẩm ít được biết đến hơn cũng là một sai lầm. Mặc dù có thể thông thường các tạp chí uy tín công bố các công trình chất lượng cao hơn, nhưng học thuật có trách nhiệm đòi hỏi phải đánh giá từng bài báo dựa trên giá trị nội tại của nó, bất kể nó xuất hiện ở đâu.”
“Lý tưởng nhất, việc bổ nhiệm vị trí hoặc thăng tiến và các bước tiến trong sự nghiệp nên dựa trên cơ sở những ý nghĩa đóng góp cho lĩnh vực nghiên cứu của học giả. Tuy nhiên, các hệ thống đánh giá từ trước đến nay vẫn phụ thuộc nhiều vào các chỉ số đại diện, chẳng hạn như số lượng bài báo, chỉ số ảnh hưởng của tạp chí, số lượt trích dẫn, nguồn tài trợ nghiên cứu, và chỉ số H-index. Những thước đo này được sử dụng vì việc đánh giá trực tiếp chất lượng và ảnh hưởng là điều khó khăn, tốn thời gian và mang tính chủ quan. Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào các chỉ số này đã tạo ra những động cơ lệch lạc, có thể gây hại cho tiến trình nghiên cứu. Áp lực xuất bản thường dẫn đến tình trạng xé lẻ các nghiên cứu thành “các công bố nhỏ lẻ” và vội vã công bố các kết quả sơ bộ thay vì chờ xác nhận một cách chắc chắn. Những hệ thống này cũng tạo cơ hội cho việc thao túng, chẳng hạn như xây dựng “vòng tròn trích dẫn” (một mạng lưới các nhà nghiên cứu thường trích dẫn qua lại các công bố của nhau – ND), hoặc thao túng chỉ số trích dẫn thông qua việc tự trích dẫn. Sự lệ thuộc vào các hệ thống trắc lượng này đã thúc đẩy sự gia tăng theo cấp số nhân trong hoạt động xuất bản trên cả các nền tảng thương mại có uy tín cao và thấp.”
“Trong thị trường xuất bản toàn cầu đang nổi lên, chất lượng của các tạp chí dao động trong một phổ rất rộng, bao gồm cả những tạp chí thường được mô tả là “săn mồi” (predatory) – ở các tạp chí này, có sự chênh lệch đáng kể giữa các dịch vụ biên tập được quảng cáo, như bình duyệt – với hiệu quả thực tế của chúng. Số tạp chí này gia tăng khiến việc kiểm soát chất lượng trở nên khó khăn. Cộng đồng học thuật đã xây dựng các nguồn tài nguyên như Directory of Open Access Journals (DOAJ), giúp nhận diện các tạp chí “có trách nhiệm” đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng tối thiểu, và các nguồn như Beall’s List hoặc Cabells Reports, liệt kê các nhà xuất bản và tạp chí bị coi là có tính chất săn mồi.”
“Một khoảng cách lớn khác tồn tại giữa lý tưởng và thực tế trong ngành xuất bản học thuật. Góc nhìn lý tưởng cho rằng các nhà xuất bản tạp chí chủ yếu hoạt động nhằm mục tiêu nâng cao tri thức, và nguồn lực tài chính chỉ nhằm duy trì sứ mệnh cao cả của họ. Nhưng trên thực tế, trước tiên, các nhà xuất bản học thuật lớn là các doanh nghiệp, với tỷ suất lợi nhuận thường vượt 30% – cao hơn nhiều so với các công ty công nghệ lớn. Mặc dù cá nhân các biên tập viên có thể rất tận tâm với nghiên cứu học thuật, nhà xuất bản bản chất vẫn vận hành theo mô hình kinh doanh hướng tới lợi nhuận. Phần lớn các bài báo trên tạp chí học thuật do các nhà xuất bản vì lợi nhuận xuất bản, trong đó chỉ năm nhà xuất bản thương mại lớn đã chiếm 61% số bài báo được liệt kê trên Web of Science. Mặc dù ngành xuất bản chắc chắn cần nguồn lực tài chính, không có cơ sở nào để biện minh cho mức lợi nhuận quá lớn mà đa số các nhà xuất bản đã tự đặt ra.”
“Dù tích cực hay tiêu cực, một trong những kết quả nổi bật từ chiến dịch thúc đẩy truy cập mở là các nhà xuất bản vì lợi nhuận đã tìm cách thương mại hóa hoạt động xuất bản thông qua phí xử lý bài viết (APC). Các nhà xuất bản hàng đầu cũng nhận thấy cơ hội kinh tế trong việc theo đuổi xu hướng toàn cầu hóa xuất bản bằng tiếng Anh, bằng cách thành lập các tạp chí truy cập mở với mức APC thấp hơn và có vẻ chấp nhận các công trình nghiên cứu ở giai đoạn sớm hơn, thiếu hoàn chỉnh hơn trong phân tích.”
“Những khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế trong xuất bản học thuật gợi ý nhu cầu cần có các cách tiếp cận khác. Tạp chí học thuật trước hết nên là một công cụ trao đổi tri thức cho các cộng đồng. Do đó, lý tưởng nhất tạo ra ít rào cản nhất để nhiều thành viên nhất trong cộng đồng đó có thể tham gia. Một khía cạnh quan trọng là chi phí, với các mô hình cho phép tác giả công bố mà không cần trả phí APC. SciElo, mô hình hợp tác xuất bản ở Nam Mỹ là một ví dụ tiêu biểu. Trên khắp thế giới, các trường đại học, nhà tài trợ và các hiệp hội đang hỗ trợ nhu cầu trao đổi tri thức bằng cách tài trợ trực tiếp cho các tạp chí, để các tác giả không cần phải trả phí. Những nỗ lực này đã giúp cộng đồng học thuật Nam Mỹ thiết lập các chuẩn mực, đưa việc xuất bản trên các tạp chí địa phương trở thành tiêu chí trong đánh giá thăng tiến hay bổ nhiệm vị trí.”
“Điều thú vị là, vào năm 2020, Trung Quốc đã ban hành các chính sách làm giảm đáng kể sự phụ thuộc vào các chỉ số nghiên cứu của Science Citation Index (SCI) trong đánh giá các học giả và trường đại học. Có vẻ như một phần của quyết định này xuất phát từ nhận thức rằng, mặc dù Trung Quốc đạt được thành công lớn trong các bảng xếp hạng quốc tế, nhưng các khoản đầu tư nghiên cứu của họ đã không giải quyết được nhiều vấn đề xã hội trong nước.”
“Kinh nghiệm của Trung Quốc mang lại bài học quan trọng: mặc dù việc xuất bản trên các tạp chí tiếng Anh danh giá đã giúp các trường đại học Trung Quốc leo lên các bảng xếp hạng toàn cầu như Times Higher Education Impact Rankings, nhưng điều này chưa chắc đã thúc đẩy được các mục tiêu nghiên cứu và phát triển quốc gia, dù tiến độ đạt được các mục tiêu này là một chỉ số quan trọng trong hệ thống xếp hạng. Điều đó đã cho thấy hạn chế của việc coi các chỉ số chỉ mục toàn cầu như là đại diện cho chất lượng nghiên cứu.”
“Việt Nam nên củng cố các tạp chí trong nước và xây dựng niềm tin vào truyền thông học thuật trong nước, đồng thời sử dụng các chỉ mục chỉ như công cụ khám phá thay vì thước đo chất lượng duy nhất. Bằng cách tập trung vào thúc đẩy chất lượng xuất bản trong nước đồng thời tạo điều kiện khám phá quốc tế thông qua tóm tắt và dữ liệu lớn bằng tiếng Anh, các cơ quan nghiên cứu có thể phục vụ tốt hơn cả cộng đồng nghiên cứu trong nước và trao đổi tri thức toàn cầu. Cách tiếp cận này vẫn giữ được vai trò quan trọng các chỉ mục trong việc giúp tra cứu các công trình học thuật (thay vì được coi là thước đo chất lượng khoa học – ND), đồng thời trả lại chức năng cốt lõi của việc đánh giá chất lượng cho các cộng đồng học thuật có chuyên môn sâu – những người có năng lực tốt nhất để làm điều này.”
Shared link: https://tiasang.com.vn/quan-ly-khoa-hoc/thuoc-do-khoa-hoc-xay-dung-he-thong-chi-muc-ngoai-phuong-tay/
Statistics:
Likes: 34, Shares: 11, Comments: 0
Like Reactions: 31, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0