Lê Ngọc Khả Nhi – 2024-11-23 15:17:00
Đây là bản dịch nội dung chương “Sự Tôn trọng” trong tài liệu “Những giá trị cơ bản của liêm chính học thuật”, kết hợp cả hai ấn bản lần 2 (2014) và lần 3 (2018).
Lưu ý: đây là chương hay nhất trong tài liệu, nó như một tuyên ngôn về phẩm giá cao quý của người làm khoa học. Rất nhiều sai phạm có thể không bao giờ xảy ra nếu người ta gìn giữ phẩm giá của bản thân và tôn trọng đồng nghiệp.
Sự tôn trọng: một danh từ:
Sự tôn kính, hoặc đánh giá cao đặc biệt, phẩm chất hoặc trạng thái được tôn kính
“Without feelings of respect, what is there to distinguish men from beasts? ~Confucius”
Chú thích của người dịch: Đây là sự suy diễn rộng khái niệm “hiếu kính” trong sách Luận ngữ của Khổng Tử. nội dung gốc chỉ giới hạn về hiếu kính đối với cha mẹ: “Tử Du vấn hiếu, Tử viết: “Kim chi hiếu giả, thị vị năng dưỡng. Chí ư khuyển mã, giai năng hữu dưỡng, bất kính, hà dĩ biệt hồ?”
Tử Du hỏi hiếu là gì, Khổng tử nói: “Như hiện nay thứ gọi là hiếu, chỉ là nói có thể nuôi dưỡng cha mẹ đầy đủ là đủ rồi. Nhưng, đến chó ngựa cũng có thể phụng dưỡng (chủ nhân). Nếu không có lòng hiếu kính cha mẹ, như vậy so với chó ngựa có gì khác biệt?”
(hết chú thích)
Các cộng đồng học thuật thành công khi có sự tôn trọng đối với các thành viên trong cộng đồng và khi những ý kiến đa dạng, đôi khi mâu thuẫn được thể hiện. Những môi trường học tập năng động và hiệu quả nhất thúc đẩy sự tham gia tích cực, bao gồm kiểm tra nghiêm ngặt, tranh luận sôi nổi và những bất đồng về ý tưởng được điều hòa bởi phép lịch sự và tôn trọng đối với những người đề xuất chúng.
Trong các môi trường học thuật liêm chính, ngay cả những người bất đồng về dữ kiện cũng chia sẻ sự tôn trọng và tôn kính đối với tri thức và các phương pháp để đạt được nó.
Tôn trọng trong cộng đồng học thuật là một sự tương hỗ, đòi hỏi phải thể hiện sự tự trọng cũng như tôi trọng người khác.
Tự trọng có nghĩa là đối mặt với thử thách mà không làm tổn hại đến các giá trị của bản thân. Tôn trọng người khác nghĩa là đánh giá cao tính đa dạng của ý kiến và nhận thức được nhu cầu thách thức, kiểm định và hoàn thiện các ý tưởng.
**Sinh viên** thể hiện sự tôn trọng khi họ đánh giá cao và tận dụng cơ hội để tiếp thu kiến thức mới bằng cách tham gia tích cực vào việc tự đào tạo, đóng góp vào các cuộc thảo luận, lắng nghe tích cực các quan điểm dị biệt và thể hiện khả năng tốt nhất của mình.
**Giảng viên** thể hiện sự tôn trọng (đối với sinh viên) bằng cách đón nhận nghiêm túc ý tưởng của họ, nhận diện sinh viên như những cá nhân, giúp họ phát triển ý tưởng, cung cấp phản hồi đầy đủ và trung thực về công việc của họ, và đánh giá cao quan điểm và mục tiêu của họ.
Các thành viên của cộng đồng học thuật còn thể hiện sự tôn trọng bằng cách thừa nhận đóng góp trí tuệ của các học giả khác thông qua việc xác định và trích dẫn nguồn thích hợp. Việc nuôi dưỡng môi trường trong đó tất cả các thành viên thể hiện và tận hưởng sự tôn trọng là trách nhiệm của cả cá nhân và tập thể.
**”Là một học giả, người ta nên độ lượng trong việc thừa nhận công trình của các học giả khác, vì công việc của họ làm cho công việc của mình trở nên khả thi.”**
— *”Sự Trung Thực Học Thuật trong Việc Viết Bài Tiểu Luận và Các Bài Viết Khác”*
Carleton College, 1990 Princeton University
## Cách Thể Hiện Sự Tôn Trọng
* Thực hành lắng nghe tích cực
* Sẵn lòng đón nhận phản hồi
* Chấp nhận rằng suy nghĩ và ý tưởng của người khác có giá trị
* Thể hiện sự đồng cảm
* Tìm kiếm giao tiếp cởi mở
* Công nhận người khác và chấp nhận sự khác biệt
* Nhận thức về hậu quả của lời nói và hành động của chúng ta đối với người khác
Statistics:
Likes: 79, Shares: 10, Comments: 1
Like Reactions: 70, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 9, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0