Nga Nguyen Ho Dac – 2024-10-14 12:22:24
Chất Lượng của Bảng Xếp Hạng Times Higher Education (THE)
Mình nhận được yêu cầu của một số bạn viết về bảng xếp hạng THE sau khi Việt Nam có 9 trường lọt vào bảng xếp hạng này. Mình làm việc ở môi trường đại học từ Việt Nam qua đến Mỹ rồi có thỉnh giảng ở châu Âu nhưng thực sự mình chưa bao giờ quan tâm đến bảng xếp hạng này, mình cũng chưa bao giờ nghe một thầy cô hay đồng nghiệp nào của mình ở Mỹ đề cập đến THE.
Nhưng theo yêu cầu của các bạn thì mình cũng tìm hiểu để cố gắng giải thích về bảng xếp hạng này thông qua các thông tin chính thức trên website của THE. THE tính điểm các trường đại học bằng trung bình trọng số của các yếu tố ở trong hình 1. Trong đó yếu tố nghiên cứu chiếm 59% (Research quality 30%, Research environment 29%), đào tạo chiếm 29.5%, còn lại là mấy cái linh tinh.
Cách tính điểm trung bình trọng số của nhiều yếu tố khác nhau là không có valid (đúng đắn) trong đo lường. Một trường có 2 con bò và 5 cây cọ, trường kia có 5 con bò và 1 cây cọ. Đi tính điểm trung bình cộng con bò và cây cọ lại với nhau để so sánh thì nó buồn cười lắm, dù bạn có chọn trọng số như thế nào. Do đó, xếp hạng tổng thể của THE là vô nghĩa. Mình sẽ đi vào đánh giá từng yếu tố một xem như thế nào nhé:
1. Về chất lượng nghiên cứu (research quality, chiếm 30% trọng số): một trường có nhiều ngành có đặc điểm nghiên cứu rất khác nhau, việc gộp chung chất lượng nghiên cứu tất cả các ngành của một đại học vào một là không valid. Do đó, mình thử phân tích chất lượng nghiên cứu của 1 ngành mà mình hiểu rõ là Business. Mình vào website của THE để xem xếp hạng và điểm chất lượng nghiên cứu trong ngành Business của các trường (hình 2, 3, 4). Cột số 1 là xếp hạng tổng thể, cột 2 là tên trường/quốc gia, cột 3 là điểm tổng thể, cột 4 là điểm đào tạo (teaching), cột 5 là điểm môi trường nghiên cứu (research environment), cột 6 là điểm chất lượng nghiên cứu (research quality), … Trong các hình này mình sắp xếp theo cột số 6, tức là chất lượng nghiên cứu. Trường nào ở trên cùng là có điểm chất lượng nghiên cứu cao nhất, trường ở vị trí thứ 2 là có điểm chất lượng nghiên cứu cao thứ 2.
Mình so sánh bảng sắp hạng chất lượng nghiên cứu trong ngành Business này với bảng sắp hạng nghiên cứu chất lượng cao ngành Business do UT Dallas thống kê (hình 5, 6, 7). Cột số 1 là xếp hạng nghiên cứu, cột số 2 là tên trường, cột 3 là số bài báo khoa học của các trường, cột 4 là điểm nghiên cứu, cột 5 là quốc gia. Mình lấy thời gian là 5 năm, 2019-2024, vì các nghiên cứu chất lượng cao thường kéo dài vài năm, nếu chỉ lấy số liệu trong 1 năm thì sẽ phản ánh không đúng và lên xuống thất thường.
Khác với cách chấm điểm phức tạp và không valid của THE, UT Dallas tính điểm nghiên cứu rất chân phương và valid. UT Dallas cũng không có nhận tiền từ các trường dưới bất kỳ hình thức nào, khác với THE nhận tiền quảng cáo từ các trường. UT Dallas đếm số bài báo khoa học của các trường trong 24 tạp chí hàng đầu trong ngành Business (hình 8 ). Nếu bạn là giáo sư hay nghiên cứu sinh PhD của các trường đại học có đào tạo PhD ngành Business một cách nghiêm túc ở Mỹ, chỉ có xuất bản trong 24 tạp chí này mới được tính (mỗi trường có thể thêm vào danh sách này 1-2 tạp chí nữa, nhưng chỉ là thiểu số không đáng kể). Bạn có xuất bản hàng ngàn bài báo khoa học nằm ngoài danh sách này thì cũng không được tính và không ai quan tâm. Mỗi bài báo được 1 điểm, nhưng 1 điểm này được chia cho số tác giả. Ví dụ 1 bài báo có 2 tác giả thì mỗi người được 0.5 điểm. Điểm của tác giả lại được chia cho số trường mà tác giả đó làm việc. Ví dụ 1 tác giả được 0.5 điểm ở trên lại đề địa chỉ 2 trường đại học, thì mỗi trường được 0.25 điểm. Điểm số nghiên cứu này có thể được xem là một thang đo valid cho chất lượng nghiên cứu của 1 trường.
University of Pennsylvania (The Wharton School of Business) ở Mỹ được xem là thánh địa của nghiên cứu khoa học trong ngành Business dẫn đầu với 227.86 điểm và 456 bài báo, gần như là 1 đẳng cấp khác so với các trường ở ngay dưới nó. Nếu để ý, bạn sẽ thấy các trường từ hạng 2 trở xuống có 1 khoảng cách khá xa với University of Pennsylvania. Thế nhưng THE cho University of Pennsylvania 96.9 điểm research quality, xếp thứ 24 về research quality. Nhưng các trường của Anh được THE xếp hạng research quality ở gần với University of Pennsylvania như Queen Mary University of London (97.1 điểm, hạng 21) và University of Bristol (96.8 điểm, hạng 26) lại có số lượng bài báo chất lượng cao và điểm research chất lượng cao ở bên bảng xếp hạng nghiên cứu của UT Dallas rất thấp. Queen Mary University of London có 16 bài báo và 5.08 điểm, chỉ bằng 2.2% điểm nghiên cứu của University of Pennsylvania. University of Bristol có 13 bài báo và 4.4 điểm, chỉ bằng 1.93% điểm nghiên cứu của University of Pennsylvania. Rõ ràng là THE xếp 3 trường này ở cạnh nhau về research quality và có điểm research quality gần bằng nhau là có gì đó sai sai rồi.
University of Oxford của Anh được THE xếp hạng 1 tổng thể, trường xịn nhất thế giới theo THE. Về research quality, THE xếp University of Oxford hạng 6 với 98.8 điểm. Nhưng trong bảng xếp hạng nghiên cứu chất lượng cao của UT Dallas, University of Oxford chỉ có 80 bài báo và 34.63 điểm, chỉ bằng 15.2% điểm nghiên cứu của University of Pennsylvania.
Trong bảng xếp hạng nghiên cứu chất lượng cao của UT Dallas, trường ở ngoài Mỹ có điểm nghiên cứu cao nhất là INSEAD ở Pháp với 285 bài báo và 127.82 điểm, cao gấp 3.69 lần điểm nghiên cứu chất lượng cao của University of Oxford của Anh. INSEAD không được THE xếp hạng. Nếu ai tham khảo bảng xếp hạng của THE để tìm trường học Business thì chắc chắn bỏ qua INSEAD, một trong những trường Business tốt nhất trên thế giới.
Một lưu ý quan trọng là điểm của THE không phải là thang đo ratio, thậm chí cũng không phải interval. Do đó điểm research quality của THE không cho bạn biết khoảng cách giữa các trường hay là trường này nghiên cứu xịn gấp mấy lần trường kia. Nhưng điểm của UT Dallas là thang đo ratio, nó thể hiện khoảng cách giữa các trường và trường này gấp mấy lần trường kia. Hơn nữa, thang đo của UT Dallas là valid. INSEAD thật sự làm nghiên cứu chất lượng cao gấp 3.69 lần University of Oxford. University of Pennsylvania thật sự làm nghiên cứu chất lượng cao gấp 6.6 lần University of Oxford.
Như mình đã phân tích, thang điểm của THE không có internal validity (bản thân thang đo không valid). Khi so sánh với một thang điểm valid của UT Dallas về nghiên cứu chất lượng cao, điểm research quality của THE hoàn toàn không tương ứng. Do đó, thang điểm của THE cũng không có external validity. Một thang đo không có cả intenal validity và external validity thì hoàn toàn không thể sử dụng được.
Nếu bạn nào quan tâm đến chất lượng nghiên cứu của các đại học về ngành Business, mình nghĩ là bạn chỉ nên quan tâm đến dữ liệu ở UT Dallas mà thôi. Đó là thang điểm duy nhất có validity mà mình được biết về chất lượng nghiên cứu trong các đại học ở ngành Business. Hơn nữa, nó là đang điểm ratio, bạn có thể dùng phép trừ hay phép chia để xem trường này tốt hơn trường kia bao nhiêu. Khi nào có trường của Việt Nam vào được danh sách này chắc là mình sẽ rất vui.
Nếu bạn sử dụng THE để tìm trường học Business thì khả năng cao là bạn sẽ chọn những trường có “ranking” “cao” ở Anh mà bỏ qua nhiều trường thật sự tốt hơn rất nhiều ở Mỹ hoặc Pháp (hay các nước khác mà mình không có thời gian phân tích làm ví dụ). Nghe nói THE là của Anh!
Hôm nay mình tạm ngừng ở đây. Nếu các bạn có nhu cầu thì mình sẽ phân tích tiếp phần chấm điểm xếp hạng của THE theo yếu tố đào tạo (teaching) và môi trường nghiên cứu (research environment).
P.S. Trong bảng xếp hạng của THE, một số trường có chữ “Explore” ở dưới để khuyến khích mọi người tìm hiểu thêm. Mình đoán là phải trả tiền quảng cáo để có chữ đó. UT Dallas không nhận tiền từ bất cứ ai để làm bảng xếp hạng của họ.
Statistics:
Likes: 232, Shares: 34, Comments: 39
Like Reactions: 203, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 3, Love Reactions: 22, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0