Duong Tu – 2024-08-23 04:49:45
Xin giới thiệu bài viết đầu tiên của Adam Marcus và Ivan Oransky – hai nhà đồng sáng lập trang Retraction Watch – trên báo chí Việt Nam, về bảng xếp hạng “các nhà khoa học xuất sắc nhất” của Research.com, một chủ đề đã được thảo luận sôi nổi trong thời gian qua.
Như hai tác giả, cũng như nhiều phân tích khác đã chỉ ra, bảng xếp hạng nhà khoa học của Research.com quá bát nháo với đầy rẫy sai sót nghiêm trọng, được tạo ra với mục đích kiếm tiền. Thế nhưng, nó lại được không ít cá nhân và đơn vị có quyền lợi liên quan tích cực làm truyền thông và quảng cáo rùm beng như một bảng xếp hạng uy tín.
Xếp hạng nhà khoa học là một việc làm sai lầm và vô nghĩa ngay từ bản chất của nó. Mỗi nhà khoa học với những nghiên cứu rất đa dạng, phong phú và mang vẻ đẹp riêng, đóng góp và phục vụ xã hội theo những cách rất khác nhau. Ấy thế mà những công ty thương mại như Research.com biến chúng ta thành những cỗ máy, giá trị của chúng ta được quy hết thành một vài con số giản đơn và vô hồn do các thuật toán sinh ra, tất cả chỉ nhằm phục vụ mục đích kiếm tiền của họ. Không ai biết “các nhà khoa học xuất sắc nhất” trong những bảng xếp hạng đó nghiên cứu về chủ đề gì, có ý nghĩa gì và mang lại lợi ích gì cho xã hội.
Hơn thế nữa, những chỉ số trắc lượng được dùng để xếp hạng nhà khoa học như số lượng bài báo, số lượt trích dẫn, H index chứa đầy khiếm khuyết và cực kỳ dễ bị thao túng bằng đủ các loại chiêu trò, mánh khóe gian lận. Đáng thất vọng là vẫn còn nhiều người trong cộng đồng khoa học thường xuyên cổ xúy cho những con số công cụ này với tâm thế từ lạm dụng, say mê đến sùng bái.
Điều tồi tệ nhất là những cơ quan quản lý như Bộ Giáo dục và Đào tạo, với sự thiếu hiểu biết và bệnh thành tích của họ, lại xem những bảng xếp hạng thương mại hoàn toàn vô giá trị như của Research.com là “thành tích xuất sắc” để rồi hoạch định và dẫn dắt nền giáo dục và khoa học của đất nước chạy theo những giá trị vừa ảo vừa sai.
***
**VÌ SAO KHÔNG NÊN ‘PHÍ THỜI GIAN’ CHO CÁC BẢNG XẾP HẠNG NHÀ KHOA HỌC?**
**Adam Marcus – Ivan Oransky**
*Adam Marcus là Giám đốc biên tập mảng chăm sóc sức khỏe ban đầu của trang Medscape, còn Ivan Oransky là Tổng biên tập trang The Transmitter, đồng thời là giáo sư ngành báo chí tại Đại học New York. Họ là các nhà đồng sáng lập trang Retraction Watch, một trang báo cáo về việc rút lại các bài báo khoa học và các chủ đề liên quan của Trung tâm liêm chính khoa học, một tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ .*
**Sai sót nghiêm trọng và rất dễ bị thao túng**
Bạn đã từng nghe nói đến bảng xếp hạng “các nhà khoa học xuất sắc nhất” của trang Research.com? Danh sách năm 2024 có 19 nhà khoa học từ Việt Nam – tăng thêm 5 người so với năm 2023. Đây chắc chắn là điều mà người Việt Nam có thể tự hào.
Tuy nhiên, sự thật là bảng xếp hạng này chẳng có giá trị gì. Như báo chí Việt Nam đã tích cực phản ánh, bảng xếp hạng của Research.com quá bát nháo với đầy lỗi và thiếu sót. Vậy tại sao ai cũng chú ý đến nó hoặc đến những bảng xếp hạng khác được quảng cáo rùm beng nhưng luôn có quá nhiều vấn đề, như danh sách “nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới” của nhóm nghiên cứu ở Đại học Stanford?
Câu trả lời rất đơn giản: Vì tiền. Các nhà khoa học xếp hạng cao kiếm được công việc tốt hơn, xin được nhiều đề tài hơn và giành được những giải thưởng lớn hơn. Còn các trường đại học tuyển dụng những nhà khoa học này – nhiều khi chỉ nhằm phục vụ cuộc chơi xếp hạng – sẽ được phân bổ nhiều tiền tài trợ của nhà nước và thu hút được nhiều sinh viên hơn. Sức cám dỗ của các bảng xếp hạng là rất rõ ràng. Nhìn vào một bảng xếp hạng nhà khoa học là việc dễ dàng hơn rất nhiều so với đánh giá các công trình của họ. Nhưng cũng giống như các con đường tắt khác, những bảng xếp hạng như vậy thường sai sót nghiêm trọng và rất dễ bị thao túng, như Báo Thanh Niên đã từng phản ánh.
Giới khoa học toàn cầu bị các chỉ số trắc lượng ám ảnh. Trung Quốc đã “làm xiếc” với nhiều chỉ số để được tờ The Economist vinh danh là “siêu cường khoa học” bởi nước này “đứng đầu bảng xếp hạng Nature Index, do nhà xuất bản cùng tên lập ra, đếm số bài báo công bố trên các tạp chí danh tiếng”.
Tuy nhiên, Trung Quốc đóng góp tới hơn một nửa trong số 50.000 bài báo đã bị gỡ bỏ trên toàn cầu (con số này đang tăng lên từng ngày). Các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã và vẫn đang nhận được những khoản tiền thưởng kếch xù – có lẽ nhiều hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới – cho bài báo công bố trên các tạp chí có thứ hạng cao. Việc xuất bản bài báo còn là yêu cầu đối với giảng viên lâm sàng ở các trường y, những người mà cả công việc lẫn quá trình đào tạo của họ đều không liên quan đến nghiên cứu.
Chẳng có gì ngạc nhiên khi một khảo sát gần đây cho thấy các nhà khoa học ở Trung Quốc phải chịu áp lực khiến họ buộc phải gian lận dưới hình thức tạo ra những băng nhóm trích dẫn lẫn nhau hoặc mua bài từ các lò sản xuất bài báo. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở riêng Trung Quốc. Như chúng tôi đã phản ánh, một trường nha khoa tại Ấn Độ đã tự trích dẫn hàng loạt để bơm thổi thứ hạng của họ. Ở Ả Rập Xê Út, một số trường đại học dùng đến chiêu trò khác, đó là tuyển dụng nhiều nhà toán học danh tiếng làm giảng viên danh dự để giành lấy các trích dẫn của họ.
**Hãy đóng các trang xếp hạng lại…**
Đại diện của trang Research.com vừa liên hệ với chúng tôi, nói rằng trang web Retraction Watch mà chúng tôi đồng sáng lập “có cùng sứ mệnh cung cấp tài nguyên giáo dục chất lượng cao” với họ, và rằng họ “cởi mở với những cách thức khác nhau để cải thiện và mở rộng nội dung này cũng như các dạng hợp tác khác”.
Chúng tôi nghĩ đây là cơ hội tuyệt vời để chất vấn Research.com về những phản ánh gần đây của báo chí Việt Nam liên quan đến bảng xếp hạng “các nhà khoa học xuất sắc nhất” của họ. Và họ hồi âm: “Chúng tôi đồng ý rằng có những vấn đề trong bảng xếp hạng của mình”, “Chúng tôi đang nghiêm túc xem xét lo ngại của các nhà khoa học và tích cực từng bước tháo gỡ chúng”.
Rồi họ quay trở lại với lợi ích thực sự mà họ theo đuổi, đó là “trao đổi bài viết giữa các trang web của chúng ta”. Đây là một kỹ thuật đăng tin bài rác nhằm đánh lừa thuật toán tìm kiếm của Google mà bạn có thể chờ đợi từ trang web sử dụng một bảng xếp hạng nhà khoa học đầy sai sót để thu hút chú ý. Và không có gì ngạc nhiên, lần này họ giới thiệu chúng tôi với cộng sự của họ, một nhân viên của Intercorp Media, “đơn vị chuyên thu hút khách hàng tiềm năng, tập trung vào mảng thúc đẩy tăng trưởng cho các công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây kết nối các doanh nghiệp”.
Nói cách khác, đó là một công ty marketing. Chúng tôi hỏi họ có quan hệ như thế nào với Intercorp. Họ không trả lời câu hỏi này.
Kiểu xếp hạng này không phải là thứ mà chúng ta nên để tâm. Nói thẳng ra, không có bảng xếp hạng nhà khoa học nào đáng để chúng ta mất thời gian. Nếu bạn muốn đánh giá chất lượng nghiên cứu – hay quan trọng hơn là độ tin cậy của công trình – hãy đóng các trang xếp hạng lại, mở bài báo của nhà khoa học ra, rồi đọc nó.
Shared link: https://thanhnien.vn/vi-sao-khong-nen-phi-thoi-gian-cho-cac-bang-xep-hang-nha-khoa-hoc-185240822195312368.htm
Statistics:
Likes: 276, Shares: 44, Comments: 34
Like Reactions: 244, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 29, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0