Phamthi AnhNga – 2021-05-22 04:04:17
Xin chia sẻ một tâm trạng của mình đã đưa lên Facebook ngày 5.9.2016 và sau đó là ngày 6.9.2018, là những trải nghiệm riêng có liên quan ít nhiều đến việc sao chép , đạo văn … Do chế độ”bạn bè” của bài viết cũ (không chuyển sang “public” được) nên mình xin chép lại . Bài viết có kèm hình ảnh này của Huế .
Vẫn còn nhiều trải nghiệm khác , đau đớn hơn , mà mình chưa tiện kể .
5.9.2016
Nhớ thuở mình còn bé, nhà mình ở trong một cái ngõ (ở Huế gọi là kiệt) số 26 Nguyễn Công Trứ, Hoàng Hoa Thôn, gần Chợ Cống, mỗi dịp Tết đến hay sinh nhật Anh Hai mình (đang ở Sài Gòn), ba mình hay mua về hai cái bưu ảnh về Huế (không phải cái ni mô 🙂 ) và giao cho hai chị em mình mỗi đứa một cái viết chúc mừng Anh Hai.
Có một lần, không nhớ hồi đó mình bao nhiêu tuổi (e chừng mới lên 6 ?), nhưng chắc đã được vỡ lòng từ nhà trẻ Hoa Mai (của bác Dũng, ba của anh Tri Le – Thiên An và của Van Nhan Le), rồi lớp Đồng Ấu của trường Đồng Khánh nơi Ba mình đang dạy học, và mình đã bắt đầu học tiểu học ở Jeanne d’Arc. Có lẽ do thời đó ở trường mình được học tiếng Pháp thay vì tiếng Việt chăng, nên mình cứ mãi loay hoay vẫn chưa viết được gì. Trong khi bà chị của mình sao mà văn hay chữ tốt thế, viết chữ lại đẹp ơi là đẹp nữa. Thế là … cuối cùng, cả “bức thư” viết sau tấm bưu ảnh của mình cứ “sao y nguyên bản” những gì chị mình viết, không hề có gì khác ngoài cái tên của mình thay vì tên chị ở cuối thư.
Ba mình không nói gì, chỉ cười, và gởi đi. Nhưng mình thì nhớ mãi … Với trí óc còn rất non nớt mình đã phần nào và dần hồi nhận ra những đúng sai, và hiểu là dù có “che chắn” kiểu gì đi nữa, thì sự thật vẫn là sự thật. Và cái việc “cóp” thư thời nhỏ đó đã là một cái vết, nỗi ám ảnh, niềm đau theo mình cho đến tận bây giờ.
Và thế là từ bé, mình đã nguyện với lòng mình : điều đó mình sẽ không bao giờ tái diễn nữa.
Có phải vì thế, mà trong suốt những năm đi học, mình khư khư chẳng thà điểm kém chứ không quay cóp ? Và ra trường, đi dạy, và mãi cho tới tận bây giờ, sau năm năm gác bút nhưng vẫn tham gia một số hoạt động ở đại học, mình rất “nhạy” với những gì mang danh khoa học nhưng lại có biểu hiện “cầm nhầm”, “mượn nhưng không hỏi cũng không thưa”… của các khóa luận, niên luận đại học, luận văn cao học, và thậm chí cả luận án tiến sĩ ?
Mình thật sự vẫn là “chiến sĩ diệt sinh viên” như đã từng, dù đã lui về vườn ? Vẫn là một Javert mẫn cán với trách nhiệm và lẽ phải ? Tại sao trong lúc ít ai quanh mình nhận ra, dù họ cũng có những nhiệm vụ như mình, thì mình lại rất nhanh chóng nhìn thấy điều không ổn khi tiếp xúc với những văn bản lẽ ra phải là kết quả gặt hái được từ những chăm nom vun trồng, sôi kinh nấu sử và đóng góp dù rất nhỏ của những người làm khoa học trẻ ?
Mình đang mang căn bệnh trầm kha gì, có cần chữa trị hay không ? Sao mọi người vẫn bình chân như chẳng có gì xảy ra, mà mình thì cứ nhìn thấy (thậm chí đoán thấy và đáng buồn thay là … đoán đúng) sự trùng khớp trong từng câu chữ giữa những đoạn dài trong các khóa luận, luận văn, luận án với những gì đã được viết ra và công bố trước đó…
Rất buồn. Rất đau.
Phải làm gì bây giờ …
Ngoài việc xả stress một chút rồi trở lại với những công việc yêu quý phải tạm gác sang một bên mấy hôm nay.
6.9.2018
Hôm nay mình nhớ thêm ba câu chuyện liên quan .
Chuyện thứ nhất . Thuở mình còn miệt mài soạn sách ở Sèvres ( Paris , Pháp ) , cùng cư xá với mình có một cậu học sinh Việt Nam sang du học . Cậu tâm sự : có hôm đi thi , tài liệu đã chuẩn bị sẵn sàng ( để … quây , như vẫn quen làm ở nhà ) , nhưng cuối cùng , vào phòng thi không thấy ai “như mình” cả , nên tự thấy xấu hổ , không dám hó hé chi nữa .
Chuyện thứ hai . Một cậu sinh viên cũ của mình , hồi đó học Master ở Canada , kể trong bài nghiên cứu cậu làm và nạp cho cô giáo , cậu chỉ lấy có một câu của ai đó ( mà không ghi nguồn ) , đã bị cô giáo hủy nguyên bài , bắt viết lại . Mình đã nói , mình ủng hộ hoàn toàn cô giáo đó .
Chuyện thứ ba . Mình được biết , qua con gái mình hồi đó đang học về Công nghệ giáo dục ở Đại học Laval , rằng có hẳn một chuyên đề trong chương trình học về hiện tượng plagiat – đạo văn ( các tình huống , môi trường , các nguyên nhân khách quan , chủ quan , các mức độ nặng nhẹ , các cách phòng tránh … ) . Thêm một lý do để mình tăng mối thiện cảm với nền giáo dục Canada .
Shared link: https://www.natureindex.com/news-blog/is-research-integrity-training-a-waste-of-time
Statistics:
Likes: 69, Shares: 2, Comments: 5
Like Reactions: 56, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 11, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0