Alméry Jacqueline – 2024-07-18 23:09:33
**Các tạp chí học thuật là một trò lừa đảo béo bở – và chúng tôi quyết tâm thay đổi điều đó**
***Arash Abizadeh***
Các nhà xuất bản khổng lồ đang làm cạn kiệt nguồn lực của các trường đại học, với tỷ suất lợi nhuận ngang bằng với Google. Vì vậy, chúng tôi quyết định bắt đầu xây dựng các tạp chí của cộng đồng khoa học.
*Arash Abizadeh là một triết gia và là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học McGill, Canada*
Nếu bạn đã từng đọc một bài báo học thuật, rất có thể bạn đã vô tình bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với một cỗ máy sinh lời khổng lồ chuyên bóc lột sức lao động miễn phí của các nhà nghiên cứu và bòn rút công quỹ.
Doanh thu hàng năm của 5 nhà xuất bản thương mại lớn (“big five”) – Elsevier, Wiley, Taylor & Francis, Springer Nature và SAGE – lên tới hàng tỷ USD cho mỗi cái tên này, và một số nhà xuất bản có tỷ suất lợi nhuận đáng kinh ngạc lên tới 40%, thậm chí vượt qua cả Google. Trong khi đó, các học giả thực hiện miễn phí hầu hết công việc quan trọng để xuất bản những bài báo này: chúng tôi làm nghiên cứu, viết bài, đánh giá chất lượng bài báo và biên tập các tạp chí.
Những nhà xuất bản này chẳng những không trả tiền cho sản phẩm của chúng tôi mà họ lại còn bán quyền truy cập các tạp chí này cho chính các trường đại học và tổ chức đã tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và biên tập. Trường đại học cần truy cập các tạp chí vì đây là nơi phổ biến hầu hết các nghiên cứu tiên tiến nhất. Nhưng chi phí thuê bao các tạp chí này đã trở nên đắt đỏ đến mức một số trường đại học đang phải vật lộn để mua được chúng. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu (chưa kể đến công chúng nói chung) vẫn bị chặn bên ngoài bức tường chi phí, không thể truy cập thông tin họ cần. Nếu trường đại học hoặc thư viện của bạn không đăng ký thuê bao các tạp chí, việc tải xuống một bài báo về triết học hoặc chính trị có thể tốn từ £30 đến £40.
Sự kìm hãm thương mại đối với việc xuất bản học thuật đang gây thiệt hại đáng kể cho nền văn hóa tri thức và khoa học của chúng ta. Khi thông tin sai lệch và tuyên truyền lan truyền tự do trên mạng, nghiên cứu và tri thức thực sự vẫn bị kiểm soát và cực kỳ đắt đỏ. Trong vài năm qua, tôi làm biên tập viên cho Philosophy & Public Affairs, một trong những tạp chí hàng đầu về triết học chính trị. Tạp chí này được thành lập vào năm 1972 và đã xuất bản nghiên cứu của các triết gia nổi tiếng như John Rawls, Judith Jarvis Thomson và Peter Singer. Nhiều ý tưởng có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực của chúng tôi, về các chủ đề từ phá thai và dân chủ đến nạn đói và chủ nghĩa thực dân, đều bắt đầu từ những trang của tạp chí này. Nhưng đầu năm nay, tôi và các biên tập viên khác cùng toàn thể ban biên tập của chúng tôi đã quyết định rằng chúng tôi đã chịu đựng đủ và đồng loạt từ chức.
Chúng tôi đã chán ngán hoạt động xuất bản học thuật và quyết định thử làm một điều gì đó khác biệt. Chúng tôi muốn ra mắt một tạp chí có thể truy cập mở thực sự, đảm bảo bất kỳ ai cũng có thể đọc các bài báo của chúng tôi. Tạp chí này sẽ được xuất bản bởi Open Library of Humanities, một nhà xuất bản phi lợi nhuận được tài trợ bởi một nhóm thư viện và các tổ chức khác. Khi xuất bản học thuật được thực hiện trên cơ sở phi lợi nhuận, nó hoạt động khá tốt. Những nhà xuất bản này cung cấp dịch vụ thực sự và thường bán sản phẩm cuối cùng với mức giá hợp lý cho cộng đồng của họ. Vậy tại sao không có nhiều hơn những nhà xuất bản như vậy?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải quay lại vài thập kỷ trước, khi các nhà xuất bản thương mại bắt đầu mua lại tạp chí của các trường đại học. Lợi dụng thế độc quyền, họ tăng giá mạnh. Ngày nay, thư viện đăng ký thuê bao một tạp chí về khoa học xã hội hoặc nhân văn thường tốn hơn 1.000 bảng Anh một năm. Tệ hơn nữa, các nhà xuất bản thường “đóng gói” các tạp chí lại với nhau, buộc các thư viện phải mua những tạp chí họ không muốn để có quyền truy cập những tạp chí họ cần. Từ năm 2010 đến 2019, các trường đại học tại Vương quốc Anh đã phải trả hơn 1 tỷ bảng Anh tiền thuê bao tạp chí và các khoản phí xuất bản khác. Hơn 90% số tiền này được trả cho nhóm 5 nhà xuất bản thương mại lớn (UCL và Manchester phải chi hơn 4 triệu bảng cho mỗi nhà xuất bản). Cần nhớ rằng các trường đại học đã tài trợ cho nghiên cứu, trả lương cho các học giả, và sau đó lại phải trả hàng triệu bảng cho các nhà xuất bản thương mại để được phép truy cập sản phẩm nghiên cứu cuối cùng.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là các nhà xuất bản này thường thu tiền tác giả muốn đăng bài trên tạp chí của họ. Trong những năm gần đây, các nhà xuất bản đã bắt đầu chào bán cái gọi là các bài báo “truy cập mở” để đọc miễn phí. Nhìn bề ngoài, điều này nghe có vẻ như là một cải tiến đáng hoan nghênh. Nhưng các nhà xuất bản vì lợi nhuận chỉ cung cấp quyền truy cập mở cho độc giả bằng cách thu phí đăng bài từ các tác giả, thường là hàng nghìn bảng Anh, để xuất bản các bài báo của chính họ. Ai là người cuối cùng phải trả những khoản phí tác giả này? Một lần nữa, chính là các trường đại học. Chỉ riêng trong năm 2022, các tổ chức giáo dục đại học của Vương quốc Anh đã phải trả hơn 112 triệu bảng cho 5 nhà xuất bản lớn để đảm bảo xuất bản truy cập mở cho các tác giả của họ.
Xu hướng này đang có tác động tiêu cực đến việc sản xuất tri thức. Các nhà xuất bản thương mại được khuyến khích cố gắng xuất bản càng nhiều bài báo và nhiều tạp chí càng tốt vì mỗi bài báo tăng thêm đều mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Điều này dẫn đến sự gia tăng của các tạp chí rác đăng nghiên cứu giả mạo và làm tăng áp lực lên các tạp chí nghiêm túc phải nới lỏng việc kiểm soát chất lượng của họ. Chưa bao giờ rõ ràng hơn, xuất bản vì lợi nhuận đơn giản là không phù hợp với hoạt động nghiên cứu học thuật.
Có một giải pháp thay thế rõ ràng: các trường đại học, thư viện và các tổ chức tài trợ có thể tự mình cắt bỏ các bên trung gian và tài trợ trực tiếp cho các tạp chí với chi phí thấp hơn nhiều. Điều này sẽ loại bỏ áp lực thương mại khỏi quá trình biên tập, duy trì tính liêm chính của hoạt động biên tập và giúp tất cả mọi người có thể tiếp cận nghiên cứu một cách miễn phí. Thuật ngữ cho hình thức xuất bản này này là truy cập mở “kim cương”, có nghĩa là các nhà xuất bản không thu phí tác giả, biên tập viên hay độc giả (đây là cách tạp chí mới của chúng tôi sẽ hoạt động). Các thủ thư đã thúc giục điều này trong nhiều năm. Vậy tại sao các học giả vẫn chưa chuyển sang các tạp chí kim cương?
Lý do là các tạp chí như vậy đòi hỏi các nguồn tài trợ thay thế, và ngay cả khi có nguồn tài trợ đó, các học giả vẫn phải đối mặt với một vấn đề hành động tập thể lớn: chúng tôi muốn có một môi trường xuất bản mới nhưng mỗi người trong chúng tôi, riêng lẻ, được khuyến khích mạnh mẽ để gắn bó với hiện trạng. Sự thăng tiến nghề nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất bản trên các tạp chí có uy tín và được công nhận tên tuổi, và những tạp chí này thường thuộc sở hữu của các nhà xuất bản thương mại. Nhiều học giả – đặc biệt là các nhà nghiên cứu mới bắt đầu sự nghiệp đang cố gắng tìm kiếm vị trí lâu dài trong một thị trường việc làm cực kỳ khó khăn – không dám thử đăng bài trên các tạp chí mới, chưa được kiểm chứng.
Đây là lý do tại sao, với tư cách là biên tập viên của một trong những tạp chí hàng đầu lĩnh vực của mình, chúng tôi cảm thấy có trách nhiệm mạnh mẽ trong việc giúp xây dựng động lực tập thể hướng tới một thỏa thuận tốt hơn: một mô hình xuất bản không còn lãng phí lượng lớn tài nguyên công để làm lợi cho các tập đoàn tư nhân, đảm bảo tính độc lập trong biên tập, chống lại áp lực kiếm lợi nhuận và chia sẻ nghiên cứu miễn phí cho mọi người. Đây không chỉ là một vấn đề học thuật. Một cuộc cách mạng trong lĩnh vực xuất bản cũng có thể giúp ngăn chặn làn sóng thông tin sai lệch và tuyên truyền trong cộng đồng. Một giải pháp thay thế như vậy đã có sẵn, nhưng thật khó để đạt được. Chúng tôi muốn thay đổi điều đó.
Statistics:
Likes: 319, Shares: 60, Comments: 16
Like Reactions: 265, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 2, Love Reactions: 49, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0