Duong Tu – 2021-05-09 13:27:21
**TẠP CHÍ KHOA HỌC ĐẦU TIÊN CHẤP NHẬN CÔNG BỐ ẨN DANH**
Phải mất tám năm kể từ khi manh nha ý tưởng và đúng một năm tính từ lúc bắt đầu tiếp nhận bản thảo, số đầu tiên của Journal of Controversial Ideas (JCI) mới được ra mắt độc giả hai tuần trước: https://journalofcontroversialideas.org/volumes_issues/1/1
Không chỉ gây kích thích bởi tên gọi của nó, JCI còn nới rộng phạm vi của hoạt động công bố khoa học tới một biên giới mới khi tạp chí này cho phép các tác giả đăng bài được sử dụng bút danh thay vì phải tiết lộ danh tính thật.
Như vậy, sau bình duyệt ẩn danh (www.fb.com/480617179851786), đăng bài ẩn danh nay đã trở thành một thực tế mà đằng sau những diễn biến này là rất nhiều vấn đề thú vị cả về mặt học thuật, xã hội học lẫn triết học của thời đại mà chúng ta đang sống.
*
Theo thông lệ trong giới hàn lâm, việc công bố danh tính và địa chỉ thật của tác giả các công trình khoa học vừa là quyền lợi vừa gắn với trách nhiệm pháp lý lẫn đạo đức của không chỉ tác giả mà còn của cả nơi tác giả làm việc. Theo đó, những hành vi như giả mạo tác giả và khai man nhiệm sở bị xem là sai trái: www.fb.com/340996420480530
Với nhận thức này, rõ ràng việc một tạp chí cho phép nhà nghiên cứu công bố ẩn danh sẽ ngay lập tức phải hứng chịu chỉ trích về trách nhiệm giải trình hay khả năng có nhà nghiên cứu lợi dụng ẩn danh để lan truyền những thông tin giả khoa học. Đó là điều mà những người sáng lập Journal of Controversial Ideas – các giáo sư uy tín đang làm việc tại những đại học hàng đầu thế giới như Princeton hay Oxford – thừa nhận trong bài xã luận mở màn nhưng kèm theo đó là những lập luận giải thích cho lựa chọn của tạp chí này: https://journalofcontroversialideas.org/download/article/1/1/140/pdf
***
Hai mươi năm trước, hầu hết các tạp chí khoa học chỉ có thể được tìm thấy trong thư viện của các trường đại học và do đó gần như chỉ dành cho giới hàn lâm. Ngày nay, rất nhiều tạp chí đã có bản điện tử truy cập mở mà bất kỳ ai ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có thể tiếp cận.
Lợi ích của việc lan tỏa và chia sẻ rộng rãi tri thức là không cần bài cãi. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những gì được chia sẻ trên Internet không phải là các công trình khoa học xác thực hay những thông tin đầy đủ, chính xác mà thay vào đó là một vài kết luận từ các bài báo hàn lâm bị tách khỏi văn cảnh và bị tước mất những lập luận đằng sau chúng. Những kết luận méo mó sau đó được lan truyền đến những người quen phản ứng bằng giận dữ để rồi sự giận dữ đó được nhân lên nhanh chóng thông qua mạng xã hội.
Một số nhà khoa học bị đe dọa tính mạng, số khác lo sợ sự nghiệp bị hủy hoại. Ngay trong chính môi trường học thuật, nhiều nhà nghiên cứu lẫn sinh viên yêu cầu những diễn giả có quan điểm bị xem là chướng tai gai mắt không được phát ngôn, còn những giáo sư thể hiện quan điểm khó ưa phải bị sa thải. Một số đề tài hay thậm chí toàn bộ một mảng nghiên cứu nay bị kiểm duyệt, không còn ai dám đụng đến nữa. Đó chỉ là một trong nhiều biểu hiện của “văn hóa xóa sổ” (cancel culture): https://tuoitre.vn/lam-nguoi-khac-phai-mat-han-su-nghiep-su-tai-hai-cua-van-hoa-xoa-so-20200723174815989.htm
Điều này cho thấy tự do tư tưởng và ngôn luận trong môi trường hàn lâm không còn là giá trị phổ quát được tôn trọng và bảo vệ, ngay giữa các nhà khoa học. Ban biên tập Journal of Controversial Ideas đặt câu hỏi tại sao các nhà nghiên cứu cần được tự do viết lách và giảng dạy bất cứ điều gì họ muốn, kể cả những gì nhiều người cho là vô vị, khiêu khích hay thậm chí nguy hiểm. Ba lập luận chính được đưa ra như sau.
Đầu tiên, khi cấm thảo luận công khai một ý tưởng, ý tưởng đó không mất đi mà chuyển sang hình thức lưu hành nội bộ giữa những người cùng quan điểm và không bị thử thách bởi những lập luận phản đối. Hậu quả là nó có thể trở nên độc hại và phi lý hơn nhiều so với khi bị thách thức và bác bỏ một cách công khai.
Thứ hai, chỉ duy nhất thông qua tranh luận về mọi ý tưởng, kể cả những điều bị xem là chướng tai gai mắt, chúng ta mới có thể tiến gần hơn đến sự thật. Sự tiến bộ về mặt luân lý, tri thức và vật chất trong lịch sử nhân loại là kết quả của việc trao đổi liên tục những ý tưởng mà rất nhiều trong số đó ban đầu bị xem là đáng ghê tởm. Socrates, Chúa Jesus, Bruno và Galilei đều từng bị xem là quá nguy hiểm đến mức giới cầm quyền bịt miệng họ bằng cách hành hình. Danh mục sách cấm của Hội đồng thành phố Trent ra đời từ năm 1564 và phải hơn 4 thế kỷ sau mới bị bãi bỏ bao gồm rất nhiều tác phẩm của những triết gia quan trọng như Hobbes, Pascal, Descartes, Spinoza, Voltaire, Hume, Rousseau, Kant, Bentham, Mill, Sartre, De Beauvoir và nhiều người khác.
Cuối cùng, như lập luận của John Stuart Mill trong tác phẩm Bàn về tự do, nếu chúng ta tin rằng ta đã nắm chân lý trong tay và những ý tưởng không giống với nhận thức của mình là sai trái, việc cấm đoán những ý tưởng này sẽ chỉ biến niềm tin của chúng ta thành giáo điều chết mà thôi. Nếu chúng ta muốn niềm tin của bản thân tồn tại như một sự thật sống động và muốn hiểu tại sao ta nên tiếp tục tin vào nó, chúng ta phải để cho niềm tin của mình bị thách thức.
***
Ban biên tập Journal of Controversial Ideas cho biết họ xây dựng tạp chí này bởi quan ngại rằng trong môi trường xã hội và văn hóa hiện nay, một số người không còn cảm thấy tự do được khám phá những ý tưởng có thể khiến họ vướng vào rắc rối. Các nhà nghiên cứu ở giai đoạn đầu sự nghiệp khoa bảng có thể lo lắng đến nỗi chỉ dám chọn những gì an toàn dù họ cho rằng có những ý tưởng khác đáng dành thời gian hơn. Do đó, việc cho phép công bố ẩn danh có thể giúp nhà khoa học hoàn thành bổn phận theo đuổi tri thức và sự thật mà không phải lo sợ bị đe dọa sự nghiệp, thể chất hay tinh thần. Sự tiến bộ về tri thức và đạo đức của loài người phải không cần đến những anh hùng hay các vị thánh tử đạo.
Những người sáng lập kỳ vọng rằng tạp chí Journal of Controversial Ideas sẽ trở thành diễn đàn thảo luận những ý tưởng gây tranh cãi một cách văn minh nơi các ý tưởng được xem xét dựa trên chính giá trị của chúng chứ không phải bất kỳ đặc điểm cá nhân nào của những người đã đưa ra chúng.
*
Trong vòng 1 năm qua kể từ thời điểm kêu gọi nộp bài, JCI đã nhận được 91 bản thảo, chấp nhận 10, từ chối 68 và đang xử lý 13. Tác giả của 4 trong số 10 bài báo được công bố trong số đầu tiên lựa chọn dùng bút danh trong khi ở 6 bài báo còn lại, các nhà nghiên cứu đến từ những nơi danh tiếng như MIT sử dụng danh tính thật.
Việc chấp nhận công bố các ý tưởng gây tranh cãi trên Journal of Controversial Ideas không hàm ý ban biên tập và các chuyên gia bình duyệt tin rằng bất kỳ ý tưởng nào trong số đó là đúng đắn hoặc cần được quan tâm hơn những ý tưởng công bố trên các tạp chí khác mà chỉ có nghĩa rằng những ý tưởng đó đáng được thảo luận. Ban biên tập JCI cho biết sẵn sàng chào đón các bản thảo chỉ trích những bài báo đăng trên tạp chí này – miễn là việc phê phán tập trung vào ý tưởng chứ không phải cá nhân tác giả.
Theo Ban biên tập JCI, trong một môi trường học thuật lý tưởng, các tạp chí không cần phải lo sợ khi công bố những bài báo gây tranh cãi, còn các nhà nghiên cứu có thể xuất bản những công trình gây tranh cãi trên bất kỳ tạp chí nào họ thấy phù hợp mà không sợ bị ảnh hưởng đến sự nghiệp hay sự an toàn của bản thân.
Cho đến khi chúng ta có được môi trường lý tưởng đó, Journal of Controversial Ideas sẽ làm mọi điều trong khả năng để đảm bảo rằng nỗi sợ phải gánh chịu phản ứng thù địch sẽ không ngăn cản các nhà nghiên cứu công bố những ý tưởng quan trọng, được lập luận tốt dù gây tranh cãi.
Statistics:
Likes: 208, Shares: 25, Comments: 42
Like Reactions: 186, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 3, Love Reactions: 19, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0