Alméry Jacqueline – 2024-09-14 23:09:32
**6 nhà xuất bản học thuật lớn bị kiện**
Lucina Uddin, giáo sư Đại học California tại Los Angeles (UCLA), thay mặt một nhóm nhà khoa học và học giả, vừa đệ đơn kiện tập thể chống độc quyền đối với 6 nhà xuất bản thương mại gồm Elsevier, Wiley, Taylor & Francis, Springer Nature, Sage và Wolters Kluwer.
Đơn kiện cáo buộc 6 nhà xuất bản này đã thông đồng chiếm đoạt trái pháp luật hàng tỷ đô la, số tiền đáng lẽ phải được dùng để tài trợ cho nghiên cứu khoa học.
Nội dung đơn kiện gồm 3 điểm chính.
Thứ nhất, các nhà xuất bản đã thỏa thuận với nhau để ấn định giá dịch vụ bình duyệt ở mức bằng 0, buộc nhà nghiên cứu phải bỏ công sức bình duyệt miễn phí cho các nhà xuất bản.
Thứ hai, các nhà xuất bản thỏa thuận không cạnh tranh với nhau để giành bản thảo bài báo bằng cách yêu cầu nhà nghiên cứu chỉ được gửi bản thảo cho một tạp chí tại một thời điểm. Điều này làm giảm đáng kể sự cạnh tranh bằng cách loại bỏ động cơ để xét duyệt bản thảo và công bố những nghiên cứu có giá trị một cách nhanh chóng.
Thứ ba, các nhà xuất bản thỏa thuận cấm nhà nghiên cứu chia sẻ tự do những tiến bộ khoa học được trình bày trong các bản thảo nộp cho tạp chí trong quá trình bình duyệt, thường kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm.
Cả 3 điểm này đều vi phạm đạo luật chống độc quyền của Mỹ.
Ngay từ thời điểm nhà nghiên cứu nộp bảo thảo, các nhà xuất bản hành xử như thể những tiến bộ khoa học được trình bày trong bản thảo là tài sản của họ, chỉ được chia sẻ nếu nhà xuất bản cấp phép. Hơn nữa, trước khi công bố, các nhà xuất bản thường yêu cầu nhà nghiên cứu ký văn bản từ bỏ mọi quyền sở hữu trí tuệ, mà không đổi lại bất cứ điều gì. Từ đó, các bản thảo trở thành tài sản thực tế của nhà xuất bản, và họ thu mức phí tối đa mà thị trường có thể chấp nhận nếu muốn tiếp cận tri thức khoa học.
Đơn kiện cho rằng hoạt động kinh doanh xuất bản học thuật mang lại lợi nhuận cao nhất thế giới bởi hầu hết chi phí đều do người nộp thuế chi trả. Các nhà nghiên cứu nhận tài trợ để tiến hành nghiên cứu, viết bài báo rồi bình duyệt cho nhau. Tuy nhiên, tài sản trí tuệ cuối cùng lại nằm trong tay các nhà xuất bản.
Để rắc muối vào vết thương, nhà xuất bản lại còn bán sản phẩm trí tuệ của nhà khoa học thông qua các hợp đồng truy cập với mức phí cắt cổ, thường cũng do người nộp thuế chi trả.
Hệ thống xuất bản học thuật đã buộc những người đóng thuế trả tiền 3 lần, trong đó chính phủ tài trợ hầu hết cho hoạt động nghiên cứu, trả lương cho những nhà nghiên cứu làm công việc bình duyệt, rồi sau đó phải mua lại các sản phẩm xuất bản.
Tình trạng này dẫn đến nhiều thất bại thị trường, làm suy yếu khả năng của các nhà nghiên cứu trong việc thực hiện công việc của họ và làm chậm đáng kể tốc độ tiến bộ khoa học. Cuộc khủng hoảng bình duyệt ngày càng tồi tệ, theo đó ngày càng khó để tìm được các nhà nghiên cứu cung cấp công sức có giá trị của họ mà không nhận được gì.
Nó cũng kìm hãm khoa học, làm chậm tiến bộ trên mọi lĩnh vực nghiên cứu. Sẽ mất nhiều thời gian hơn để tìm ra phương pháp điều trị ung thư hiệu quả. Sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được những tiến bộ trong khoa học vật liệu hỗ trợ điện toán lượng tử. Sẽ mất nhiều thời gian hơn để tìm ra các công nghệ chống biến đổi khí hậu.
Statistics:
Likes: 173, Shares: 23, Comments: 7
Like Reactions: 144, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 2, Love Reactions: 24, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0