Lê Ngọc Khả Nhi – 2024-11-25 18:34:56
Đây là bản dịch nội dung chương “Lòng can đảm” trong tài liệu “Những giá trị cơ bản của liêm chính học thuật”, kết hợp cả hai ấn bản lần 2 (2014) và lần 3 (2018).
Lời giới thiệu của người dịch: Trong ấn bản đầu tiên, người ta chỉ đề cập về 5 giá trị, nhưng vào năm 2014, một giá trị thứ 6 được đưa thêm vào, đó là “Lòng can đảm” và điều này hoàn toàn xác đáng, bởi vì người ta không chỉ cố gắng trở nên cao quý và thánh thiện, mà còn cần sức mạnh để dũng cảm bảo vệ những giá trị cao quý đó.
Nội dung chương này phân tích vai trò của lòng can đảm đối với việc duy trì, bảo vệ tính liêm chính trong học thuật, và quan trọng hơn nữa, nhấn mạnh rằng đó là một năng lực và cần được rèn luyện qua thực tiễn.
Lòng can đảm:
danh từ, chỉ sức mạnh tinh thần hoặc đạo đức, cho phép dấn thân, kiên trì và chống chọi với hiểm nguy, sợ hãi hoặc khó khăn.
Theo Aristotle, “Lòng can đảm là phẩm chất đầu tiên của con người bởi vì nó là phẩm chất đảm bảo cho những phẩm chất khác.”
Lòng can đảm khác với những giá trị cơ bản trước đó bởi vì nó là một phẩm chất hoặc năng lực của tính cách. Tuy nhiên, giống như mỗi giá trị, lòng can đảm có thể được thực hành và phát triển.
Những người can đảm thường bị hiểu lầm là không biết sợ. Thực tế, lòng can đảm là khả năng hành động phù hợp với các giá trị của mình dù có sợ hãi.
Hành động can đảm nghĩa là hành động theo niềm tin của mình. Giống như năng lực trí tuệ, lòng can đảm chỉ có thể phát triển trong những môi trường nơi nó được thử thách.
Do đó, các cộng đồng học thuật liêm chính cần có cơ hội để đưa ra lựa chọn, học hỏi từ chúng và phát triển. Thông qua quá trình lặp lại này, lòng can đảm và năm giá trị bổ sung của liêm chính học thuật có thể phát triển như những đặc tính đan xen và phụ thuộc lẫn nhau.
Sinh viên thể hiện lòng can đảm khi họ giữ bản thân và các bạn học ở những tiêu chuẩn cao nhất về liêm chính học thuật, ngay cả khi làm như vậy có thể dẫn đến nguy cơ hậu quả tiêu cực, như điểm kém hoặc bị trả đũa từ bạn bè hoặc người khác.
Với giảng viên, lòng can đảm thể hiện qua sự sẵn lòng giữ cho bản thân, sinh viên và các đồng nghiệp chịu trách nhiệm trong việc duy trì một văn hóa liêm chính như được định nghĩa bởi năm giá trị bổ sung. Giảng viên can đảm cũng giữ cho tổ chức và nhà quản lý chịu trách nhiệm trong việc điều chỉnh chính sách với sứ mệnh và tầm nhìn, và hỗ trợ một môi trường thúc đẩy sự liêm chính. Điều này cũng đúng với các nhà quản lý.
Các thành viên của cộng đồng học thuật phải học cách đưa ra những quyết định thể hiện sự liêm chính. Họ cũng phải thể hiện lòng can đảm cần thiết để hành động theo những quyết định đó. Chỉ bằng cách thực hành lòng can đảm, chúng ta mới có thể tạo ra những cộng đồng có trách nhiệm, tôn trọng, đáng tin cậy, công bằng và trung thực, đủ mạnh để tồn tại bất kể những hoàn cảnh họ phải đối mặt.
**Cách thể hiện lòng can đảm:**
* Hãy dũng cảm ngay cả khi người khác có thể không như vậy.
* Lên tiếng để giải quyết một điều sai trái và hỗ trợ người khác làm điều tương tự.
* Chịu đựng sự khó chịu vì điều bạn tin tưởng.
* Không nản lòng trong việc bảo vệ sự liêm chính.
* Sẵn sàng chấp nhận rủi ro và thất bại.
Statistics:
Likes: 71, Shares: 10, Comments: 1
Like Reactions: 59, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 11, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0