Alméry Jacqueline – 2024-08-21 23:22:48
**Xử lý việc thao túng trích dẫn: Lời khuyên cho tác giả, phản biện và biên tập viên**
*Bài viết mới công bố tháng 4-2024 của Vadim A. Markel, Giáo sư Đại học Pennsylvania và là biên tập viên tạp chí Results in Physics.*
Tình trạng các phản biện yêu cầu tác giả phải trích dẫn những bài báo mà phản biện đứng tên đang ngày càng gia tăng đến mức báo động. Những yêu cầu này không thỏa đáng khi mục đích của chúng nhằm bơm thổi chỉ số trích dẫn của phản biện hơn là nâng cao chất lượng bản thảo của tác giả.
Ủy ban Đạo đức Xuất bản (Committee on Publication Ethics) đã đưa ra hướng dẫn sau đây cho phản biện:
“Tránh gợi ý tác giả thêm trích dẫn đến các bài báo của bạn (hoặc cộng sự) chỉ nhằm mục đích tăng số lượt trích dẫn hoặc để quảng cáo cho nghiên cứu của bạn vàc cộng sự; gợi ý trích dẫn phải dựa trên những lý do vững chắc về học thuật hay kỹ thuật”.
Trong thư mời phản biện, tạp chí Results in Physics thường xuyên nhắc nhở phản biện như sau:
“Là một phản biện, chúng tôi khuyến cáo bạn không được yêu cầu các tác giả trích dẫn bài báo của bạn, hoặc trích dẫn nghiên cứu của những người cộng tác với bạn. Trong một số trường hợp hạn chế khi việc này thực sự cần thiết, những yêu cầu như vậy phải được đưa ra một cách rõ ràng với đầy đủ bằng chứng cho thấy đây không phải hành vi tự quảng cáo cho nghiên cứu của bản thân. Ban biên tập giữ quyền loại bỏ các yêu cầu trích dẫn do phản biện đưa ra”.
Những yêu cầu trích dẫn bất hợp lý có những dấu hiệu sau:
1. Những bài báo mà phản biện yêu cầu trích dẫn không được liệt kê đầy đủ thông tin, với tên các tác giả bị loại bỏ, hoặc chỉ có tên tác giả đầu (thường khác với tên phản biện). Thông thường, phản biện chỉ đưa ra mã số DOI của bài báo. Cách làm này nhằm giấu biên tập viên chuyện phản biện là đồng tác giả của tất cả hay hầu hết những bài báo mà phản biện yêu cầu trích dẫn.
2. Vài bài báo được liệt kê mà không kèm theo giải thích về nội dung từng bài cũng như lý do cụ thể tại sao những bài báo đó lại cần thiết cho bản thảo.
3. Yêu cầu trích dẫn được đưa ra một cách chung chung, thường dưới dạng gợi ý rằng các tác giả nên “làm phong phú thêm phần thảo luận”, hoặc các tác giả nên so sánh kết quả của họ với những bài báo gần đây.
4. Phần còn lại của báo cáo bình duyệt rất nông cạn và sơ sài, thường thể hiện dưới dạng đánh số vài bình luận về những điểm nhỏ hoặc không quan trọng của bản thảo, hay là những câu hỏi rất ít liên quan.
5. Báo cáo bình duyệt nói rõ ràng rằng phản biện muốn xem lại bản thảo chỉnh sửa trước khi đưa ra quyết định.
6. Báo cáo bình duyệt được viết cẩu thả và một số bình luận rất khó hiểu.
7. Phản biện có hành vi yêu cầu trích dẫn bất hợp lý thường nhận lời bình duyệt cả những bản thảo xa chuyên môn của họ. Biên tập viên có thể thấy những phản biện này có số lượng báo cáo bình duyệt nhiều hơn hẳn so với các phản biện khác. Đôi khi, báo cáo bình duyệt cho nhiều bản thảo từ cùng một phản biện chứa những phần tương tự hoặc giống nhau, đặc biệt là phần yêu cầu thêm trích dẫn.
Các biên tập viên nên xem xét hành vi thao túng trích dẫn khi phát hiện một hoặc nhiều dấu hiệu trên.
**Lời khuyên cho phản biện**
1. Luôn cung cấp đầy đủ thông tin trích dẫn về bất kỳ bài báo nào được nhắc đến trong báo cáo bình duyệt, bao gồm danh sách đầy đủ các tác giả.
2. Khi yêu cầu các tác giả trích dẫn một tài liệu, cần giải thích chi tiết lý do tại sao. Một số phần của bản thảo có thể không đảm bảo tính mới hoặc trái ngược với những kết quả đã công bố trước đó. Nếu vậy, cần chỉ ra vấn đề này một cách nhã nhặn. Nếu có thể, cần chỉ rõ phương trình, hình ảnh hay dữ liệu cụ thể.
3. Khi gợi ý một tài liệu tham khảo, chỉ cần đưa ra bài báo đầu tiên hoặc đầy đủ nhất trong loạt bài. Các tác giả có đủ khả năng tiếp tục tìm kiếm những bài liên quan.
4. Nếu bản thảo không đảm bảo tính mới, nên từ chối. Chỉ nên khuyến cáo chỉnh sửa hoặc thêm trích dẫn nếu bản thảo chứa một số phần không mới nhưng kết quả chính vẫn mới.
5. Cần đảm bảo đánh giá tất cả các khía cạnh của bản thảo chứ không chỉ chăm chăm vào những trích dẫn thiếu.
6. Không được ngụ ý rằng quyết định cuối cùng của bạn tùy thuộc vào việc các tác giả có trích dẫn một bài báo cụ thể nào hay không.
**Lời khuyên cho tác giả**
1. Nếu bạn nhận được yêu cầu trích dẫn bất hợp lý, đừng làm theo. Mặc dù có vẻ như việc làm theo yêu cầu của phản biện là cách dễ dàng nhất để bài báo được chấp nhận công bố, những trích dẫn không phù hợp có thể làm giảm giá trị khoa học của công trình và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của bạn. Thay vào đó, hãy báo cho biên tập viên biết về hành vi yêu cầu trích dẫn bất hợp lý của phản biện.
2. Đừng trích dẫn hàng loạt (chẳng hạn: “đã có nhiều nghiên cứu gần đây về pin mặt trời [1-56]”). Nên trích dẫn tài liệu vì những lý do cụ thể và chỉ trích dẫn những bài liên quan trực tiếp đến nghiên cứu của bạn, trừ khi bạn viết bài tổng quan. Đừng trích dẫn tài liệu chỉ vì tác giả của nó nổi tiếng. Đừng trích dẫn tài liệu chỉ để củng cố cho những luận điểm không quan trọng hoặc là kiến thức phổ quát.
3. Tuy nhiên, cần trích dẫn những tài liệu là nền tảng cho nghiên cứu của bạn, nơi bạn tham khảo về phương pháp, hoặc chứa những kết quả liên quan trực tiếp. Hãy nhớ rằng: ghi nhận đóng góp của các nhà khoa học khác không hề làm mất ảnh hưởng hay tầm quan trọng của nghiên cứu mà bạn tiến hành; ngược lại, làm như vậy sẽ giúp nghiên cứu của bạn chặt chẽ hơn và đảm bảo liêm chính khoa học.
4. Khi tự trích dẫn công trình của chính bạn, cần minh bạch điều này với độc giả. Chẳng hạn, nếu [A] là tài liệu tự trích dẫn, thay vì viết “tài liệu [A] cho biết rằng”, hãy viết “chúng tôi chỉ ra trong tài liệu [A] rằng”.
5. Tránh trích dẫn gây lạc lối hoặc gây phiền phức. Cần trích dẫn theo cách mà độc giả có thể đưa ra quyết định có nên đọc tài liệu được trích dẫn không, chứ không phí thời gian tìm đến các tài liệu không liên quan hoặc bế tắc.
**Lời khuyên cho biên tập viên**
1. Cần thường xuyên kiểm tra các yêu cầu trích dẫn bất hợp lý trong tất cả các báo cáo bình duyệt.
2. Nếu một báo cáo bình duyệt chứa yêu cầu trích dẫn bất hợp lý một cách rõ ràng nhưng các nội dung khác hợp lý, cần bỏ đi yêu cầu trích dẫn bất hợp lý trước khi chuyển nhận xét cho các tác giả. Có thể giữ khuyến cáo “tác giả nên tham khảo những tài liệu gần đây” mà không kèm theo bài báo cụ thể nào. Cần nói rõ trong thư mời phản biện rằng ban biên tập giữ quyền loại bỏ các yêu cầu trích dẫn do phản biện đưa ra.
3. Nếu một báo cáo bình duyệt chứa yêu cầu trích dẫn bất hợp lý và không có giá trị, không chuyển báo cáo đó cho các tác giả và nên mời thêm phản biện khác.
4. Không đưa ra quyết định chỉ dựa trên các báo cáo bình duyệt chứa yêu cầu trích dẫn bất hợp lý.
5. Một phản biện nộp báo cáo bình duyệt không có giá trị, chứa yêu cầu trích dẫn bất hợp lý một cách rõ ràng, thực hiện hành vi này một cách chủ ý và với hiểu biết rằng đây là hành vi trái đạo đức. Không bao giờ mời phản biện này thêm một lần nào nữa.
Statistics:
Likes: 118, Shares: 23, Comments: 5
Like Reactions: 109, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 7, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0