Anonymous participant – 2024-09-24 04:40:39
Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chứng kiến một cuộc tranh luận sôi nổi về tính liêm chính khoa học, đặc biệt liên quan đến việc các nhà nghiên cứu liệt kê nhiều cơ quan chủ quản trên các công bố của họ. Vài ngày qua, chúng ta thấy được các quan điểm trái ngược của hai học giả Việt Nam nổi tiếng mà tôi sẽ tóm lược dưới đây:
– Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà toán học đoạt Huy chương Fields danh giá, đang là GS ĐH Chicago lừng danh ở Mĩ, kiêm GĐ Khoa học của Viện NCCC Về Toán:
[https://www.facebook.com/ngobaochau.2/posts/pfbid0ukBqjXzGg1K2MiqogKXdLhygNs1qxLAx9z9Yq6fYT3Vmzx54SWJV1PaKcLBgEWgXl](https://www.facebook.com/ngobaochau.2/posts/pfbid0ukBqjXzGg1K2MiqogKXdLhygNs1qxLAx9z9Yq6fYT3Vmzx54SWJV1PaKcLBgEWgXl),
và
– Giáo sư Nguyễn Đức An, một nhà nghiên cứu truyền thông được kính trọng, ông là giám đốc Trung tâm nghiên cứu truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu tại Đại học Bournemouth, Anh quốc, kiêm chủ tịch hội đồng Viện nghiên cứu truyền thông, văn hóa và xã hội tại Trường đại học Văn Lang:
[https://tuoitre.vn/voi-bach-tuoc-dia-chi-tac-gia-dao-duc-khoa-hoc-o-dau-20240923090826326.htm.](https://tuoitre.vn/voi-bach-tuoc-dia-chi-tac-gia-dao-duc-khoa-hoc-o-dau-20240923090826326.htm)
Công chúng bình thường như chúng ta thường chỉ nghe kể lại, đồn thổi về những nhân vật xuất chúng, nhưng may mắn thay, trong thời đại CN 4.0 này chúng ta được chứng kiến trực tiếp những suy nghĩ, phát ngôn, tầm nhìn, nhận thức của họ mà không phải qua bộ lọc nào.
Cuộc tranh luận này xoay quanh việc các nhà nghiên cứu liệt kê các cơ quan chủ quản khác ngoài nơi làm việc chính của họ trên các công bố học thuật, thường vì lý do tài chính, hoặc do năng suất của họ cao quá cơ quan chủ quản không hấp thụ hết được nên có thể dùng để kiếm thêm,…
GS Châu cho rằng mặc dù thực hành này là “không hay”, nhưng không cấu thành vi phạm đạo đức (mà đúng ra là vi phạm liêm chính). Ông lập luận rằng đây không phải là vấn đề đạo đức nếu cơ quan chính không cấm. Chỗ này GS Châu nhập nhèm giữa vấn đề liêm chính và vấn đề luật pháp nên GS An hoàn toàn không đồng ý, ông lập luận rằng thực hành này thực sự vi phạm đạo đức nghiên cứu, ông chỉ rõ ra rằng đạo đức và pháp luật là những khái niệm riêng biệt – một điều có thể hợp pháp nhưng không đạo đức (cá nhân tôi có thể lấy thêm một ví dụ rằng nếu tôi là một giáo viên Tin học ở trường phổ thông và tôi có nhà ngay trước cổng trường thì tôi hoàn toàn có thể mở một tiệm game xịn sò ngay trong nhà mình một cách hợp pháp, để thu hút học sinh vào chơi, kiếm thêm thu nhập mà không ai làm được gì, nhưng có lẽ việc này có gì đó sai sai ở đây).
GS Châu gợi ý rằng chỉ có cơ quan tuyển dụng mới có thể bị coi là bị tổn hại bởi thực hành này. Trong khi đó, GS An lập luận rằng thực hành này có những hậu quả tiêu cực sâu rộng, vì:
– Nó đánh lừa sinh viên và phụ huynh về năng lực của các cơ sở, dùng những cái hư ảo, không có để đạt thứ hạng cao, kiểm định tốt, ảnh hưởng rộng… tạo thành bánh vẽ lừa dối phụ huynh, sinh viên để tuyển sinh và kiếm tiền.
– Nó không khuyến khích đầu tư thực sự vào cơ sở hạ tầng nghiên cứu, vì khi mà mọi thứ có thể dễ dàng như thế thì các trường đi mua danh nhanh, gọn, lẹ hơn là đầu tư căn cơ và thực chất để phát triển môi trường, văn hóa và chất lượng nghiên cứu.
– Nó cản trở các hợp tác chính đáng giữa các cơ sở, vì nó sẽ trở thành lực cản cho những hợp tác liên trường, liên viện lành mạnh, đàng hoàng.
– Nó làm suy giảm niềm tin của công chúng vào khoa học. Khi nhà khoa học không giữ nổi sự trung thực trong cái cơ bản, tưởng như rõ như ban ngày nhất – ghi tên địa chỉ trường – thì ai biết điều gì xảy ra ở hậu trường các nghiên cứu đó. (Chỗ này tôi muốn bổ sung thêm rằng, nếu tôi mà là bệnh nhân thì chắc rất khó để an tâm chữa bệnh trong bệnh viện của China Medical University dưới sụ điều trị của các bác sĩ do họ đào tạo ([https://cmupt.cmu.edu.tw/en/page/99](https://cmupt.cmu.edu.tw/en/page/99); hoặc như nếu có tiền mua nhà ở Hàn quốc thì chắc cũng khó mà an tâm ở trong nhà do kiến trúc sư hay kĩ sư của Đại học Sejong thiết kế và xây dựng [http://dlarc.sejong.ac.kr/main/main.html](http://dlarc.sejong.ac.kr/main/main.html); việc này cũng giống như nếu tôi là cử tri Mĩ thì tôi cũng khó lòng mà tin vào lời thề hiến pháp của một ông tổng thống đã lừa dối 3 bà vợ của mình,…)
Ngoài ra, không được đề cập trong bài phản biện của GS An, nhưng trong status của mình, GS Châu còn so sánh việc “ghi địa chỉ linh hoạt” của các xuất bản khoa học với việc các nhà báo viết cho nhiều tờ báo dưới các tên khác nhau khi trả lời nhà báo Quý Hiên của tờ Thanh Niên:
([https://www.facebook.com/quyhien/posts/pfbid02SAod6EzhGRQGasipLQZ8hLiZLFaT4ynSbT24MsN6PgR116JtSnRrcDS1PsSnpHaml](https://www.facebook.com/quyhien/posts/pfbid02SAod6EzhGRQGasipLQZ8hLiZLFaT4ynSbT24MsN6PgR116JtSnRrcDS1PsSnpHaml)).
Điều này gây ngạc nhiên, vì bản thân tôi cứ tưởng kiểu so sánh này chỉ nên xảy ra khi người ta muốn ví von, ẩn dụ như các nhà văn nhà thơ trong văn chương của họ, nhưng lỗi nguỵ biện so sánh ẩu (faulty analogy) này lại xảy ra đối với GS Châu, là một nhà toán học đoạt huy chương Fields (mặc dù ông cũng đã có viết tiểu thuyết). Điều này đã bị TS Dương Tú thẳng thừng bác bỏ:
[https://www.facebook.com/tucurie/posts/pfbid0YFmmnVCTBy6xbtAFZo6VHAoQBqp6M5T6x2chAG3TryP98CZDGhaY2z6kt7jmjCYhl](https://www.facebook.com/tucurie/posts/pfbid0YFmmnVCTBy6xbtAFZo6VHAoQBqp6M5T6x2chAG3TryP98CZDGhaY2z6kt7jmjCYhl).
Trong bối cảnh rộng hơn, cuộc tranh luận này phản ánh những căng thẳng lớn hơn trong các lĩnh vực giáo dục đại học và nghiên cứu đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam, gồm áp lực cải thiện xếp hạng và khả năng hiển thị quốc tế, nguồn tài trợ và cơ sở hạ tầng nghiên cứu hạn chế ở nhiều cơ sở, thách thức cân bằng giữa tiến bộ nhanh chóng và các cân nhắc về đạo đức, liêm chính. Kết quả của cuộc tranh luận này có thể ảnh hưởng đáng kể đến chính sách nghiên cứu và hướng dẫn của các cơ sở ở Việt Nam, uy tín khoa học của đất nước trên trường quốc tế, các hợp tác tương lai giữa các nhà nghiên cứu Việt Nam và quốc tế. Vì vậy những tranh luận vừa qua và các tranh luậnt tiếp theo nhằm giải quyết những câu hỏi đạo đức này sẽ rất quan trọng để đảm bảo độ tin cậy và tác động lâu dài của các đóng góp khoa học thực chất của nước nhà khi Việt Nam tiếp tục phát triển năng lực nghiên cứu của mình.
Shared link: https://www.facebook.com/ngobaochau.2/posts/pfbid0ukBqjXzGg1K2MiqogKXdLhygNs1qxLAx9z9Yq6fYT3Vmzx54SWJV1PaKcLBgEWgXl
Statistics:
Likes: 208, Shares: 32, Comments: 52
Like Reactions: 178, Haha Reactions: 24, Wow Reactions: 2, Love Reactions: 2, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0