Alméry Jacqueline – 2024-08-07 22:51:15
**Nhiều hơn không phải là tốt hơn: cuộc khủng hoảng đang gia tăng trong xuất bản khoa học**
**Sự bùng nổ xuất bản**
Ham muốn của các nhà xuất bản thương mại để tăng lợi nhuận, các trường đại học leo thứ hạng, các nhà nghiên cứu để nâng cao sự nghiệp đều làm tăng thêm nỗi ám ảnh về việc xuất bản các bài báo. Điều này đã dẫn đến mức gia tăng 47% từ năm 2016 đến năm 2022 về số lượng bài báo được xuất bản trên toàn cầu. Chưa hết, chúng ta nên chờ đợi một sự tăng trưởng đột phá hơn nữa do sự phổ biến của các mô hình ngôn ngữ lớn từ cuối năm 2022.
Trong giai đoạn 2016-2022, số lượng nghiên cứu sinh tiến sĩ trên toàn cầu hoặc nguồn tài trợ cho khoa học không tăng ròng nhiều. Năng suất đăng bài tăng lên hàm ý rằng các nhà khoa học đột nhiên trở nên sáng tạo hơn nhiều trong thời gian đó, hoặc đã dành nhiều thời gian hơn để viết và phản biện các bài báo: năng suất đăng bài tăng nhưng năng suất khoa học lại giảm. Đã bao nhiêu thời gian viết báo được lấy từ hoạt động giảng dạy, từ giao tiếp với công chúng, từ công việc xuyên ngành, từ đổi mới thương mại và xuất bản ba bài báo khi mà trước đây chỉ một bài được cho là cần thiết?
**Tại sao xuất bản quá mức?**
Về mặt khoa học, xu hướng bùng nổ xuất bản được thúc đẩy bởi sự cạnh tranh ở cấp độ cá nhân và thể chế. Về mặt thương mại, chúng tôi cho rằng nó được thúc đẩy bởi nhu cầu học thuật (do các yếu tố trên) và tìm kiếm lợi nhuận trong một thị trường vốn đã sinh lợi. Việc các nhà xuất bản luôn tìm mọi cách đăng nhiều bài hơn đã dẫn đến chuyện hàng loạt ban biên tập từ chức để phản đối tình trạng thương mại hóa quá mức hoạt động xuất bản khoa học.
Mô hình kinh doanh thương mại đã khuyến khích sự phát triển của cái gọi là “xuất bản săn mồi” – sản xuất các bài báo để kiếm lời, có ít giá trị khoa học và tiêu chuẩn biên tập thấp. Các lò bán bài liên tục đẻ báo khiến hệ thống xuất bản tràn ngập những bài báo dỏm. Điều thú vị là, bài báo của các lò bán bài thường trông không khác gì những bài nghiên cứu đáng tin cậy. Chỉ khi đọc kỹ từng dòng mới có thể phát hiện ra những cụm từ bị xuyên tạc (tortured phrase) được sử dụng trong văn bản, với những bảng biểu, số liệu giả mạo.
Hoạt động mua bán vị trí tác giả bài báo cũng trở nên sôi động. Ban biên tập nhiều tạp chí đang bị xâm nhập bởi những kẻ không đáng tin cậy. Hơn nữa, các hoạt động như tăng cường trích dẫn một cách giả tạo để làm cho hồ sơ của các nhà nghiên cứu trông hấp dẫn hơn hiện rất phổ biến. Thật không may, cho đến nay vẫn chưa có hành động đáng tin cậy và rộng rãi nào được cộng đồng học thuật thực hiện để giải quyết những vấn nạn này.
**Một cú đánh vào lòng tin của công chúng**
Vụ việc nhà xuất bản Wiley phải xóa sổ hoàn toàn thương hiệu Hindawi do bị các lò bán bài xâm nhập ở quy mô quá lớn làm dấy lên mối lo ngại không chỉ về cơ chế kiểm soát chất lượng trong phần lớn hệ thống xuất bản học thuật mà còn có về tình trạng các nghiên cứu gian lận gây ô nhiễm kho tài liệu khoa học.
Hậu quả của việc xuất bản khoa học giả mạo và không đáng tin cậy có thể là thảm họa về lâu dài. Niềm tin của công chúng vào khoa học tiếp tục bị xói mòn. Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào năm 2021 đã chỉ ra rằng niềm tin của người Mỹ vào khoa học và các nhà khoa học tiếp tục giảm sút như thế nào, chẳng hạn như trong số những người ủng hộ đảng Cộng Hòa, “chỉ 13% rất tin tưởng vào các nhà khoa học, giảm từ mức 27% vào tháng 1 năm 2019 và tháng 4 năm 2020”. Tình hình ở đâu cũng giống nhau.
Shared link: https://council.science/blog/more-is-not-better-the-developing-crisis-of-scientific-publishing/
Statistics:
Likes: 82, Shares: 13, Comments: 5
Like Reactions: 71, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 8, Sad Reactions: 1, Angry Reactions: 0