Long Tran-Thanh – 2024-06-21 06:26:11
**Thành lập và duy trì nhóm nghiên cứu như thế nào: Góc chia sẻ và thảo luận kinh nghiệm cho các bạn trẻ (Phần 1)**
Vài năm gần đây mình có tham gia cố vấn nhiều bạn mới được phong làm Assistant Profs cách thành lập và quản lý nhóm nghiên cứu của họ, và làm sao duy trì được một sự nghiệp khoa học vững bền. Hôm nay mình xin phép tổng hợp lại một vài kinh nghiệm cho các bạn, mong đóng góp được đôi chút cho cộng đồng VietPhD:
Mình xin chia sẻ thêm là bài này được lấy từ những kinh nghiệm của bản thân mình cũng như của các bạn mình đã giúp, đến từ nhiều nơi trên thế giới, bao gồm những trường top như Oxford, CMU, UPenn, Uchicago, và các trường ở các nước đang phát triển như là Bangladesh, Mexico, Thailand, và Nigeria.
Vì bài viết hơi dài, nên mình xin phép chia thành 2 phần: Phần 1 (bài này) sẽ tập trung vào các điểm chung, và Phần 2 sẽ nhấn mạnh vài kinh nghiệm tiêu biểu cho môi trường đất nước đang phát triển (e.g., Việt Nam). Mình xin nhấn mạnh là bài viết này không đầy đủ, chỉ mang mục đích chia sẻ. Hi vọng nhiều anh chị em trong group VietPhD có nhiều kinh nghiệm sẽ cùng comment và chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm hay.
**************
**Phần 1: 3 điều cần chú ý khi lên chiến lược thành lập nhóm nghiên cứu**
Trong bài này mình sẽ bàn luận 3 mục sau đây: (i) định hình chiến lược nghiên cứu; (ii) chiến lược giảng dạy; và (iii) chiến lược xây dựng mạng lưới mối quan hệ
**1. Chiến lược nghiên cứu – Kế hoạch 5 năm**
Khi các bạn đi xin việc, thì thường hay nghĩ đơn giản là mình sẽ kể mình đã làm được gì, và nêu ra một vài cách mở rộng các hướng đi đấy trong thời gian tới (kiểu như future work trong các bài publications). Nếu bạn may mắn làm đề tài đang hot (và có nhiều điểm mạnh như đến từ trường top + nhiều giải thưởng + thư giới thiệu mạnh vv), thì không sao. Nhưng nếu bạn không được như vậy thì nên làm gì?
Theo mình thì 1 cách hay là hãy biết biến cái kế hoạch nghiên cứu của bạn thành “1 câu truyện” có đầu có đuôi. Câu truyện này có 2 phần: phần Quá Khứ (bạn đã làm được gì), và Tương Lai (bạn muốn làm gì).
Phần Quá Khứ phải nói lên được 2 điều:
– Nó phải đưa ra được bằng chứng là bạn có khả năng nghiên cứu tốt (cái này thường dễ hơn)
– Và nó phải có 1 “cốt truyện phù hợp” để hỗ trợ được phần Lương Lai trong câu chuyện của bạn.
Trong 2 cái này, làm sao để có cốt truyện phù hợp mới khó. Nhất là bạn nào làm nhiều đề tài khác nhau trong lúc làm PhD/postdoc. Nếu bạn chỉ đơn thuần liệt kê những gì bạn đã làm, thì người đọc/người nghe họ sẽ khó hình dung được bạn muốn gì, cái bạn muốn có thực sự quan trọng không vv. Vì vậy, hãy nên tìm 1 điểm chung cho những thứ bạn đã làm, và xây dựng 1 cốt truyện xung quanh nó.
Ví dụ, gần đây mình giúp 1 bạn xin đi việc. Bạn này có CV tốt (PhD ở Princeton, postdoc với Google Research), nhưng vì bạn đó làm nhiều đề tài quá, và thêm cả việc bạn đó viết nhiều bài cùng chồng của bạn đó bên Vật Lý (bạn đó làm bên Computer Science)nên danh sách publications rất là lung tung, nên khó xin được việc. Sau vài lần trao đổi, bọn mình tìm được 1 cốt truyện sau đây: Tất cả những gì bạn đó làm đều liên quan ít nhiều đến Khoa Học Mạng (Network Science), cho dù khi đọc bài của bạn đó chưa chắc đã thấy điều này. Vì vậy mình đã khuyên bạn đó viết lại cái research proposal xung quanh network science (từ lý thuyết đến thực hành).
Ý của mình với ví dụ này là tìm được cốt truyện hay không hề dễ, nhưng đều có thể làm được. Quan trọng là bạn phải đầu tư thời gian và suy nghĩ để tìm ra được nó.
Vậy còn phần Tương Lai thì sao? Nếu như tìm được cốt truyện cho phần Quá Khứ đã khó, thì cái này còn khó hơn: Nó không chỉ đơn thuần là future work, mà chính là cái chiến lược 5 năm mình nói ở trong tiêu đề của mục này. Trong khi phần Quá Khứ là để chứng minh khả năng, thì phần Tương Lai là để thể hiện tầm nhìn và tham vọng của bạn. Vì vậy, nó phải có đủ tham vọng, nhưng cũng phải thực tế. Tức là bức tranh Tương Lai không được quá gần và quá xa phẩn Quá Khứ. Vậy làm sao mà vẽ được bức tranh này?
Để viết được tốt, bạn lại cần phải nhờ đến cái cốt truyện ở phần Quá Khứ (thế mới thấy cái cốt truyện đó quan trọng như thế nào): Dựa trên cái cốt truyện đó, bạn (và cả người đọc và người nghe) sẽ có thể dễ dàng đoán ra được một vài bước đi trong tương lai bạn có thể làm được. Mình gọi cái này là Kế Hoạch Dễ (ví dụ, mở rộng kết quả nghiên cứu sang bài toán/trường hợp tương tự vv.). Ngoài ra, ban nên tìm thêm được vài ý tưởng táo bạo, nằm ngoài dự đoán – gọi là Kế Hoạch Khó (ví dụ, bài toán hoàn toàn mới, khó hơn nhiều, đề tài mới vv).
Vậy tỉ lệ Khó và Dễ nên như thế nào? Để trả lời câu hỏi này, trước tiên bạn có thể xác định 3-4 lĩnh vực nghiên cứu chung chung (Work Package) bạn muốn làm trong vòng 5 năm tới. Sau đó, đi sâu vào chi tiết hơn và xác định tầm 10 mục tiêu cụ thể(Research Objectives), tầm 2-3 mục tiêu/lĩnh vực. Trong số các mục tiêu này, thì tầm 70% nên là là Kế Hoạch Dễ, còn 30% còn lại là là Kế Hoạch Khó (các con số ở đây có thể thay đổi tuỳ bạn). Như thế, bạn có thể thuyết phục người nghe là kế hoạch của bạn vừa là khả thi vừa táo bạo. Và cuối cùng là tại sao 5 năm? Theo kinh nghiệm của mình thì kế hoạch ngắn quá sẽ hoặc không khả thi (nếu phần khó quá nhiều) hoặc không đủ táo bạo.
Một khi bạn đã có cái Kế Hoạch 5 năm này, thì ngoài chuyện đi xin việc, bạn có thể dùng nó như là 1 cái Master Plan để xin funding + thành lập nhóm nghiên cứu. Cái ưu điểm của cái Master Plan này là nó sẽ giúp bạn định hình được:
– Câu truyện nghiên cứu của bạn khớp với chiến lược toàn Khoa/Trường/Quốc Gia như thế nào
– Ai là những nhóm nghiên cứu đồng hành cùng bạn/đối thủ cạnh tranh với bạn
– Sẽ giúp bạn nhiều khi viết phần motivation/set up objectives của proposal cho Fellowships/ERC Grant/NSF Career vv.
– Đi nói chuyện với đối tác từ doanh nghiệp cũng dễ dàng hơn (người nghe dễ hình dung bạn muốn gì từ họ).
**2. Chiến lược giảng dạy – Công cụ để hỗ trợ nghiên cứu**
Giới khoa học hàn lâm thường hay nói đùa là 1 giáo sư đại học là tổng hợp của 3 người: nhà nghiên cứu + giảng viên + giám đốc điều hành công ty 🙂 Thật ra cái này cũng đúng, nhưng nếu làm tốt thì đây không phải 3 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, mà có thể biến chúng thành những công cụ hỗ trợ lẫn nhau. Trong mục này mình chia sẻ vài ý tưởng làm sao có thể lên chiến lược giảng dạy để phục vụ mục đích nghiên cứu lâu dài của các bạn:
Mọi người thường nghĩ rằng có tài chính mạnh thì mới làm khoa học giỏi. Theo mình thì đúng một phần thôi, vì 2 tài nguyên quan trọng nhất trong khoa học (ngoài tài năng cá nhân của bạn) chính là con người (sinh viên) và thời gian. Và nếu bạn biết cách, thì không cần tài chính mạnh bạn vẫn có thể có cả hai:
Một vấn đề thường hay xảy ra với các bạn mới nhận việc (hoặc bạn nào làm việc ở các trường ưu tiên giảng dạy) là phải dạy nhiều môn quá, tham gia nhiều hoạt động công tác quá, ví vậy không có thời gian nghiên cứu. Theo mình thì với 1 chiến lược hiệu quả, bạn có thể khắc phục được vấn đề này.
Ở đây mình xin chia sẻ cách mình đã làm (xin nói đây không phải là cách duy nhất, và cũng không phù hợp với mọi người, nhưng mình thấy nó khá là hiệu quả với mình và những người mình đã giúp):
– Trước hết, mình quyết tâm yêu thích những môn mình phải dạy, cho dù nó không hề liên quan đến sở thích hoặc hướng nghiên cứu của mình, và phải dạy thật hay, để cho sinh viên yêu thích. Ví dụ mấy năm đầu mình phải dạy môn nhập môn là Lập Trình Python, không liên quan đến sở thích hoặc hướng nghiên cứu của mình (mình thích làm Toán hoặc nếu viết code thì C++, max là Java). Vì vậy, sau năm đầu tiên, mình đã sửa lại giáo trình và bắt đầu đưa các bài toán thực tế vào (tất nhiên là sau khi đã làm giảm độ khó để phù hợp với sinh viên năm 1), và thỉnh thoảng đá sang bên AI/ML (hướng nghiên cứu của mình), chỉ cho sinh viên xem mấy phần mình đang dạy nó được áp dụng bên AI như thế nào.
– Biết cách ra đề thi/bài toán khó/bài tập về nhà hay đề thu hút sinh viên có tiềm năng. Cái này mình thấy các bạn Việt Nam làm rất tốt nên chắc không cần bàn nhiều. Quan trọng là với cách này mình sẽ gây được sự chú ý của các bạn sinh viên giỏi.
– Tìm cách mời các bạn sinh viên tham gia nghiên cứu cùng mình. Cái này thì phải làm khéo. Quan trọng là đừng yêu cầu các bạn ấy phải viết bài hoặc ra sản phẩm được ngay. Hãy để cho các bạn ấy học cách làm cho đúng mực trước đã. Coi như mình giúp các bạn ấy hoc thêm kiến thức, chứ không phải bắt các bạn ấy làm cho mình. Bạn cũng có thể hỗ trợ sinh viên thành lập câu lạc bộ. Ví dụ mình đã giúp tạo ra câu lạc bộ AI, hoặc robotics, cho các bạn sinh viên trường mình.
Với cách này, mình đã được trao giải Giảng Viên của Năm nhiều lần, và như vậy, nhiều sinh viên ngoài Khoa cũng đã tìm đến mình để xin thực tập.
Nhưng muốn được như vậy, bạn phải chuẩn bị cho mình một chiến lược, một kế hoạch cụ thể. Bạn phải tìm hiểu:
– Môn bạn dạy có những tiềm năng gì
– Làm sao đề hướng một phần bài giảng cho nó vẫn phù hợp với giáo trình nhưng lại có liên quan đến thứ mình làm
– Làm sao gây được sự chú ý của sinh viên giỏi
– Giữ mối quan hệ tốt với sinh viên vv.
Và nếu bạn làm tốt, thì bạn sẽ có 1 trong 2 tài nguyên cần thiết để thành lập nhóm khoa học của bạn: đó là con người.
**3. Chiến lược xây dựng mạng lưới mối quan hệ – Vì mình, vì sinh viên**
Nếu như bạn là một giáo sư có tiếng, hoặc trường của bạn là top, thì nhiều sinh viên giỏi sẽ xếp hàng xin vào làm việc với bạn, và họ sẽ quyết tâm đồng hành với bạn nhiều năm. Nhưng nếu hoàn cảnh bạn không được như vậy, thì bạn phải có chiến lược giữ chân các bạn sinh viên.
Thứ nhất, lab của bạn cũng phải có 1 “câu truyện” để người ngoài hiểu được bạn muốn gì, lab bạn đang đi vể đâu, và đi như thế nào. Cái này thường là chiến lược nghiên cứu của bạn và một vài thứ nữa. Chiến lược nghiên cứu thì mình đã bàn ở Mục 1, vậy vài thứ kia là gì? Đó chính là: các nguyện vọng của các bạn sinh viên.
Nếu bạn là giáo sư có tiếng/bạn ở trường top, thì nguyện vọng của các bạn sinh viên thường là đơn giản: được làm việc với bạn là đủ. Nhưng nếu bạn không phải vậy, thì bạn phải hiểu mục đích chính của họ là gì, và bạn phải tạo điều kiện cho các bạn ấy đạt được, thì mới giữ được sinh viên.
– Ví dụ, nếu nguyện vọng của sinh viên là xin được PhD với bạn, thì bạn phải có cách đào tạo các bạn ấy và điều phối với đồng nghiệp trong Khoa/Trường để biết được sự khả thi + có suất học bổng cho sinh viên của bạn không.
– Nếu nguyện vọng của sinh viên là xin được thư giới thiệu PhD của bạn để nộp để nộp đi nơi khác thì bạn cũng phải có chuẩn bị tạo ra mạng lưới mối quan hệ tốt.
– Nếu sinh viên muốn có kinh nghiệm ứng dụng để dễ xin việc thì bạn nên mời doanh nghiệp hợp tác để các bạn sinh viên có nhiều cơ hội.
Như vậy, để giữ được sinh viên, bạn phải có mối quan hệ tốt với đồng nghiệp ở trường, mang lưới cộng sự rộng, và làm việc với nhiều doanh nghiệp. Vậy câu hỏi ở đây là làm thế nào để xây dựng một mạng lưới mối quan hệ rộng và hiệu quả. Đáng tiếc là mình không có 1 công thức thành công nào cả để đạt được điều này 100%. Và theo mình Mục này cũng là mục khó nhất trong cả 3.
Mình chỉ có 1 lời khuyên (theo kinh nghiệm bản thân) là bạn phải thật kiên trì, cứ mở rộng mạng lưới mối quan hệ dần dần theo thời gian. Quan trọng là bạn phải có chiến lược nghiên cứu (Mục 1) và giảng dạy (Mục 2) trước. Sau đó dùng 2 thứ đó để đi nói chuyện với đồng nghiệp, doanh nghiệp vv. Lúc đầu chắc bạn sẽ phải làm việc này một mình. Nhưng hãy cố gắng tìm được vài bạn sinh viên hay đồng nghiệp/bạn bè cùng chí hướng, rồi chia việc ra để có thể tiếp cận nhiều đối tượng hơn.
**************
Mình xin dừng Phần 1 ở đây. Những kiến thức và kinh nghiệm này chưa phải là hoàn chỉnh, nhưng mình hi vọng nó có thể gợi ý cho các bạn một vài cách để cải thiện chiến lược xây dựng đội ngũ nghiên cứu của bạn.
Phần 2 mình sẽ chia sẻ thêm làm sao ứng dụng và sửa đổi các ý tưởng trên vào môi trường các nước đang phát triển, nơi mà làm nghiên cứu khoa học còn rất nhiều khó khăn. Cám ơn bạn đã đọc.
(Nếu mình viết sai chính tả phần nào, cho mình xin lỗi. Mình ít khi viết bằng tiếng Việt – mình lớn lên và sống ở nước ngoài tử khi còn rất bé).
Statistics:
Likes: 321, Shares: 119, Comments: 11
Like Reactions: 252, Haha Reactions: 0, Wow Reactions: 0, Love Reactions: 68, Sad Reactions: 0, Angry Reactions: 0