Anonymous participant – 2024-11-11 23:01:09
**Xung đột lợi ích trong lĩnh vực học thuật**
Liêm chính học thuật là một trong những chủ đề mà giới học thuật Việt nam đang quan tâm hiện nay và tranh luận. Xung đột lợi ích là khái niệm cốt lõi trong liêm chính học thuật. Hầu hết các vấn đề liêm chính học thuật hiện nay đều có nguyên nhân sâu xa về xung đột lợi ích. Ví dụ như xung đột về nguồn tác giả (authorship) thường xảy ra khi nhà nghiên cứu có lợi ích thứ cấp về việc là (đồng) tác giả của nhiều bài báo nhất có thể để thăng tiến sự nghiệp dù họ không đóng góp hoặc không đóng góp đủ vào bài báo. Hay một nhà nghiên cứu vừa là tổng biên tập của 1 tạp chí, vừa có bài báo được phản biện và công bố trên cùng tạp chí đó. Ví dụ khác là, việc nhà nghiên cứu ghi nhận nhiều nơi làm việc của mình trên một bài báo. Một trong những tiêu chí để xác định việc này là không liêm chính, hay liêm chính, là ở chỗ có xung đột về lợi ích hay không. Nếu 1 cá nhân làm việc thực sự tại 2 đơn vị (ví dụ như ở bệnh viện và trường đại học), việc cá nhân đó ghi 2 địa chỉ khi đăng bài là việc tuân thủ liêm chính học thuật. Với trường hợp 1 cá nhân làm việc hưởng lương ở 1 đơn vị, nhưng nhận tiền thưởng bài báo (sau khi nghiên cứu đã hoàn thành) ở 1 đơn vị khác (lưu ý là không phải tiền tài trợ thực hiện nghiên cứu) vi phạm liêm chính học thuật vì có lợi ích thứ phát của việc ghi đơn vị thứ 2 là lợi ích tài chính.
Các lĩnh vực chính có xung đột lợi ích trong học thuật có thể bao gồm: tài trợ nghiên cứu (ví dụ như nhà khoa học độc lập được 1 công ty dược để thực hiện nghiên cứu thử nghiệm chính thuốc của công ty đó) , phản biện đồng cấp (peer review) và xuất bản (ví dụ như người phản biện có quan hệ cá nhân như vợ, chồng, con với tác giả bài báo), xét chọn đề tài và đánh giá học thuật (luận án, đề tài), (ví dụ chủ nhiệm đề tài có quan hệ cá nhân như vợ, chồng, con.. với thành viên hội đồng đánh giá), thăng tiến (ví dụ như thành viên hội đồng đánh giá có quan hệ tài chính hoặc quan hệ cá nhân như vợ, chồng, bố mẹ, con cái.. với ứng viên), giảng dạy, sở hữu trí tuệ, v.v
Hiện nay ở Việt nam, các quy định về xung đột lợi ích còn rất thiếu và lỏng léo. Chỉ có quy chế đào tạo tiến sĩ ở một số đại học có quy định về xung đột lợi ích, ví dụ thành viên hội đồng chấm luận án không có quan hệ cá nhân, ruột thịt với nghiên cứu sinh. Ở các lĩnh vực khác thì gần như là chưa có các quy định (?). Ví dụ không có quy định về xung đột lợi ích trong việc xét chọn đề tài ở các trường đại học, các Bộ. Ví dụ như việc xét công nhận đạt chức danh giáo sư và phó giáo sư (thông tư 37/2018/QĐ-TTg và thông tư 25/2020/QĐ-TTg) không đề cập đến các xung đột lợi ích, đặc biệt trong trường hợp hội đồng giáo sư ngành/liên ngành có các thành viên là phó giáo sư. Vấn đề đặt ra là khi các phó giáo sư này xét công nhận chức danh giáo sư thì họ sẽ vừa là ứng viên, vừa là thành viên hội đồng để đánh giá bản thân mình và các ứng viên khác, điều này khiến quá trình đánh giá không còn khách quan. Tương tự, cũng không có hướng dẫn ứng xử về xung đột lợi ích khi ứng viên có quan hệ cá nhân như là con, là chồng/vợ, người thân với thành viên hội đồng.
Rất mong tới đây sẽ có những quy định, hướng dẫn rõ ràng hơn về xung đột lợi ích trong học thuật ở cơ quan ban ngành, các tổ chức, đại học, v.v.
Statistics:
Likes: 71, Shares: 10, Comments: 0
Like Reactions: 70, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 1, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0