Nguyen Hoang Anh – 2024-12-12 14:04:05
ĐÀO TẠO TS Ở VIỆT NAM ĐÃ SÁNH VAI VỚI CÁC CƯỜNG QUỐC NĂM CHÂU CHƯA?
Nhân vụ bằng tiến sĩ “siêu tốc” của Vương Tấn Việt ở Trường Đại học Luật Hà Nội, hay bằng tiến sĩ “đạo văn” ở Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế làm dư luận bức xúc, Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 16 sửa đổi, bổ sung Thông tư 02 năm 2022, siết chặt hơn nữa điều kiện đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở các cơ sở giáo dục từ năm 2025. Thông tư này đưa ra các quy định như:
– Đối với chương trình thạc sĩ: Tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ chiếm tối thiểu 50%, với chuyên môn phù hợp;
– Đối với chương trình tiến sĩ: Đội ngũ giảng viên hướng dẫn phải có ít nhất 5 nhà khoa học với công bố quốc tế uy tín trong 5 năm gần nhất, có ít nhất 1 hoặc 2 PGS và 3 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu, tổng giảng viên dạy tiến sĩ phải có ít nhất 50 bài báo khoa học để mở ngành đào tạo…
– Giảm thời gian xét duyệt hồ sơ mở ngành từ 90 ngày xuống 60 ngày, đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ.
Tuy nhiên trong bối cảnh ngành đào tạo SĐH ở VN như GS-TSKH Nguyễn Đình Đức, hiện đang là Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội từng nhận định: Vừa thiếu, vừa yếu lại thêm nguyên tắc “có vào thì sẽ có ra”, gần như không ai trượt cả, liệu thông tư này có ngăn chặn được nạn tiến sĩ đạo văn, đào tạo “siêu tốc”, “bằng thật – học giả” không?
Hôm 6/12 VOV có phỏng vấn mình một buổi về vấn đề này. Để có thể đưa ra ý kiến khách quan, chính xác, mình đã đi phỏng vấn 1 lượt bạn bè làm TS ở Mỹ, Anh, Bỉ, NZ, Singapore, Pháp, Đài Loan… và phát hiện ra cả quy chế và quy trình đào tạo TS ở VN đều khó khăn và chặt chẽ vào bậc nhất trên thế giới, ngang ngửa Singapore và vượt xa phương Tây. Trong khi ở VN yêu cầu NCS phải có bài báo trước khi bảo vệ, hầu hết các nước tiên tiến không yêu cầu điều đó vì đào tạo TS là để sau khi tốt nghiệp NCS có năng lực nghiên cứu độc lập, nếu họ có rồi thì đào tạo làm gì nữa! VN yêu cầu NCS phải có 2 lần bảo vệ, 1 lần phản biện kín, trong khi các trường mình hỏi thường chỉ cần 1 lần phản biện kín, 1 lần bảo vệ với ít thành viên hơn nhiều.
Yêu cầu của các nước phương Tây với đội ngũ đào tạo ThS, TS cũng không khó khăn như ở VN vì thực tế là trong tình hình chợ công bố QT nhộn nhịp như hiện nay, một người có thể có cả trăm bài báo trong 1-2 năm thì đòi hỏi 50 bài là chuyện nhỏ như con thỏ đang chạy đầy ở ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Duy Tân!
Câu hỏi là vì sao với những quy định chặt chẽ đến mức tưởng như con lạc đà không chui nổi lỗ trôn kim, chỉ lo đủ thủ tục cũng đã kiệt sức, không còn tâm trí đâu mà viết lách nữa, chất lượng ThS, TS của VN lại chỉ như cái lỗ trôn kim vậy?
Câu trả lời một phần ngay trong câu hỏi đó. Thủ tục giấy tờ cho NCS quá phức tạp, cái gì cũng đòi chữ ký tươi, đến tận 2021 mới bỏ thủ tục phải có đủ 15 nhận xét cho bản tóm tắt LATS, biến NCS thành xe ôm và nhân viên chế bản, sức đâu ra mà nghiên cứu, viết lách nữa!
NCS ở nước ngoài là đi làm có lương, có quỹ nghiên cứu, còn NCS ở VN là làm part time, tiền túi tự bỏ ra, lại còn phải đóng học phí. Đã thế mỗi lần đi học hay xin nghỉ viết luận án cứ như chờ ban ơn vậy, làm sao có thời gian và nguồn lực để cho ra kết quả tử tế?
Điều cuối cùng có lẽ là quan trọng nhất, đó là quy định chặt chẽ nhưng khâu thực thi thì… ối giời ơi! Chưa từng thấy cơ quan quản lý phát hiện được trường hợp ThS, TS nào sai quy chế cả, chỉ công chúng và truyền thông đưa lên thôi nhưng chưa bao giờ thấy ai bị xử lý thoả đáng. Từ vụ luận án của sư trụ trì chùa Bồ Đề đạo văn rành rành (sau đó bà này bị tố buôn bán trẻ em), đến các cán bộ bị phát hiện dùng bằng giả rồi gần đây và vụ ĐH Luật với ông Vương Tấn Việt…, chưa từng có cơ sở đào tạo hay cá nhân nào bị xử lý. Vì thế các “lò” và những “học giả” đều ôm tâm lý “đen thôi – đỏ quên đi” rồi tình hình “học giả – bằng thật” lại tiếp diễn!
[https://vov1.vov.gov.vn/dong-chay-sk-cuoc-song-365/siet-chat-quy-dinh-ve-dao-tao-thac-si-tien-si-ky-vong-tu-thong-tu-16-6122024-cmobile195-125025.aspx](https://vov1.vov.gov.vn/dong-chay-sk-cuoc-song-365/siet-chat-quy-dinh-ve-dao-tao-thac-si-tien-si-ky-vong-tu-thong-tu-16-6122024-cmobile195-125025.aspx)
CHI TIẾT NGHE TRONG CLIP NHÉ!
Còn giải pháp thì lại phải chờ xem khi nào cơ quan quản lý thay đổi tư duy nhỉ….
Statistics:
Likes: 96, Shares: 8, Comments: 20
Like Reactions: 85, Haha Reactions: 3, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 6, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0