Duong Tu – 2021-03-13 14:39:31
**TRÍCH DẪN THẾ KỶ 21**
Tám năm trước, cuốn sách “Le Capital au XXIe siècle” (bản tiếng Việt “Tư bản thế kỷ 21” sắp được Nhà xuất bản Trẻ phát hành trong tháng 3 này) của nhà kinh tế học người Pháp Thomas Piketty đã lập tức thu hút sự chú ý của cả thế giới ngay khi nó ra đời. Trọng tâm của cuốn sách xoay quanh một bất phương trình rất đơn giản: r > g, với r là tỷ lệ lợi nhuận trung bình từ vốn còn g là tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.
Bất phương trình này hàm ý rằng tốc độ giàu lên của những người đang nắm sẵn vốn trong tay nhanh hơn mặt bằng tích lũy tài sản của toàn xã hội, nghĩa là người giàu sẽ ngày một giàu thêm theo đúng hiệu ứng Matthew. Nói cách khác, khoảng cách giàu nghèo, sự bất bình đẳng về thu nhập và tài sản trong xã hội ngày càng bị nới rộng.
Để minh họa: trong vòng 30 năm qua, thu nhập của nhóm 1% người giàu nhất thế giới đã tăng 300% trong khi nhóm 50% nghèo nhất có thu nhập không đổi. Hệ quả là kể từ năm 2015, 1% người giàu nhất có nhiều tiền hơn phần còn lại của thế giới. Tại Mỹ, 1% người giàu nhất hiện chiếm giữ lần lượt 20% và 35% thu nhập và tài sản, trong khi 90% người nghèo nhất chia nhau 50% thu nhập và 30% tài sản quốc gia. Còn ở Việt Nam, thu nhập hàng ngày của người giàu nhất tương đương với số tiền những người nghèo nhất kiếm được trong 10 năm.
**Bất bình đẳng về trích dẫn**
Tháng trước, hai nhà nghiên cứu Đan Mạch vừa công bố một nghiên cứu mới trên tạp chí danh tiếng PNAS, cho thấy sự bất bình đẳng về trích dẫn các công trình khoa học cũng đang tăng nhanh trong hai thập niên gần đây.
Trong công trình “Global citation inequality is on the rise” (https://www.pnas.org/content/118/7/e2012208118), các tác giả đã tiến hành phân tích 26 triệu bài báo khoa học của 4 triệu tác giả thuộc 118 ngành trong khoảng thời gian 15 năm. Phát hiện quan trọng từ công trình này là một nhóm nhỏ nhà khoa học thuộc nhóm tinh hoa (elite scientists) có tỷ lệ trích dẫn ngày càng lớn hơn và sự bất bình đẳng về trích dẫn đang trên đà gia tăng. Cụ thể:
– Tỷ lệ trích dẫn của nhóm 1% nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều nhất đã tăng từ 14% lên 21% trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2015, nghĩa là vào năm 2015, tính trung bình cứ 5 trích dẫn bất kỳ có 1 trích dẫn đến các công trình của nhóm 1% tinh hoa.
– Hệ số Gini về mất cân bằng trích dẫn tăng từ 0,65 lên 0,70 trong cùng khoảng thời gian. Hệ số này thường được các nhà kinh tế dùng để biểu thị mức độ bất bình đẳng trong phân phối thu nhập giữa các tầng lớp dân cư, với giá trị từ 0 tượng trưng cho sự bình đẳng tuyệt đối (hay tất cả mọi người đều có cùng mức thu nhập) đến 1 hàm ý bất bình đẳng tuyệt đối (khi một người chiếm toàn bộ thu nhập trong khi tất cả những người khác không có thu nhập).
Nghiên cứu cũng cho thấy những nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất ngày càng tập trung ở các đại học hàng đầu tại Tây Âu và Úc, trong khi giảm nhẹ ở Mỹ.
**Độc quyền ý tưởng**
Mặc dù hợp tác nghiên cứu gia tăng trong cộng đồng khoa học, số lượng công bố của các nhà nghiên cứu bình thường giảm đôi chút trong khi nhóm tinh hoa lại xuất bản nhiều hơn. Điều này là do nhóm tinh hoa được hưởng “lợi thế hợp tác” (“collaborative advantage”) từ mạng lưới cộng sự rộng lớn, có khả năng hợp tác rộng rãi với nhiều đồng tác giả hơn nên năng suất công bố tăng lên.
Các tác giả bàn luận rằng sự phân chia giai tầng trong khoa học có xu hướng tự củng cố (self-reinforcing) giống như trong các hệ thống xã hội khác. Trong bất kỳ môi trường nào, cạnh tranh là xu thế lành mạnh, và sự xuất hiện của nhóm tinh hoa trong khoa bảng cũng là hệ quả của cạnh tranh. Tuy nhiên, khi sự bất bình đẳng gia tăng, nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh cũng tăng theo.
Thật vậy, các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều có khả năng nhận được tiền tài trợ cao hơn, cho phép họ mở rộng phòng thí nghiệm và mạng lưới hợp tác, cuối cùng lại dẫn đến sự gia tăng số lượng công bố và trích dẫn. Trong hệ thống khoa bảng hiện nay khi quyết định về tài trợ, tuyển dụng và đề bạt dựa nhiều vào các chỉ số trắc lượng khoa học, xu hướng bất bình đẳng về phân phối tiền tài trợ nghiên cứu, số lượng công bố lẫn trích dẫn được dự đoán là sẽ ngày càng gia tăng.
Hai câu hỏi thú vị được các tác giả đặt ra từ những phân tích này:
1. Sự gia tăng bất bình đẳng này có dẫn đến độc quyền ý tưởng, cản trở cạnh tranh sáng tạo, hạn chế sự đa dạng của các lý thuyết, mô hình, phương pháp cũng như làm giảm cơ hội phát triển các hướng nghiên cứu mới khi mà những ý tưởng và góc nhìn từ các nhóm khác ngoài nhóm tinh hoa sẽ ít được chú ý hơn?
2. Xu hướng tập trung trích dẫn vào nhóm tinh hoa có thể là biểu hiện của thị trường khoa bảng đã quá đông đúc. Trong khi chỉ một nhóm nhỏ tinh hoa đóng góp chính vào sự tiến bộ của khoa học, liệu có thể giảm bớt đi rất nhiều nhà nghiên cứu mà không ảnh hưởng đến quá trình tiến bộ này?
**Hạn chế**
Các tác giả cũng chỉ ra một số hạn chế của nghiên cứu:
– chưa tiến hành phân tích theo độ tuổi, vốn là yếu tố quan trọng liên quan đến khả năng một nhà nghiên cứu gia nhập nhóm tinh hoa;
– số lượng trích dẫn chưa phải điều kiện đủ để một nhà khoa học gia nhập nhóm tinh hoa bởi điều này còn phụ thuộc nhiều yếu tố khác như khả năng tiếp cận các nguồn lực cho nghiên cứu, mối quan hệ với các thành viên khác trong nhóm tinh hoa cũng như ảnh hưởng của nhà khoa học đó đối với các hoạt động nghiên cứu trong ngành;
– nghiên cứu có khả năng cao bao gồm không ít tác giả có nhiều trích dẫn nhưng là trích dẫn ảo bằng cách tự trích dẫn quá mức, tạo ra các băng nhóm trích dẫn lẫn nhau (citation farms) và tác giả ma (ghost authorship). Những tác giả này tuy có rất nhiều trích dẫn nhưng không hề có ảnh hưởng trong giới nghiên cứu như các nhà khoa học đầu ngành.
**Dự án “Scientific Elites”**
Công trình này là nghiên cứu mở đầu của dự án “Scientific Elites” do Quỹ Nghiên cứu Độc lập Đan Mạch tài trợ, nhằm đánh giá quá trình “phân chia giai cấp” trong khoa học nơi một tầng lớp nhỏ các nhà nghiên cứu tinh hoa được hưởng nhiều đặc quyền về nguồn tiền tài trợ, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện nghiên cứu, mạng lưới hợp tác, danh tiếng và ảnh hưởng: http://scientificelites.org/project.
Dự án kéo dài đến năm 2024 này đặt mục tiêu làm sáng tỏ (i) sự thay đổi đặc điểm nhân khẩu của nhóm tinh hoa khoa học trên toàn cầu; (ii) địa vị tinh hoa cũng như những lợi thế của nó được hình thành và truyền lại qua các thế hệ ra sao; và (iii) cơ chế “nhóm tinh hoa kín” giúp duy trì sự bất bình đẳng trong khoa học như thế nào?
Statistics:
Likes: 197, Shares: 35, Comments: 41
Like Reactions: 179, Haha Reactions: 1, Wow Reactions: 1, Love Reactions: 15, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0